“Lá thắm sau mưa”
với những tâm tình đọng lại

18/06/2022 05:50
1412

MINH TRÍ


"Lá thắm sau mưa” là tập thơ thứ năm của nhà thơ - nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022. Tập thơ gồm 40 thi phẩm, trong đó có 6 bài lục bát, 11 bài thơ tự do, cùng những bài thơ ở dạng thức khác.

   40 bài thơ trong thi tập là những rung cảm của nhà thơ về nhiều đề tài khác nhau: Tổ quốc, lãnh tụ (Bác Hồ), nhân vật nổi tiếng (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông), tình cảm gia đình (mẹ, em trai, con trai, vợ…), quê hương, ruộng đồng, tình yêu, tình bạn văn, tình thầy trò, những suy ngẫm về đời người, tình người, cùng những đề tài khác…

   Tổ quốc là một trong những đề tài được nhà thơ Đỗ Quang Vinh sớm quan tâm trong hành trình sáng tác của mình. Ở tập thơ thứ tư của anh, tập “Tóc mây xưa” (Xuất bản năm 2009) anh đã có bài thơ “Tổ quốc”. Nếu “Tổ quốc” ở bài thơ ra đời trước, đó là: “Tổ quốc – thiêng liêng hình chữ S/ Gió đưa tiếng sóng biển Đông về/ Tổ quốc – tình yêu không đoạn kết/ Nhói lòng bao kẻ sống xa quê…”; thì ở lần này, với bài “Tổ quốc ở ngoài khơi”, nhà thơ đã nhìn sâu hơn nữa về tấm lòng yêu nước của nhân dân trước những cuộc xâm lăng của quân thù: “Đâu chỉ có ngợi ca, đâu chỉ có tự hào/ Khi chiếu rọi vào cội nguồn lịch sử/ Mỗi cuộc xâm lăng của quân thù đều trở thành “phép thử”/ Đo tấm lòng yêu nước của nhân dân”.

   Hình tượng Bác Hồ vẫn luôn được nhà thơ hướng đến trong những sáng tác thơ, nhạc của mình. Anh đã từng viết thi phẩm “Bác Hồ ơi! Phan Thiết vẫn đợi Người” (1999), cùng những nhạc phẩm viết về Bác. Niềm kính yêu Bác Hồ trong anh vẫn luôn luôn đong đầy. Đối với Đỗ Quang Vinh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện bằng những việc làm cụ thể của mỗi người hằng ngày. Anh đã viết trong bài thơ “Bác đã về” xuất bản lần này: “Bác đã về/ Trong mỗi việc ta làm/ Nhắc nhở, bảo ban, ân cần, độ lượng…/ Người dạy ta chớ bao giờ lơ đễnh/ “Cán bộ là công bộc của nhân dân…”.

   Ngoài Tổ quốc và lãnh tụ, tập thơ “Lá thắm sau mưa” đã có bài thơ bày tỏ những cảm xúc của nhà thơ trước tài năng và đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Những ngôn từ không đủ để tôn vinh/ Trước sự thật vĩnh hằng, sự thật…/ Ánh sáng chiếu từ ngôi sao vừa tắt/ Đủ xua tan bao phù phiếm hư danh” (Đại tướng giữa lòng dân).

   Nhà thơ Đỗ Quang Vinh dụng công tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông. Anh gởi gắm biết bao tình cảm vào  những ngôn từ trang trọng ở thi phẩm “Trước mộ Nguyễn Thông”. Anh đã nhớ đến người xưa với lòng ngưỡng vọng, nghĩ về những việc mà cụ Nguyễn Thông đã làm, về tấm lòng của ông đối với Bình Thuận, nhớ nhiều những sáng tác của ông. Bài thơ có đoạn: “Việc đời “bãi biển hóa nương dâu”/ Vẫn lấp lánh một tâm hồn khoáng đạt/ Việc quan, thôi đành bất lực…/ Với dân đau đáu một tấc lòng”.

   Đỗ Quang Vinh là một nhà thơ - nhạc sĩ rất giàu tình cảm với gia đình. Trong “Lá thắm sau mưa”, độc giả sẽ tiếp tục đọc được những bài thơ mà ở đó nhà thơ bộc lộ những tình cảm đằm sâu của mình với những người thương yêu: mẹ, em trai, con trai, vợ mình.

   Đã có những giọt nước mắt rơi xuất hiện trong những trang thơ của anh ở “Lá thắm sau mưa”. Những giọt nước mắt ấy, là những tâm tình, cảm xúc của anh trước những hoàn cảnh, với những cung bậc khác nhau: Có giọt nước mắt rơi là nỗi buồn thương khi anh nhớ về người em trai của mình, Đỗ Quang Thiệp, đã qua đời trước đó: “Vạn niềm vui, triệu nỗi buồn/ Nhớ em, nước mắt anh tuôn, nghẹn lời…” (Em đi…).

   Có giọt nước mắt rơi là sự nhớ thương khi xa cách, những giọt nước mắt ấy lung linh hạnh phúc, khi anh viết nhân ngày sinh nhật con trai út, lúc cháu đang du học ở Hàn Quốc: “Thôi thì, cứ rơi đi/ những giọt nước mắt của nhớ thương, xa cách/ giọt nào cũng lung linh hạnh phúc/ giọt nào cũng mang tên “Trường Ca” (Thơ mừng sinh nhật Trường Ca).

   Lại có những giọt nước mắt khác của nhà thơ, khóc thay lời tạ lỗi với mẹ. Nhà thơ đã từng viết rất nhiều bài thơ, biểu lộ những tình cảm của mình với mẹ: “Cây màng màng gặp trong thị xã”, “Đêm mưa ở quê nhà”, “Thôi đừng thổi nữa, gió ơi…”, “Mẹ thăm con”, “Xin được nói thêm về mẹ”,… Và lần này là bài thơ “Dâng lên mẹ”. Với Đỗ Quang Vinh, mẹ đã dẫn dắt anh về lối thẳng ngay, để người con hiếu thảo ấy không đi sai đường, lạc lối. Anh chỉ mong được đáp đền phần nào đó công ơn mẹ. Đây là những dòng thơ thật sự xúc động, anh đã viết về mẹ mình, ngày mẹ anh còn sống, lúc 80 tuổi: “Chỉ mong đền đáp trong muôn một/ Biển sâu thăm thẳm, núi cao dày/ Mạch nguồn vô tận không ngừng chảy/ Dẫn dắt con về lối thẳng ngay”; cùng với: “Đường đời mẹ đã… nơi cuối dốc/ Ngoảnh lại nhìn con, mới bắt đầu/ Mẹ ơi con trẻ xin được khóc/ Thay lời tạ lỗi với Thâm Sâu…”

   Đã có một sự liên tưởng thú vị, anh nghĩ đến cảm giác tái tê, lạnh lẽo khi người yêu thương của mình xa cách. Để rồi, nhà thơ đã cất lên: “Tim anh rét mướt, gió lùa/ Em xa, tất cả bốn mùa là… Đông” (Em xa).

   Đỗ Quang Vinh còn là một nhà thơ thật sự yêu quý hương đồng cỏ nội. Ruộng đồng, hồn quê đã xuất hiện trong thơ anh rất nhiều ở những tập thơ trước, với những bài thơ: “Cánh đồng trước mặt”, “Ở nơi cơn lũ đi qua”, “Em hãy về quê anh”, “Nói thêm về cây lúa”, “Về thăm nhà trong mùa hạn”, “Cuối năm về với quê nghèo”, “Hồn quê”, “Bài thơ gởi xóm Lụa”, “Nhà quê”,…

   Và nay, ở “Lá thắm sau mưa”, anh lại có thi phẩm “Về quê”. Với “Về quê”, có thể nói: tác giả, một hồn thơ yêu ruộng đồng mãi từ những ngày thơ bé cho đến tận bây giờ. Anh đã viết với những cảm nhận mới, ngày càng sâu sắc, tinh tế hơn, lãng mạn, đẹp đẽ hơn về đồng nội quê hương. Anh đã khẳng định với lòng mình:“Tôi đâu phải người tình cờ trở lại/ Tôi quay về nơi xuất phát của hồn tôi.” Những ai đã từng được tận hưởng những cảm giác thật sự thư thái đến từ những làn gió mát tự nhiên, sẽ cảm nhận được những lời thơ: “Ngọn gió ru nôi suốt một thời dai dẳng/ Chiều hôm nay, bình lặng vuốt ve tôi”. Nhà thơ đã viết những dòng giàu hình ảnh, đầy sự phấn chấn, hạnh phúc: “Giữa lòng tôi, lúa ngã gọn vào rồi/ Một cảm giác ngất ngây từ hương đồng cỏ nội”. Thật sự yêu, gắn bó với mảnh đất quê nhà để tác giả thấy như mình khó có thể rời xa: “Lội xuống ruộng ngỡ chạm vào da thịt/ Đất đai mà – sao cũng biết giăng tơ?”.

   Thêm một điều mới so với những tập thơ đã xuất bản trước đây, ở thi tập “Lá thắm sau mưa”, ký ức đã được tác giả nhắc tới rất nhiều lần.

   Có màu xanh của giậu mồng tơi khơi lại ký ức của một thời xa: “Nhưng trời ơi, màu xanh/ Bởi tại cái màu xanh bịn rịn/ Đã thổi bùng ký ức một thời xa.” (Giậu mồng tơi Nguyễn Bính). Có cảm giác của người đi tìm lại tuổi thơ của mình, khi đã ngoài năm mươi tuổi: “Năm mươi tuổi đầu, đi tìm lại tuổi thơ, vách lá rung phập phồng như biết thở” (Về quê).

   Chủ thể trữ tình nhớ về cố nhân như một sự lần tìm trong ký ức: “Mùa xuân đủng đỉnh rừng hoa dại/ Gió ru qua bến bãi sông gần/ Tiếng chim ríu rít chiều xa ngái/ Nỗi nhớ nào hơn nhớ… cố nhân” (Xuân nhớ cố nhân). Ở bài thơ “Đi tìm…”, nhà thơ đã tìm về những điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất của những ngày thơ dại: “Dựa vào ký ức của ngày xanh/Đã chìm khuất dưới bờ tre, gốc rạ/Anh tìm trong mái lá/Dấu vết thiên đường thời lên năm, lên ba…”.

   Thêm một lần,  có những hoài niệm đẹp về một người yêu, với những tình cảm trong sáng, chiếm trọn lòng chàng trai ngày ấy: “Em đã vào ký ức/ Choán lòng anh bao giờ/ Người xưa là có thực/ Tình xưa là… vu vơ” (Người xưa và tình xưa). Cùng đây nữa, một “người ấy” vẫn mãi ở vùng nhớ thương trong tâm tưởng của thi nhân: “Như cuốn phim quay chậm/ Dọc đôi bờ tuổi thơ/ “Người ấy” thành ký ức/ Vẫn đi, về trong mơ” (Người ấy).  

   Cũng có lúc, khi người thương xa cách, thi nhân lại tự vấn mình những nguyên nhân: “Khu vườn nhỏ. Tiếng chim kêu/ Hoa cau rụng trắng những chiều em xa…/ Tìm trong ký ức xa mù /Bao nhiêu hờn trách cầm tù tim anh” (Những chiều em xa). Ở bài “Thầy và trò”, dòng ký ức cũng đã được khơi lại.

   “Lá thắm sau mưa” có đến 11 bài thơ được viết theo thể thơ tự do. Đây cũng là nét khác so với những tập thơ trước của anh. Thể thơ ấy, nhà thơ sử dụng khi viết về Bác Hồ, về những nhân vật nổi tiếng, về người bạn văn vong niên (thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn), về Thầy của mình, về ngày sinh nhật con trai… Ở thể thức ấy, sự diễn đạt trong thơ anh khoáng đạt hơn. Có một số bài thơ, thể thơ 8 chữ, anh cũng đã phá cách để có dòng 9 chữ, và cũng có lúc 10 chữ (Các bài   “Về quê”, “Hương tóc”, “ Tổ quốc ở ngoài khơi”,…). Số bài thơ được viết với thể thơ Lục bát ở tập thơ này cũng không nhiều, chỉ có 6 bài, ít hơn so với những tập thơ trước: “Mưa nhớ”, “Tóc mây xưa”.

   Nhà thơ Đỗ Quang Vinh đã có những chắt lọc, sáng tạo trong sử dụng ngôn từ nghệ thuật ở các thi phẩm trong tập thơ xuất bản lần này.

   Ở “Giậu mồng tơi Nguyễn Bính”, anh đã dùng: “Cái màu xanh bịn rịn”, màu xanh ở đây như lưu luyến, cứ muốn bắt nhìn mãi. Và cả lời thơ:“Gió đón người xa quê trở về trong bịn rịn” (Về quê). Có phải gió cứ muốn người ở lại với quê chăng?  Người con của quê gắn bó với đất thật mật thiết, thân thương. Và đất quê như cũng có tâm hồn, cứ muốn giữ những người con của quê hương trong vòng tay thân thuộc. Tác giả thật sự quý yêu mảnh đất quê nhà, để anh viết: “Đất đai mà – sao cũng biết giăng tơ? (Về quê).  Cùng với cả “Mùa xuân đủng đỉnh rừng hoa dại” (Xuân nhớ cố nhân), có phải chăng mùa xuân của tự nhiên, đất trời không vội tàn?

   Ở bài: “Thơ mừng sinh nhật Trường Ca”, Đỗ Quang Vinh đã viết về những giọt nước mắt của nhớ thương, xa cách. Giọt nước mắt có tên, là một sự diễn đạt rất thơ, đậm tình thương con sâu nặng của nhà thơ. Màu hoa tím, cũng đã từng gây ấn tượng thật mạnh nơi nhà thơ, để anh nhớ về một người trong quá khứ: “Hoa tím quá, khiến lòng anh thảng thốt/ Có thể nào không nhớ một người xưa…” (Thơ hai câu).

   Tập thơ cũng đã có những dòng mang ý tưởng khác về tình yêu: “Chưa bao giờ anh tin/ Tình yêu là có thật” (Ước muốn). Nhà thơ của chúng ta đã từng sáng tác những bài thơ tình, với bao cung bậc yêu thương (như “Dây tơ hồng”, “Tóc mây ngày cũ”, “Chuyện tình”, “Em hãy về quê anh”, “Không đề”, “Tự trách”, “Đà Lạt cầm tay”, “Những bài thơ nhỏ”, “Gánh nước”, …). Vậy mà ở đây, trong tâm tư chủ thể trữ tình vẫn có chút không tin về tình yêu trong đời người, có lẽ khi duyên không thành, người yêu rời xa?

   Tôi đồng cảm với ý kiến của nhà báo Ngọc Tỵ khi anh viết về tập thơ “Lá thắm sau mưa” : “Tác giả đã bước vào “lục thập…” nên chất tự sự, hoài niệm, sự chiêm nghiệm và độ dày trăn trở, lắng sâu hiện lên khá rõ nét trong nhiều bài thơ…”.

   “Lá thắm sau mưa”, tập thơ được xuất bản sau 13 năm so với tập thơ kề trước, là kết quả của một sự chọn lọc kỹ lưỡng của nhà thơ – nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh trong số những sáng tác của mình. Giữa những rung cảm về nhiều điều khác nhau, có lẽ, đằm sâu trong anh là sự thôi thúc được trở về với quê hương, ruộng đồng, với mẹ, với những người thân yêu khác trong gia đình, như tìm về cội nguồn của yêu thương. Sự trở về ấy, để anh tìm sự sẻ chia, chỗ dựa tinh thần, sau những tháng ngày trên trường đời, những chông gai anh gặp phải. Đã có những dòng ký ức đẹp đẽ trong tập thơ lần này của anh, thêm những suy ngẫm của anh về đời người, về thế thái nhân tình. Thơ Đỗ Quang Vinh vẫn đậm những tâm tình hồn hậu, chân chất, mộc mạc, được ẩn chứa dưới những lớp ngôn từ nghệ thuật sinh động, mượt mà. Có khác chăng là, sự diễn đạt khoáng đạt hơn, không quá phụ thuộc vào khuôn thức.