PHAN RÍ
trong tác phẩm của Đoàn Thạch Biền

04/12/2022 00:00
1409

ĐẶNG NGỌC HÙNG


Đoàn Thạch Biền tên thật là Phạm Đức Thịnh. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông có một thời gian dạy học ở Phan Rí, Bình Thuận. Đây cũng là thời gian ông cho ra đời tác phẩm đầu tay - tập truyện Ví dụ ta yêu nhau - xuất bản vào tháng 9 năm 1974 với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh. Đọc tập truyện trên nhiều lần, tôi cảm nhận và xin chia sẻ suy nghĩ của mình về hình ảnh đất và người Phan Rí trong một số tác phẩm của ông, tiêu biểu là hai truyện ngắn dưới đây.

   Bắt đầu từ truyện Ví dụ mười, người trần thuật là thầy giáo xưng “tôi”. “Tôi” kể, có một mùa hè, “tôi” quyết định ở lại Hòa Đa chứ không về Đà Nẵng vì ngại di chuyển và những cơn mưa giông ào ạt. Tuy nhiên, ở lại Hòa Đa những ba tháng hè là cả một thử thách. Đơn giản vì đây là nơi mà “chỉ cần đi vòng quanh một giờ người ta đã biết hết mọi chuyện”. Ba tháng một mình, không có gì để làm. Còn nhớ, trước khi về Huế, một đồng nghiệp tên Hân nói với “tôi” rằng “sống được ba tháng hè ở đây thì quả thật phi thường”. “Tôi” không hiểu. Có điều “tôi” thấy ngay cả những người quê ở đây cũng trốn khỏi nơi đây vào mùa hè. Nhưng chính tất cả những điều đó lại khiến “tôi” ở lại. Nhịp kể của Đoàn Thạch Biền bỗng nhanh hẳn lên. Đến ngày thứ ba, “tôi” bắt đầu…chán cái thời khóa biểu tắm biển, đọc sách, ăn, ngủ…và phát hiện ra không phải người ta sợ cái nóng và bụi bặm ở xứ này mà là vì “chẳng có chuyện gì xảy ra đáng để cho người ta chú ý”. Nhưng “tôi” quyết vượt qua để không thua Hân.

   Hôm sau, thay vì tắm biển, “tôi” đi lên phố, qua ngôi trường có cây hoa phượng còn chùm hoa đỏ rực, qua sân vận động, đến một làng chuyên đóng ghe. Và cái chuyện đáng chú ý đã xảy ra theo một cái cách rất Đoàn Thạch Biền: Một cô bé đang dọn dăm bào ngẩng lên “thưa thầy”. Đó là cô bé đang học lớp mười một, sang năm mới học với thầy. Cô bé nói cô bị đau tim, phải nghỉ một năm, nếu không đã học lớp “tôi” dạy. Rồi cô mời “tôi” vào nhà nói chuyện với cha. Trong câu chuyện, cha cô kể ông quê ở Hội An vào đây làm nghề đóng ghe tạm đủ sống, ngặt nỗi vợ qua đời năm ngoái, con lớn đã có chồng, ông còn phải nuôi hai đứa con nhỏ. Ông nói, nếu thầy không chê nhà ông chật hẹp thì dọn đến ở với ông, kèm giúp hai đứa để chúng học khá hơn.

   Thầy “tôi” không dọn đến ở nhà ông đóng ghe nhưng bắt đầu dạy kèm miễn phí vào sáng hôm sau. “Tôi” là thầy giáo dạy Văn nhưng dạy kèm con ông thợ đóng ghe môn Anh văn. Các em tiến bộ rất nhanh. Ngọc Lan - tên cô bé – hỏi sao thầy không dạy kèm môn Văn, thầy giải thích nếu thầy dạy kèm môn Văn thì em sẽ không thích thú gì nữa khi vào năm học chính thức vì em “đã biết trước”. Lớp học của ba thầy trò tràn đầy tiếng cười, những lời đùa nghịch, có cả ăn vặt…Có lúc thầy dẫn hai trò ra biển chơi. Thầy kiểm tra kiến thức của trò về Truyện Kiều, cô học trò trả lời trúng phóc hai câu “Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Trò hỏi thầy thích Thúy Kiều hay Thúy Vân, thầy trả lời thích Thúy Vân vì thầy thích một đời sống bình dị. Những con sóng xô bờ rồi lui ra khiến ông thầy dạy Văn nghĩ đến câu “Sinh tử thị ba” in trên bìa một cuốn sách Phật giáo.

   Mấy hôm sau, vào nửa đêm, trời đổ cơn mưa đầu mùa. Sáng sớm, thằng bé em của Ngọc Lan đến báo thầy rằng chị nó đau tim nặng, đang ở trong bệnh xá. Thủ phạm là tiếng sét của cơn mưa đêm qua. Ngọc Lan lúc tỉnh lúc mê, thỉnh thoảng gọi thầy. Bác sĩ lắc đầu. Một lúc, Ngọc Lan mở mắt ra hỏi thầy bệnh tim của cô và cái chết “không có thật phải không?”, thầy nói “phải”. Nhưng trước câu hỏi “Và tình yêu cũng không có thật phải không thầy?”, thầy bảo “Không em ạ. Tình yêu có thật”.

   Đưa tang Ngọc Lan xong, “tôi” tức tốc rời quận lỵ. Ổ gà, bụi mù. Quận lỵ trong kính chiếu hậu. Nó không có thật. Nỗi buồn, cái chết cũng không có thật. Chỉ có mùa hè là thật.

   Ở Ví dụ ba, “tôi” là một thư ký từ Sài Gòn ra. Đặt chân đến Phan Rí, “tôi” muốn khóc. Bởi vì “tôi” cứ ngỡ nó – tức Phan Rí – lớn lắm vì “nó có tên trên bản đồ”, nào ngờ nó nhỏ hơn lòng bàn tay. Đúng là phong cách hóm hỉnh không thể lẫn của Đoàn Thạch Biền. Đã vậy, xe đò thì cũ, có từ thời Pháp, loang lổ vết sơn, chất đầy rổ cá trên mui và trong lòng xe. “Tôi” cũng không chịu nổi con phố với mùi cá tanh nồng. Sáu giờ chiều mà còn nắng gắt, gió bụi mù mịt, nóng muốn điên người. Buồn cười hơn nữa là con đường chỉ rộng hơn một con hẻm ở Sài Gòn mà để là đại lộ - đại lộ Trần Hưng Đạo. Người viết bài này là người Phan Thiết mà đọc mấy câu văn trên về Phan Rí cảm thấy nóng mặt. Nhưng thôi, Đoàn Thạch Biền dẫn dụ hay lắm. Thử xem ông “xui” nhân vật anh thư ký đưa chúng ta đi đến đâu. Thì ra nơi anh thư ký sẽ đến làm việc là Công ty nước mắm Hoa Hồng. Kinh nghiệm (của nhân vật hay tác giả?) mách anh thư ký làm quen và hỏi một cô học trò có đôi mắt sáng trong như mắt mèo. Cô học trò đồng ý chỉ đường với điều kiện “Ông hãy đi sau em vài bước, ông đi bên em thiên hạ sẽ đồn thế này thế nọ ngay” vì Phan Rí là “chỗ nhỏ bé mà” theo lời cô học trò. Trên đường đi, câu chuyện lan man một hồi rồi quay lại chủ đề nước mắm. Nói chung, đây là sự dàn dựng tưng tửng một cách điêu luyện kiểu Đoàn Thạch Biền. Cô học trò sợ ông thư ký “chịu không nổi” cái mùi của nó.

   Theo chỉ dẫn của cô bé, “tôi” đến Công ty Hoa Hồng gần cửa biển, ghe chài tấp nập, nong mực được phơi choán cả lối đi. Đó là một ngôi nhà lớn quét vôi màu vàng, phía trước có một tấm bảng lớn vẽ hai bông hồng to tướng ở hai bên. “Tôi” được tiếp nhận, rất vui vì có việc làm để mưu sinh. Và đây là ấn tượng thứ hai của “tôi” về Phan Rí: công việc thư ký khá nhàn hạ, nhưng “Mỗi lần vào lều kiểm soát công nhân vợi nước mắm vào những thùng nhựa nhỏ để chở đi bán, tôi phải bôi dầu cù là vào mũi và châm thuốc hút liên miên. Hôm đầu, nhìn công nhân lấy xác mắm, tôi phải chạy ra ngoài nôn ọe, vì không chịu nổi mùi hôi kinh khủng bốc ra từ xác mắm”. Và “tôi” lẩm cẩm nghĩ tại sao không có ông hàm hộ nào ở đây chịu lấy dấu hiệu (ngày nay chắc gọi là logo thương mại) là con cá nào đó mà lại chọn hình con thỏ, con én, hoa sen, hoa hồng…? Và sự dẫn dụ đã đến: “Tôi” khoe nhờ nước mắm Phan Rí mà “tôi” thấy mình to xương hơn. Và tuần sau cô học trò đến thăm “tôi”. Cô nói “tôi” chỉ quanh quẩn bờ sông và mấy cái quán nước quanh đó là thiếu sót. Cô hứa sẽ dẫn “tôi” đi thăm thú một số chỗ, theo đó bao nhiêu địa danh, sản vật thân thương của Phan Rí, của Bình Thuận hiện lên sống động trên trang viết của Đoàn Thạch Biển: đi rẫy ăn táo, đi xóm Rùng ăn mận, bãi Trùng Dương, Ghềnh Son, chùa ông Hai Đại, cảnh đẹp đập Đồng Mới, đi ăn chè chuối bột báng nước dừa, cá nục hấp… “Tôi” mừng húm, lên kế hoạch mượn honda để đi. Và nhờ vậy biết cô bé người gốc ở Đà Lạt.

   Một hôm cô bé đến, nhờ “tôi” giải quyết chuyện lá thư. Của một ông dạy kèm môn Anh văn. Có nội dung thả thính. Cô bé nhờ “tôi” đóng vai “anh của em” đến nói chuyện phải quấy để ông thầy dạy kèm đừng viết thư nữa vì cô ngượng với bạn bè. Cuộc gặp sau đó được tác giả kể rất điện ảnh. Diễn biến rất kịch tính. Ông thầy đòi kiện ông thư ký ra hội đồng xã vì hăm dọa cho ông ta ăn đòn; ông thư ký thách ông thầy cứ kiện lên tối cao pháp viện. Sau cuộc gặp gỡ đó, ông thầy không còn viết thư nữa. Cũng từ đây, “tôi” bắt đầu thấy gắn bó với Phan Rí.

   Bỗng “tôi” nhận được thư báo là “tôi” được nhận làm thư ký một hãng buôn ở Sài Gòn, phải vô gấp để nhận việc. Trong lúc đang loay hoay tìm sự quyết định thì “tôi” lại nhận được thư của cô bé cho hay gia đình cô sẽ trở lại định cư ở Đà Lạt, cô phải theo gia đình lên học lớp 12 ở trên đó. Đôi bên phải nói lời chia tay rồi. Lúc bấy giờ, Phan Rí mới hiện lên đầy đủ trong cảm xúc của “tôi”: “Ở Phan Rí được bốn tháng, tôi đã yêu mến người dân ở đây”. Với “tôi”, người Phan Rí “rất chân thật và sẵn lòng giúp đỡ người lạ”, “rất hậu đãi những người phương xa đến lập nghiệp”. Và…“tôi” cũng bắt đầu “ghiền mùi nước mắm”.

   Trở lại Ví dụ mười, khi Đoàn Thạch Biền viết quận lỵ Phan Rí không có thật; nỗi buồn, cái chết cũng không có thật, chỉ có mùa hè là thật, thì chúng hiểu Phan Rí rất thật. Đó không còn là Phan Rí - không gian địa lý được miêu tả, trần thuật trong tác phẩm mà là một Phan Rí - không gian nghệ thuật, loại không gian được nghệ sĩ tạo ra, được cảm nhận bởi suy tưởng, tình cảm, cảm xúc của con người, có ý nghĩa hình tượng, biểu tượng. Phan Rí trong Ví dụ mười là nơi giúp thầy giáo “tôi” biết đời người, tình yêu…đều huyễn ảo, mong manh trong vô thường. Phan Rí với bãi biển, những vòng sóng lăn vào bờ rồi lại rút ra; làm phát lộ rồi lại xóa nhòa tất cả theo tinh thần “sinh tử thị ba”. Phan Rí, vì thế, là nơi không thể quên được, là nơi đã giúp người lớn lên về tinh thần.

   Theo quan sát của tôi, nhân vật xưng “tôi” của Đoàn Thạch Biền thường trải qua những miền đất khác nhau nhưng không coi nơi nào là tạm cư. Phần lớn họ sống rất tình cảm, họ rắc “phấn thông vàng” lên những nơi họ từng hít thở. Nhưng, để ý kỹ, đối với những miền đất khác, như Đà Lạt chẳng hạn, họ nhớ vì ở đó có những người bạn. Còn Phan Rí như Đoàn Thạch Biền đã viết ở trên, họ có cả “người dân ở đây”, đó chẳng phải là điều để người Phan Rí nói riêng, người Bình Thuận nói chung cảm thấy tự hào?