ĐA MI GỌI MỜI

04/05/2023 00:00
319

HÀ THANH TÚ


Hồ Hàm Thuận – Đa Mi, điểm tham quan lý tưởng với du khách.

 

Họ - những người ở lại Đa Mi khi công trình xây dựng thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi kết thúc. Họ - những người quê tận miền Tây tìm đến vùng lòng hồ Hàm Thuận, mong muốn tạo lập cơ nghiệp, đổi đời. Họ - những người tận rẻo cao Cao Bằng - Hà Giang đi tìm đất mới làm ăn… Vài trang lịch sử Đa Mi (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc) những năm đầu thế kỷ 21 ghi nhận điều đó. Đa Mi chứa trong lòng tính đa dạng tộc người, đa dạng xuất xứ. Đa Mi là sự pha trộn tập quán, nếp sống người dân, nhưng lại có một điểm chung là dân tình lo sản xuất, cố gắng khá lên, giàu lên, bù lại cho nỗi niềm xa xứ, xa quê trên cơ sở tài nguyên đất đai phong phú, khí hậu mát mẻ và khá thích hợp cho nhiều loài cây trồng, như: cà phê, sầu riêng, bơ giống mới…. Điều này giải thích vì sao, các số liệu về phát triển kinh tế của xã luôn năm sau cao hơn năm trước.  Gần đây, toàn xã có trên 2.307ha đất canh tác, cà phê chiếm 1.620ha, sản lượng đạt từ 2,5-3,5 tấn/ha/năm; sầu riêng 645 ha sản lượng trên dưới 3 tấn/ha/năm; bơ 700ha…. Năm 2019, Cục thống kê Bình Thuận công nhận thu nhập bình quân đầu người Đa Mi là 41 triệu đồng/người/ năm. Cũng từ đây, Đa Mi xuất hiện  nhiều tỷ phú dù họ đang ở giữa rừng, núi. Đa phần tập trung ở thôn Đa Kim và địa danh Buôn Cùi. Đây là nơi có nhiều biệt thự trên các đỉnh đồi, trong các thung lũng hẹp giữa những ngọn núi. Khó mà hình dung ra giữa núi rừng, cách trung tâm xã nằm trên quốc lộ 55 (nối Bảo Lộc-  Bình Thuận) 16km, lại là nơi rất nhiều biệt thự sang trọng, mỗi cái trên dưới chục tỷ đồng.

   Chúng tôi đi Buôn Cùi, một chuyến đi khám phá vì đây từng là nơi Pháp lưu đày những người bị bệnh phong (cùi) nhằm tránh lây lan. Người dẫn đường, Trần Văn Thế, thôn trưởng. Anh giải thích: “Về đất đai, Buôn Cùi thuộc xã đồng bào dân tộc Đông Tiến (cũng thuộc  Hàm Thuận Bắc), nhưng dân cư thuộc Đa Mi.

   Đến lúc này (15/3/2023) thôn có 180 hộ, 664 nhân khẩu sinh sống. Diện tích canh tác toàn thôn, Thế nói, chưa nắm hết được vì nằm phân tán trên các ngọn đồi, ven hai bờ sông La Ngà. Gần đây nhất, Đông Tiến cử người đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có 222 hộ được đo và đang tiếp tục đo. Người dân ở Buôn Cùi đa phần có 2-3 sở nhà ở nơi khác. Một năm họ ở Buôn Cùi 7-8 tháng, sản xuất, thu hoạch nông sản.Thực tế cho thấy, trung bình mỗi hộ dân Buôn Cùi có 4 ha đất. Cá biệt đến 5 ha. Cây chủ lực là cà phê, sầu riêng. Mỗi ha sầu riêng chuyên canh khoảng 400 cây; xen canh: 200 cây. Dân giỏi việc ghép, chọn  giống cây cho năng suất cao nên sầu riêng cho 4-5 tạ trái/ cây. Mỗi trái bình quân 4kg. Sầu riêng lúc cao giá như năm 2015 đến 70 ngàn đồng/kg. Năm 2021, bình quân 40 ngàn đồng/kg tại gốc. Mỗi mùa sầu riêng, nhiều gia đình, sau khi  trừ chi phí còn từ 150-250 triệu đồng, chưa kể cà phê.  Nhờ nguồn thu khá và ổn định, nên xây nhà, biệt thự, mua xe là chuyện trong tầm tay. Để chứng minh cho nguồn thu của dân cao, Thế chỉ chúng tôi xem một cửa hàng bán hàng tự chọn (siêu thị mini) ven đường, khẳng định: “Bán đủ loại  hàng hóa cần thiết, cao cấp, bình dân đều có. Ngày nào cũng có xe chở hàng vô, ra..”

   Có thể nói biệt thự xây giữa núi rừng đều thiết kế hiện đại, hướng tới hài hòa thiên nhiên và có hồ chứa nước ngầm, để làm mát trong mùa hè vừa có nước sạch dùng quanh năm. Gần như 100% biệt thự có hệ thống năng lượng mặt trời, bóng thắp sáng, sân vườn, hoa tươi trên lối vào. “Mùa hè, con cái người dân ở đây, từ thành phố về đây nghỉ dưỡng”.

   Lê Văn Toán, ngoài năm mươi tuổi, chủ biệt thự màu đỏ nhạt nằm cuối  Buôn Cùi, trò chuyện: “Như nhiều anh em khác, tôi vô Đa Kim mang khát vọng đổi đời. Quê tôi ở Hà Nam, cách đây hơn 1000 cây số, đất hẹp, người đông, làm giàu khó lắm. Lúc vô đây, phát rừng, ngủ đất, ăn cơm với muối, lâu lâu mới biết tới con cá, tôi dặn lòng cố sức vượt lên. Năm 2019, tôi xây biệt thự, sau gần 10 năm vất vả. Ở đây, xây nhà tiền vật liệu cao hơn đồng bằng. Móng nhà tốn gấp đôi vì  phải cao và kiên cố”. “Tôi thấy nhà anh rồi, rộng như vậy chắc không ở hết?”. Ông Toán cười: “ Không đủ chỗ đó chứ. Gần đây, người các nơi về tham quan, tìm hiểu nhiều lắm. Mới tháng trước, tôi đón một đoàn sinh viên. Các cháu ở nhà tôi, tự nấu ăn. Mấy nhà gần đây tôi biết, cũng đón người thân các nơi về chơi”.

   Không dưng câu chuyện chuyển sang đề tài du lịch Đa Mi. Tôi lại nhớ câu chuyện anh Ngô Xuân Vân, cựu Bí thư xã mấy năm trước khi anh chưa nghỉ hưu. Anh mơ ước Nhà nước sớm làm đường từ UBND xã đi Buôn Cùi bởi nhiều người sau khi tham quan hồ chứa Hàm Thuận, Đa Mi, đều mong muốn đi sâu tìm hiểu. Có người nghe nói, Đa Kim trồng cây Mác ca nên cũng thăm xem thế nào. Mong ước của anh Vân gần đây trở thành hiện thực. Cách đây vài tháng  báo chí cho biết, đoàn tiền trạm của công ty du lịch lữ hành Lửa Việt, đã tìm hiểu Đa Mi để thiết kế tour du lịch mới. Gần nhất, tết năm 2023, không ít người từ Phan Thiết lên Đa Mi du lịch, tham quan lòng hồ Hàm Thuận bằng thuyền máy. Một số người sau chuyến đi đã quảng bá Đa Mi trên báo Đảng địa phương.

   Riêng UBND xã Đa Mi cũng đang kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái. Những khu vườn sầu riêng, cà phê, những ngôi biệt thự giữa núi rừng, đang ra sức hút. Không xa nữa, người Bình Thuận sẽ tự hào: có một vùng du lịch đầy sức hút với du khách bốn phương.