Các đền tháp Chăm tại Tuy Phong

22/08/2022 00:00
687

KINH DUY TRỊNH



 Các thiếu nữ Chăm đang hát, múa trước Đền Pô Inư Nưgăr thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.


   Đền Pô Inư Nưgăr (Pô I-nư Nư-gành) :

   1. Vị trí các ngôi đền:

   Tại Tuy Phong có đến ba ngôi đền Pô Inư Nưgăr. Đền Pô Inư Nưgăr Tabôk Chavet, đền Pô Inư Nưgăr Ta-ak tọa lạc tại làng Thạnh Vụ nay là xóm Cây Khế,  xã Phú Lạc và đền Pô Inư Nưgăr Gahol tọa lạc tại thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú.  Đền Pô Inư Nưgăr Tabôk Chavet tại thôn Lạc Trị được xây dựng vào thế kỷ XVII*. Lúc đầu chỉ là nhà tranh vách đất, về sau được trùng tu bằng vách tường, gạch ngói trông rất khang trang. Cửa chính hướng về phía đông. Trong đền được thờ tám vị Thần:

   - Pô Inư Nưgăr Taha (Pô I-nư Nư-gành Ta-ha)
   - Pô Dara Rah Nưgăr (Pô Tà-rà Rá Nư-gành).
   - Pô Nai Dara (Pô Nai Tà-rà).
   - Pô Ti-kuh Dara (Pô Ti-kú Tà-rà).
   - Pô Nai Neh Taha (Pô Nai Né Ta-ha).
   - Pô Dara Nai Sit (Pô Tà-rà Nai Sít).
   - Pô Sah Neh Taha (Pô Sá Né Ta-ha).
   - Pô Inư Nưgăr Gilâw (Pô I-nư Nư-gành Gì-lầu). 

   Hằng năm, bà con tại địa phương thường lên cúng vào đầu năm theo lịch Chăm. Riêng đền Pô Inư Nưgar Tabôk Chavet tại thôn Lạc Trị còn tổ chức vào  dịp Ka-tê Chăm vào mồng một tháng bảy, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn phát đạt, dân làng ấm no, hạnh phúc.  

   2. Truyền thuyết về  Pô Inư Nưgăr

   Thuở xưa, tại núi Lang Gari (Lăng Gà-rì ) xứ Nha Trang có vợ chồng ông Khăng Padang (Pa-tằng) phát rừng làm rẫy ở gần núi Lăng Gari trồng dưa. Đến khi có trái thì vào đêm trăng rằm, trên trời giáng xuống một người con gái xinh đẹp độ chừng 16 tuổi xuống đám dưa của vợ chồng ông Khăng bà Pà tằng hái những quả dưa non để đùa chơi, rồi vứt bỏ đầy rẫy. Đêm nào cũng vậy, hai ông bà bèn bàn với nhau rồi rình bắt được, ông bà thấy một bé gái thật xinh đẹp trong lòng lấy làm mừng rỡ, biết đó là con Pô Dêbita Thôr (Pô Tề-bì-ta Thônh) hóa thân. Ông KhăngPadang  bắt về làm con, nuôi nấng yêu thương như ruột thịt. Gần rẫy có một con sông lớn chảy ra cửa biển. Đến khi lớn lên bé gái thấy cát mịn trôi xuống rất tốt liền lấy bàn chân trái của mình dựng lên bên cạnh nước, sau đó lấy tay cào cát với nước vào trước mặt mình nhỏ xuống lưng bàn chân nhô lên rất cao, dáng giống như người xưa dựng tháp, rồi thì thầm nói: “ Cua ngược dòng, cua mang quả bầu nghe róc rách trong núi Kanak (Ka-ná), vào nhà ăn cơm, rồi cắn cụt đuôi ”.

   Đọc xong câu trên rồi xem đống cát giống tháp thần, sau đó trở về nhà. Đến hôm sau, nàng lại xuống sông tắm nữa, nàng ngồi bệt xuống nước, lấy đôi bàn tay hất nước về trước mặt mình, rồi cũng thì thầm nói: “ Mưjuk Mưjuk Bilang (Mư Chụ Mư-Chụ, Bì-làng), Mư Juk về nhà, Bilang ở lại ”. Đó gọi là lời trêu trai. Bỗng chốc thấy từ trên nguồn trôi xuống một khúc gỗ trầm hương dài khoảng hai sải tay, to gần một người ôm, còn xoay đi xoay lại rồi dừng trước mặt nàng đang tắm. Thấy gỗ thật láng, nàng liền trèo lên nằm trên khúc gỗ rồi tìm nước sâu tập bơi. Sau đó bị nước cuốn trôi đến xứ Tàu làm hạn hán 7 năm liền. Vua Tàu suy nghĩ không rõ sự thể ra sao, cho mời nhà tiên tri đến hỏi. Nhà tiên tri bảo rằng có một khúc gỗ trầm hương chìm giữa biển nên bị hạn hán. Nhà vua cho các quân lính xuống biển tìm kiếm, thấy có một khúc gỗ trầm hương nhưng không sao đưa lên được. Câu chuyện đến tai hoàng tử nước Tàu. Hoàng tử bảo đưa đến xem, đến nơi hoàng tử lặn xuống tìm thấy, hoàng tử liền nổi lên gần bờ biển khẩn cầu với Pô Dêbita Thôr  rằng: “Nếu có cho con, xin cho con nâng được khúc gỗ trầm hương này để về phụng tự”.

   Khấn cầu xong, hoàng thái tử mới nâng lên được một cách nhẹ nhàng như nâng lá lúa, rồi mang đi lau chùi sạch sẽ, sau đó sai quân lính mang về triều nội. Tất cả quân lính hợp sức nâng lên không xuể, thấy quân lính nâng không được hoàng tử đưa tay vào nâng lên rồi vác đi để gần thành nội. Từ đó trời rất thuận mưa gió về với dân làng, quê hương đất nước.

   Ngày ngày hoàng tử thường cảm thấy nhớ nhung đến khúc gỗ trầm hương, ngủ không ngon, ngồi không yên, đêm nào cũng đi ra ngồi gần khúc gỗ trầm để nghe tiếng hát thì thầm ngậm ngùi phát ra từ khúc gỗ ấy.

   Một đêm nọ, hoàng tử ra tận khúc gỗ trầm hương thấy một người con gái bước ra từ khúc gỗ trầm đến ngồi gần thì thầm với hoàng tử. Từ đó hoàng tử đến tâu với vua cha và hoàng hậu xin được làm lễ cưới cùng với nàng để thành chồng thành vợ. Nàng bèn nói lại “Chàng nói vậy thôi, em chưa dám nghĩ đến chuyện thành thân, thân phận em côi cút lắm, không mẹ cũng không cha, như vậy làm sao em ước được, nếu chàng có lòng tốt với em, xin chàng tâu lại với vua cha truyền lệnh đã, hơn nữa vua cha chưa thấy mặt mũi em như thế nào, sợ rằng vua cha và hoàng hậu bảo rằng ma quỉ đến phá phách làm cho chàng tương tư đến vậy. Hoàng tử cũng nghe theo lời của nàng, nhưng trong lòng hoàng tử rất bối rối chẳng nhớ gì đến việc đọc sách hay là đi dạo chơi. Ngày càng ốm yếu, thân thể như người bệnh hoạn.Vua cha và hoàng hậu thấy con buồn rầu như vậy liền cho tới hỏi đầu đuôi câu chuyện “Vì sao như vậy? Hoàng tử cần tâu trình cho thật lòng với vua và hoàng hậu biết đừng giấu giếm điều gì”.

   Thế rồi hoàng tử van lạy với vua cha và hoàng hậu rằng: “Không hiểu vì sao, ngày cũng như đêm, con rất nhớ nhung đến gỗ trầm hương đấy mãi. Cứ đến ngồi bên gỗ trầm hương, chốc chốc thấy một người con gái rất xinh đẹp hóa phép bước ra từ khúc gỗ trầm hương vui vẻ nói chuyện với con. Từ đó đến nay con nhớ nhung người con gái ấy lắm, xin vua cha và hoàng hậu rộng lòng thương tình tổ chức lễ cưới cô gái đó cho con để thành vợ chồng”. Vừa dứt lời, vua cha rầy la một mạch, nói: “Ta làm vua cả một nước, sao lại đi gả con cho một người côi quả ấy hay sao? Vả lại ta và hoàng hậu chẳng thấy đâu cả, như vậy có đúng không? Hay là quỉ sứ đến phá phách cũng chưa biết chừng, sao con đòi lấy cô gái ấy. Để ta tìm cô gái khác cho con”.

   Những lời rầy la của vua cha như thế nào thì Nai Juk đều nghe tất cả. Đến tối hôm sau, hoàng tử lại đến với Nai Juk, nàng lại  than trách với hoàng tử rằng: “Em đã van xin chàng rồi, cớ sao chàng nỡ lòng nói chuyện của em để cho vua cha rầy la, chàng không thấy tội nghiệp em hay sao? Cho em xin bàn với chàng thôi việc ấy đi, hãy nghe theo lời vua cha và tìm cô gái khác lấy làm vợ, đừng để vua cha buồn, còn em sống như vậy thôi. Xin chàng đừng đến với em nữa ”.

   Nói xong Nai Juk (Nai Chụ) lại hóa phép trở vào gỗ trầm hương như cũ. Còn hoàng tử nghe xong buồn bã, nghẹn ngào không vững tâm, cũng chẳng nhớ đến việc ăn uống và công việc nữa. Vua cha và hoàng hậu thấy con mình rầu rĩ gầy còm cơ thể, vội cho mời tiên tri đến xem sự thể ra sao! Nhà tiên tri tâu rằng: “Người con gái ấy là con của Pô Dêbita Thôr  giáng trần ẩn mình trong gỗ trầm hương tại xứ Chiêm Thành, rồi trôi dạt về xứ sở mình để cho hoàng tử lấy làm vợ, xin hoàng thượng thương tình tổ chức lễ cưới cho hoàng tử, như vậy là đúng với kinh sách ”.

   Nhà vua thuận theo lời của tiên tri rồi định ngày lành tháng tốt tiến hành tổ chức cưới, hoàng tử nghe vậy rất mừng. Tối hôm sau, chàng lại đem câu chuyện này kể lại cho Nai Juk nghe, nàng lại nói : “Em không dám nghe lời chàng nữa, nếu thật như vậy thì chờ đến khi nào có lệnh truyền của vua cha và hoàng hậu thì lúc ấy em mới mừng”.

   Hoàng tử lại đem những lời nói ấy thưa với hoàng hậu, ở đây Nai Juk  cũng đang chờ lệnh truyền của hoàng hậu. Thế rồi vua cha và hoàng hậu truyền lệnh mời Nai Juk đến. Quan quân đến đón thấy tiếng Nai Juk từ gỗ trầm nói ra: “Muôn tâu thánh chỉ, lệnh truyền ấy con xin nhận và đi theo sau về nội triều”. Sau đó Nai Juk hóa phép bước ra từ gỗ trầm. Thấy thân hình xinh đẹp hào quang Nai Juk tỏa ra như trăng rằm mười sáu. Chàng và Nai Juk dẫn nhau về đến cửa nội triều. Vua cha và hoàng hậu vội vàng đứng dậy ngạc nhiên vừa mừng vừa lo vì ánh hào quang tỏa như nữ thần mặt trời, rồi sau đó nhà vua truyền lệnh cho Nai Juk ngồi, thầm nghĩ rằng Pô Dêbita Thôr  đã cho ta nàng dâu rồi.

   Tất cả câu chuyện vừa xong và định ngày cưới, vua và hoàng hậu sai chọn vải vóc đẹp để may áo cho nàng dâu. Nai Juk xin tâu : “Chúng con đã có sắp đặt áo quần rồi, thưa vua cha và hoàng hậu”.

   Đến ngày lễ cưới, hoàng tử và Nai Juk ăn mặc rất đẹp trông rất xứng đôi, hào quang tỏa sáng như Thần Thái Dương. Đến giờ hoàng đạo dẫn nàng dâu vào nội triều để làm lễ thành hôn theo phong tục tập quán xong. Cả con và nàng dâu đều cúi lạy vua và hoàng hậu, được cả vua và hoàng hậu cho phép một tháng nghỉ ngơi.

   Nai Juk ở với hoàng tử được 6 năm, sinh được 2 người con, Patri (Pa-tri) là con trai, Mưquik (Mư-quí) là con gái. Một hôm hoàng tử lại lên đường sang xâm chiếm các tộc lâng bang để tìm nô lệ về phục vụ. Nai Juk van xin rằng: “Chàng đừng đi đánh các tộc người lâng bang, sợ sau này không còn phúc đức nữa”. Nai Juk van xin thế nào đi nữa thì chồng cũng không nghe. Càng lúc càng suy nghĩ cảm thấy chán ngán trong lòng, cũng chẳng muốn là vợ chồng với nhau nữa. Nai Juk nén lòng quay lưng với hai đứa con của mình, đến nửa đêm Nai Juk hóa phép trở vào khúc gỗ trầm hương quay về nhà với cha mẹ nuôi của mình tại xứ Nha Trang, núi Gilang (Gì-lằng) tại làng Đại An dựng tháp rồi dạy thần dân từ nam nữ thanh niên cùng đến học tập phép tắc, học chữ, dệt vải, dệt thổ cẩm, dệt áo, dệt chăn, dệt váy cùng với các công việc khác như cấy cày trồng các loại thực phẩm…tất cả đều từ sự dạy bảo của Nai Juk.

   Đến khi hoàng tử trở về nội triều không thấy vợ đâu cả bèn bấm độn xem, biết rằng vợ mình đã giận và trở về xứ sở của nàng. Từ đó hoàng tử cùng với 2 người con đi thuyền băng qua biển vào tìm vợ để cùng nhau trở về xứ Tàu. Thuyền vừa gần đến, Nai Juk nhìn thấy, biết rằng đó là thuyền của chồng mình đi theo sau, nàng thầm nghĩ nếu không đi nhanh thì không biết sự thể như thế nào. Thế rồi Nai Juk nghĩ về sự chán nản trong lòng, vội đứng dậy hóa phép làm bão tố nổi lên nhấn chìm cả hoàng tử cùng với 2 người con thành các hòn đảo nhỏ tại cửa biển Nha Trang, tại hòn đảo còn có chữ ghi lại cho đến bây giờ. Hiện nay đảo có tên gọi là “hòn đảo thuyền của hoàng tử và hai người con ”, những cơn sóng đã làm mất đi hòn đảo, nay còn lại 3 hòn đảo tại vịnh Nha Trang. Từ đó, khi Nai Juk nhớ đến con thì nhìn ra hòn đảo. Sau này người dân địa phương thường dùng để làm nghi lễ theo tập tục. Sau này Pô Dêbita Thôr hóa phép cho Nai Juk trở thành vua. Tên gọi đầu tiên là Pô Inư Nưgăr sau khi lên ngôi vua. Pô Inư Nưgăr đã mang về cho thần dân nhiều điều tốt lành, kể cả người Kinh, người Chăm và các tộc người khác trong vùng đều đến khẩn cầu và phụng tự. Sau đó Pô Inư Nưgăr thăng thiên.

   Tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cũng có đền thờ Pô Inư Nưgăr nhân dân địa phương thường gọi là đền Bà Chúa Xứ .

 

______________________

* Theo Cụ Qua Đình Bồi 97 tuổi tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.
   Nai Juk: Bà Chúa Đen.
   
Pô Dêbita Thôr: Đấng Tối cao, Đấng Thượng đế.