Khắc khoải nỗi vọng phu
(Nhân đọc bài thơ "Biển ôm anh còn em thì lẻ bóng" của tác giả Vu Trầm, Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận số 229)

01/12/2022 00:00
7162

MINH TRÍ


   1. Sự xa cách của những người thương yêu nhau thường để lại những nỗi đau, hoài nhớ. Nhất là khi biết rằng: sự xa cách ấy là mãi mãi. Càng tha thiết yêu thương, nỗi đau càng lớn trong lòng người ở lại. Trong vô vàn nỗi đau, có nỗi đau do sự xa cách của vợ chồng.

   “Biển ôm anh còn em thì lẻ bóng”, bài thơ của tác giả Vu Trầm, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận số 229, đã gây cho tôi sự xúc động mạnh, ngay lần đầu tiên tôi đọc. Tôi đã dừng lại khá lâu trước trang thơ này của anh. Sau đó, bình tâm, tôi đọc lại nhiều lần.

   Tôi là một người con của quê hương Phan Thiết. Tôi được gặp những ngư dân, những người vợ của ngư dân mỗi ngày. Tôi cảm được những bình yên của biển những ngày yên ả, sự tấp nập nhộn nhịp khi cá tôm đầy cảng, đầy chợ. Lại cũng từng chứng kiến những nét hiu hắt buồn những ngày biển động, sóng to.

   Đọc những trang truyện ngắn, không ít truyện ghi lại những cơn sóng dữ, hung hãn đối với những ngư dân, tôi cảm nhận được phần nào. Song, với thơ, biển phần nhiều gợi nên những nét lãng mạn, hiền hòa, mang lại nhiều tôm cá.

   Tin tức về việc đắm ghe những tháng trước đây của ngư dân Phan Thiết, với sự sống sót kì diệu của một số ngư dân ở hai thúng chai đã để lại sự xúc động rất mạnh trong lòng người dân cả nước, nhất là người dân của quê hương, trong đó có tôi. Nay, sự xúc động ấy trở lại trong tôi, khi tôi đọc được bài thơ “Biển ôm anh còn em thì lẻ bóng” của tác giả Vu Trầm.

   2. Một nỗi buồn lan tỏa trong tôi. Bởi tôi cảm nhận được nỗi buồn thương quá lớn từ người góa phụ. Cảm xúc u hoài dâng toàn bài. Điều đó, đến từ một cảnh ngộ đau thương, với những chữ rất thật: “Anh mãi không về”, “Biển mênh mông”, “Chỉ có sóng xô nỗi buồn hoang vắng”, “Nhìn vào di ảnh”, “Thân xác bây giờ anh gửi phương nao?”, “Tiếng gọi bạn giữa bốn bề sóng dữ”, “Gió bạt tóc em bên chiều tư lự”

   Tác giả đã chọn bối cảnh thường thấy với người vùng biển khi ở vào hoàn cảnh tương tự: Người góa phụ đứng bên bờ, nhìn ra biển mênh mông, cõi lòng đau xé, nhớ về người chồng yêu thương của mình, người ấy, nay đã đi mãi không về. Tứ chính của bài thơ được tác giả thể hiện ở khổ đầu và khổ cuối của bài thơ: Biển giữ thân xác của anh rồi, để lại nỗi cô đơn mãi mãi trong em. Điều ấy đã tạo cho bài thơ có bố cục rất chặt.

   Hình tượng người góa phụ đứng bên bờ biển ngóng đợi chồng, khi chồng của mình đã gởi thân xác nơi biển khơi, gợi cho người đọc hình ảnh người phụ nữ đứng vọng phu trong một buổi chiều đông, quạnh hiu, buồn bã.

   Độc giả vẫn dễ nhận ra hình tượng người ngư dân với lòng thương yêu vợ con, luôn chăm lo cho gia đình, vất vả làm lụng mà vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Hình ảnh đầy yêu thương của người ngư dân với vợ con trước ngày đi biển định mệnh ấy hiện diện ở khổ thứ tư của bài thơ, mang chút lãng mạn hiếm hoi.

   Đã có sự tương quan đối lập rất rõ trong câu thơ “Biển ôm anh rồi, lẻ bóng mình em!”. Thường, nói về cái ôm, người ta hay nghĩ về cảm giác thân mật gần gũi, ấm áp giữa những con người thương yêu nhau, hoặc trong quan hệ giao tiếp để tỏ sự thân thiện, quý trọng. Ở đây, tác giả Vu Trầm đã thi vị hóa “Ôm”. Biển ôm người. Anh viết thế như thay cho một thực tế là: Biển giữ thân xác, hình hài một người trong lòng của tự nhiên. Tác giả nhân hóa biển, để lại nỗi cô đơn mênh mông cho người đàn bà ở lại.

   Rất nhiều hình ảnh được tác giả đưa vào bài thơ: hình ảnh cuồng nộ của thiên nhiên, biển cả; hình ảnh, chi tiết báo hiệu điềm chẳng lành: mái chèo gãy; hình ảnh những con sóng xô, di ảnh, áp tai vào vỏ ốc nghe tiếng gió, cài hoa muống biển lên mái tóc… Cùng với đấy là những âm thanh: Tiếng “sóng xô”, “Tiếng gọi bạn”, “Gió bạt tóc em”… Những âm thanh, hình ảnh, nỗi lòng người chan hòa vào nhau, hiệp cùng nhau, làm tăng cấp độ của nỗi buồn, nỗi cô đơn, khắc khoải trong lòng người góa phụ vọng phu.

   Tác giả Vu Trầm đã rất dụng công trong tổ chức các dòng thơ hiệp vần chân trong mỗi khổ và vần nối giữa các khổ thơ ở hầu hết các khổ thơ trong bài (Khổ thơ thứ 1, 2, 3, 5). Song, sự hiệp vần ở Khổ thơ thứ 4 đã khác. Vần cuối dòng 1 hiệp dòng 3, vần cuối dòng 2 hiệp dòng 4. Cảm xúc từ nội dung ở khổ thơ thứ 4 này cũng khác với cảm xúc ở các khổ thơ 1, 2, 5. Sử dụng thể thơ 8 chữ, tác giả đã viết 10 dòng với nhịp 4/4 trong tổng số 20 dòng của toàn bài. Bài thơ đi theo nhịp điệu khá đều, dễ tạo một cảm giác u buồn, hiệp với ý thơ. Song, toàn bài thơ vẫn rất giàu nhạc tính. Bạn đọc ngâm nga những dòng thơ sẽ cảm nhận rõ điều này.

   Bài thơ không nhiều lắm về ngôn từ (chỉ 5 khổ thơ, 163 âm tiết), tác giả đã đánh thức những rung cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc. Có phải chăng, chính từ những hình ảnh tác giả chứng kiến, những câu chuyện anh nghe, qua tài sử dụng câu chữ, giản dị, nhưng cũng rất sáng tạo, thơ mộng, mang những u hoài đã tạo nên sự đồng cảm lắng sâu trong lòng bạn đọc?

   3. Với cảm nhận của một người đọc như tôi, “Biển ôm anh còn em thì lẻ bóng” của tác giả Vu Trầm là một trong những bài thơ hay về nghề biển, về những con người ở miền biển quê hương, bởi bài thơ ấy đã khắc họa thành công nỗi khắc khoải, buồn đau, cô đơn của một góa phụ miền thùy dương vọng phu trong một buổi chiều buồn.