Đôi điều cảm nhận khi đọc tập thơ “Rắc phấn lên trời”

23/08/2022 10:23
1521

MINH TRÍ


   1.

   “Rắc phấn lên trời” là tên tập thơ của nhà thơ Ngô Đình Miên, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2022. Tập thơ gồm 91 bài, trong đó có  25 bài lục bát.

   “Rắc phấn lên trời” bao gồm những thi phẩm viết về những đề tài: tình yêu, tình gia đình, tình bạn, tình yêu thiên nhiên, suy ngẫm về lòng người,  những ngày dịch bệnh, cùng những đề tài khác.

   Điều dễ nhận ra từ thi tập “Rắc phấn lên trời”: rất nhiều bài thơ bộc lộ những suy tư, ngẫm ngợi của tác giả về lòng người, tình người.

   Nhà thơ đã quan sát kỹ những con người với biểu hiện đa dạng, anh nhận ra bề sâu của lòng người. Tác giả thể hiện những điều quan sát tinh tế ấy trong những thi phẩm của mình: “Tâm chân chất thuộc về vĩnh cửu/ Thơn thớt đầu môi chỉ sáng chiều” ( Bài du ca mùa xuân). Cùng đây nữa: “ Gió vẽ mây muôn hình vạn trạng/ Nắng vẽ trời sương hạt long lanh/ Đời vẽ người thay tâm đổi dạng/ Vân vũ ba đào, thân trụ tâm” (Vẽ ).

   Ý thức phản biện trước các vấn đề, hiện tượng của cuộc sống thể hiện khá rõ trong thơ anh. Điều đó, như là một hệ quả tư duy của nhà thơ. Ngô Đình Miên luôn đào sâu, suy nghĩ về mọi vấn đề anh đối diện, trước mọi hiện tượng xã hội, trước những con người anh gặp, trước những mối quan hệ xã hội của anh. Ở bài Nhớ ru võng mềm, tác giả đã viết: “Cuộc đời đâu có tròn vo/ Cọp đi phía trước, rắn bò đàng sau”. Thơ anh cũng đã có những dòng: “ Cuộc đời khoan nhặt, chặt lơi/ Muốn nhanh chậm, muốn lộng khơi cũng tùy” (Chào ông ngoại).

   Ý thức tự do cũng thường trực trong anh. Hình như tác giả không chịu được những sự bó chặt, những khuôn khổ, dù đó là thời trang, luật thơ, hay cả khúc thức trong âm nhạc. Bạn đọc có thể thấy điều ấy trong thi phẩm “Khúc thức”: “Trong đôi giầy thời trang bó chặt/ Em ước ao những bước chân trần”. Và đây nữa: “Những câu thơ niêm luật ghép vần/ Nhốt tình yêu trong chiếc hòm mốc cũ”, cùng với: “ Những nốt nhạc phải bám theo dòng kẻ/ Giai điệu bị cầm tù trong chiếc khóa sol ”.

   Anh không chịu được khi thấy những con người xu nịnh, những người bất nghĩa. Ở bài Đi chợ mai mua cúc, đã có những dòng thơ: “Ta đi tới chợ mai mua Tết/ Thấy có người chọn cây mai thiệt to/ Hỏi thì biết mua mai biếu sếp/ Tốn một khoản lớn tiền bớt một nỗi lo”. Và có cả những lời thơ: “Thiên địa không bất nhân/ Chỉ có người bất nghĩa” (Cuốc đất). Anh nghĩ về những con người, với tâm méo mó: “ Thế gian đầy biến động/ Méo mó tâm con người” (Thôi).

   Tác giả sắc sảo khi nhìn những điều chướng tai gai mắt trong cuộc sống xảy ra hằng ngày. Ở bài Sợi tóc mỏng manh, tác giả đã viết “ Chẳng lẽ ước vừa đui vừa điếc/ Một mình chui rúc dưới hầm sâu/ Để khỏi thấy nghe điều chướng tai gai mắt”. Nhà thơ của chúng ta cũng nhận ra có những con người đã thay đổi trong một xã hội đầy biến động: “Những con nai đã thành tinh hết rồi/ Còn thiên đường thì nào thấy bóng” (Luống thu).

   Đến tình yêu, tác giả cũng có lúc nhận ra rằng: “Ta giả ngộ yêu em – đồng giả ngộ/… / Lỡ yêu nhau, siêu giả ngộ đàng hoàng” (Giả ngộ).

   Tác giả là một người giàu tình yêu thiên nhiên. Anh yêu cây cỏ, đất trời, những dòng sông, con suối, những ngọn núi, cánh đồng…Anh muốn tìm đến nơi yên tĩnh, có lúc chỉ là một mình: “Nỗi buồn đâu có mồ côi/ Trầm mặc núi kết bạn đời cùng ta” (Lên núi). Bài thơ Một mình đã có những dòng: “Hãy để tôi một mình khi tôi chết/ Một mình tôi đi tìm chốn không tên”. Cùng với: “Thôi xả hết lụy phiền/ Leo cây cao nằm ngủ” (Thôi). “Muốn rời đi đâu đó một mình…/ Nơi sẽ đến/ Chỉ có cỏ hiền và bình minh lấp lánh/ Cùng sự rỗng không im ắng tâm hồn” (Đã). Với Tìm, nhà thơ muốn tìm về nơi yên ả, dịu mát: “Lên đồi tìm cỏ lả lơi/ Ra đồng tìm gió thả chơi cánh diều”.

   Anh yêu công việc của một nhà nông: “Chuyện lớn vươn không tới/ Về cuốc đất thênh thang/ Không danh mà được lợi/ Cái thú của hạ nhàn” (Cuốc đất).

   Nhà thơ là một người giàu tình cảm với người thân, với bạn bè.

   Anh đã có những bài thơ viết về mẹ, tình mẹ. Trong bài thơ “Về mẹ”, tác giả đã viết về sự hy sinh lớn lao của mẹ: “Không bao giờ với con Mẹ nghĩ về được mất/ Rút thịt da nuôi con lớn thành người”. Anh đã có những giây phút đớn đau gọi mẹ: “Từ bé tới giờ/ Tôi chỉ biết gọi tên một người/ Trong tột cùng đau đớn:/ Má ơi…” ( Chỉ vậy thôi). Ở bài thơ Đêm nằm nhớ má, tác giả viết về mẹ với niềm thương yêu vô bờ, một sự kính phục, một nỗi nhớ không nguôi, bằng những dòng lục bát: “Bao nhiêu ngon ngọt êm đềm/ Chắt chiu trái chín nhiều thêm trong đời/ Dành cho con hết mười mươi/ Sầu cay má nén thành vui riêng mình/ Dành cho con cõi yên bình/ Bão giông má giữ, bình minh con nhờ”.

   Anh cũng có những bài thơ viết về con gái yêu dấu của mình, và về cháu ngoại. Nhớ ru võng mềm là bài thơ anh viết về con gái, lời giản dị, tràn đầy tình yêu thương con trong anh: “Ước mong đơn giản trong lòng/ Con xinh học giỏi gặp chồng yêu thương/ Dại khôn học chốn đời thường/ Muôn dặm ruổi ba dõi đường con đi”.

   Thêm một bài thơ khác, bài Tiễn con lấy chồng, tác giả đã có những dòng thơ nhắc lại những tháng ngày dần lớn lên trong đời của con gái với niềm yêu thương, cùng niềm tin của anh vào những thành quả sau những nỗ lực học hành, làm việc của con: “Hạt gieo vào giữa cánh đồng/ Nắng sương gian khó trổ bông mùa lành”.

   Với Chào ông ngoại, một bài thơ khác trong thi tập, nhà thơ cũng đã rất vui ngày cháu chào đời: “Một đời ông gội gió sương/ Ngày có cháu, chợt vô thường… ngộ ra”.

   Nhà thơ Ngô Đình Miên rất giàu tình cảm với bạn bè. Đã có những giờ phút anh vui vẻ bên bạn bè qua những chén rượu: “Rượu không phân biệt xứ miền/ Nhìn sâu đáy cốc biết hiền, ngụy, chân” và: “Nợ đời nhiều nỗi ta còn/ Dọn mình cùng bạn huy hoàng… cuộc say!” (Uống rượu).

   Ở thi phẩm Tuổi 70, anh vẫn rất thích việc gặp gỡ bạn bè: “Tuổi tới 70 chưa lụ khụ/ Gặp gỡ anh em vui bù khú/ Một đời lãi được có bao nhiêu/ Trời chưa kêu tan nên phải tụ…”.

   Tác giả sáng tác một vài bài thơ viết về thơ. Với anh, thơ chính là yêu, thơ chính là máu của đời. Dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, thì người làm thơ vẫn tìm về chính mình với những cung bậc cảm xúc khác nhau, tự tình qua thơ, dù tình đời ấm áp hay lạnh lẽo: “Này em, thơ chính là yêu/ Không dưng rạo rực bao chiều đó đây… /Nàng thơ vốn dĩ đa tình/ Người thơ tìm kiếm chính mình đó thôi…” (Thơ là gì).

   Qua những gì nhà thơ trải lòng, bạn đọc không khó để nhận ra: tác giả là một người quý bạn bè và yêu thơ. Anh đã viết những dòng: “Lại thật thà yêu thơ/…Thơ chẳng cần lấp lánh/ Dị ứng với đại ngôn/ …Thơ không cần số lượng/ Nhiều chữ và rởm lời” (Tập bay).

   Nhà thơ tiếp tục ghi lại những cảm xúc trước những điều xảy đến trong cuộc sống hôm nay: Đại dịch Covid – 19. Thi tập “Rắc phấn lên trời” đã có sự hiện diện của 4 bài thơ viết về dịch: “Bài thơ không muốn viết”, “Nắng tươi mùa Covid”, “Ôn dịch” và “Ước mơ thời dịch”. Đã có những hình ảnh của những bệnh nhân nặng đang chống chọi với dịch bệnh trong Bài thơ không muốn viết : “Khu điều trị nhìn từ vòng phong tỏa/ Ngóng tin qua rào chắn giới nghiêm/ Anh muốn khóc mà cạn dòng nước mắt/ Giữa tử sinh em giẫy giụa im lìm”. Nhà thơ đã ghi lại một tình hình: những ngày dài giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh: “Phố chợ giờ vắng ngắt/ Bỏ thành về lại quê/ Thời cách ly cách mặt/ Sáu tháng sầu lê thê” (Nắng tươi mùa Covid). Và rồi, nhà thơ hòa chung nỗi mừng cùng bao người dân, khi dịch bệnh đã tạm được kiểm soát. Anh thể hiện điều ấy trong bài Ước mơ thời dịch: “Chốt đã dỡ/ Các cung đường rộng mở/ Nhanh chân vào thành phố sáng nay…/ Quên khó khăn của một thời phong tỏa… Đã qua rồi. Đừng nhớ nữa. Đã qua…”.

   Cũng có lúc, tác giả nhìn lại chính mình: tuổi đời ngày một cao hơn, song, những sân si vẫn còn: “Mỗi ngày tóc thêm nhiều sợi trắng/ Trong lòng chưa bớt những sân si” (Ngóng).

   2.

   Ngoại trừ những bài thơ lục bát trong “Rắc phấn lên trời”, nhà thơ Ngô Đình Miên đã sáng tác nhiều bài thơ tự do, đưa vào trong thi tập lần này của anh. Có phải chăng, nhà thơ muốn sự cởi mở thực sự cho những ý tưởng, cảm xúc thoát khỏi những khuôn mẫu thể loại có sẵn. Như ở các bài: “Về Phan Thiết”, “Đất nước”, “Bão”, “Buông thả”, “Cà phê sữa”, “Chỉ vậy thôi”, “Đồ khỉ gió”, “Đông chớm”, “Hà Nội và tôi”, “Hòa hợp”, “Không đề Xuân”, “Luống thu”, “Thiên niên cổ thụ”,… . Và cả sự phá cách trong những bài thơ 7 chữ, thơ 8 chữ. Các dòng thơ cũng được kéo ra hoặc co lại một cách rất tự do, dường như để tác giả chuyển tải cho hết, hoặc cho vừa với những ý tưởng mà mình muốn gởi gắm trong thi phẩm. Độc giả có thể thấy điều đó ở các bài thơ: “Tuổi 60”, “Chuyện cũ và em”, “Âm thanh”, “Về mẹ”,” Bài thơ không muốn viết”,” Đi chợ mai mua cúc”,…

   Trong số 91 thi phẩm (bao gồm cả 3 chùm thơ tứ tuyệt) của thi tập “Rắc phấn lên trời”, có 11 thi phẩm là sự xuất hiện lần thứ hai. 11 bài thơ đó, đã được tác giả thay đổi một số từ trong mỗi bài. Những thi phẩm ấy, xuất hiện ở lần này, các câu thơ xuống dòng nối nhau, không tách riêng 4 dòng thơ thành một khổ như lần xuất hiện ở các tập thơ trước, như ở các bài: “Về Phan Thiết”, “Đất nước”, “Âm thanh”, “Về mẹ”, “Bắt đền”,” Dạ thưa”, “Khúc thức”, “Thôi”,… Điều ấy, dường như cũng cùng mạch với cảm xúc, ý thức tự do trong anh.

   3.

   “Rắc phấn lên trời”, tập thơ thứ tư in riêng của nhà thơ Ngô Đình Miên ra mắt độc giả 13 năm sau lần xuất bản của tập thơ kề trước. Tập thơ với những bài thơ giàu chất suy tư của tác giả về cuộc đời, về con người, về tình người. Ý thức tự do thấm đẫm trong thơ anh. Nhà thơ thường xuyên đào sâu suy nghĩ về mọi vấn đề mình quan sát, nắm bắt được từ cuộc sống, ngay cả trong những nội dung anh đã từng được học hành, cả trong luật thơ, cả trong khúc thức âm nhạc. Đây có lẽ chính là điểm rất riêng trong những thi phẩm của nhà thơ ở tập thơ này.

   Là tác giả của những bút ký rất đẹp, nhà thơ Ngô Đình Miên vẫn tiếp tục có những sáng tác mới, ngay cả trong những ngày cả nước, tỉnh ta oằn mình chống dịch Covid – 19. Có phải chăng, trong anh, tình yêu thơ vẫn mãi luôn nồng ấm, chưa bao giờ nhạt phai, như những lời thơ tràn đầy cảm xúc của anh trong “ Rắc phấn lên trời”:  “Em ơi, Thơ – Máu của Đời! Dù ấm lạnh vẫn tìm nơi tự tình”.