Kết cấu tác phẩm và những cách tân về nghệ thuật trong văn xuôi Việt Nam đương đại

03/05/2023 22:57
1904

PHẠM THỊ THU HƯƠNG


   1. Kết cấu, theo cách hiểu chung nhất là sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật, tức là sự cấu tạo tác phẩm tùy theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu tố của hình thức và phối hợp chúng với tư tưởng… kết cấu khiến tác phẩm trở nên mạch lạc, có vẻ duyên dáng của trật tự.

   Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Nó là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật, đảm nhiệm rất nhiều chức năng như: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng của tác phẩm; triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả và quan trọng nhất là nhiệm vụ tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mĩ.

   Để tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật, chủ thể sáng tạo đóng một vai trò rất lớn trong việc tổ chức, sắp xếp các chất liệu sống, thêm thắt, phát triển những cái chưa có, bỏ bớt những phần thừa, nối liền những cái xa nhau sao cho tác phẩm có sự liên kết hữu cơ từ trong bản thân nội tại. Bởi một tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là “một khám phá về nội dung và một phát minh về hình thức” (1). Việc xác lập cho tác phẩm một kết cấu hoàn bị có tính tư tưởng không những bộc lộ năng lực sáng tạo mà còn thể hiện trình độ tư duy của nhà văn. Sự biến đổi nghệ thuật kết cấu qua mỗi thời kỳ cũng là một cứ liệu quan trọng giúp chúng ta có cơ sở để xác định ý thức thẩm mĩ và phương thức tư duy của người nghệ sĩ trong từng thời kỳ lịch sử phù hợp với khả năng tiếp nhận và thị hiếu thẩm mĩ của con người ở thời đại đó.

   2. Trong giai đoạn 1932 - 1945, văn học Việt Nam gắn liền với quá trình hiện đại hóa và thành công của quá trình này đã mang lại rất nhiều chuyển biến trong sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật kết cấu. Các nhà văn giai đoạn này rất có ý thức trong việc lựa chọn sự kiện, chi tiết, những biến cố và tình huống bất ngờ, giàu kịch tính cho tác phẩm. Tuy nhiên khác với các kết cấu truyền thống của văn học dân gian với lối thắt, mở nút rõ ràng, kết thúc có hậu, tuân thủ thứ tự thời gian. Các nhà văn giai đoạn này dường như chưa tìm được một lối thoát khả thi nào cho nhân vật và cho chính mình cho nên kết cấu tác phẩm giai đoạn này thường có thắt nút mà không có mở nút. Tác phẩm chủ yếu có kết cấu vòng tròn, khép kín, kết cấu đóng… Nhân vật trong các tác phẩm của Nam Cao thời kỳ này như Hộ trong Đời thừa, Điền trong Trăng sáng, Tôi trong Mua nhà, Những truyện không muốn viết, Bài học quét nhà… đến cuối tác phẩm vẫn bị đóng khung trong một không khí tù đọng, ngột ngạt của xã hội và tình trạng nghèo đói khổ não vẫn tiếp diễn. Nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố đến cuối tác phẩm vẫn chưa tìm được lối thoát cho mình khi một mình cô độc chạy vào đêm tối mịt mù như tiền đồ của chị. Bi kịch thời đại kết hợp với bi kịch cá nhân làm cho số phận các nhân vật này luôn bị sa vào một vòng luẩn quẩn. Sự luẩn quẩn, bế tắc trong cuộc đời nhân vật được gián tiếp thể hiện qua lối kết cấu tác phẩm của tác giả bởi kết cấu tác phẩm không tách rời nội dung cuộc sống và tư tưởng của tác giả.

   Bước sang thời kỳ 1945 - 1975, văn học vận động theo khuynh hướng cách mạng hóa, đại chúng hóa để phù hợp với yêu cầu của một thời kỳ lịch sử trọng đại của dân tộc. Kết cấu lịch sử - sự kiện là kết cấu chủ yếu của văn xuôi Việt Nam giai đoạn này. Để phản ánh những vấn đề rộng lớn có tính cách toàn dân nhằm cổ vũ cho tinh thần chiến đấu của cả cộng đồng, kết cấu tác phẩm thường được triển khai xung quanh trục cốt truyện với những tình huống gay cấn, căng thẳng. Kết cấu cốt truyện được phân thành những tuyến mâu thuẫn rõ ràng: tốt - xấu, địch - ta, tích cực - tiêu cực. Hiện thực chiến tranh và cách mạng, vấn đề lịch sử và dân tộc trong thời kỳ này đã có ảnh hưởng khá lớn đối với văn học, quyết định phần nào phương thức biểu hiện của nhà văn. Trong một giai đoạn văn học có sự "bao cấp về tư tưởng" như thế này, yếu tố nhân vật, cốt truyện, sự kiện được quan tâm nhiều hơn là kết cấu tác phẩm. Và kết cấu mở theo hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa với xu hướng nhân vật thuộc "phe ta" cuối cùng cũng tìm được ánh sáng cách mạng và con đường chân lý sẽ mở ra một chân trời mới cho tương lai của họ thường được các nhà văn giai đoạn này chọn làm phương thức thể hiện. Nhân vật lúc này chủ yếu xuất hiện trong các tác phẩm với tư cách là "công cụ tư tưởng" cho nhà văn mà thôi. Sự tự khẳng định cá tính và bản lĩnh nghệ thuật của nhân vật trong nghệ thuật kết cấu rất mờ nhạt, nhiều lúc còn bị lu mờ bởi hệ thống sự kiện.

   Trong văn xuôi Việt Nam sau 1986, kết cấu đã có sự đổi mới: tự do và uyển chuyển hơn, phù hợp với xu hướng dân chủ hóa trong văn chương. Kết cấu lịch sử - tâm hồn được ưu tiên thể nghiệm. Lối kết cấu này được triển khai trong một thời gian đa chiều (đan cài quá khứ - hiện tại) và phụ thuộc vào quá trình tâm lí nhân vật. Loại bỏ bớt những cái nhìn "vĩ mô", tìm đến những góc nhìn "vi mô" về nghệ thuật kết cấu, hành trình mà văn học hướng tới là thế giới bên trong đầy bí ẩn và phức tạp của tâm hồn con người. Từ thế giới này dòng chảy lịch sử bắt đầu quay…

   Nỗi buồn chiến tranh là một thí điểm thành công nhất của Bảo Ninh trong xây dựng nghệ thuật kết cấu theo kiểu lịch sử - tâm hồn với tỷ lệ ký ức đậm đặc: quá khứ 3 - hiện tại 1.

   Không bám trụ vào một khuôn khổ hình thức quy phạm nào, các nhà văn hôm nay đang thể hiện tính chất trò chơi trong văn chương bằng cách xây dựng kết cấu tác phẩm thành nghệ thuật. Tư tưởng “sáng tạo nghệ thuật trước hết là sáng tạo hình thức” được coi trọng. Những hình thức kết cấu mới như kết cấu lắp ghép liên văn bản, kết cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết và những cấu trúc phức tạp, phân mảnh, mở rộng… với sự đan xen giữa ngẫu hứng và kỷ luật, hữu thức và vô thức làm cho diện mạo văn xuôi Việt Nam giai đoạn sau Đổi mới thực sự phong phú và đa hương đa sắc, thể hiện được hiện thực phức tạp đa chiều và đầy biến động của cuộc sống hôm nay. Dường như các nhà văn không phải đang tái hiện bức tranh hiện thực mà đang trình bày cách thức họ làm ra các "kết cấu nghệ thuật" như thế nào. Đây là các kết cấu mang rõ tinh thần "khước từ truyền thống", nghĩa là vượt khỏi mô hình tiểu thuyết quen thuộc, xác lập mối quan hệ mới giữa văn chương với hiện thực, giữa nhà văn với bạn đọc để tạo ra những kinh nghiệm đọc mới (2). Đó là sự thay đổi theo hướng “không còn là tổng thể ngoại diên của những phần câu chuyện được phát triển có trình tự, mà là một tổng thể nội tại của những mảng sự kiện có quan hệ quy chiếu chặt chẽ và phức tạp” (3).

   3. Để thể hiện sự thay đổi tư duy mới về nghệ thuật kết cấu, các nhà văn đã chọn lựa một loại hình nhân vật rất độc đáo, đó là nhân vật nhà văn – một loại nhân vật có nghề nghiệp tương đồng với nghề nghiệp của chính bản thân tác giả. Đối với các nhân vật này, nghệ thuật kết cấu cũng được đánh giá tương đương với nghệ thuật kiến trúc tinh xảo và điêu luyện. Xây dựng được một kết cấu hấp dẫn bất ngờ cũng như xây dựng được một công trình kiến trúc hoàn hảo. Do đó việc biến "vốn sống" thành "chất sống" để nhào nặn lên một "sinh mệnh" nghệ thuật rất được coi trọng. Tuy nhiên khác với những giai đoạn trước khi nhân vật có lúc còn phải chịu sự dắt dẫn của tác giả. Sự dân chủ trong văn học giai đoạn này đã mở đường cho nhân vật tự do tưởng tượng và tự do sáng tạo (bởi nhân vật là nhà văn). Các tác giả nhiều khi phải nhượng bộ, phải "nghe theo" lời sai khiến, thậm chí là sự hành hạ cật vấn của nhân vật. Điểm nhìn và giọng điệu trở nên đa chiều đa diện hơn. Nhân vật nhà văn với hành trình sáng tạo của mình đã tạo ra một cái tôi khác ngoài tác giả hoặc phủ một lớp "mặt nạ tác giả" lên nhân vật, khiến cho nhân vật ở vào một tư thế rất tự do, có thể trình bày những quan niệm, những cách thức sáng tạo tác phẩm một cách linh hoạt. Những thao tác của hậu trường văn học, "bếp núc" văn chương và kể cả những chuyện kín mật của bản ngã cũng được đưa vào tác phẩm làm cho người đọc cứ bị lẫn lộn giữa sự thực và hư cấu. Các nhân vật này lại thường có thái độ tự phản tỉnh về cách viết của mình, tỏ ra rất tỉnh táo trong việc tự nhận thức về chỗ đứng của mình cũng như vai trò của văn học. Trong quá trình "sáng tác" có thể tự phê bình bút pháp của mình, xem mình chịu ảnh hưởng ai, vay mượn ai, làm được điều gì mới lạ… Độc giả vừa đọc truyện vừa được chứng kiến quá trình suy nghĩ và viết lách của tác giả. Hơn nữa, sự hư cấu của nhân vật rất đặc biệt: cố tình để lộ liễu các thao tác làm cho độc giả liên tục bị đẩy ra khỏi tiến trình theo dõi câu chuyện để nhận thức được rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là một sự phản ánh hiện thực gì cả nhưng đồng thời cũng "gây men ngờ vực" cho họ.

   Các nhà văn Việt Nam đương đại muốn chứng tỏ một điều rằng: văn chương là một nghệ thuật, đồng thời cũng là một "trò chơi" (hiểu theo nghĩa tích cực nhất của từ này). Và hoạt động sáng tạo là "chơi kết cấu", "chơi giọng điệu", "chơi ngôn từ" thậm chí là một "trò chơi vô tăm tích" nhưng viết phải như một "phép ứng xử": “Trước hết là ứng xử với bản thân mình, sau là ứng xử với môi trường và môi trường ở đây là toàn bộ những gì mà tự nhiên và con người tạo ra, kể cả những di sản trong quá khứ và những tín hiệu còn mơ hồ về tương lai” (Phạm Thị Hoài). Thậm chí viết là để "phá vỡ trạng thái cân bằng cho cả tác giả và độc giả" (Thuận). Không những thế họ còn ý thức sâu sắc rằng văn chương là một trò chơi nhưng "không được chơi ẩu vì phải chơi với nhiều người", hơn nữa đây là một "trò chơi nguy hiểm" (Phan Thị Vàng Anh). Vì ý thức được điều này nên việc xây dựng nhân vật nhà văn trong tác phẩm văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới cũng nằm trong mạch tư duy hiện đại của chính bản thân tác giả. Vì vậy sự tìm tòi những kiểu kết cấu khác nhau của văn xuôi đương đại là nhằm phát hiện ra tính chất ngày càng phức tạp hơn của đời sống xã hội và con người. Bởi “suy cho cùng những biến đổi trong kết cấu thể loại là phản ánh những đổi thay kết cấu trong đời sống xã hội xét về nhiều mặt” (2).

   4. Văn xuôi Việt Nam hôm nay đang tự thể hiện mình bằng những kết cấu ngẫu hứng, cấu trúc gọn nhẹ, tinh xảo mà sức chứa thông tin lớn. Nhưng không phải cứ lắp, ghép hay dựng như thế nào cũng có thể "ra" được tác phẩm mà giữa các yếu tố, các văn bản có sự nối kết liên hoàn theo quy luật nội tại của tác phẩm tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật sống động. Trong sự liên kết đầy tính nghệ thuật đó, nhân vật nhà văn trở thành một "đầu mối" quan trọng, có khả năng nối kết các "vệ tinh" (là các nhân vật, sự kiện khác trong tác phẩm) lại với nhau theo một trường nghĩa nhất định. Trong một chừng mực nào đó, nhân vật nhà văn cũng có những điểm tương đồng với nhân vật tư tưởng nhưng trong tư duy văn xuôi đương đại, nhân vật chắc chắn không phải làm chức năng "cái loa" phát ngôn cho tác giả, vì vậy cách tốt nhất thể hiện tính dân chủ trong văn chương là để nhân vật tự bộc lộ mình, tự soi mình trong các mối liên hệ với những người xung quanh. Lối kết cấu "hai trong một", "tiểu thuyết trong tiểu thuyết" được ưu tiên thể nghiệm.

   Đây là một thủ pháp, một kỹ thuật sáng tác hậu hiện đại đối chiếu các câu chuyện và điểm nhìn lại với nhau. Bản thảo của nhân vật được lồng trong tác phẩm chính và hai văn bản đó phản chiếu lên nhau tạo hiệu quả cộng hưởng hoặc tương phản, đồng thời làm cho quá trình thụ cảm tác phẩm của người đọc xoay theo nhiều hướng khác nhau, không bám rễ với trật tự tuyến tính, theo các sự kiện gối đầu đơn điệu như xưa. Tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết như phép soi gương đưa người đọc vào một "mê cung văn học" thực ảo lẫn lộn, khó lòng phân biệt được ranh giới giữa hiện thực và tiểu thuyết. Nhưng chính ở nơi đây, các nhân vật làm nghề viết lách văn chương được tự do tưởng tượng và sáng tạo, viết nên những tác phẩm khác cho mình. Thậm chí kể về chính mình như là một đối tượng miêu tả đặc biệt trong "cuốn tiểu thuyết" đó (hay còn gọi là tiểu - thuyết - hóa chính mình). Ở đây sự hư cấu lại được đặt trong một tầng hư cấu khác. Nhân vật do vậy được soi chiếu từ rất nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn. Đặc biệt là điểm nhìn trần thuật cùng lúc có thể trao cho nhiều nhân vật, mở ra nhiều ô cửa khác nhau để nhìn vào thế giới. Đây chính là thủ pháp "gấp bội điểm nhìn" mà các tác giả đương đại thường hay sử dụng. Một khi nhân vật là nhà văn, vai trò là chiếc cầu nối giữa các nhân vật và sự kiện là rất lớn. Nó thể hiện ra trong suy nghĩ của nhà văn về những vấn đề, những con người mà mình quan tâm có thể trong quá khứ hoặc hiện tại và cả những dự cảm mơ hồ về tương lai; qua những cuộc đối thoại trực tiếp hoặc qua việc thực hành viết tác phẩm của mình…

   Chẳng hạn trong tiểu thuyết Chân dung cát của Inrasara có nhân vật nhà văn J'Man, tự xưng tôi trong tác phẩm, là người viết tiểu thuyết Chân dung cát (song trùng với tiểu thuyết chính), đồng thời là người kể chuyện chính của toàn tác phẩm. Bên cạnh J'Man có loại nhân vật chỉ hiện lên qua "hồ sơ" hoặc trí nhớ của J'Man - người kể chuyện, như hình bóng của quá khứ hay một hiện tại đã trở thành quá khứ. Có loại nhân vật va chạm trực tiếp với người kể chuyện (J'Man), cùng tham dự các sự kiện đời sống, tranh biện về tư tưởng… Và câu chuyện được kể một cách ngẫu hứng qua ý thức của nhà văn J'Man. Cũng có khi nó được "cắt dán" bởi "hồ sơ bệnh án" nhân thân, một trích đoạn ghi chép trong sổ tay, lịch làm việc, một bài thơ hay những suy tưởng rối bời của các nhân vật… Mà khi đối chiếu các câu chuyện và điểm nhìn lại với nhau trong những chiều kích không - thời gian phân mảnh, người đọc cảm nhận được một nền văn hóa Chăm đẹp, đậm tính nữ và có ma lực quyến rũ diệu kỳ cũng như tấm chân tình của người viết đối với nền văn hóa dân tộc.

   5. Với sự tham gia trực tiếp của nhân vật người viết trong tác phẩm và việc thuật lại tiến trình viết tác phẩm của mình hoặc trao đổi, bàn luận với các nhân vật khác về một vấn đề nào đó, nhà văn đã gián tiếp bộc lộ quan điểm sáng tạo, mở rộng chủ đề cho tác phẩm, đồng thời có thể chèo lái cốt truyện theo ý đồ sáng tác của mình. Việc tìm hiểu những chuyển biến trong nghệ thuật kết cấu cũng là một con đường khám phá tư duy nghệ thuật của nhà văn.

 

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

   1. Hà Minh Đức (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, 1997.
   2. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, 2006.
   
3. Hoàng Ngọc Tuấn, “Vấn đề cái mới trong tiểu thuyết Việt Nam thế kỉ XX”, http://tienve.org.