Cả thế giới trong một hồn thơ đẹp

01/12/2022 00:00
792

NGUYỄN THỊ MINH HÀ


Cả thế giới trong một hồn thơ đẹp. Hồn thơ đẹp ấy là Nguyễn Thị Liên Tâm! Tập thơ thứ 8 của nữ sĩ có tựa đề Gót sen đủng đỉnh… tròn chẵn 100 bài lục bát. Phần đầu tập thơ, tác giả gọi tên là “Có một tình yêu như đóa sen ngời”, bởi có lẽ, tâm hồn nữ sĩ luôn gắn bó với cảnh vật thiên nhiên và xem đó là đối tượng thẩm mỹ chính của thơ mình.

   Thiên nhiên ấy là cả một thế giới biểu hiện, từ mơ thực cõi sen, đến trăng xuôi thuyền mộc; từ bến nước Cà Ty đến cõi rừng chiều giăng, và cả khắp đất trời, sông suối, núi non… nơi nào cũng mơ tiên, thoát tục, bồi hồi:

   Cõi sen ai đến ai đi?/ Thương ai lạc lối, xuân thì hư hao! Đêm xanh, rớt giọt mưa mau /Thắp trăng vườn mộng, thôi nào, hỡi tôi! (Cõi sen)

   Thiên nhiên ấy vừa bình thường, quen thuộc; vừa sâu sắc lạ kỳ. Quen thuộc bởi vẫn là sen, là xuân, là trăng đấy… nhưng sâu sắc là bởi câu thơ mang nỗi niềm, thảng thốt trước cõi sen, cõi đời… biểu hiện một tình yêu cao khiết với cuộc sống, sáng trong như đóa sen ngời.

   Nhà thơ nữ duyên dáng đã dựa vào thiên nhiên để làm đẹp tâm hồn mình, và bộc lộ một khả năng rung cảm tuyệt vời trước cái đẹp của sự sống. Đó cũng là hạnh phúc tự thân trong cách ngắm thiên nhiên, hòa mình cùng thiên nhiên, lấy thiên nhiên để nói chuyện mình, nói chuyện đời: Trăng ngà ngọc. Trăng hẹn thề/ Trăng xuôi dòng biếc. Trăng về cõi mơ/ Trăng miền thơ. Trăng dại khờ/ Trăng xuôi thuyền mộc. Trăng chờ đợi ai? (Khỏa trăng tay chạm nguyệt nằm)

   Nhìn vầng trăng quen thuộc của muôn đời, nhưng thi sĩ lại tinh tế phát hiện ra vẻ đẹp bản thể phồn thực ngọc ngà, tươi trẻ, thơ ngây, và cả nét dại khờ trong miền thơ thề hẹn... Kết cấu trùng điệp của các câu thơ vẽ nên hình tượng đẹp của trăng trong sự trưởng thành, tròn đầy tươi trẻ... Và việc cảm nhận hay thưởng thức vẻ đẹp ấy cũng là một hạnh phúc ở đời của nhà thơ.

   Trong quần thể tự nhiên sống động ngập tràn màu sắc, tần số hiển thị “sen” dày đặc trong tập thơ khiến người đọc có cảm giác vì yêu đời, yêu mình, yêu đấng sinh thành, yêu cuộc sống, nhà thơ đã lấy chính loài hoa mang tên mình để làm đề tài chủ đạo trong tập thơ. Ấy là gót sen đủng đỉnh, là cõi sen tang bồng, là bóng sen mờ tỏ, là gương sen lẫy hạt, là lá sen thong dong... Và có khi thi sĩ hòa mình cùng sen làm một sinh thể:

   Bóng sen lẫn vào bóng tôi/ Bóng tôi lẫn quất trên đồi cát trăng/ Đợi Người. Xúng xính áo khăn/ Chèo thuyền. Ta lại, tình bằng rong chơi. (Chèo thuyền rong chơi Bạch Hồ)

   Quả là Nguyễn Thị Liên Tâm rất tinh tế và đa cảm khi thấy được sự giao hòa của “bóng sen”, “bóng tôi” trong đất trời trăng cát... Mỗi sự đổi thay lẫn quất của bóng, hay sự hiện diện của “xúng xính áo khăn”, hay là sự chuyển động chèo thuyền giữa không gian rong chơi, cũng khiến tâm hồn nhạy cảm của người thơ quan sát, phát hiện và cảm nhận.

   Hình tượng sen hiện lên như là một ký hiệu nghệ thuật, sen trở thành sinh mệnh thứ hai chuyển tải cảm xúc và trí tuệ của thi sĩ. Trên những đồng sen, cõi sen, nhân vật trữ tình xuất hiện duyên dáng thanh thoát, gợi lên hình ảnh cô gái xinh đẹp với đôi bàn tay “búp sen”, người với sen hòa làm một, cùng hiện vẻ đẹp thiếu nữ, trẻ trung và đắm say:

   Tay Sen chạm búp sen khô/ Ngân nga câu hát giữa hồ Tịnh Tâm/ Nụ cười đuôi mắt lá răm/ Trăng khuya vẽ một nét rằm, này sen! (Tay sen chạm búp sen khô)

   Sen là chính thi sĩ với từng cung bậc cảm xúc ở đời: “Tay Sen chạm những bồi hồi/ Lá sen gói những phai phôi cuối mùa/ Hạt sen ai bán ai mua/ Dường như có tiếng cợt đùa thời gian…” Sen lẫn quất khắp nơi, chiếm trọn không gian và xuyên suốt thời gian. Sen có số phận, nên mang kí ức, và là nhân chứng của cuộc đời, của thời gian. Dường như hình ảnh sen đã “ám” vào đời thơ nữ sĩ như một định mệnh, như một phán quyết của cha mẹ từ lúc đặt tên cho con gái. Nữ sĩ đã sinh ra giữa sen thơm ngát, đắm say, và như một cọng sen ngoan, sống có ích cho cuộc đời này.

   Đọc những bài thơ sen của nữ sĩ, ta có thể hình dung nàng cũng là một bông sen trong vườn mộng, có khi là lá sen xanh bao dung bọc “dải yếm ta - mình”, “gói những phôi pha cuối mùa”, có khi chấp nhận làm bông “sen nở muộn mằn” vì chiều người, yêu người, cho lòng người vui mà chấp nhận thiệt thòi: “Tôi thương tôi quá. Tội tình./ Mở ra. Rồi lại buộc mình vào trong” (Điệu thức tình yêu)

   Đọc thơ nữ sĩ, đời sống tinh thần của ta như phong phú thêm. Ta được chìm đắm trong một thế giới hằng hà sa số cảm xúc, hằng hà rung động thẩm mỹ từ. Ta như được sống trong những cảm xúc thánh thiện, thanh khiết, không chỉ về tình yêu tình yêu thiên nhiên, mà còn có tình yêu nam nữ.

   “Mộc miên thắm đỏ môi người” là một bài thơ thật hay trong tập viết về tình yêu. Ẩn dụ hoa mộc miên thắm đỏ, rực rỡ gợi liên tưởng vẻ đẹp xuân thì của cô gái đến tuổi yêu đương: “quạt nồng”, “yếm thắm”, “tay thơm trổ nhánh, mở toang cổng làng”. Cô gái bước vào đường yêu vội vàng, không toan tính, mặc sự thường tình chảy trôi của thời gian, mặc sự tàn phá của cuộc sống thường nhật: Sân đình tấu khúc song lang/ Vải thưa đính vội hai hàng cúc khuy/ Em đành khép bóng nhu mì/ Yếm ngoan đã rớt, xuân thì đã phai…

   Lời thơ biểu hiện một chút sex nhưng rất ý nhị, kín đáo, ẩn chứa một thông điệp thương xót trước một mộc miên từng xinh đẹp lộng lẫy “thắm đỏ môi ai”, mà giờ tàn phai, rơi rụng… Ôi sao cảm thương! như nghe rõ tiếng “thở dài ngõ sâu” trong đêm khuya trăng vắng. Thảng thốt trước cái đẹp rơi rụng úa tàn cũng là thảng thốt trước sự trôi đi vô tình của thời gian. Nuối tiếc cái đẹp cũng là lời gợi ý cần trau dồi tri thức, phẩm chất, năng lực bên cạnh cái trẻ trung đẹp đẽ, để bảo toàn và kéo dài cái đẹp đích thực.

   Mảng thơ tình yêu của Nguyễn Thị Liên Tâm vừa dạt dào, lại ý nhị. Mỗi bài có một ý, một tứ khác nhau nhưng đều có mẫu số chung đó là sự hướng thiện về một lối sống chân thực và trân trọng tình yêu – một biểu hiện cao nhất của cái đẹp:

   “Bùa yêu ngược gió. Đọa đày/ Đắng đôi mắt đỏ. Ngật ngây núi tình”, vừa khoáng đạt lại kín đáo “Sẫm hoàng hôn. Sớm bình minh/ Trèo lên đỉnh dốc. Giật mình. Yếm rơi…”, vừa mang tinh thần khai phóng, lại đậm đà yêu thương: “Phong phanh xiêm áo giữa trời/ Ai xui nhật nguyệt… rối bời nhân gian” (Điệu thức tình yêu)

   Con mắt thi sĩ như nhìn rõ từng kiếp người, từng số phận: Sợi nào lùa gió bên sông/ Sợi nào mắc nợ cành hồng phù du?/ Sợi nào tấu khúc mưa thu?/ Sợi nào bay giữa sương mù hồn nhiên? (Tóc mây ai thả cho xanh giấc nồng)

   Xuyên suốt tập thơ, người đọc thấy cốt lõi của quan niệm thẩm mĩ vẫn là về cái đẹp. Sen đẹp, trăng đẹp, tình yêu đẹp… Đó là cốt cách căn cơ của nhân văn. Thi sĩ nhân văn sẽ nói về cái đẹp, về tình yêu và cuộc sống đẹp. Nguyễn Thị Liên Tâm cũng thế, nhà thơ nói tình yêu qua nhiều góc độ, không chỉ tình yêu nam nữ, mà cả tình yêu với mẹ cha.

   Phần sau của tập thơ, nữ sĩ gọi tên là “Có một tình yêu như trời như biển”.

   Với mẹ, chị luôn dành một tình cảm đặc biệt, các bài thơ về mẹ thật xuất sắc, như bài “Cọng sen ơn mẹ”, “Ngày mẹ trần gian”… đặc biệt là “Mẹ già như hạt cau khô” đằm thắm, trữ tình, mang bao tình yêu thương, lòng biết ơn mẹ của người con hiếu thảo, nhân hậu. Bài thơ thật nhẹ nhàng mà thấm sâu:

   Mẹ già như hạt cau khô;
   Quắt queo cũng mặc, biển hồ nuôi con.
   Dẫu đi năm núi, mười non.
   Suốt đời ơn Mẹ, vuông tròn lời ru.

   Và chừng nào con người còn giàu lòng yêu thương, cảm xúc còn nặng lòng với gia đình người thân… thì sẽ tìm thấy trong những trang viết của nữ sĩ sự đồng cảm, niềm an ủi con người… trong tình yêu với các đấng sinh thành.

   Tình yêu dành cho Cha kính yêu cũng được ngòi bút của nhà thơ biểu đạt một cách nhẹ nhàng thanh thoát mà sâu nặng:

   Đưa cha về với ruộng đồng/ Nỗi đau đứt ruột cành cong gãy rồi/ Biết là cõi tạm thế thôi/ Mà sao ly biệt mất rồi cha ơi. (Tiễn cha về đất)

   Lời thơ của nữ sĩ mang phong cách một loại thơ thức tỉnh, buộc người đọc phải suy nghĩ chứ không chỉ mang lại cảm giác an ủi, vỗ về. Là lời thức tỉnh bạn đọc hãy quan tâm yêu thương cha mẹ khi còn có thể. Hãy hết lòng với cha mẹ để không trăn trở tiếc thương, không đau xót khi “Thời gian vút tựa bóng câu./Trăng treo bao tuổi, bóp nhàu tim con”(Nhớ núi).

   Làng quê, sông biển… nơi nữ sĩ chào đời cũng được phác họa bằng những bài lục bát rất duyên, rất mặn mà: Ru đời qua những nắng mưa/ Ru người ôm hết nhặt thưa dãi dầu/Gàu sồng ai tát đêm thâu/ Múc lời ru ngọt đổ vào vầng trăng (Ngọt mãi lời ru).

   Bằng một giọng điệu khi trầm lắng, lúc dịu dàng, khi khoáng đạt, lúc thanh cao, khi thoát tục, lúc đậm đà… chan chứa ân tình, tập thơ lục bát “Gót sen đủng đỉnh của Nguyễn Thị Liên Tâm đã viết về tình yêu một cách phong phú, nhiều màu sắc, vừa có cái thực của đời, vừa có cái mộng của thơ ca.

   Tình yêu là mạch tình cảm sâu kín đằm thắm và thiêng liêng trong thơ chị. Đó là tiếng nói của trái tim xúc động, của trí tuệ nở hoa, của vốn sống dầy từng trải. Nhà thơ nói về tình yêu để khao khát, hạnh phúc, tự do với lẽ sống tốt đẹp, góp phần chắp cánh cho những ước mơ của người trẻ chưa từng trải.