Ngụp trong biển cả

20/06/2023 21:19
769

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM


Nước xoáy thành vực. Hút như vòi rồng. Sóng chồm lên cao và quất tới tấp xuống những thứ đang dàn ra trên mặt biển. Mạn tàu chao đảo, ngả nghiêng. Con tàu nặng bao nhiêu tấn lúc này chỉ như một chiếc lá cỏn con bị thả vào dòng nước xiết, đang bị đập tơi bời, hết xoay dọc rồi lại xoay ngang giữa biển nước mênh mông.

   Chiều hôm qua, ở đúng chỗ này, Hồng Hạ đã thích thú đứng ngắm cảnh bong bóng nước nở hoa trắng xốp trên mặt sóng. Đó là hình ảnh của một người thợ lặn còn khá trẻ, mang bình dưỡng khí đang say sưa với công việc. Có cả tiếng nhạc nước reo réo, ngân nga. Có cả tiếng cười nói của những ngư dân bám biển kéo từng vuông lưới lên chiếc thúng chai sơn màu xanh hy vọng… Đảo nhỏ như chiếc nón lá úp trên mặt biển. Tròng trành, tròng trành…

   Giờ thì mất hết. Chỉ còn sự cuồng nộ của biển cả… Và Hồng Hạ đang cháy ruột cháy gan.

   Con tàu hơn trăm tấn hệt một con cá voi khổng lồ so với những chiếc tàu chợ số 16, 18 nhỏ nhoi được đóng bằng sắt, nhưng mỗi chuyến phải cưu mang hàng trăm người kèm theo khối lượng hàng hóa rất lớn. Vậy mà giờ đây, con cá voi to lớn ấy tựa như đang giãy chết giữa bốn bề sóng biển.

   Các sợi dây xích sắt neo tàu to như bắp tay lực lưỡng của các thanh niên xứ biển vẫn cứ liên tiếp bị chằng, giật, ghì siết… rồi bị tung hê… trong bể nước khổng lồ. Và rồi, sự chống chọi giành quyền ngự trị bình yên trên mặt nước cuối cùng cũng bị hạ gục.. Con voi khổng lồ ấy cũng đành buông xuôi, đầu hàng số mệnh, như chủ nhân của nó. Từ từ, từng chút một, từng chút một… chìm dần, chìm dần… xuống mặt nước. Và nơi ấy chỉ cách Cảng hòn Thu chừng vài chục mét.

   Hồng Hạ đổ bệnh, không bệnh làm sao được. Gia tài tích cóp cả đời công chức hơn ba mươi năm miệt mài và của nả hồi môn ba mẹ để lại cho con gái rượu khi về nhà chồng. Rồi vốn liếng gom góp của người thân và bè bạn. Hồng Hạ xem con tàu như đứa con thứ hai mình sinh ra. Hồng Hạ thật sự chới với theo con tàu khi chứng kiến tận mắt thấy cảnh của cải đổ sông đổ biển. Ống dòm hiện đại bao nhiêu càng đau lòng Hạ bấy nhiêu.

   Trời mưa lớn ướt nhòe ô cửa sổ của khách sạn trên đảo nhưng Hạ vẫn có thể nhìn thấy rất rõ hình ảnh con tàu chìm vào dòng nước… Cảnh rõ mồn một khiến Hạ thất thần đánh rơi ống dòm xuống sàn lúc nào không biết. Và ai đó đã xốc nách Hạ lên đưa vào chiếc giường nhỏ trong phòng. Con tàu chìm đã nhấn chìm theo cả sức sống của Hạ.

   Mấy ngày sau đó, Hồng Hạ vẫn lùng nhùng với những giấc mơ đầy bọt sóng và con tàu chiếc Lá. Hạ mơ thấy mình đang ở trên một đảo nhỏ và có những cuộc dạo chơi khắp đảo. Hai mươi ngàn người là dân số của đảo. Hồng Hạ là cư dân số hai mươi ngàn lẻ. Đảo là thiên đường của hòa bình. Mười sáu km vuông là diện tích của đảo. Chỉ mười sáu km vuông nhưng đảo Thu chứa trong mình biết bao câu chuyện kể. Khi cùng chồng là một Tiến sĩ Kinh tế ra giảng dạy cho các lớp liên kết của tỉnh, Hồng Hạ đã một mình lên tàu ra đảo nhỏ này. Và Hồng Hạ đã bị mê hoặc bởi những bãi cát hoang sơ, mênh mang như vịnh Triều Dương; Hòn Tranh, những cảnh chùa xinh đẹp và thanh tịnh chỉ do những thiện nam tín nữ chăm sóc, hành thiện...; những bãi đá đen, đá đỏ chứa trong mình những trầm tích khởi nguyên và còn bị mê hoặc bởi nếp sống an bình như thuở hồng hoang của người dân nơi đảo nhỏ này.

   Hồng Hạ đã từng nghe kể: cách đây hai mươi năm, một con tàu gỗ chở dân buôn, dân quê ra vào đảo. Ngày ấy, có bão. Sóng to, gió lớn, thuyền bị đập dồi, tròng lắc dữ dội. Rồi vỡ tan. Bao người trên thuyền bị vùi dưới đáy biển. Một người đàn bà ở đất liền, đã đi trên thuyền ấy cùng một đứa con lai nhỏ xíu, khi tìm được xác, trong tay chị vẫn ôm chặt chiếc áo của con mình.

   Rồi câu chuyện của một người giáo viên, khi ra với đảo là một thanh niên trẻ khỏe, mang bao hoài bão ước mơ, đã có những chuyến tàu vượt bao sóng gió. Ông bà xưa thường nói: “Tháng ba bà già đi biển” nhưng hội họp ở đất liền không chỉ rơi vào tháng ba. Trời không êm ru như mặt hồ. Nên có khi gần sáu tiếng lênh đênh trên biển, anh chàng nho nhã ấy cứ ngồi vật vờ trên tàu gỗ mà “hò” từng chập. Những ngọn sóng to luôn muốn chụp giựt, bủa vây con thuyền gỗ. Sóng trườn, sóng nhồi, sóng lắc; con người tựa trái banh lông trong lồng nên cứ nôn thốc, nôn tháo, nôn tới mật xanh mật vàng, nôn đến độ không còn gì để nôn mà vẫn oằn lả người để rỉ ra chút nước bọt…Thế nhưng đến sát đảo rồi, chờ hơn chục tiếng đồng hồ, anh chàng và mọi người trên tàu vẫn không được đặt chân lên bờ. Bởi sóng đập liên hồi bất tận, thuyền chưa thể nào cập bến.

   Biết là sóng gió biển khơi không thể đoán định, Hồng Hạ vẫn cứ bị ám ảnh. Nhưng tình yêu dành cho đảo và cho người dân đảo quá lớn, Hồng Hạ muốn mua một chiếc tàu sắt kinh doanh để người dân vùng xứ Phan – Hòn Thu, khi giao thông trên biển sẽ có độ an toàn cao hơn.

   Và cơ sự đau lòng như thế đã xảy ra. May mà tàu chỉ chạy thể nghiệm nên không thiệt hại về người.

   Bao nhiêu thủ tục xin trục vớt. Bao nhiêu sự phiền hà. Bao nhiêu sự di chuyển. bao nhiêu sự lo toan. Sức Hồng Hạ không chịu nổi. Chồng bảo: Thôi bỏ đi em, sức khỏe là quan trọng. Còn người còn của. 

   Nhưng người còn thì vật vờ, còn của thì chìm xuống biển.

   Cuối cùng thì Hồng Hạ ngã quỵ không gượng nổi. Nhập viện. Mấy bạn học là bác sĩ bệnh viện ra sức lo cho Hạ. Có người bạn tâm đầu ý hợp nhất đã khuyên Hạ và gửi sách cho Hạ: Hãy đọc lại “The Old man and the Sea” đi Hạ. 

   Nhưng Hồng Hạ không có tâm trí đọc sách, hình ảnh con tàu sắt khổng lồ bị chìm vẫn nằm đó, vẫn nằm đó….

   Sáng ngày thứ bảy sau sự cố chìm tàu, cũng là ngày thứ ba Hồng Hạ nằm viện, tiếng chim hót trên mái ngói căn phòng tự chọn đã gọi Hạ thức giấc. Với tay tìm một cái gì đó, Hồng Hạ đụng phải quyển truyện và trễ nải lật từng trang sách. Nhẩn nha, Hạ đọc lại thiên truyện nổi tiếng một thời cho bạn vui và nhất là cho bớt thời gian nằm dài, nằm ngắn trên giường bệnh viện.

   Thế nhưng, sự cuốn hút đã quay trở lại. Một cảm giác mới mẻ hơn khi tiếp xúc với những trang văn. Hình ảnh lão Ngư đã khơi dậy sự lạc quan trong Hạ.

   Thì Hạ vẫn biết: điều kiện vật chất như nơi ăn chốn ở của Hạ là quá đủ đầy. Điều kiện tinh thần thì bao nhiêu người yêu thương giúp đỡ, có bao người quanh mình chia sẻ. Ông già Santiago có được như Hạ đâu? Giữa biển khơi sóng to gió lớn, giữa trời nước mênh mông hiểm họa khôn lường luôn chực chờ nuốt xác. Lão Ngư Santiago với một chiếc thuyền buồm, đã cô độc, trơ trọi một mình ba ngày đêm chiến đấu vật vã với con cá kiếm khổng lồ trên vùng biển Giếng Lớn mênh mông. Cuối cùng Santiago đã đâm chết nó rồi buộc vào mạn thuyền lôi về. Máu đỏ loang dòng. Và chính máu đã hút lũ cá mập hung dữ đánh hơi lăn xả tới bủa vây. Lão đã đem hết sức tàn để chống chọi một mất một còn với bầy cá mập đến xâu xé con mồi và có thể sẽ xâu xé cả Lão.

   Cuối cùng, sau hai trận chiến không cân sức trên biển, con cá kiếm lão câu được chỉ còn trơ một bộ xương to đùng.

   Hạ có cô độc một mình giữa bầy cá mập hung dữ đâu? Hạ có “lê bò trong trạng thái đói khát, đau đớn khắp mình mẩy vì những vết thương đâu”?* Hạ vẫn có bao bạn bè quanh mình. Hạ vẫn ăn trắng mặc trơn sau sự cố mà.  

   Con tàu của Hạ vẫn nằm sâu trong nước, chứ có phải là con thuyền rách nát với con cá kiếm chỉ còn trơ lại bộ xương đâu?

   Bộ xương cá kiếm là hình ảnh của sự thất bại nhưng cũng là hình ảnh của sự chiến thắng kia mà, đó là sức sống mãnh liệt và một ý chí sắt đá trước gian lao thử thách, quyết theo đuổi đến cùng và chiến thắng. Giấc mơ về con sư tử cứ trở đi trở lại trong những đêm vật vờ cùng sóng biển, màn đêm …  Sao Hạ không thể là một phần ý chí của ông lão: vươn lên số phận để chiến thắng, để thực hiện hoài bão của mình? Sao Hạ lại không có niềm tin vào bản thân mình như ông lão? Sao Hạ không nhớ những lời độc thoại của ông lão với cá, với người thứ ba nào đó, hoặc giả, chính là đối thoại với chính bản thân mình? “Lão ơi! Phải điềm tĩnh! Lúc này Lão không thể đuối sức được đâu!”*.

   Con đường xuyên qua đảo Thu quả là như tranh vẽ. Các vùng đất Ngũ Phụng, Tam Thanh, Long Hải cứ ngời xanh khi mùa Xuân đến. Chỉ một ngày là đi hết đảo. Đi và tận hưởng mùi thôn quê, mùi biển giả cứ thấm vào trong gió. Những đám rẫy dưa, rẫy bắp cứ non tơ mườn mượt. Bãi đá cổ đen với những ngách hang nho nhỏ trông như tổ ong cứ ong óng dưới ánh mặt trời. Bãi Triều Dương mênh mông cát trắng, tươi cười trước biển. Chùa Long Sơn, chùa Bửu Lâm… Núi Cao Cát… cứ níu giữ bước chân người. Như đã níu chân Hồng Hạ.

   Hồng Hạ đội mũ rộng vành, mang kính đen trong trang phục thể thao đang ngắm con tàu BT 20 tiến dần vào bến Cảng. Đó là hiện thân của con tàu BT 19 trước đây hai năm đã bị đắm khi nhổ neo từ cảng hòn Thu trở về đất liền.

   Tác phẩm “Ngư ông và biển cả” của Ernest Hemingway đã làm nên điều kỳ diệu. Văn chương cứu rỗi con người. Con người không thể buông tay khi cuộc đời vẫn còn dành cho ta quá nhiều ưu ái. Lão Ngư đơn độc giữa biển khơi mù mịt sóng gió, bao ngày vật lộn với bầy cá dữ còn làm nên chiến thắng kia mà. Dù rằng chiến lợi phẩm của ông chỉ còn là một bộ xương cá, nhưng đó là hình ảnh quá sức tuyệt vời cho lòng quả cảm của con người. Vậy thì hà cớ gì, Hồng Hạ lại buông tay?

   Không hiểu sao, lẫn trong các đoàn hành khách rời tàu bước lên Cảng, nhiều người cầm hoa quá. Những bó hoa ùa đến vây quanh Hồng Hạ. Ô này chồng, ô này bè bạn… Có cả người bạn bác sĩ thân quý đã tặng “Ngư ông và biển cả” đang vội vàng chạy đến dúi vào tay Hạ một bó hoa rõ to và một vòng tay nồng ấm. Có cả những vị khách đi trên tàu, vì biết chuyện, vì yêu quý tấm lòng của Hồng Hạ dành cho dân trên đảo Thu cũng ùa đến chung vui.

   Hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống, Nhưng với Hồng Hạ, hạnh phúc hôm nay chính là hoa hồng trên tay, là hoa bọt trắng trên sóng, là hoa mây xanh trên trời, là hoa người đang nở muôn màu muôn sắc trên mặt đất…

 

* Trích Ngư ông và biển cả của Ernest Hemingway