NIỀM VUI CỦA NGƯỜI LÍNH “TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ”

01/12/2022 00:00
346

NGUYỄN BÁ KHƯƠNG


Tôi cỡi hon đa bon bon qua chặng đường hơn hai mươi cây số đến khu phố 8, thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) thăm gia đình anh Ngô Văn Sự là đồng đội của tôi đã từng một thời chinh chiến trên những mặt trận khốc liệt của chiến trường Campuchia. Thời kỳ sau 1986, trên toàn mặt trận 579 thuộc quân khu 5, quân tình nguyện Việt Nam đã truy quét đến hang ổ cuối cùng của kẻ thù là bọn tàn quân Khmer Đỏ. Những căn cứ đầu não quan trọng của quân địch trên dãy núi Đăng Rếch ở biên giới Cam-Thái lần lượt bị quân ta phá hủy. Chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã bị tiêu diệt và xóa sổ.

   Cựu thượng sỹ Ngô Văn Sự đã nhận quyết định phục viên trở về xây dựng quê hương. Tân Nghĩa là miền đồi thấp, bình độ dốc nghiêng nghiêng, thổ nhưỡng điệp trùng đá sỏi. Nơi đây vùng khí hậu khắc nghiệt. Nắng phản xạ chói gắt giữa mùa khô hạn. Nắng táp ùa gió nóng rát mặt người. Tôi dừng xe tạm nghỉ nơi bóng cây ven đường để lòng thương yêu trân quý bóng mát cây xanh. Anh Sự bước ra mừng đón tôi, phút giây hạnh ngộ, anh ôm siết lấy tôi, cái bắt tay chắc và ấm. Mái đầu chúng tôi đã pha sương, tình đồng đội nồng thắm vẫn còn đây. Tôi vui mừng ngạc nhiên khi nhìn thấy những đổi mới phát triển đời sống kinh tế nơi gia đình anh.

   Anh Sự là lính pháo binh của đại đội pháo 130 ly, trung đoàn 29, sư đoàn 307, thời kỳ 1982-1986. Tôi ngắm nghía anh, thấy anh vẫn là người lính “trẻ mãi không già” mặc dù tuổi anh nay đã U60. Tác phong anh nhanh nhẹn, hoạt bát, cơ bắp chắc khỏe như trai tráng. Khi tôi hỏi về niềm vui của anh. Đôi mắt anh sáng quắc, những nếp gấp thời gian trên khuôn mặt giãn ra và anh cười sang sảng: “Niềm vui của mình là được làm việc mình yêu thích và làm việc thành công”. Tôi suy đoán việc thành công của anh đạt kết quả ở cấp độ nào mà anh hứng khởi và sảng khoái như vậy. Anh vui vẻ kể tôi nghe về những thành quả gia đình anh đạt được trong việc sản xuất. Công việc chăn nuôi gia súc của gia đình anh đang làm cần hội đủ các điều kiện về kỹ năng tay nghề chuyên nghiệp, kiến thức trình độ kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư sản xuất.

   Anh Sự bộc bạch gan ruột kể chuyện đời: Sau cuộc chiến tranh Tây Nam, anh cũng như bao người lính gởi lại súng trận, trở về quê hương với chiếc ba lô cũ sờn và bộ quân phục bạc phếch. Năm ấy anh cưới vợ, gia đình có túp lều tranh trên nền đất sỏi đá, khô hạn, cằn cỗi. Vợ chồng chung lưng đấu cật dưới ngọn nắng xiên khoai, cuốc cày khóc mếu, đá dăm nẹt lửa. Củ khoai, trái bắp nhỏ xíu, teo tóp trên đất nghèo. Đời sống gia đình anh Sự gian nan suốt mấy năm dài.

   Anh Sự là chiến binh có ý chí sắt thép được trui rèn trong quân đội, không quản khó khăn, quyết tâm vượt qua gian khổ. Anh đã ý thức được rằng: “Nông dân muốn thoát cảnh nghèo trên đất này, một hướng phát triển đời sống kinh tế nông thôn là chăn nuôi đàn gia súc”. Ông cha ta xưa đã dạy: “Muốn giàu-nuôi cá. Muốn khá-nuôi heo”. Anh tham gia nhiều lớp tập huấn khuyến nông tại địa phương, mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây dựng chuồng trại theo qui mô chăn nuôi heo, bò ở gia đình. Trại chăn nuôi có nền xi-măng cao ráo dài 25 mét, rộng 6 mét, tường xây kiên cố, lợp mái tôn, hầm chứa và mương thoát chất thải, chi phí hàng trăm triệu đồng.

   Đến nay, anh Sự đã học hỏi, thực hành như một y sĩ chẩn đoán bệnh và tiêm thuốc phòng trị bệnh cho đàn heo, bò. Khi nghe tôi hỏi heo, bò chuyển bụng đẻ thì anh có gọi bác sĩ thú y không? Anh Sự cười khà: “Mình làm bà đỡ đẻ, đây là việc khó cũng như cấp cứu sản phụ, cần có kỹ năng đặc biệt, mình phải làm nhẹ nhàng, từ tốn, kiên tâm, nhẫn nại. Cũng may là chưa bao giờ mình thất bại trong việc này”. Anh chỉ vào đàn heo sữa mười con được anh đỡ đẻ thành công. Láng giềng trong nghề chăn nuôi gọi anh là “bà đỡ mát tay”. Tôi nhận thấy sự căn cơ bền vững nơi trại chăn nuôi của gia đình anh Sự. Đàn heo nái, đàn heo sữa và đàn heo hậu bị. Mỗi đàn được anh chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng phù hợp. Anh cũng dành sào đất để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò, nguồn phân chuồng bón cho đất đai thêm màu mỡ. Anh Sự cho biết một điều kiện quan trọng cần thiết phải thực hiện là bảo vệ môi trường giảm thiểu mùi hôi là việc hàng đầu. Đậy kín hầm chứa, vệ sinh chuồng trại, khu chăn nuôi cách biệt khu nhà ở. Hội nông dân và Hội cựu chiến binh thị trấn Tân Nghĩa đã nêu gương anh Sự là nông dân sản xuất giỏi trong nhiều năm liền.

   Tham quan khu chuồng trại chăn nuôi tọa lạc bên hàng cây keo tràm tỏa bóng mát, tôi thấy có bốn “trự” heo nái, giống lai Giọoc-Sia ăn no nằm kềnh ôm ấp đàn heo sữa. Hơn ba chục “trự” heo thịt ú ụ, mỗi “trự” nặng hơn sáu chục ký. Anh dự toán xuất chuồng đợt này lãi chừng năm chục triệu đồng. Anh nuôi giống bò lai Sind được cho thụ tinh nhân tạo ở trạm thú y huyện, chuồng bò có “sân chơi” rộng thoáng cho bò thung thăng tắm nắng, chuồng được vệ sinh sạch sẽ, đàn bò 6 con đủng đỉnh nhơi cỏ, cũng là tài sản của gia đình trị giá vài trăm triệu đồng. Vợ của anh Sự - chị Hạnh là người phụ nữ đảm đang, chăm lo gia đình, cùng anh nuôi dạy bốn người con khôn lớn trưởng thành. Các con của anh chị ngoan hiền, học giỏi, đã ra trường và có việc làm ổn định, Ngô Thị Ngọc Phúc là dược sỹ, Ngô Thị Thùy Sang là giáo viên.

   Ngôi nhà kiên cố của gia đình anh chị Sự Hạnh đã được xây dựng, chi phí hơn bốn trăm triệu đồng là thành quả tích góp trong nhiều năm làm việc chăn nuôi gia súc, anh chị cũng đã mua sắm đầy đủ phương tiện sinh hoạt và sản xuất. Anh còn khoe với tôi đã sắm máy tính cho các con anh có điều kiện học hành và làm việc tốt hơn.

   Anh Ngô Văn Sự được hội viên chi hội 8, Hội cựu chiến binh thị trấn Tân Nghĩa tín nhiệm trong mười hai năm liền là chi hội trưởng. Anh là hội viên gương mẫu điển hình trong việc làm ăn sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Cá nhân anh Sự và tập thể chi hội 8 đã được hội cấp trên nhiều lần khen thưởng. Anh Trần Văn Mạnh là hội viên nghèo, bệnh tật, được chính quyền, đoàn thể thị trấn Tân Nghĩa quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, anh Sự đã vận động các đồng đội quyên góp tiền trợ giúp gia đình anh Mạnh. Vừa qua, anh đã cùng đồng đội đã tổ chức một chuyến thăm viếng và tặng quà cho gia đình liệt sỹ Nguyễn Minh Thung ở thị xã La Gi. Liệt sỹ Thung là lính trinh sát của tiểu đoàn 7, trung đoàn 29, sư đoàn 307 đã hy sinh trong chiến dịch đánh chiếm căn cứ 547 của bọn Pôn Pốt ở dãy núi Đăng Rếch, tỉnh Prếch Vi hia, Campuchia.

   Đến thăm gia đình anh Ngô Văn Sự- người lính pháo binh năm xưa, tôi thấy những ánh mắt cười vui của các con anh và chị Hạnh, vợ anh. Trên những khuôn mặt rạng rỡ của họ, tôi thấy niềm hạnh phúc đang dâng tràn trong gia đình đồng đội tôi. Anh Sự nói công việc chăn nuôi gia súc của gia đình anh đạt được kết quả tốt đẹp, tạo lập sản nghiệp bền vững. Vợ chồng chung sức chung lòng yêu thương, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con khôn lớn, trưởng thành. Đó là động lực tạo nên niềm vui sống và hạnh phúc của gia đình. Công việc hấp dẫn anh. Anh yêu thích công việc. Anh cảm thấy mình cứ trẻ mãi không già. Tôi mãi mê ngắm anh ôm vòi nước tắm mát cho đàn heo, tâm lực anh mãi vận động về sự phát triển kinh tế gia đình. Anh cứ “say đắm” với đàn heo thịt ú ụ của mình. Anh Sự, đồng đội của tôi đó, tôi thán phục anh!