Ba hồi trống hội xưa nay…

04/01/2023 00:00
1700

VÕ NGỌC VĂN


Hàng năm vào tháng 9 các trường học đều tổ chức Lễ khai giảng năm học mới, thầy hiệu trưởng (có nơi là một chức sắc địa phương) lên đọc diễn văn và đánh ba hồi trống trong ngày hội tựu trường. Rồi tháng 11 đến, mấy năm gần đây các khu phố, thôn đều tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, một vị lãnh đạo địa phương lên phát biểu và đánh ba hồi trống khai hội. Trong chương trình nghệ thuật Mừng Đảng - Mừng Xuân hàng năm (thường tổ chức trong đêm đón giao thừa), trước khi biểu diễn là đọc thư Chúc Mừng Năm Mới của lãnh đạo và đánh ba hồi trống khai diễn. Và Phan Thiết quê tôi có lệ tổ chức Ngày Hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty vào chiều mùng 2 Tết, lãnh đạo địa phương đến dự và đánh ba hồi trống khai hội. Rồi mùa Xuân là mùa tuổi trẻ lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua Tết nơi nơi đều tổ chức Hội trại tòng quân với ba hồi trống giục … Nói chung trong đời công tác tôi đã có mặt ở nhiều cuộc lễ khai mạc, hội thi, hội diễn, hội trại và hội hè... có lần một người hỏi: sao đánh trống khai mạc là phải ba hồi? Tôi giật mình “đánh trống lảng” ỡm ờ cho qua chuyện: “Thì xưa bày, nay vẽ mà”. Và tôi đi tìm câu trả lời cho chính mình…

 


Lễ khai diên xây chầu hát bội tại Dinh Vạn Thủy Tú – Phan Thiết

 

   Tìm hiểu ngay tại địa phương Phan Thiết, qua khảo cứu Lễ Tế Xuân tại Di tích Lịch Sử văn hóa cấp quốc gia đình làng Đức Thắng, Bảo tàng Bình Thuận cho biết: “Mỗi độ Xuân về, từ tháng giêng đến tháng hai Âm lịch hàng năm các đình làng tổ chức lễ tế Xuân (còn gọi là lễ Kỳ yên). Sách Gia Định thành thông chí (Quyển IV) của Trịnh Hoài Đức có viết:“ mỗi làng dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế… Ngày giờ cúng tế tùy theo tục từng làng không đều nhau hoặc lấy tháng giêng cầu phúc gọi là tế Xuân; hoặc lấy tháng 8,9 báo ơn thần là tế Thu… Việc tế đều có chủ ý chung gọi là Kỳ yên”. Còn theo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục có chép: “Tế kỳ phúc - Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ Xuân, Thu có một tuần đại tế gọi là tế kỳ phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an”. Vì thế mà các lễ tế ở đình làng nói chung và đình làng Đức Thắng nói riêng đều luôn chiếu theo lệ xưa thực hiện và thường thì các đình làng tổ chức lễ tế Xuân có quy mô lớn hơn lễ tế Thu.Theo thông lệ, lễ tế Xuân tại đình Đức Thắng diễn ra trong 3 ngày (từ 14 - 16 tháng 2 Âm lịch) với nhiều nghi lễ như: Túc yết, Thỉnh sắc, Chánh tế và lễ tế Tiền hiền”...Ông Nguyễn Văn Cao, Trưởng ban lễ tế cho biết: “... Lễ tế Xuân đầu năm là cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ tế Thu bây giờ là nhằm tạ ơn về những gì mình đã đạt được, cầu xin thần tổ phù hộ cho người dân an cư lạc nghiệp. Các nghi thức đều phải được tổ chức long trọng và hết sức nghiêm trang”.

 

   Qua tìm hiểu, trong các nghi thức mỗi làng đều phải có nghi thức xây chầu với 3 hồi trống đánh. Nhà văn Sơn Nam kể về Lễ xây chầu ở Nam bộ:

 

   Trống chầu đặt ở góc sân khấu (nơi lát nữa sẽ hát bội), chọn vị trí day về hướng Đại Lợi, tùy theo năm âm lịch (Tý, Sửu, Dần...). Mặt trống phủ vải đỏ, ngọn nến cháy sáng lung linh trên giá trống...Viên chấp sự nhìn về hướng Đại Lợi, cầm roi, bấm ấn Tý và nắm tay áo rộng bên mặt (cho khỏi lòng thòng). Dùng ngọn roi làm bút, vẽ tượng trưng chữ HánThạnh (thịnh vượng). Lui ba bước, dùng ngón chân viết tượng trưng hai chữ Hán: Sát quỷ. Rồi cho roi chầu nhịp mạnh sau khi xướng to: Hà an xã tắc, kế đến Không trung khương thới rồi Lê thứ thái bình...Tiếp đó, người chấp sự đánh thêm ba hồi tổng cộng 100 roi nữa. Đánh trống với thần lực, tròn tiếng, trước đánh thưa, sau đánh nhặt và to hơn (gọi là kiểu tiền bần hậu phú)...

 

   Theo cổ lệ, phần này phải đánh cả thảy ba hồi là 300 (80-100-120) roi chầu, sau giảm bớt chỉ còn 216 (36-72-108) và nay chỉ còn 120 (20-40-60) roi, vì phần nhiều người biết đánh trống chầu giờ đây đều đã già, không đủ sức. Hồi thứ nhất đánh 20 roi, khi dứt, đánh thêm hai dùi nhỏ tiếng hơn, như là dư âm. Hồi này, khi thực hiện, người đánh phải xướng thật to: Trừ hung thần ác sát, ngụ ý đuổi ma quái ra khỏi làng. Hồi thứ nhì đánh 40 roi, dứt rồi điểm hai dùi nhỏ tiếng, không xướng khẩu lệnh. Hồi thứ ba đánh 60 roi, dứt thì điểm hai tiếng nhỏ, rồi người chấp sự hô to: Khôn trung hội viên nam nữ đòng thọ phước (Ở mặt đất, nam nữ hội viên của đình đều được hưởng phước). Các thành viên của Ban tế lễ và thân hào đồng "dạ" lớn. Vừa dứt, đánh ba hồi ba dùi, mỗi hồi...Sau đó nhạc trỗi lên, quan viên cầm chầu và các đào kép bắt đầu sang phần Đại Bội.

 

   Chúng ta cùng trở về quê cũ Quảng Nam (người Bình Thuận vốn là “Ngũ Quảng lưu dân”, Tiền hiền làng Đức Thắng gốc Điện Bàn vào Phan Thiết khai hoang lập ấp), đọc lại bài “Từ lễ tế xuân đến kỳ yên” của tác giả Trương Điện Thắng trên báo Quảng Nam online (ngày 4/3/2017): “Vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng Hai thường có lễ tế xuân, có nơi là lễ kỳ yên…Theo các cụ già, lễ kỳ yên ở miếu làng cũng như lễ ở đình ngày xưa do một ban cổ lễ gồm các vị bô lão, hội đồng chư tộc trong làng đứng ra chủ trì, gọi Ban quý tế. Sau lễ tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…, một vị cao niên nhất trong làng được mời làm Chấp sự khởi lễ Xây chầu, đánh ba hồi trống, xướng lời cầu phúc cho dân làng. Với lòng cầu mong ấy, sau các hồi chiêng trống, vị chủ bái thường bắt đầu phần nghi lễ với bài xướng:

 

Nhất sái thiên thanh (Trời thêm thanh bình)
   
Nhị sái địa linh (Đất thêm tươi tốt)
   
Tam sái nhơn trường sanh (Người được sống lâu)
   
Tứ sái quỷ diệt hình (Quỷ dữ bị tiêu diệt).

 

   Đọc xong, chủ bái đánh ba hồi trống rồi xướng: "Ca công tiếp giá". Đến đó, các nhạc công, diễn viên bắt đầu trình diễn các trích đoạn tuồng tương ứng…Các nhà nghiên cứu văn hóa ngày nay đều nhận định lễ cúng kỳ yên hoặc tế xuân là một nghi lễ văn hóa mang tính nhân văn cần được gìn giữ, phát huy. Bởi, bên cạnh yếu tố tâm linh, nó còn là cơ hội để mọi cá nhân thuộc về cộng đồng gặp gỡ, giao lưu… tạo nên tình đoàn kết từ dòng tộc đến mỗi thôn xóm” .. .            

 

   Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận ở Phan Thiết và các vùng lân cận, Lễ tế Xuân diễn ra hàng năm tại các đình làng, miếu mạo và dinh vạn như: Chùa Ông Quan đế miếu (13 tháng Giêng); Đình làng Đức Nghĩa, Đình làng Hưng Long, Dinh Ba Bà- Phú Hài (16 tháng Giêng); Đình làng Lạc Đạo (20 tháng Giêng); Miếu Bình Tân Lân (21 tháng Giêng); Đình làng Tú Luông (12 tháng 2); Đình làng Đức Thắng, Đình Nam Nghĩa (16 tháng 2); Đình làng Phú Lâm-Tiến Lợi (17 tháng 2); Ngư nghiệp Hàm Tiến, Miếu Bà Sa Động Mũi Né, Đình làng Phú Hội, Đình làng Kim Ngọc (18 tháng 2); Vạn Thủy Tú (21 tháng 2); Đình làng Lại An (16 tháng 3); Vạn Khánh Long (17 tháng 3); Hội Khánh Điền (16 tháng 3); Chùa Bà Đức Sanh (19 tháng 3)...Vào dịp lễ hội “tế xuân, tế thu” ở đình làng, nhất là trong Lễ Hội Cầu Ngư ở các dinh vạn đều tổ chức hát Bội, dân gian thường gọi là “làm chay, hát bội” hoặc “trong chay, ngoài bội”, lễ xây chầu hát bội ở vùng Phan Thiết qua khảo cứu thấy có phần giản lược và dễ hiểu hơn. Ông Chánh bái cầm dùi trống vẽ bùa “tứ tung” và vẽ hình “ngũ hoành”, rồi đánh trống. Hồi thứ nhất gọi là “nhất tác viết thiên”: cầu mưa thuận gió hòa, hồi thứ hai gọi là “nhị tác viết địa”: cầu thái bình thịnh vượng, hồi thứ ba gọi là “tam tác viết nhân”: cầu an cư lạc nghiệp.

 

   Chung quy, ba hồi trống ấy thể hiện cho lòng mơ ước, cầu nguyện về một “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiên thời là mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng; Địa lợi là mùa màng tươi tốt, đa ngư đắc lợi; Nhân hòa là thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp... Xưa cũng như nay!.