BÌNH THUẬN
ĐẤT THỜI TỤ NGHĨA, BIỂN MẶN TÌNH NGƯỜI

24/08/2022 00:00
1588

ĐÔNG THÙY


Tên gọi Bình Thuận xuất hiện từ năm Đinh Sửu 1697 khi còn thuộc trấn Thuận Thành đặt làm phủ gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa. Địa giới giáp tới huyện Vĩnh Xương, Khánh Hòa. Rồi phủ Bình Thuận cải đặt lại là dinh với 4 đạo Phan Rang, Phan Thiết, Phố Hài, Ma Ly. Thời Gia Long, đổi dinh Bình Thuận làm đơn vị trấn, rồi tiếp đó đổi trấn thành phủ và bỏ đạo Phan Rang. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) mới chính thức cải đổi Bình Thuận từ trấn Thuận Thành thành cấp Tỉnh, có hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, phía tây giáp tỉnh Biên Hòa. Đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), xác lập huyện Tuy Phong thuộc về Bình Thuận…Thế hệ cha ông của tôi là lưu dân từ xứ Quảng miền Trung, neo thuyền cửa sông Phố Hài chọn đất Bình Thuận khai mở đất hoang, lập vạn chài. Đó là những thập niên cuối thế kỷ 19. Nhưng đến đời tôi, vẫn còn ghi “nguyên quán” theo gốc quê cha mẹ mà chẳng hình dung được gì về nơi chốn làng xưa biền biệt.

   Thật lạ với vùng đất Bình Thuận, từ tên gọi theo chữ nghĩa người xưa “Bình hòa Thuận lợi”- (平顺), một hình tượng văn học nối dài tiến trình mối quan hệ giữa người và đất ở đây. Nhưng trong tôi đôi khi vu vơ với câu hỏi, sao có đến chục lần tách nhập, kể cả một thời dưới triều Nguyễn, cấp hành chính trấn, phủ, dinh rồi tỉnh, địa lý xê dịch, có phải vì yếu tố phong thổ, địa hình, xã hội, thể chế?.. Nhưng rồi tôi lại hiểu ra, có lẽ cũng từ đó mới đến được sự kết tinh tinh thần sáng tạo, khả năng biến hóa trước những thử thách của mảnh đất “thiên hình vạn trạng” mà mạnh mẽ, vững vàng trong chiều dài lịch sử. Đặc điểm đất Bình Thuận là đất tụ nghĩa, dù khác biệt vùng miền, các tộc người, tập tục… nhưng đã tạo nên sự hòa hợp, phẩm cách cao đẹp trong đời sống xã hội mang truyền thống của lòng nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp... Tôi nghĩ, ở đây còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc trưng, sự dung hòa của cộng đồng các dân tộc đã làm nên sức sống động nối dài quá khứ đến hiện tại. Đó cũng chính là ý thức, cảm xúc về sự thăng trầm lịch sử, về giá trị bản sắc dân tộc và nguồn cảm hứng từ diện mạo đất và người Bình Thuận ngày nay.

   Tính từ sau ngày thống nhất đất nước - tháng 4/1975, Bình Thuận chỉ là một phần đất của tỉnh Thuận Lâm rộng ra 4 tỉnh bấy giờ, nhưng chỉ 2 tháng lại sáp nhập 2 tỉnh cũ  Ninh Thuận, Bình Thuận thành tỉnh Thuận Hải (Bình Tuy chỉ tồn tại từ 1956 đến cuối 1975). Đến tháng 10/1991, Quốc hội khóa VIII ra quyết nghị chia tách tỉnh Thuận Hải, tái lập 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và từ năm 1992 đi vào hoạt động, nối tiếp chặng đường lịch sử hình thành vùng đất với địa danh Bình Thuận có trên 300 năm.

   Bình Thuận, không những là một địa danh, tên một vùng đất với tâm thức và khát vọng về sự yên bình, thịnh vượng... Trong lịch sử phát triển, góc độ văn hóa nghệ thuật, bất cứ thời kỳ nào cũng là chứng nhân biểu đạt bằng ngôn ngữ của một thời qua bia ký, đình tháp, lễ hội và các hình thức hò vè, văn chương, nghệ thuật… Đó là hồn cốt của lịch sử vùng đất xưa nay được lưu truyền qua những áng văn có giá trị nhân văn, tôn vinh mang màu sắc, hình tượng biểu trưng của một thời. Còn đó, từ các triều nhà Nguyễn để lại nhiều sắc phong, văn bia chữ Hán Nôm ở xứ đàng Trong và đặc biệt tại một số đình làng, di tích ở Bình Thuận được nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ phát hiện. Qua tập khảo cứu “Theo dấu người xưa” (1) về ngôi đình Bình An (Tuy Phong) có câu đối dịch từ chữ Hán: “Núi quanh mây lạnh, nhuần cảnh sắc/ Biển cát sóng trong, gội ơn thần”- Thật ra những mô tả, biểu đạt văn học của thế hệ sau này có khác chăng cũng chỉ là ở phương diện từ ngữ nhưng sẽ không thể nào hơn sự rung động, thổn thức, trầm hùng viết trong thời ấy. Từ năm 1867 sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền tây Nam kỳ, Nguyễn Thông ra tỵ địa ở Bình Thuận, từng làm tới chức Bố chánh tỉnh Bình Thuận (1878) nhưng trong lòng với bao trăn trở về thế sự và những cảm xúc qua thơ văn bằng chữ Hán rất đậm tình. Như bài thơ “Phan Giang dạ bạc” (Đêm đậu thuyền trên sông Phan Thiết) hay “Bài biểu về việc xin khai khẩn đồn điền” (năm Tự Đức thứ 30 (1877)) là một bài sớ dâng vua “doanh điền biểu văn” nhưng không khác gì một “ký sự” đặc sắc về vùng đất tiềm năng phía nam Bình Thuận thuộc hai huyện Đức Linh, Tánh Linh ngày nay (2). Trong tập Địa chí Bình Thuận (do UBND tỉnh chỉ đạo biên soạn và xuất bản năm 2006)- Đây là một công trình văn hóa rất tầm cỡ, có giá trị học thuật của Bình Thuận, mà tôi được biết  -Chương Văn học viết- nghệ thuật sơ lược thời kỳ Phong kiến và Pháp thuộc (1697-1945), nhiều sự kiện văn hóa- trong đó đặc biệt về Văn học Viết đã ghi nhận các tác giả, tác phẩm tiêu biểu còn lưu lại trong kho tàng văn hóa, văn nghệ Bình Thuận về những sáng tạo mang dấu ấn nghệ thuật. Thời kỳ cuối thế kỷ 19, đất nước nhiều biến cố, tổ chức của những sĩ phu yêu nước sáng tác thơ văn hưởng ứng phong trào Duy Tân, thành lập Liên Thành thư quán (1906) và Dục Thanh học hiệu (1907), mục tiêu và xu hướng sáng tác tiếp cận hơn với tình hình xã hội, đất nước.

   Với sản phẩm văn hóa- văn nghệ đến với công chúng của mỗi thời kỳ, tất yếu phụ thuộc khá nhiều vào hoàn cảnh chiến tranh, hiện tình xã hội, nhất là với lĩnh vực nghệ thuật càng gặp nhiều hạn chế hơn. Thời kỳ đầu thế kỷ 20, tác giả Bình Thuận không có mấy người, hầu như là những nhân sĩ, bậc túc nho lánh quê theo làn sóng lưu dân, tỵ địa ở Bình Thuận. Tác phẩm văn học còn lưu giữ không nhiều và một ít về mảng văn học dân gian… Những tên tuổi Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Tây Hồ, Trương Gia Mô, Bùi Quang Diêu, Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh)… Thời kháng chiến, Bình Thuận là mảnh đất đầy đạn bom khốc liệt, nhiều nguồn chi viện nhân lực từ các nơi đến, có người hy sinh nằm lại vĩnh viễn hoặc gắn bó đời mình ở đây. Bình Thuận vẫn là niềm ký ức: “Hôm nay gió lại làm tôi nhớ/ Bình Thuận miền Nam cách núi sông/ Từ lúc tôi đi, non có lở/ Đá mòn, rừng có nhớ thương không?” (tác giả Phan Hạo- cán bộ Nam tiến-1948).

   Sau ngày giải phóng 1975, lực lượng văn nghệ sĩ Bình Thuận được coi vừa là nhân tố vừa là kế thừa truyền thống, diện mạo văn hóa- văn nghệ qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, đánh Mỹ, mang sứ mệnh mới trước con đường sự nghiệp văn học nghệ thuật của thời kỳ sau chiến tranh và xây dựng quê hương. Đến năm 1992, địa danh Bình Thuận từ 300 trước sau nhiều lần tách, nhập và gần nhất từ tên tỉnh Thuận Lâm rồi Thuận Hải (1975- 1992) lại trở về với tên gọi Bình Thuận.

   Nhìn lại 30 năm tái lập, với lực lượng văn nghệ sĩ địa phương từ con số 100 hội viên chính thức của Hội Văn học-nghệ thuật Thuận Hải, sau Đại hội VHNT lần thứ I (1986-1993) chuyển qua Hội VHNT tỉnh Bình Thuận có 85 người và đến nay tăng lên khoảng gần 240 hội viên thuộc 6 chuyên ngành (trong đó có trên 60 hội viên thuộc các hội chuyên ngành trung ương). Có thể coi đây là một thời kỳ khơi dậy nội lực sáng tạo cho văn nghệ sĩ địa phương với những thuận lợi và cảm hứng mới về đất, người Bình Thuận. Sẽ rất khập khiễng nếu mang ra sự so sánh trước và sau, xưa và nay. Ngày nay, có điều kiện bội phần, tác phẩm văn học, thơ ca không chỉ bó hẹp ở phạm vi trà đàm xướng họa, ngâm vịnh mà phải có “bạn đọc” và công chúng…; tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh, tranh tượng thì có không gian triển lãm, trưng bày; ca kịch thì băng hình, sân khấu, người xem. Không xa lắm đâu, để in được một tập thơ, tập truyện hay một CD ca khúc…không mấy dễ, biết bao công đoạn và “tiền” nhưng nay thì khác hơn. Nào giao lưu, đi thực tế, trại sáng tác… mà Hội là bà đỡ, kết nối đã nhen nhóm lên niềm cảm hứng sáng tạo cho hội viên. Trong tập Kỷ yếu 40 năm Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận (1982-2022) đã thể hiện sự tự tin về khả năng, nhận thức của lực lượng văn nghệ sĩ hiện nay và tinh thần kế tục, phát huy…Coi Hội là một tổ chức chuyên nghiệp, là mái nhà chung của những tâm hồn tràn đầy khát vọng sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, phản ánh được sức sinh động, rực rỡ của mảnh đất Bình Thuận có một chiều dài lịch sử rất đỗi tự hào.

------------

(1) –Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh- của Phạm Mạnh Hùng -Nguyễn Đông Triều-2017-trg 35.

(2)-Tập”Nguyễn Thông-con người và tác phẩm”-Nxb.TP/HCM-1984.