Tiểu thuyết SÔNG của NGUYỄN NGỌC TƯ

18/10/2022 00:00
2910

NGUYỄN HỒ NAM


 

Tiểu thuyết SÔNG, 229 trang, NXB Trẻ phát hành năm 2012, tác giả Nguyễn Ngọc Tư, sinh sống tại Cà Mau, được đánh giá là độc đáo, đầy tính thời sự mà cũng giàu chất thơ.

   Bách khoa toàn thư mở (WIKIPEDIA) không hề có sông nào ở Việt Nam mang tên là sông Di. Cũng tìm chẳng thấy đâu địa danh Puvan, có dãy Thượng Sơn, nơi phát nguyên con sông Di huyền thoại, chảy ra biển bằng mười ba cửa lớn nhỏ, tỏa theo hình rẽ quạt.

   DÒNG SÔNG DUY NHẤT CHẢY DỌC THEO ĐẤT NƯỚC

   “Sông Di ra biển bằng mười ba cửa lớn nhỏ, tỏa theo hình rẽ quạt. Sông phát nguyên từ dãy Thượng Sơn, sườn Đông Bắc của Puvan, xuôi về phía Nam. Đây là dòng sông duy nhất chảy dọc theo đất nước, qua nhiều địa hình phức tạp, độ rộng hẹp cũng thay đổi bất ngờ. Trước khi ra biển Tây, nó giao cắt với rất nhiều con sông nổi tiếng khác. Có quãng, sông Di chảy song song với Mê Giang dài gần trăm cây số, hai con sông chỉ cách nhau vạt đồng. Cũng như từng vùng nước, cục đất trên cái quốc gia hình chữ S này, sông Di đã phải chứng kiến nhiều cuộc binh biến loạn lạc.”

   CUỘC DU KHẢO SÔNG DI

   “Chuyến du khảo sông Di cho thấy, ba cây số trước khi sông Di ra biển, sông chỉ là con rạch quanh quanh giữa những cồn cát, đôi bờ là những bãi bần. Có nơi sông Di cũng đang bị những dãy nhà hai bên bờ chồm ra bóp nghẹt, nhưng nó dào dạt theo cách riêng của mình bằng cách luồn sâu vào lòng đất. Chợ Mù Sa nằm ngay cửa sông Di, ở bờ khác, cũng là một cái cồn cát lớn. Hồi xưa sông Di chỉ lấy đi những thứ nhỏ thôi, nên mất gì thì cũng tỉnh bơ. Giờ thì nó dữ tợn, có khi kéo đi cả một căn nhà.

   Ý tưởng đi viết sách về sông Di khi thời vàng son của dòng phim, sách ký sự về các dòng sông đã lắng xuống. Người ta gần như cày nát những dòng sông trong và ngoài nước, cố tìm kiếm thành công như một loạt phim ký sự về sông đã từng làm nên cơn sốt.

   Đi đường sông thì không thấy những cột cây số, những bảng vẽ báo hiệu ranh giới. Nước chảy bất chấp những đường biên. Việc viết một cuốn sách hoàn toàn không giống như làm một bộ phim ký sự. Khi mà người ta lội xuống một con suối lởm khởm đá để chứng tỏ sự nguy hiểm mặc dầu có chiếc cầu gần đó; người ta không đi đường mòn quang quẽ mà trèo lên vách núi, chui vào bụi rậm để có hình ảnh mạo hiểm, người ta từ chối sự sạch sẽ, bôi bẩn lên mặt mũi thuyết phục khán giả rằng chúng tôi đã mất nhiều mồ hôi và nước mắt để làm nên thiên phóng sự truyền hình này.”

   CÓ LẼ NÊN ĐỂ SÔNG DI TỰ KỂ VỀ MÌNH

   “Trước chuyến đi, dù chưa biết cách nào để cuốn sách hấp dẫn, chưa nghĩ ra một bố cục cụ thể nào, người đi đã nghĩ mình sẽ để sông Di kể về nó. Nhưng dòng sông lặng lẽ náu mình như những con sông bình thường khác, với những bờ bãi nhiều cây hoang dại, dây tơ hồng phủ vàng rượm cả một dọc dài, tiếng chim nước kêu một giọng hàng trăm năm.

   Đi mãi vẫn thấy nước chảy và nước chảy. Đến một nơi có cây Bi-ia chín ngọn, cây Bi-ia nổi tiếng này thì tám lần bị sét đánh, mỗi lần như vậy thân nó lại tách làm hai để lộ một cây nhỏ, thân cây chẻ ra như một cánh sen ôm khít một cái thân khác bên trong, cứ vậy bọc thành nhiều lớp. Một cái cây trời đánh không chết bỗng trở thành thần, truyền đi những lời đồn đãi linh thiêng.

   Sông Di xẻn lẻn khi nhập vào sông Rạch Chiếc, như con nhỏ đi xa lầm lỗi trở về. Bên kia là thị xã Xuân Lộc. Đến một nơi có một cái chợ bán khói, người đầu tiên bày khói ra bán là một bà già cháy dở, theo nghĩa đen, vì bị đốt. Hít thứ khói đó là đi vào một chuyến phiêu du với đầy những ảo giác dị thường, có khi thấy mọi thứ xung quanh đẹp quá, đẹp đến muốn chết. Bà già bán khói nói: “sống là một thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ mà không cầm thì áy náy”. Qua chiếc cầu Bằng Kiều là ra khỏi thị trấn Lệ Kiều, qua khỏi cái chợ bán khói thì sông Di ẩn nhẫn đằng sau giữa hai bờ lau sậy.

   Đồng Nàng nằm ở chỗ sông Di bị sông Lạc cắt xéo qua như hai nét tạo thành chữ X. Bên nước đục, bên nước đỏ. Người ta vẫn thấy hai màu sông đang chảy mon men từ ngàn năm nay như hai người cùng đi mãi mà không gặp được nhau. Chỗ ranh giới của hai làn nước có một loại ốc được ghi trong Di lưu ký, đó là ốc Bụt Đồng Nàng, dành để tiến Vua, bây giờ khó mà kiếm được. Ốc đắt như vàng, đắt vì huyền thoại, món gì bị săn lùng đều trở nên đắt đỏ. Đêm ở Băng Khâu mịt mù sương như bị gói trong một dải voan trắng. Nước sông Di vẫn lạnh buốt khi chảy qua đây”.

   SÔNG LÀ CHỨNG NHÂN NHỮNG CUỘC ĐỜI VÀ THỜI CUỘC

   “Cây cỏ ở Trung Sơn đang mùa thay lá, sông Di cũng giấu mặt dưới lá, không còn uốn lượn giữa những dãy đồi sa thạch níu lấy nhau, men theo những thung lũng hẹp. Sông sâu và rộng lòng hơn, nước xanh ngằn ngặt có thể phân biệt thượng và hạ nguồn bằng bãi sông. Khi chảy qua Trung Sơn, bãi sông đã xuất hiện cát vàng thay vì bùn. Dưới ánh mặt trời, dần dần rõ nét chợ Thương nhưng dãy nhà chồ ở vàm sông mất rồi, mọc chình ình cái Trung tâm Thương mại. Nơi đây là Di Ổ, nơi từng có hai dòng họ nổi tiếng không chỉ bởi giàu có mà hai họ Nguyễn và Trương luôn làm quan lớn trong triều đình từ đời này qua đời khác. Nơi đây có Hội Tắm Lu diễn ra vào rằm tháng hai những năm chẵn. Người ta đặt hàng trăm cái lu dưới vườn phượng trắng, đổ nước sông Di vào lưng lửng lu, rồi từng đôi người trèo vào tắm rửa kỳ cọ cho nhau. Họ là những người yêu nhau mà không được lấy nhau.

   Mũi tàu chẻ dòng lá rời khỏi Trung Sơn, rúc lên mấy hồi còi ướt thướt. Suốt thời gian trên tàu cho đến khi ghé My Lăng ăn cơm là chỉ nghe tiếng máy tàu xình xịch. Quán có món không giống ai, trứng đánh lên trộn nhiều hành tiêu vào đem chưng cách thủy. Quán có những hũ rượu màu vàng sóng sánh như nắng, rượu cất từ nước sông Di, hương vị đặc biệt không đâu có; rượu chỉ nấu được vào mùa thu, mùa lá rụng dày đặc sông, lá vừa trôi vừa rã ra ngấm vào nước, cho ra những mẻ rượu thảo mộc lạ lùng. Nhưng ngon mấy cũng đừng uống quá ba chén, người ta nói uống quá ba chén sẽ tuyệt tình. Tàu Trấn Biên rúc còi đi, sông chảy xiên xiên về hướng Tây Bắc, núi hai bên bờ ngày càng cao, dựng đứng như đang làm hàng rào vây, núi khóa phía sau, núi sững trước mặt, tàu như bị trôi giữa đá, lâu lâu nghe tiếng chim hớt hải rớt một vài tiếng kêu lẻ.

   Sông Di băm bổ cuốn lá đến biên giới rồi ngập ngừng quay lại hướng Đông, bằng một đường cong ngoa ngoắt. Âm thanh nước đập vào vách đá nghe hồ hởi. Sông Di tách Trấn Biên ra một rẻo, hàng trăm năm chưa có cây cầu nào kiên cố được bắt qua hai dãy núi. Nơi đây có một làng nhỏ chừng mười lăm nóc nhà, hai mươi hai cư dân, phần đông là nam giới. Làng có tên là Ể Uu (tại sao cạnh chữ U lại có một chữ u, không ai biết), hiện chỉ còn một người đàn ông và đứa con gái duy nhất, chiến tranh mang đi tất cả những đứa con khác cùng mười hai người vợ.

   Trên đất người Đào, những vụn nắng vàng cốm nằm lịm trên thảm lá trong rừng tinh linh dằng dặc cả hàng chục cây số vuông, chỉ thấy màu đỏ chiếc váy của cô bé dân tộc Đào di chuyển như ngọn lửa biết đi. Ở vùng cao nguyên Thượng Sơn rộng lớn dễ nhận ra người Đào, họ có “con mắt thứ ba” trên trán: sau một tuần trăng kể từ khi chào đời, đứa trẻ phải chịu que củi xoi cháy xèo xèo trên trán, họ tin rằng con mắt thứ ba sẽ làm cho đứa trẻ khôn ngoan và dũng mãnh hơn. Nhưng không cứu họ khỏi diệt vong. Tất cả những gì của người Đào đều bị mua hết, người ta bán tất cả kể cả con người.

   Người dân hai bờ sông thuộc phủ Ngự Tường ghét chữ Ngự vì nghĩ nó mang rủi ro đến, do quân nổi loạn ra lệnh đốt sạch làng Ô Rô vì đã tiếp đãi Vua một bữa cơm nghèo. Sau khi Vua dẹp xong quân phiến loạn, quay về, lại ra lệnh quét sạch hai làng Năn và Mực vì đã từ chối cưu mang ông những ngày chạy nạn. Năm nào người dân hai bờ sông Di thuộc phủ Ngự Tường ngày trước cũng bịt tang, đổ phẩm nhuộm ra sông để tưởng nhớ những mùa oan khuất.”

   SÔNG Ở ĐÂU THÌ LÀNG Ở ĐÓ, CON NGƯỜI GẮN BÓ VỚI SÔNG

   “Chuyến du khảo sông Di có lẽ chưa kết thúc ở Túi, nơi đoạn sông Di rộng nhất và ly kỳ nhất vì khi chảy đến thị trấn Mù Khơi nó ôm cua qua một cái cù lao nhỏ và vòng trở lại thản nhiên cắt ngang chính mình. Thêm năm cây số nữa về phía Nam lòng sông bỗng mở rộng dị thường, nó phình to suốt mười tám cây số trước khi lại gầy như từ Đồng Năng xuôi đến đây. Bao giờ mới hết sông Di?.

   Ở bảo tàng sông nước miền Hạ có một chiếc thuyền táng (người và vật dụng chôn theo trên thuyền, thuyền chìm ở đâu thì táng ở đó). Người ta tìm thấy nó trong lớp đất đá cách Túi mười hai cây số: ngày xưa Túi đã từng rộng gấp đôi bây giờ. Dân ở Túi, cả trên bờ và dưới nước quanh năm sống bằng nghề hạ bạc, đói lắm. Sách cổ viết rằng khoảng ba trăm năm trước, ở đây vẫn duy trì một tục lệ: những người bị tình nghi là trộm cướp, gian dâm, tư thông với giặc… đều bị đưa ra thả giữa rốn Túi, họ phải tự bơi vào bờ, ai còn sống sót mặc nhiên là vô tội. Đã không có kẻ nào trong bọn nữ nhi vô tội, đơn giản là họ không đủ sức bơi vào bờ. Số phận con người ta cũng có khi do mấy thứ buâng quơ định đoạt.

   Cư dân ở đây xiêu lạc từ khắp nơi về, ken thuyền làm nên những cái làng trôi nổi. Nước lên làng lên, nước rút làng tụt xuống. Nửa năm ở bờ Tây, nửa năm tránh sóng gió mạn Đông. Không đất, không tiền, không chữ, không điện, không luật pháp, không biết đi về đâu, không biết chôn ở đâu.

   Thuyền đi sang một cái làng nổi khác rồi quay mũi thuyền ra khơi, bốn phía bờ đã thực sự mờ mịt.”

   Trong tiểu thuyết SÔNG, tác giả Nguyễn Ngọc Tư xây dựng một tuyến nhân vật chủ thể như Bối, Xu, Tú và những nhân vật liên quan cùng những sự kiện thú vị đầy rẫy cung bậc cảm xúc diễn ra suốt cuộc hành trình du khảo. Bài viết này, chỉ là tóm lược những điều độc đáo, thơ mộng suốt chuyến du khảo sông DI, con sông không có thực chạy dọc dài đất nước. Dù cho đây đó là những làng quê không có thực, những địa danh không có thực, những tộc người không có thực, những tập tục chưa biết đã có hay không có…Tất cả đều tươi đẹp và kỳ diệu như con sông DI huyền hoặc từ thượng nguồn cho đến lúc ra đến biển khơi. Tất cả đều gợi nên những hình ảnh thiện tâm về tình người và cảnh sắc tuyệt vời của đất nước dưới ngòi bút của nhà văn ở Đất Mũi.