NGÙI THƯƠNG CHIẾC VÕNG DỨA GAI

02/12/2022 13:37
455

NGUYỄN DŨNG


Đảo Phú Quý hay còn gọi là cù lao Thu, cù lao Khoai, nằm ngoài khơi bờ biển tỉnh Bình Thuận, có diện tích khoảng 17,28km2, bao gồm 12 đảo lớn nhỏ. Đảo cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (120 km). Đảo có dân số khoảng 28.000 người sinh sống trải đều trên 3 xã, Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Đảo Phú Quý có cấu tạo địa chất thành hình từ nham thạch núi lửa, nên trên vành đai bờ biển và trên nhiều triền cao trên đảo còn nguyên dấu vết nham thạch đá đen phun trào và bị biến dạng do bị phong hóa và sự xâm thực của triều cường qua một thời gian rất dài, đã trở thành những cảnh quan có hình dáng rất đẹp. Để lại những gành hang có tạo hình thú vị và những bãi biển đẹp mê hồn với những bờ cát trắng phau.

   Thời tiết trong mát ở những tháng mùa mưa, nhưng rất khắc nghiệt vào mùa nắng, nhất là những tháng vào đông. Gió bấc thổi rát mặt mang theo nhiều hơi nước biển mặn, làm cho cả con người và cây cối như khô quắt cả lại. Cây cối thì xác xơ còn người thì phải cố mà chịu đựng, kiên gan trước thử thách của gió bão trùng khơi, trong đó có một loài cây mọc hoang dã là có sức chịu đựng tốt nhất. Đó chính là cây dứa gai mọc xanh tốt quanh năm trên khắp đảo. Cây dứa gai mọc hoang sừng sững từng vạt, từng đám như rừng, phơi mình trong nắng và gió biển mang đầy hơi muối mặn, vươn mình nhô cao bên các bãi cát và bên gành đá. Lá vút xanh đầy gai nhọn hai bên sống lưng của lá, vươn mình lên cao như muốn che chắn bớt đi cho con người trên đảo phần nào, cái nắng và gió rát da lạnh lẽo, khô hanh trong mùa trở bấc. Do điều kiện đặc thù và khí hậu khắc nghiệt trên đảo nên cây dứa gai có bộ rễ khá khác thường. Vươn dài và cắm sâu vào cát, len vào vách đá, cây càng lên cao rễ càng thêm lớn và luôn tiếp tục ra thêm rễ mới để tìm cách bám sâu vào đất đá tìm chất dinh dưỡng để nuôi cây. Từ tháng tư đổ đi, trời có nhiều mưa mát đất nên rễ non của cây dứa gai ra nhiều, chạy dài loằng ngoằng từ thân cây tràn ra mặt đất. Với kinh nghiệm nhiều đời của người dân trên đảo, người ta chờ cho rễ cây dứa ra dài từ khoảng 1,5 đến 2 mét, rễ cây đạt đến độ không quá già cũng không còn quá non thì chặt đem về. Rễ chặt về tước vỏ, chẻ nhỏ từng sợi bằng cỡ cọng tăm, đem nhúng nước phơi khô chừng một nắng rồi bó lại để dành se thành sợi. Bằng sự cần cù, khéo tay, nhẫn nại của người dân trên đảo, người ta đã cho ra đời những chiếc võng dứa gai trắng ngà, đẹp bền. Được mang đi xa vô đất liền, đến các tỉnh bạn, làm mát lưng trong những trưa hè và êm đềm khi lót thêm tấm đệm cho cháu bé ngủ muồi trên chiếc võng quê hương. Cây dứa gai ngoài việc lấy rễ chẻ nhỏ se thành sợi để đan võng, mà toàn thân của cây từ thân, lá và trái đều có công dụng chữa được nhiều bệnh. Đem chế biến thành nước giải khát dùng hàng ngày từ trái của cây dứa sẽ kháng hàn, kháng viêm, tiêu độc, lợi tiểu, tăng lực. Đem trái ngâm rượu để lâu ngày, khi dùng sẽ trị được bệnh tiểu đường, xơ gan sỏi thận, bí tiểu. Lá dứa đem chằm lại dùng để gói nhiều loại bánh hoặc cắt ngắn dùng làm muỗng xúc bắp hầm, xúc xôi ăn sáng.

   Các công đoạn để có nguyên liệu và chịu khó cần mẫn để đan thành chiếc võng là không dễ. Rễ cây mang về khi chẻ sợi phải đều để khi kết thành sợi thì phải đều nhau, đến khi đan võng các mặt lưới võng không thô, không vụng. Khó nhất là lúc bắt đầu kết đầu võng, người ta kết thành đầu võng rồi thả dây đi không một đoạn rồi mới đan thành mắt lưới vùng chính giữa để dễ nằm ngồi. Võng đan dài khoảng 2m cho trẻ nhỏ và 2,5m cho người lớn, tính từ đầu này đến đầu kia của võng.. Trong những ngày hè, trong những đêm trăng, nhà nhà trong xóm tìm lại ngồi chung với nhau, mang sợi đã se ra đan võng, mỗi người ngồi đan là mỗi một niềm tâm sự riêng tư. Trai gái trong làng ríu rít bên nhau cùng đan võng là đang thầm kín chuyện lứa đôi. Người lớn tuổi ngồi đan võng là để cho qua đi khoảng thời gian dư rỗi, vừa đan vừa nghĩ chuyện đã qua, chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái, chuyện khó khăn của đàn con cháu sau này. Riêng những người phụ nữ ngồi đan có khi là với tâm trạng rối bời, lo lắng cho chồng con còn lặn lội khơi xa chưa về đến bến đảo. Những người cư dân trên đảo với sức sống mãnh liệt, can trường, ngạo nghễ với thời gian, bão giông trên sóng biển vẫn theo tàu đi tìm luồng cá ở khơi xa. Còn với tâm tình của người phụ nữ Việt như chiếc võng trên tay tự mình se sợi đan thành, êm dịu, mảnh mai nhưng bền chắc với thời gian, chung thủy đợi chờ. Mong chồng ở khơi xa mà mắt và tay vẫn đan đều từng mắt võng. Đan võng dứa gai thứ nhất là lúc gầy hai đầu võng, đến lúc xong rồi thì phần còn lại của thân võng ai đan cũng được. Bí quyết chỉ còn nằm ở chỗ se sợi, nếu se sợi đều nhau để cho ra sợi dứa dài chắc màu trắng ngà, thì chắc chắn lúc đan ra thành võng sẽ đẹp và đều không có lỗi.

   Còn nhớ ngày trước, nơi hai bờ của bến sông Phan Thiết đều có nơi để dành cho ghe đảo cập bờ, mang theo nhiều loại hải đặc sản của đảo và của trùng khơi. Nhiều nhất là hàng tấn san hô chết được cào gom mang vào đất liền cho các lò vôi nấu thành vôi bột, dùng trong việc xây dựng nhà cửa bởi ngày ấy không có nhiều xi măng. Có ghe cập bến chỉ chở một thứ là bò nguyên con đủ các tuổi từ nhỏ đến lớn, ngày đó bò nuôi trên đảo được chào đón rất nhiều từ những người nông dân trên ruộng. Thêm vào nữa là những người dân mang theo mực khô đủ loại lớn nhỏ, riêng thịt cá khô được cắt thành từng dây dài to bằng cỡ ngón chân, của các loài cá lớn như cá nhám, cá mập, cá hồng, cá mú, riêng có loại khô cá đuối và cá ó sao thì được xếp vào loại đặc biệt. Có một loại khô xương cá có ít giá trị nhưng nếu biết chế biến thành những món canh, kho đặc biệt thì lại ăn rất ngon nhất là trong những ngày gió bấc mưa dầm. Nhưng dù gì đi nữa cũng không thể nào quên hình ảnh những người mẹ, người chị lam lũ đảo xa, trên vai mang theo gùi nặng, tay còn ôm thêm từng bó võng dứa gai. Họ xuống ghe rồi đi bộ vào phố chợ bày ra bên vệ đường bán từng chiếc để có được nhiều tiền hơn là đem bán sỉ một lần cho các cửa hàng tạp hóa. Ngày đó, võng dứa gai được chào đón nhiệt tình của những người dân trong đất liền, nhất là ở miệt đồng nông thôn. Nhà nào cũng có, nhà nào cũng cố tình tìm mua cho được chiếc võng dứa gai, để được trưa hè thả mình đón gió, đánh giấc ngủ trưa. Cả đêm về cũng vậy, ngủ giường, ngủ ván gỗ sao bằng ngủ võng dứa gai. Em bé trẻ thơ, cứ lót tấm đệm rồi thả em lên võng, hay chị nằm một đầu, em bé nằm giữa hai chân hay nằm úp mặt nghiêng đầu trên ngực thì chắc là hai chị em ngủ cùng một lúc, cũng có khi em còn chưa ngủ mà chị đã ngáy khò.

   Bây giờ mai một đã nhiều, chiếc võng hiện tại vẫn còn sử dụng rất nhiều nhưng đã được làm bằng những chất liệu tân tiến, vừa đẹp vừa bền. Nhiều kiểu dáng bắt mắt chứ không mộc mạc chân phương, đậm tình như chiếc võng rễ cây dứa gai ngày trước, được thành hình từ những đôi bàn tay chân chất và thấm đượm nỗi niềm của người dân trên đảo, mang nhiều tâm trạng trong tim khi đang ngồi đan võng.