Lộ trình và thời gian đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh (Tuy Phong) trong kháng chiến chống Pháp

18/06/2022 00:00
846

HÀ NGÂN


Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận số 226 (tháng 3 - 4/2022) có in bài “Đồng chí Lê Duẩn với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Bình Thuận” (tr.97-103). Sau khi tạp chí phát hành, cũng như đăng tải trên trang website của Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận, tác giả nhận được phản hồi từ một số bạn đọc xung quanh nội dung: đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh vào thời gian nào. Đây là việc thận trọng trong quá trình nghiên cứu, công bố, vì có liên quan đến nhà bia hiện nay đang đặt tại Khu tưởng niệm Cố tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Bình Thạnh.

   Thời điểm diễn ra sự kiện cách đây đã hơn bảy mươi năm. Những người trực tiếp chứng kiến hoặc ở trong sự kiện đã thành người thiên cổ. Giờ đây, để đi tìm sự chính xác của sự kiện, hầu hết chỉ dựa vào sách vở, sử liệu. Mà sách vở, sử liệu để lại cho đến nay, phần thì mất mát, tản mạn khá nhiều, phần có được thì chưa hẳn đã ghi chép đúng với thực tế diễn ra, vì dựa vào trí nhớ của những nhân chứng cao tuổi, thường không còn minh mẫn, cho nên không sao tránh khỏi sai sót ngoài ý muốn nhất là về mốc thời gian. Với mong muốn tiếp cận sự kiện một cách chân thực nhất có thể, bằng cách tổng hợp, đối chiếu, phân tích nhiều nguồn tư liệu, chúng tôi quay lại với vấn đề: lộ trình và thời gian đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh (Tuy Phong) trong kháng chiến chống Pháp. 

   Lộ trình đồng chí Lê Duẩn trên vùng đất Cực Nam Trung Bộ

   Theo tập Tiểu sử Lê Duẩn(1), từ ngày 25 đến ngày 27/5/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt Nam Bộ để bàn về công tác củng cố lại Đảng bộ Nam Bộ. Hội nghị quyết định cử đồng chí Lê Duẩn vào về Nam Bộ cùng các đồng chí hoạt động trong Nam lập thành Ủy ban cải tổ Đảng bộ Nam Bộ, đồng thời chỉ định đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ lâm thời.

   Trong tập Tiểu sử Lê Duẩn viết, đồng chí Lê Duẩn “lặng lẽ lên đường”(2) bằng tàu hỏa, xuất phát từ Hà Nội và xúc động mạnh khi “tàu về đến Quảng Trị”(3) (quê hương của đồng chí Lê Duẩn - Tg). Ghé thăm nhà được một đêm, đồng chí vội vã ra đi. Đến Huế, tranh thủ làm việc với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Sau đó, vào Quảng Ngãi, dừng chân hơn một tuần để tham gia giảng bài lớp huấn luyện cấp tốc về quân sự và chính trị cho cán bộ các tỉnh. Đồng thời, gặp vợ mình là bà Lê Thị Sương được tổ chức sắp xếp đi ô tô từ Quảng Trị vào Quảng Ngãi. Lúc bà Sương lên xe từ Quảng Ngãi về Quảng Trị cũng là lúc đồng chí Lê Duẩn đi mãi về phương Nam. Đầu năm 1947, đồng chí Lê Duẩn đặt chân đến núi Chứa Chan, thuộc Bà Rịa(4), địa đầu của miền Đông Nam Bộ. Rất đáng tiếc là trong tập Tiểu sử Lê Duẩn, đoạn đường đồng chí Lê Duẩn đi từ Quảng Ngãi đến núi Chứa Chan không được ghi chép lại.

   Tham khảo các cuốn sách lịch sử địa phương(5) có đề cập đến sự kiện đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh, chắp nối các thông tin rời rạc, chúng tôi dựng lên vài nét cơ bản về lộ trình đồng chí Lê Duẩn trên vùng đất Cực Nam Trung Bộ.

   Sau khi Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) bị thực dân Pháp phản bội, giao thông đường bộ chia cắt, hệ thống liên lạc bằng điện tín không còn. Để giải quyết việc giao thông liên lạc trong tình hình mới, Ban giao thông liên lạc Trung ương tổ chức đường thư trục từ Việt Bắc đến huyện Hiên (Quảng Nam). Các tỉnh Khu V, Khu VI tổ chức tiếp đường dây đi vào các tỉnh Nam Bộ. Để xây dựng con đường giao liên đi qua địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận, Trung đoàn 81 đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Quang Cầm cùng một trung đội xoi đường từ Bác Ái ra Khánh Hòa đến Phú Yên. Tuyến đường giao liên từ Phú Yên qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vào giáp miền Đông Nam Bộ vinh dự được Ủy ban kháng chiến Nam Việt Nam đặt tên là “Đường mòn Hồ Chí Minh”(6). Đồng chí Lê Duẩn cùng đoàn công tác đã đi bộ cùng giao liên trên tuyến đường này để vào đến Ninh Thuận, Bình Thuận.

   Tháng 7/1947, đồng chí Lê Duẩn đã đến CK7 Ninh Thuận (Chiến khu 7, trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Ninh Thuận chia địa bàn ra thành nhiều “chiến khu” viết tắt là CK - Tg), đi bộ vào Vĩnh Hảo rồi xuống thuyền đi vào Bình Thạnh(7).

   Theo tập Lịch sử Vĩnh Hảo, chùa Linh Sơn (tọa lạc tại xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong) đã đón đồng chí Lê Duẩn dừng chân dưỡng sức tại chùa 1 tuần lễ. Các nhà sư đã chăm sóc và bảo vệ an toàn cho đồng chí. Ngày tiếp tục lên đường, địa phương đã cử 4 tự vệ bí mật dùng ghe chở đồng chí Lê Duẩn vào trạm Bình Thạnh (8).

   Do tình hình địch đánh phá căng, đồng chí Lê Duẩn chưa đi vào được chiến khu Ô Rô, nên ở lại Bình Thạnh gần một tháng, tại nhà vợ, chồng ông Huỳnh Tiếng (Bổn Tiếng) và bà Phạm Thị Nhường.

   Sau khi tình hình địch tạm lắng xuống, đồng chí Lê Duẩn lên đường vào Ô Rô (Khu Lê Hồng Phong, nay là xã Hòa Thắng, Hồng Phong, huyện Bắc Bình) và vào Miền Đông Nam Bộ.

   Qua các tài liệu đã dẫn, tóm lược khái quát lại lộ trình từ Bắc vào Nam của đồng chí Lê Duẩn như sau: Hà Nội - Quảng Trị - Huế - Quảng Ngãi - CK7 Ninh Thuận - Vĩnh Hảo - Bình Thạnh - Ô Rô (Khu Lê Hồng Phong) - núi Chứa Chan (miền Đông Nam Bộ).

   Đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh năm 1946 hay năm 1947 ?

   Chúng tôi tham khảo các cuốn sách lịch sử địa phương có đề cập đến sự kiện đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh đều đưa ra các mốc thời gian như sau: tháng 7/1947 (Bưu điện Bình Thuận, tr.38); năm 1947 và ở lại dưỡng sức một tuần lễ trước khi vào Bình Thạnh (Lịch sử xã Vĩnh Hảo, tr.21); tháng 6/1947, sau đó ở lại Bình Thạnh gần 1 tháng (Lịch sử Tuy Phong, tr.195 Lịch sử xã Bình Thạnh, tr.51). Tuy vậy, trong Lịch sử xã Bình Thạnh, phần hình ảnh minh họa lại chú thích là tháng 10/1947. Cho dù có khác nhau về tháng (6, 7 và 10) nhưng các tập sử nêu trên đều cho rằng đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh vào năm 1947.  

   Trong khi đó, tập sách Tiểu sử Lê Duẩn không nêu chính xác đồng chí Lê Duẩn lên đường vào Nam vào lúc nào. Chỉ biết rằng, tại hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Nam Bộ từ ngày 25 đến 27/5/1946 đã quyết định cử đồng chí Lê Duẩn cùng các đồng chí khác vào Nam lãnh đạo Đảng bộ Nam Bộ. Đồng thời, khi thực dân Pháp đánh chiếm Tây Nguyên và lấn dần ra các tỉnh Nam khu V trong tháng 6/1946, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương phân công dẫn phái đoàn Quốc hội và Mặt trận Liên - Việt đi thăm tiền tuyến, đến tận Cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khi đồng chí Lê Duẩn trở lại Hà Nội thì các đại biểu Nam Bộ đã lên đường trở về địa phương. Đồng chí Lê Duẩn lặng lẽ lên đường vào Nam.

   Như vậy các chi tiết trên cho suy luận, đồng chí Lê Duẩn vào Nam phải từ tháng 6/1946 trở về sau.

   Mặc khác, tập sách Tiểu sử Lê Duẩn có một chi tiết,“…sau ba tháng thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước an toàn (Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Cộng hòa Pháp từ  ngày 31/5 đến ngày 21/10/1946 - Tg). Do yêu cầu cấp thiết của mặt trận, trước khi trở lại miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã không được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Người khuyên bảo, dặn dò. Đó là điều đồng chí cảm thấy nuối tiếc nhất…”(9). Từ các chi tiết trên cho suy luận, đồng chí Lê Duẩn lên đường vào Nam từ sau tháng 6/1946 và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về nước vào tháng 10/1946, đã không còn gặp đồng chí Lê Duẩn tại Hà Nội.

   Đầu năm 1947, đồng chí Lê Duẩn vào đến Xứ ủy Nam Bộ gặp các đồng chí Trần Bạch Đằng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh…(10).

   Từ đầu năm 1947, nhiều lớp huấn luyện “Đường lối Mặt trận Việt Minh”, “Công nhân vận động” được tổ chức cho cán bộ, hội viên cứu quốc ở các vùng ngoại thành Gia Định, tỉnh Long An. Các lớp huấn luyện được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Xứ ủy(11).

   Và từ ngày 16/12 đến 20/12/1947, Hội nghị đại biểu Xứ ủy Nam Bộ diễn ra tại Đồng Tháp Mười, căn cứ của Khu 8 đã bầu ra Xứ ủy chính thức do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy(12).

   Từ các chi tiết trên cho suy luận, thời gian đồng chí Lê Duẩn rời Hà Nội là từ sau tháng 6/1946 và đầu năm 1947 thì vào đến Nam Bộ, riêng thời gian đến Bình Thạnh vào khoảng cuối năm 1946.

   Đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh vào tháng nào năm 1946 (?)

   Trong các sách lịch sử địa phương thể hiện ba mốc khác nhau gồm: tháng 6, 7 và tháng 10.

   Về mốc tháng 6 và tháng 7, dĩ nhiên đồng chí Lê Duẩn không thể đến được Bình Thạnh vào tháng 6, bởi vì lúc này chỉ mới khởi hành từ Hà Nội. Tàu chạy từ Hà Nội vào Quảng Trị cũng mất khoảng thời gian nhất định. Đồng chí Lê Duẩn còn dừng lại ở Huế làm việc với đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, vào Quảng Ngãi dừng chân để huấn luyện các lớp cán bộ, gặp vợ. Và nhất là phải mất khá nhiều thời gian đi bộ theo đường giao liên đầy gian khổ, nguy hiểm, vừa đi vừa tránh địch, khi vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Cho nên, mốc thời gian tháng 7, đồng chí Lê Duẩn đến CK7 Ninh Thuận cũng không phù hợp.

   Có một chi tiết là trong Lịch sử Bình Thạnh viết, “đoàn của đồng chí Lê Duẩn lưu lại tại Bình Thạnh vào tháng 6 năm 1947, dài ngày hơn (một tháng)”(13), nhưng phần hình ảnh minh họa lại chú thích, “nơi đây là hầm trú ẩn của đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Trung ương Đảng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) trên đường đi công tác dừng chân tại Bình Thạnh trong tháng 10 năm 1947” và “Má Phạm Thị Nhường, người có công chăm sóc, bảo vệ đồng chí Lê Duẩn, khi đồng chí ở tại Bình Thạnh tháng 10 năm 1947” (xem hình 1 và 2). 

   Từ các dữ liệu trên chúng tôi nhận thấy, đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh cuối năm 1946, có thể khoảng tháng 10, ở lại gần 1 tháng, sau đó vào Ô Rô và đến miền Đông Nam Bộ đầu năm sau. Đây là mốc thời gian hợp lý nhất khi đối chiếu với các tư liệu liên quan./.

Chú thích

([1]) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước, Tiểu sử Lê Duẩn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007; (2) (3) Tiểu sử Lê Duẩn (sđd), tr.37; (4) Núi Chứa Chan còn có tên gọi khác là núi Gia Lào hay núi Giá Ray, nay thuộc thị trấn Giá Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cao khoảng 837 m so với mực nước biển, cao thứ nhì Đông Nam Bộ sau núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh; (5) Lịch sử Tuy Phong, tập 1, 1930 -1954 (xb 1993), Bưu điện Bình Thuận - những dấu son lịch sử (xb 1995), Bình Thạnh truyền thống cách mạng và văn hóa (xb 1996), Vĩnh Hảo truyền thống đấu tranh cách mạng, 1930 - 1975 (xb 2007); (6) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Trung đoàn 812 Cực Nam Trung bộ, xb 1996, tr.64; (7) Bưu điện Bình Thuận, Bưu điện Bình Thuận – những dấu son lịch sử, xb 1995, tr.38; (8) Vĩnh Hảo truyền thống đấu tranh cách mạng, 1930 - 1975, tr.21. Sau khi đồng chí Lê Duẩn từ trần, chính quyền, nhà chùa và nhân dân địa phương đã lập nhà tưởng niệm đồng chí tại chùa. Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn cũng là nơi thờ tự vong linh 72 liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ của làng Vĩnh Hảo; (9) (10)Tiểu sử Lê Duẩn, tr.38; ([1]1) Đoàn Thị Hương, Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Minh ở Nam Bộ những năm đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945-1954), Tạp chí Mặt trận, số tháng 11-12/2013, tr.87; ([1]2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.349-358; ([1]3) Bình Thạnh truyền thống cách mạng và văn hóa, tr.51.