“Sa mạc một  lần mưa” – Lòng quê trĩu nặng chữ “tình”…
(Đọc Sa mạc một lần mưa, tập truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

15/10/2022 00:06
713

TRÚC PHAN


Dọc theo bờ biển cong cong uốn mình là thành phố Phan Thiết bé xinh. Tiếng là thành phố chứ chạy xe một vòng đã hết vèo. Tuy vậy cái thành phố bé nhỏ này rất giỏi níu chân người. Đến một lần khi về ắt hẳn muốn quay lại lần hai. Còn những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này thì khỏi phải nói, cái tình quê hương nó da diết dữ lắm, đi xa cỡ nào rồi cũng tìm cách trở về.

   Không tin thì cứ thử đọc “Sa mạc một lần mưa” của nhà văn Đặng Ngọc Hùng khắc rõ. 15 câu chuyện be bé xinh xinh, biết bao số phận chìm nổi hiện ra. Họ có thể khác nhau tuổi tác, tên gọi, hoàn cảnh gia đình chứ đều tha thiết cái tình với quê hương.

 

   Một anh thanh niên (Thắng) làm nghề hướng dẫn viên du lịch đã định bỏ nghề chỉ vì không thể trả lời được câu hỏi của khách về “những cái nhất của Bình Thuận”. Mất ăn, mất ngủ vì “chưa hết mình với quê hương”. Sau cùng quyết định sẽ trở lại nghề chỉ vì muốn giới thiệu, quảng bá văn hóa miệt đất này với khách du lịch phương xa.

 

   Có nhiều nhân vật trong “Sa mạc một lần mưa” dù đã định cư ở nước ngoài vẫn đau đáu nhớ quê, mong được trở về quê sống.  “Vợ chồng mình nhất định sẽ về định cư ở Phan Thiết, Sinh nói với Chí như vậy lúc tạm biệt”. Cuộc gặp gỡ của những người bạn thời hoa niên nơi đất khách, cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp thời áo trắng sân trường trong “Áo thủy tinh” đã khắc họa đầy đủ tình yêu da diết với ngôi trường Phan Bội Châu – ngôi trường có lịch sử lâu đời nhất ở Phan Thiết. Không chỉ ngôi trường, từng con đường, cảnh vật của thành phố biển dần dần hiện ra rõ nét qua cuộc trò chuyện. Phải là người yêu xứ Phan tha thiết mới viết được những câu văn đầy cảm xúc như vầy “con hẻm cát pha sỏi, mấy ngôi nhà ngói xưa, luồng nắng sáng soi chiếu những hạt bụi siêu thời gian. Sau con hẻm vài trăm bước chân là hạ lưu một con sông…Nắng, xứ chị nắng lắm. Nắng tươi rói. Nắng đầu ngày reo đến xao xuyến”. Có lẽ bởi yêu da diết cái xứ sở của nắng nên những nhân vật trong “Áo thủy tinh” chỉ ước mơ cuối đời “về ngồi nhìn nắng xứ Phan nhảy bên cửa sổ lá lách ngôi từ đường cho thỏa những năm còn lại”.

 

   Cũng là tình yêu mảnh đất ven biển nhưng tình yêu của nhân vật “nó” trong truyện ngắn “Linh quyển của đất” rất khác biệt. Đang là sinh viên trường y, bỏ học trở về quê chỉ vì nơi đó là “nơi sa thạch rạn vỡ. Ở đó có tiếng rền rầm của cát”. Nó ngộ ra thứ mà nó cần tìm không phải là cái bằng bác sĩ danh giá mà là “cái mỏ neo”, báu vật vô giá của ông nội. Chiếc mỏ neo là hình ảnh tượng trưng cho nguồn gốc, khởi nguyên của làng. “Đất nào cũng có bản nguyên…bản nguyên của đất làm nên linh quyển. Linh quyển của con người”.

 

   Cái tình quê hương còn thể hiện ở điểm, rất nhiều truyện ngắn trong tập truyện tác giả đều lấy bối cảnh ở Phan Thiết. Từ những hình ảnh đặc trưng: đồi Bà Nài, bờ biển, sa mạc cát, hàng dương, cho tới những địa danh cụ thể: Phan Thiết, Mương Mán, Thuận Hải, Sa Ra, Triền,… Có những truyện tác giả đặt tên địa danh “chệch” đi (Phan Thanh/Phan Thơ) nhưng những hình ảnh đặc trưng chỉ vùng đất này mới có (thanh long, đồi cát, bờ biển, hàng dương, …) thì chỉ rõ đó đích thị là xứ Phan Thiết quê mình.

 

   Ngoài cái tình quê hương tha thiết, tập sách còn ám ảnh người đọc bởi hầu như truyện ngắn nào cũng đều đề cập đến chiến tranh, cả thời chiến và thời hậu chiến.

 

   Chiến tranh bao giờ cũng gây ra những vết thương, âm ỉ, âm ỉ qua tháng năm chẳng thể nào lành hẳn. Rất nhiều bi kịch được kể. Đó là anh thương binh chân đi khập khiễng, vết sẹo cháy xém, rời cuộc chiến trở về như một quái nhân, bị người đời xa lánh, khinh khi (Ngoại ô vườn nắng). Là người thanh niên bị bắt lính bỏ lại cha già và vợ mới cưới, khi trở về mới hay cha lấy vợ sinh ra một đứa con, đau đớn quá định chết thì vô tình bị bắt đi vượt biên, bao nhiêu năm sau trở về quê đúng ngày cha mất (Tháng chạp của đêm). Một người lính Pháp rời cuộc chiến với ám ảnh không nguôi, ân hận vì mình đã nổ súng bắn chết ân nhân cứu mạng là người lính cộng sản ở bên kia chiến tuyến (Có một nhiệt đới buồn). Một ông già trong cơn thập tử nhất sinh luôn nhớ về những năm tháng còn làm du kích, bị đồng đội bỏ lại vì bệnh nên không được theo tập kết ra Bắc, sau khi khỏi bệnh chờ hoài không thấy được giao nhiệm vụ mới, cuối cùng bị bắt lính cộng hòa (Ngoài cõi u lạc).

 

   Có những truyện chiến tranh được nhắc tới chỉ qua vài chi tiết rất nhỏ nhưng vẫn hiện rõ sự tàn khốc của nó. Một thầy giáo hết lòng vì học sinh, giấu giếm học sinh trốn quân dịch cuối cùng cũng không thể trụ được với nghề phải bỏ việc (Lên Hắc Mã sơn). Một chuyện tình đẹp bị dang dở vì người bị bắt lính, người theo gia đình di cư sau giải phóng (Áo thủy tinh). Một gia đình mang trong mình vết thương chiến tranh: bà ngoại luôn nhớ về đứa con trai đầu lòng tử trận, quyết ở lại quê không chịu di cư khiến cậu 3 và mẹ luôn trách móc vì cản giấc mộng đổi đời của họ (Phía bên kia núi).

 

   Còn rất nhiều bi kịch cuộc đời được tác giả khắc họa sống động bằng một giọng văn suy tư triết lý pha lẫn trữ tình hiện đại. Mười lăm truyện ngắn tuy không dài nhưng thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật của tác giả. Đó là việc sử dụng nhiều từ ngữ chuyên ngành, tiếng anh và phương ngữ (hí hóp, bà lai tai, …). Điểm đáng chú ý trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Đặng Ngọc Hùng chính là việc anh cố gắng làm mới cách kể, sử dụng nhiều ngôi kể, để cho nhiều nhân vật thay phiên kể chuyện. Điều này có thể gây khó đọc cho độc giả, có những truyện phải đọc hơn hai lần mới hiểu hết được câu chuyện (Lên Hắc Mã Sơn, Tháng chạp của đêm, Thể phách, Linh quyển của đất,…)

 

   Một điểm nổi bật nữa trong phong cách nghệ thuật của tác giả đó chính là việc sử dụng bút pháp huyền ảo. Rất nhiều chi tiết kỳ ảo được tạo ra: một bán nhân nửa người nửa khỉ, bán nhân bốc cháy trở thành cỗ pháo hoa thắp sáng cả thành phố trong đêm, xua tan bóng tối (Bắn vào bóng tối); chiếc mâm đồng “nảy cành cạch”, “xé kính bay ra chém ngang mặt chủ nhà”, “cái mâm bỗng xoay tròn rồi bay lên trời cùng cuốn địa chí. Đất trời đang tối sầm vì nhật thực bỗng sáng lòa. Sau đó cầu vồng bảy sắc xuất hiện ba ngày liền” (Thể phách); ... Bằng việc sử dụng nhiều chi tiết kỳ ảo, tác giả đã đẩy nhân vật lên thành những biểu tượng đa nghĩa. Cỗ pháo hoa người kỳ lạ tượng trưng cho việc đốt cháy hết những bi thương, chia rẽ do cuộc chiến tranh mang lại, đem về ánh sáng hạnh phúc cho thành phố biển. Chiếc mâm đồng kỳ lạ tượng trưng cho tinh thần bất khuất, khí độ kiêu dũng của người lãnh tụ nghĩa quân Cao Hành.

 

   Gấp tập sách lại, lòng rộ lên những cảm xúc chen lẫn vào nhau: bi thương có, tha thiết ân tình quê hương có, ám ảnh với những số phận nhân vật,… Niềm hạnh phúc của một người viết còn gì hơn là để lại dư vị trong lòng độc giả. Đó đã là một thành công đáng tự hào.