CHỦ QUYỀN THIÊNG LIÊNG NƠI BỐN BỀ BIỂN KHƠI

18/10/2022 00:00
438

HÀ NGÂN



Rau mầm từ hạt đậu đen trên quần đảo Trường Sa.

 

Tôi được dịp tham gia chuyến công tác trên quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên, cũng có thể lần cuối cùng trong cuộc đời mình, bởi không dễ để tham gia chuyến đi đến vùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi trải dài một tháng trời trên biển. Dư âm để lại trong tôi là rất nhiều hình ảnh khó quên. Đó là cảm giác rưng rưng nghe một tiếng chuông chùa ngân nga trên sóng nước, là điều ngạc nhiên khi nhìn những mầm rau mướt mát từ hạt đậu đen, hay xúc động trước việc “trồng người” nơi sóng gió, thú vị khi gặp những người bạn đặc biệt và sự vui mừng chứng kiến sự đổi thay tại một đảo chìm…

   1. Phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quanh năm chỉ có các chiến sỹ canh giữ biển trời. Thời gian sau này, người dân từ đất liền ra một số đảo lớn sinh sống, có tiếng khóc trẻ thơ, có tiếng ê a đọc bài trong lớp học. Điều đó đã trở thành kỳ diệu. Và rồi càng kỳ diệu hơn khi những ngôi chùa được xây dựng, những nhà sư ra đảo phụng sự Phật pháp. Cuộc sống các chiến sỹ vốn dĩ đã quen chịu đựng thiếu thốn gian khổ về vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống người dân trên đảo cũng sẽ dần thích nghi. Nhưng đối với các nhà sư, để làm quen được với cuộc sống nơi bốn bề là biển quả thực khó khăn. Mà ngẫm lại, con đường tu tập, phụng sự Phật pháp gặp nhiều gian nan, gian khổ, trắc trở, đến lúc đắc đạo sẽ rất để đáng trân trọng. Suy nghĩ vu vơ trên tưởng chừng nhòe phai, nhàu nát theo từng con sóng hung dữ, chợt dội về mãnh liệt khi nghe tiếng chuông chùa ngân nga trong ráng chiều đảo xa.    

   Chùa tọa lạc tại đảo, lúc đầu chỉ có cổng tam quan, tòa chính điện. Tiếp đó nhà thờ tổ, nhà chư tăng và đài quan âm. Tất cả đều do công sức nhân dân trên dải đất hình chữ S ủng hộ. Tòa chính điện theo kiến trúc một gian hai chái có mái cong, đầu đao. Giữa chính điện thờ pho tượng phật bằng đá quý trắng. Nhà thờ tổ, nhà chư tăng gồm một trệt, một lầu. Trên lầu, gian chính giữa thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hai gian tả, hữu là phòng tăng. Dưới trệt, ở giữa là thư viện Phật học với hàng trăm đầu sách, kinh kệ phật giáo, phòng tăng và nhà bếp.  

   Ngồi đối diện với chúng tôi là vị trụ trì có gương mặt thông tuệ, giọng nói chậm rãi và trầm ấm. Đại đức trụ trì cho biết, mình luôn được khuyến khích, tạo điều kiện để hoạt động, hành đạo. Những ngày lễ trọng hàng tháng như ba mươi, mùng một, mười bốn và mười lăm âm lịch, mọi người đến chùa đốt hương cầu an. Khi chúng tôi có vẻ phân vân về việc tu tập, đời sống sinh hoạt hàng ngày ở đảo xa chắc sẽ khó khăn đối với người tu hành. Đại đức trụ trì nở nụ cười hiền lành bày tỏ. Sau khi tu học, tốt nghiệp trường lớp Phật học, đại đức phát tâm nguyện đến vùng sâu, vùng xa hoặc hải đảo để tiếp tục con đường đạo pháp. Khi vị sư trụ trì đời thứ nhất trở về đất liền, đại đức được chấp thuận tâm nguyện ra đảo. Mặc dù mới kế nhiệm, đại đức nhận thấy nơi đảo xa rất phù hợp, thuận lợi với việc tu tập Phật pháp của một nhà sư. Trong sinh hoạt hàng ngày, nhu yếu phẩm thiết yếu dành cho người tu hành được mua từ đất liền gửi ra. Bên cạnh đó, mỗi buổi sáng trên đảo đều tổ chức làm đậu phụ để cung cấp thêm khẩu phần ăn cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Trong đó, có một phần dành cho nhà sư đáng kính.

   Tôi hỏi nhà sư, khi mấy hôm trước, tàu HQ không cập được cầu cảng, tôi có nhờ người chuyển vào chùa vài thùng mì gói chay, nhà sư đã nhận được chưa. Đại đức cảm ơn, nói đã nhận được và thắc mắc trong lòng mãi, người lạ mặt nào đó đã tặng chùa. Đến hôm nay mới được gặp. Để tỏ lòng cảm ơn, đại đức tặng tôi cục san hô lấy lên từ nền móng khi khởi công xây dựng chùa. Kỷ vật ấy được tôi đặt trang trọng trong phòng làm việc riêng của mình.

   2. Có một số đảo quanh năm đầy những con sóng to. Nơi đó, tàu chở các đoàn công tác rất khó vào cập cầu cảng nhất. Kể cả dùng xuồng nhỏ chở từng nhóm tiếp cận đảo. Nơi đó, cán bộ, chiến sỹ đảo luôn tích cực tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi để bổ sung khẩu phần ăn hàng ngày. Nhìn thấy khoảnh rau mầm xanh ngắt, lạ mắt, tôi cùng mọi người trong đoàn công tác đứng lại trầm trồ. Cậu chiến sỹ trẻ lại gần cho biết, đó là rau mầm đậu đen. Mọi người ngạc nhiên, bật cười khi đậu đen ở đất liền được dùng để nấu chè, bỏ thêm chút gừng ăn giải cảm. Thế nhưng, đối với cán bộ, chiến sỹ đảo xa, đậu đen còn dùng để làm rau mầm.

   Thấy tôi tò mò, cậu chiến sĩ trẻ liền vui vẻ trò chuyện. Trong năm, các loại rau mồng tơi, cải mầm, rau muống hột được trồng, phát triển tốt. Tuy nhiên, đến mùa bấc cuối năm, trên đảo không một loại rau nào sống sót nổi trước hơi nước mặn theo từng cơn sóng biển vỗ ập vào đảo. Mặc dù mọi người đã cố gắng che chắn sóng biển, hơi nước mặn nhưng vẫn chịu thua trước thiên nhiên khắc nghiệt. Trong gian khổ, thời tiết khó khăn, từng hạt đậu đen là cứu cánh hữu hiệu, làm ra được rau xanh, vì nó chịu được nước mặn.

   Trước khi trồng, đậu đen được đem ngâm một ngày từ sáng đến chiều. Thông thường ngâm khoảng 5 kg đậu đen sẽ được từ 8 – 10 kg rau mầm đậu đen. Đem đậu đen đã ngâm gieo xuống đất, sau 4 ngày có thể thu hoạch ăn được. Cho dù nước biển có tràn vào ngập nơi trồng rau rồi rút đi thì hạt đậu đen vẫn sống, đâm chồi mọc hai lá xanh tươi mơn mởn. Với việc trồng rau mầm từ đậu đen, cán bộ, chiến sỹ đảo xa đã khắc phục thời tiết thiên nhiên khó khăn, có được rau xanh, góp phần tăng khẩu phần ăn hàng ngày.

   3. Khi chúng tôi đến thăm ngôi trường, bắt gặp hình ảnh một thầy giáo trẻ đang dạy kèm các cháu lứa tuổi mẫu giáo nắn nót tập viết, tô từng con chữ. Thấy khách đột ngột xuất hiện trước cửa lớp, chưa đợi thầy giáo nhắc nhở, các cháu đã khoanh tay: “cháu chào chú, cháu chào bác…”. Một thành viên đoàn công tác, tuổi tác chưa đến bốn mươi, nhưng có bộ râu quai nón rất ấn tượng. Vừa nhìn thấy, các cháu đồng loạt: “cháu chào ông”, làm mọi người phì cười. Tại phòng học kế bên, một thầy giáo đang hướng dẫn cậu học trò viết lên bảng dãy số 16, 17, 18 rồi đọc to cho các bạn trong lớp nghe. Nhìn trên từng gương mặt các em, chúng tôi cảm nhận được sự ham học tập.

   Giờ ra chơi, các cháu ra sân chơi xích đu, bập bênh, vừa chơi vừa hát to từng lời bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” quen thuộc của nhạc sỹ Đoàn Bổng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương, biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa…”. Không ai bảo ai, chúng tôi đều vỗ tay hát theo các cháu mà giọng cứ nghèn nghẹn, xúc động. 

   Khi được hỏi thăm về việc dạy học cũng như thuận lợi, khó khăn khi ra đảo công tác, một trong hai thầy giáo trẻ liền vui vẻ trao đổi. Căn cứ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai thầy giáo soạn giáo án, linh động dạy các cháu Mẫu giáo, các em học sinh lớp Một. Nội dung giảng dạy đều bảo đảm làm sao để các cháu, các em tiếp thu kiến thức như các bạn trong đất liền. Hai thầy luôn được động viên, tạo điều kiện tốt nhất về vật chất, cũng như tinh thần để yên tâm công tác; được bố trí nơi ở, nhận mức lương ưu đãi theo quy định giáo viên công tác nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

   Điều trăn trở hiện nay của học sinh đảo xa là, mặc dù đã được sự quan tâm nhưng một số trang, thiết bị phục vụ cho dạy và học, nhất là lớp Mẫu giáo như: dụng cụ học tập, giấy vẽ, hồ dán, giấy thủ công…để trang trí lớp. Đồ chơi mô hình, lắp ráp để phát triển trí não của các cháu từ 3 – 5 tuổi hầu như còn thiếu. Bước đầu để khắc phục khó khăn, hai thầy giáo cố gắng làm một số mô hình đồ chơi giáo dục lứa tuổi Mầm non để các cháu làm quen. Về đời sống hàng ngày, giống như người dân và chiến sỹ làm nhiệm vụ trên đảo, hai thầy giáo cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm mang từ đất liền ra đảo. Những vật dụng sinh hoạt, cũng như phục vụ giảng dạy còn thiếu, gửi tàu mua từ đất liền.

   Sự nghiệp trồng người nơi đầu sóng, ngọn gió rất yên bình. Cho dù điều kiện không như đất liền, nhưng trường học nơi đây vẫn thực hiện tốt việc dạy và học, thầy giáo “dạy tốt”, học sinh “học tốt”. Khi chia tay, chúng tôi tin rằng ngôi trường bé nhỏ này sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ ươm mầm, vun đắp, bồi dưỡng những mầm non, trở thành công dân có ích của đất nước mai sau.

   4. Ở quần đảo Trường Sa, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, các chiến sỹ đóng quân ở các đảo đều tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi heo, gà, vịt… Rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh chú heo đen nằm ngủ vùi bên bãi san hô, chú heo trắng khoan thai nhai từng cọng rau muống biển; dăm ba con vịt ngó nghiêng mép nước, thậm chí lao ùm xuống vũng bên cạnh đảo để tìm mồi mà không sợ nước mặn, vì đã chịu được biển cả. Nhưng có lẽ được nuôi nhiều nhất là những chú chó khôn ngoan, lanh lẹ, trở nên quen thuộc với chiến sỹ nơi đảo xa.

   Đi thăm một đảo chìm, ai cũng thích thú nhìn cả đàn chó đủ kích cỡ, màu sắc quây quần bên bia chủ quyền chào khách rồi giải tán. Nhiều chú chó được đưa từ đất liền ra đảo, cũng có những chú chó được sinh ra giữa biển trời mênh mông. Các chiến sỹ hiểu rõ thuộc tính của từng người bạn bốn chân này. Các chú chó được đặt tên theo đặc điểm riêng như: Tai To (có đôi tai phe phẩy như hai cái quạt); Tây (giống chó mực như dáng to như chó nước ngoài); Buồn (lúc nào đôi mắt cũng buồn); Boss (ông trùm – là chú chó đầu tiên từ đất liền ra đảo)...

   Đến bữa cơm trưa, khi mọi người ăn xong, đồ thừa còn lại được dồn vào chậu đem ra khoảng trống trên đảo. Một chiến sỹ đưa mắt nhìn xung quanh rồi hú một hồi thật dài: hú hú hú… Từ mọi ngõ ngách trên đảo, các chú chó phóng ào ra chỗ để cơm. Thêm hai hồi hú dài, đàn chó đã tụ tập đầy đủ để ăn cơm. Mấy chú cún con chậm chạp được chia phần ăn riêng. Bác sỹ trên đảo ngoài việc khám chữa bệnh cho đồng đội, còn kiêm cả nghề thú y khi thường xuyên chữa bệnh cho chú chó nào chẳng may bỏ cơm, đau ốm.

   Đêm đến, những “người bạn đặc biệt” lặng lẽ tản ra khắp nơi trên đảo. Khi chiến sỹ làm nhiệm vụ đi gác đêm đều có chú chó đi theo bên cạnh. Chỉ cần phát hiện ra điều không bình thường, khác lạ từ mặt nước, tức thì tiếng sủa sẽ vang lên, kéo theo nhiều tiếng sủa khác báo động cho toàn đảo. Một chiến sỹ cho biết, các chú chó rất thính và nhạy cảm với tiếng động cơ trên biển. Khi ca nô chở đoàn công tác mới xuất hiện từ đảo nhìn ra chỉ bằng một chấm nhỏ trên mặt nước, động cơ còn nghe lẫn trong tiếng sóng vỗ, nhưng đã có tiếng sủa báo động của những chú chó. “Đội quân đặc biệt” nơi đảo xa không chỉ là người bạn mà còn là những cộng sự tin cậy và hơn thế nữa là niềm vui, xoa dịu nỗi nhớ nhà, để các chiến sỹ thêm vững chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió.

   5. Khác với các đảo nổi có đất, diện tích rộng, thì đảo chìm không có đất, chỉ là rạn san hô vòng, nằm hoàn toàn dưới mặt nước biển, khi thủy triều rút thì nhô lên khỏi mặt nước vài điểm nhỏ. Những điểm nhỏ đó thật sự quý giá, trở thành điểm tựa giữa đại dương, trở thành nền móng vững chắc đầu tiên để thành hình dáng đảo. Bộ đội công binh chở đất, cát, xi măng từ đất liền ra các điểm nổi. Giữa sóng to, gió lớn, hơi nước mặn chát, người lính bám mình trên điểm nổi nhỏ nhoi ấy, dùng loại xi măng trộn được với nước biển làm hồ vữa, từng chút một tạo nền móng. Dần dần, những ngôi nhà nhỏ xíu như những tổ chim mọc lên giữa biển, trở thành nơi trú quân, trở thành “con mắt canh giữ biển trời Tổ quốc”

   Chúng tôi lên thăm đảo chìm D có 3 điểm đảo nổi lên giữa biển cách nhau không xa. Những ngày biển êm, trời thoáng đãng, đứng từ điểm đảo này có thể nhìn thấy được hai điểm đảo còn lại. Lúc trước, cuộc sống của các chiến sỹ tại đảo thiếu thốn, khó khăn, nhất là về nước ngọt, rau xanh, chất tươi do không có đất trồng trọt. Đồng thời, sóng gió, hơi nước mặn ở biển khắc nghiệt nên ít có cây trồng nào sống được. Lên thăm đảo, đoàn công tác chứng kiến cuộc sống ngày một thay đổi khởi sắc tại đây. Cán bộ, chiến sĩ đảo chìm tiết kiệm nước ngọt sinh hoạt, trồng rau xanh, làm giá đỗ và chăn nuôi gà, vịt, heo…cải thiện khẩu phần ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần được xây dựng và duy trì như: bóng bàn, đọc sách, nuôi chim cảnh… 

   Qua quá trình đổ đất, xây kè đảo đã hình thành khu chăn nuôi gà đẻ, vịt và heo. Từ khi thực hiện chăn nuôi, hàng năm đảo đã thu được thịt heo, thịt vịt và trứng gà tăng khẩu phần ăn tại chỗ cho cán bộ, chiến sỹ. Việc trồng rau xanh và làm giá đậu xanh được thực hiện từ lâu. Đất trồng trọt, hạt giống rau được chở từ đất liền ra đảo. Mọi người tận dụng các tấm lợp, cót che chắn một khoảng trống nhỏ, đổ đất trồng vào các khay nhựa và gieo hạt giống vào. Mầm xanh phát triển trong điều kiện khắc nghiệt thiếu nước ngọt, gặp hơi mặn nên dần tàn lụi. Tùy theo mùa, các chiến sỹ tìm cách che chắn hơi nước biển. Đồng thời, sử dụng nước ngọt sinh hoạt, tắm giặt tiết kiệm một cách tối đa để cuối cùng dùng nước đó tưới cây. Nhìn giàn mồng tơi vươn lên xanh um, từng khay cải ngọt mơn mởn, mới thấy được mồ hôi, công sức của các chiến sỹ rất lớn. Hai tuần một lần, các chiến sỹ làm giá đậu xanh. Đậu xanh từ đất liền đưa ra được bảo quản cẩn thận, mỗi lần làm dùng khoảng 500 gram. Đậu xanh đem ngâm nước qua một đêm, đến sáng vớt rải trên từng tấm đệm gai (bao bố), đựng trong rổ nhựa đậy kín lại tránh ánh nắng mặt trời. Tiếp đó, vót tre thành từng que nan dẻo, lèn chặt các tấm đệm gai để tạo độ ẩm. Hàng ngày tưới nước ba lần, hai ngày sau, từng hạt đậu xanh đã nảy mầm mọc thành cọng giá trắng, hợp vệ sinh, có thể dùng trong các bữa ăn, tạo chất tươi.

   Hàng ngày vào buổi chiều, khi hết giờ trực ban, cán bộ, chiến sĩ trên đảo lại quây quần bên bàn bóng bàn. Nhiều người chưa biết đánh, qua rèn luyện cần mẫn, dần dần đã trở nên biết chơi và đánh giỏi. Vào những ngày lễ kỷ niệm của đất nước, đảo cũng tổ chức giải đấu bóng bàn mini, tạo nên hoạt động thể thao vui tươi cho mọi người, thắt chặt thêm tình đồng chí, đồng đội. Tủ sách trên đảo có hơn một trăm đầu sách, với nhiều thể loại: văn học, lịch sử, địa lý, chính trị… Nhiều quyển sách quý giá được xếp ngay ngắn, vào sổ, đánh số thứ tự và lưu trữ cẩn thận như: Hồ Chí Minh tiểu sử, Thép mới, Cây tre Việt Nam, Nơi đầu nguồn sông Hậu, Một chuyến tàu đêm… Vào thời gian được quy định trong tuần, cán bộ, chiến sỹ lại quây quần bên nhau, tìm đọc những quyển sách để mở mang, học tập thêm kiến thức. Bên cửa sổ phòng làm việc, có hai lồng chim cu gáy theo tàu vượt sóng từ đất liền ra với đảo. Mỗi ngày, các chiến sĩ phân công nhau cho các chú chim ăn uống, vệ sinh chuồng sạch sẽ để dần thích nghi với cuộc sống biển khơi. Không phụ lòng người chăm sóc, hai chú chim cu gáy sống khỏe, phát triển tốt. Mỗi buổi sáng, được nghe tiếng rúc ấm áp, trầm trầm, các chiến sỹ có cảm giác như vẫn đang ở đất liền, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, người thân, vững chắc tay súng bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Bên những góc nhà, ban công trên đảo xuất hiện những chậu cây cảnh xanh tươi, chậu tiểu cảnh trồng xương rồng, xung quanh đặt ốc biển, nhánh san hô chết. Đó là khoảng xanh hiếm có được các chiến sỹ bỏ công sức để tạo nên, làm dịu vợi đi cảm giác khô khốc của biển khơi.

   6. Những hình ảnh mà tôi chứng kiến khi tham gia đoàn công tác những ngày đi thăm quần đảo Trường Sa đã tạo thêm niềm tin, không những bản thân tôi mà trong cả mỗi thành viên đoàn. Đó là niềm tin sắc son vào các cán bộ, chiến sỹ đang trực tiếp công tác nơi đầu sóng, ngọn gió. Đó là niềm tin về sự vững chắc chủ quyền thiêng liêng nơi bốn bề biển khơi.