Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858-1954

07/01/2023 00:00
812

ĐỖ THÀNH DANH


Đó là tên công trình rất quan trọng về thời kỳ Pháp thuộc của 2 Sử gia Đại học Paris Diderot (Pháp) là Pierre Brocheux (sinh năm 1931) và Daniel Hémery (sinh năm 1932) vừa được Omega+ tổ chức phiên dịch và phát hành.

   Dựa trên nhiều tư liệu cũ - mới, “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858-1954” cung cấp một cái nhìn tổng quan thời sự về tiến trình lịch sử mà Đông Dương (bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào hiện nay) nói chung đã trải qua kể từ khi được người Pháp tạo lập ở nửa sau thế kỷ XIX cho tới cuộc khủng hoảng cuối cùng trong những năm 1945-1954.

 

   Công trình được xuất bản lần đầu năm 1995 với tên Indochine, la colonisation ambiguë, 1858-1954. Đến năm 2001 sách được tái bản có chỉnh sửa bổ sung; và bản dịch tiếng Việt xuất bản lần này được dịch theo bản in năm 2001.

 

   Ngoài phần dẫn nhập, kết luận, phụ lục và thư mực, công trình cấu trúc thành 8 chương. Trong đó, 3 chương đầu (từ trang 33-260) tập trung nghiên cứu quá trình hình thành thuộc địa từ năm 1858-1897, cấu trúc của bộ máy cai trị, quá trình tư bản thuộc địa và công cuộc phát triển kinh tế của Đông Dương đến năm 1930. Chương 4-5 (trang 262-366) làm rõ Đông Dương là một xã hội đa sắc tộc, những biến đổi văn hóa dưới tác động của kinh tế, xã hội, tư tưởng,…mà thực dân Pháp đưa vào. Và cũng chính từ trong nền văn hóa Pháp, người Đông Dương đã biết khai thác những nguồn khác nhau, thậm chí đối lập nhau và đem những giá trị tương phản ra để đối lại với những giá trị mà chính quyền thực dân nỗ lực đưa vào đầu óc họ. Ở chương 6-7 (trang 367-494) là những phân tích sự bế tắc của công cuộc phát triển thuộc địa, như tình hình dân số, quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa của người Đông Dương; cuộc đại suy thoái, tình trạng kém phát triển trong những năm 1930-1940, những cuộc nổi dậy, những phong trào dân tộc chủ nghĩa, phong trào xã hội diễn ra trong 39 năm đầu thế kỷ XX.

 

   Chương cuối cùng (từ trang 495-554) với một nhận định hết sức chính xác của Pierre Brocheux: “Chiến tranh đã phá vỡ các định kiến khuôn mẫu về người dân thuộc địa, vốn luôn bị coi là vĩnh viễn thấp hèn, không có khả năng chiến đấu kiêu dũng, không có khả năng tổ chức và sáng tạo… Chiến tranh đã tác động như là một liệu pháp tâm lý khủng khiếp, tạo cho dân thuộc địa thứ mà họ luôn thiếu trong suốt thời kỳ đầu của thế kỷ thuộc địa: sự tự tin”. Đó chính là lý do góp phần làm chế độ thuộc địa suy tàn và đế chế Pháp ở Đông Dương cáo chung vào năm 1954.

 

   “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858-1954” thực sự là một công trình quan trọng, bao quát (cả thời gian và lãnh thổ), đầy ấp tư liệu và tiếp cận mới theo hướng phân tích sử liệu. Đây là cuốn sách không thể không đọc và cần phải đọc trước khi muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Qua cuốn sách này, độc giả sẽ nhận thức được vì sao nền thuộc địa ở Đông Dương lại “nhập nhằng”.