Nhà văn MAI SƠN
và những kỷ niệm của một thời gian khó

17/10/2022 00:00
462

ĐỖ QUANG VINH


Phan Thiết cách thành phố Hồ Chí Minh chưa tròn 200 cây số, giao thông đi lại ngày càng thuận lợi, dễ dàng nhưng chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Mỗi năm anh chỉ về Phan Thiết đúng một lần vào những ngày giáp Tết để thắp mấy nén hương cho ấm áp phần mộ của người vợ hiền đoản mệnh, uống với bạn bè một vài ly bia nơi quán cóc rồi vội vã trở về thành phố Hồ Chí Minh.

   Giữa chúng tôi - tôi và nhà văn Mai Sơn có không ít những kỷ niệm vui buồn đáng nhớ, sâu đậm nhất là những khốn khó của thời kỳ bao cấp. Có những chuyện giờ đây nhắc lại thấy bình thường, thậm chí rất tầm thường nhưng tâm trạng của những người trong cuộc như chúng tôi thì đúng như nhà thơ Tế Hanh đã từng viết:

   …Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
   
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi…

   Còn nhớ, lần chúng tôi được mời tham dự “Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III” tại thủ đô Hà Nội vào nửa cuối tháng 12/1985. Vì điều kiện kinh phí eo hẹp nên chúng tôi đi tàu lửa và thứ lương thực mang theo ăn dọc đường là bánh chưng do chính mẹ vợ nhà văn Mai Sơn gói rất khéo tay và rất ngon. Ba ngày đêm trên tàu, thỉnh thoảng chúng tôi cũng có đổi món bằng mì tôm hoặc xôi nếp mua khi tàu dừng ở những ga chính nhưng bánh chưng vẫn là thức ăn “chiến lược” cho đến khi ra đến Hà Nội.

   Giữa những năm 80 thế kỷ trước, diễn đàn văn chương nước ta không nhiều nhưng những cây bút sáng tác văn học ở các tỉnh lẻ rất được Ban Văn học trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam chăm chút. Có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi được mời đích danh tham gia hội nghị văn chương nói trên. Trước khi đến Hội nghị, Mai Sơn có truyện ngắn “Tiếng vó ngựa đêm cuối năm” in ở tạp chí Sông Hương do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập, được nhiều người tìm đọc. Tuần báo Văn Nghệ - số đặc biệt chuyên đề về truyện ngắn cũng giới thiệu tác phẩm của anh. Trước đó, truyện ngắn của Mai Sơn cũng xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tuần báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh. Với những người viết văn trẻ như chúng tôi lúc ấy, có được những thành công nho nhỏ bước đầu như vậy cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.

   Sau “Hội nghị những người viết văn trẻ” trở về, Mai Sơn đứng tên chung với Võ Hoàng Minh trong tập truyện ngắn “Thị trấn ven biển” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Lúc bấy giờ anh có chuyển dịch từ bản tiếng Anh một số truyện cổ tích nước ngoài, dành cho thiếu nhi để có thêm thu nhập chính đáng, bởi vì anh còn phải nuôi một cậu em trai đang theo học cấp II.

   Với trách nhiệm Chánh Văn phòng Hội rồi Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ của tỉnh, Mai Sơn đã làm khá tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ sáng tác xung quanh Hội. Từ các nhà thơ đã thành danh trước ngày 30/4/1975 như: Nguyễn Bắc Sơn, Lê Nguyên Ngữ, Từ Thế Mộng, Nguyễn Như Mây…cho đến những cây bút tăng cường từ miền Bắc, những người từ chiến khu về cũng như lực lượng trưởng thành từ phong trào tại chỗ như anh và tôi. Bây giờ nhắc lại, ai cũng bảo thời ấy vật chất cực kỳ thiếu thốn nhưng tình cảm của anh em văn nghệ sĩ thì rất mực chân thành, gắn bó và tên anh luôn được bạn bè nhắc đến một cách trân trọng.

   Chúng tôi không chỉ chia sẻ với nhau từng lon gạo mua tiêu chuẩn theo tem phiếu mà cái chính là những dự định, những khát khao mãnh liệt về sáng tạo văn chương. Lâu nay, chúng ta chỉ biết Mai Sơn viết văn, nhưng thật ra anh còn làm thơ - thơ hiện đại hẳn hoi và còn viết cả ca khúc nữa. Trong cuộc thi sáng tác ca khúc toàn tỉnh năm 1990, anh đã đạt giải khuyến khích khi phổ nhạc bài thơ “Biển thức” của tôi. Khi tham gia giúp Ban giám khảo địa phương thẩm định những ca khúc dự thi, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã nhận xét về ca khúc của Mai Sơn như sau: “…phổ thơ như thế này là đạt yêu cầu…”. Đa tài là thế nhưng lĩnh vực mà Mai Sơn tập trung trí tuệ, công sức để “thâm canh” là văn xuôi. Sau này khi chuyển công tác vào Tp.Hồ Chí Minh năm 1996, anh lại bộc lộ thêm khả năng dịch thuật và biên khảo triết học. Tập sách “101 triết gia” dày hơn 800 trang, do anh biên soạn, Nhà xuất bản Trí Thức ấn hành vào quý II/2007 được giới văn nghệ sĩ thành phố đánh giá cao, được anh em viết văn trẻ ngưỡng mộ. Khi anh trở về từ Liên hoan văn học Á-Phi (JAALFOC) tổ chức tại cố đô Jeonju - Hàn Quốc từ ngày 7/11 đến ngày 14/11/2007, tôi có nhắn tin chúc mừng. Anh hứa sẽ tâm sự nhiều hơn khi về Phan Thiết đón Tết Mậu Tý nhưng giờ chót anh không về được. Nhớ bạn, tôi mở tập truyện ngắn “Hư cấu” của anh ra đọc và bắt gặp những lời nhận xét của nhà văn Lê Minh Khuê về tập truyện ngắn này. Nhà văn Lê Minh Khuê viết: “Mai Sơn không trực tiếp miêu tả cái thứ hiện thực mà ta đã ngấy hàng ngày như bụi bám, cãi cọ, tranh chấp, xe cộ, rồi những vụ án. Tác giả dựa vào đôi ba chi tiết, dựa vào những nét chấm phá trong tính cách nhân vật để phát triển những ý tưởng văn chương phong phú…”. Gần đây nhất, anh đã kiên cường vượt qua bệnh tật trong cơn đại dịch Covid-19, và trở lại văn đàn trong vòng tay ấm áp của bạn bè, đồng nghiệp thân thiết tại Tp. Hồ Chí Minh.

   Tôi mừng cho anh Mai Sơn - trên con đường văn chương gập ghềnh, khúc khuỷu đầy thử thách nghiệt ngã, anh đã được công chúng nhận biết theo đúng quy luật “hữu xạ tự nhiên hương”. Sau hơn chục đầu sách đã xuất bản, bao gồm nhiều thể loại: sáng tác, biên khảo, dịch thuật, phê bình, nghiên cứu triết học, nhà văn Mai Sơn vẫn còn đầy ắp bao nhiêu dự định tốt đẹp về văn chương nghệ thuật, bởi vì anh đã tự nguyện dành trọn cuộc đời: đắm mình trong “sự quyến rũ của chữ”.