Đọc thơ Xuân Cảnh của Trần Nhân Tông

06/01/2023 10:13
2417

HOÀNG HẠNH


   Nguyên tác:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi

   Dịch thơ:

  Chim hót ngân nga liễu trổ dày
Mây lồng thềm họa bóng chiều bay
Khách thăm chẳng hỏi nhân gian sự
Cùng dựa lan can ngắm núi mây 

   Trần Nhân Tông (1258 - 1308) tên thật là Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông. Lên ngôi năm 1279, ngài là một vị vua anh minh, tài đức đã đoàn kết và huy động được sức mạnh toàn dân trong hai cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân Nguyên-Mông (1285 và 1288); cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước. Năm 1293 Nguyên Đế Hốt Tất Liệt chết, họa Bắc xâm tạm yên, ngài nhường ngôi vua cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1294 ngài xuất gia, tu ở nhiều nơi, đến năm 1299 mới lên núi Yên Tử. Ngài lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ, hợp nhất các Thiền phái đương thời lập ra Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam với tinh thần dân tộc và nhập thế. Ngài mất tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử vào năm 1308.

   Bài thơ Xuân Cảnh là một trong khoảng 30 bài thơ còn lại của Trần Nhân Tông . Có lẽ ngài sáng tác bài này khi ở trên am Ngọa Vân núi Yên Tử.

   - Chim hót ngân nga liễu trổ dày:

   Cảnh mùa xuân trên Ngọa Vân Am được tác giả ghi lại bằng những chất liệu tự nhiên sẵn có. Dương liễu là loài cây cành mềm có hoa màu đỏ, nở vào mùa xuân. Tiếng chim hót chậm rãi sâu trong khóm liễu trổ đầy hoa, gợi lên một cảnh xuân thiên nhiên đầy sức sống mà rất yên lành, thanh thản.

   - Mây lồng thềm họa bóng chiều bay:

   Thời gian lúc này là vào buổi chiều, có bóng mây lồng trên thềm am, tựa những bức tranh thủy mặc. Hình ảnh này cho người đọc cái cảm giác nhẹ nhàng, thoát tục của người được lên những đỉnh cao chạm tới mây trời.

   Trên đây là những cảm nhận ở góc độ của văn chương, nghệ thuật. Ẩn sâu trong cái hình thức diễn đạt đời thường đó, còn có cái thiền vị tinh tế. Cảnh xuân ở đây là cảnh thực, ngay trước mắt, kể cả thời gian đang trôi, được ghi nhận bằng cái nhìn khách quan, không lồng cảm xúc yêu, ghét của tác giả. Đó là cái thấy như thị của thiền gia. Thấy chỉ là thấy như nó đang là.

   - Khách thăm chẳng hỏi nhân gian sự:

   Nhân gian sự là việc đời. Việc đời đối với Trúc Lâm Đại Sĩ là những chuyện lớn của đất nước.

   Sau khi lên tu ở Yên Tử, ngài vẫn thường xuống núi vân du khắp nơi để giáo hóa cho dân biết sống thiện, bỏ mê tín, biết Phật ở tâm. Năm 1301 ngài sang nước Chiêm Thành để du hóa và kết tình thông gia Chiêm-Việt. Ngài cũng về kinh đô để dạy đạo cho vua quan ở triều đình. Ngài chủ trương lấy việc giúp đời làm phương tiện tu tâm nên việc tiếp xúc với người đời là chuyện bình thường.

   Câu thơ “Khách thăm chẳng hỏi nhân gian sự” đã hàm ý trước đây từng có khách đến hỏi việc đời rồi. Lần này khách không hỏi việc đời thì có thể đây là một hành giả.

   - Cùng dựa lan can ngắm núi mây:

   Một vị khách thăm đã lên tận Yên Tử, không hỏi gì chuyện đời chuyện đạo mà lại đi vào thơ của Trúc Lâm Đại Sĩ, ắt phải là một cao tăng có tâm hồn đồng điệu với ngài. Chủ và khách đã hiểu rõ nhau không cần tham vấn trao đổi gì về đạo lý nữa. Cả hai chỉ: “Cùng dựa lan can ngắm núi mây”. Đây là một câu thơ tả thực nhưng có ý nghĩa gì?

   Phật có nghĩa là tỉnh giác hay sự nhận biết. Thiền có nghĩa là yên lặng.

   Câu thơ trên đã thể hiện rất rõ cái biết trong yên lặng của hai vị thiền sư: biết đang dựa lan can ngắm cảnh, mắt thấy cảnh mà tâm không đắm chìm theo cảnh. Đây là phép thực hành thiền mọi lúc, mọi nơi một cách cao thâm mà đơn giản, được diễn đạt thành một câu thơ sâu sắc và tinh tế.

   Câu thơ này còn thể hiện tinh thần bình đẳng không phân biệt giữa người và người của tác giả.

   Tóm lại, qua bài thơ Xuân Cảnh, người đọc đã ít nhiều cảm nhận được phong thái và cách tu thiền của vị sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ngài lên Yên Tử nhưng không chọn lối ẩn tu nơi hang sâu, mật thất mà tu ở am mây, hòa đồng cùng thiên nhiên và con người. Tuy ở núi rừng nhưng ngài vẫn tùy duyên mà giúp đời, giúp đạo. Bên cạnh ngài, thời gian như chậm lại, chim rừng thong thả hót, mùa xuân tươi thắm thêm và con người an lạc hơn. Qua bài thơ ta thấy được bóng dáng một vị thiền sư Viêt Nam thanh thoát mà gần gũi, đang thảnh thơi tỉnh giác trong yên lặng giữa mùa xuân nơi núi rừng Yên Tử sau khi đã hoàn tất việc cứu nước, giúp đời.

   Có lẽ ngài sáng tác bài thơ này cũng có ý tùy duyên, dùng văn chương làm phương tiện để dạy đạo thiền cho người đời vậy.