Lan man Đông Giang

30/12/2021 00:00
1332

NGÔ ĐÌNH MIÊN


Những năm đầu sau 1975, dựa theo bản đồ và thực địa, tôi cùng vài người bạn giáo viên thực hiện những chuyến lội rừng khám phá từ Đông Tiến ngược suối Tị, ngược dòng chảy mới của sông Đăng Sách, đi về hướng Bắc Tây Bắc độ chừng 7 - 10 km, hoặc có lúc khởi hành tại trung tâm xã Đông Giang đi lên hướng Bắc chừng 6 km, đụng sông Đăng Sách, đoạn cuối đổ ra sông La Ngà. Hai đường đi này tạo thành 2 cạnh của một tam giác. Cạnh thứ 3 còn lại của tam giác là con đường nối Đông Tiến và Đông Giang.

   Tôi có tấm bản đồ tự nhiên Lâm Đồng và Thuận Hải do một anh kỹ sư đo đạc tặng làm kỷ niệm, nên có cơ sở để luồn rừng khám phá. Năm 1977, có một nhóm đo đạc bản đồ trên đường công tác đã ghé vào nơi ở tập thể của chúng tôi xin ở nhờ một tuần, vừa dưỡng sức, vừa tích cóp thêm gạo, thịt sấy khô và mỡ heo nước, để chuẩn bị cho chuyến lội rừng dài ngày tiếp theo. Họ là những chàng trai người Bắc, đã đi thẳng một lèo từ Hà Nội vào Đà Lạt, điểm khởi đầu cho chuyến đo đạc bản đồ trên thực địa toàn bộ khu vực Nam cao nguyên Lâm Viên và cao nguyên Di Linh. Điều giống nhau là cả hai đều đang thực hiện sứ mệnh quốc gia giao phó và tất cả chúng tôi hầu như đều bị vi trùng sốt rét tấn công, da mặt xanh mét, ốm nhom ốm nhách... Tôi thì từ đồng bằng lên núi cao dạy học cho người dân tộc thiểu số. Còn các bạn thì vượt ngàn cây số để đi vào rừng sâu núi thẳm đo chiều dài con sông, đo chiều cao ngọn núi, làm cơ sở vẽ lại cho chuẩn bản đồ quốc gia.

 

   I. Trở lại dòng sông mẹ

 

   Nơi phát tích đầu nguồn của dòng sông Cái chính là khu vực rừng núi hình tam giác mà tôi đã nói ở trên. Ban đầu là từ những khe nhỏ trên núi hợp lại theo nguyên tắc chảy vào chỗ trũng, để dần hình thành nên con suối, rồi tiếp tục chảy xuôi từ cao xuống thấp, liên tục nhận thêm nước của các khe suối phụ lưu khác, cuối cùng con suối nhỏ đã biến hình trở thành một con suối lớn... Vùng rừng núi hình tam giác này, trong tâm linh đồng bào K’Ho nơi đây là rất thiêng liêng. Thần Núi và Thần Rừng của họ đều ngụ ở chỗ này. Tất cả người chết cũng đều đem vào rừng, lên núi và được chôn cất nơi đây. Họ lập mộ dưới tán rừng, chen giữa cây cối đại ngàn. Lâu dần, nơi đây, hình thành nên những khu nghĩa địa của đồng bào, là những khu vực linh thiêng bất khả xâm phạm. Chính vậy, mới xảy ra chuyện, những kẻ phá rừng hạ cây trúng khu nghĩa địa, bị đồng bào vác chà gạc chém chết... Người sống lâu năm với rừng, với bà con dân tộc, có thể dễ dàng nhận ra khu vực nào là nghĩa địa, phân biệt giữa bạt ngàn rừng cây.

 

   Trước đây, người K’Ho còn làm nhà sàn bằng tre gỗ để ở, nên phải vào rừng sâu, tìm cây lồ ô, mặc mầy, nứa, le... tốt hoặc những khúc cây đẹp, chắc, không bị mối mọt ăn. Họ cắt dây mây to nhỏ đủ cỡ, rồi cắt tranh lợp mái nhà. Nhà làm xong, vài năm sau phải sửa hoặc bỏ đi, làm nhà mới. Do vậy, những khu rừng xung quanh nơi ở của các buôn làng đều bị sự tác động của con người, có dấu vết chặt cây, đốn tre... và những con đường mòn đi săn thú. Tuy nhiên, có điểm đặc biệt là, không ai được phép chặt cây đốn tre hay đặt bẫy thú trong khu rừng nghĩa địa, cho nên sau nhiều đời, khu rừng này trở thành khu vực có cây to nhất, rừng rậm nhất, hoàn toàn không có dấu chân người, khác hẳn với những cụm rừng xung quanh nó...

 

   Con suối đầu nguồn của sông Cái được định danh trên bản đồ tự nhiên, tên gọi là suối Tị. Trên bản đồ tiếng Pháp viết là Thi, đọc là "Ti", không dấu nặng. Người K’Ho ở Đông Giang, Đông Tiến gọi là Tị. Hiện nay, bản đồ chú thích tiếng Việt ghi là suối Thị. Và ngay tại chiếc cầu đúc bê tông đầu tiên bắc qua suối Tị có tấm biển ghi "cầu Suối Thị". Có một điều hầu như không ai chú ý, sự sai biệt về cách viết và cách đọc này có ảnh hưởng xấu tốt gì không. Để nói về điều này, trước hết, tôi luôn cho rằng, địa danh các con sông, suối, ngọn núi trong khu vực rừng tam giác này đều do người K’Ho từ xa xưa đặt tên. Do vậy, những cái tên này đều có một ý nghĩa nào đó. Theo tôi biết, tiếng "thi" (hoặc "thị") trong ngôn ngữ K’Ho có nghĩa là "đám chết" (đám ma). Con suối vốn tên "Tị" quen thân vô hại xưa nay, bỗng nhiên lại biến thành sự chết chóc... Người có trách nhiệm đặt tên mới cho con suối này đã không có tính khoa học, lại thiếu nhân văn, họ tự cho mình có quyền tùy tiện qua loa. Những việc tượng tự như vậy đã có không ít trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Các nhà địa danh học, thủy danh học, bản đồ học nghĩ gì về điều này.

 

   Suối Tị thường được mọi người coi là nơi phát lộ đầu tiên thành con suối lớn trước khi hóa thân thành sông Do (tên đầu nguồn sông Cái). Thực ra, nơi đầu sông Do còn một con suối nữa, tuy không lớn bằng suối Tị, nhưng cũng góp phần nước đáng kể của mình cho sông Do. Đó là suối Đá Mài. Suối Đá Mài có thể được coi như lằn ranh tự nhiên phân chia giữa Đông Tiến và Đông Giang, cũng là điểm dừng của rừng núi thấp trước khi vượt lên những ngọn núi cao chạy dài tới giáp với sông La Ngà. Vì vậy, suối Đá Mài cũng là ranh giới của hai vùng tiểu khí hậu khác nhau.

 

   Bên vùng núi cao thuộc Đông Giang, có độ ẩm cao hơn, nhiệt độ luôn thấp hơn khu vực rừng núi thấp Đông Tiến từ 1 tới 3 độ. Nhịp mùa đi cũng khác nhau. Thời gian sau Tết Nguyên đán, rừng Đông Tiến khô khốc, lá không còn trên cây, màu xanh hiếm hoi chỉ còn lác đác dọc hai bên bờ sông Cái, nên rất dễ xảy ra nạn cháy rừng. Trong lúc này, tuy chưa xuất hiện cây mưa đầu mùa nào, nhưng những khu rừng trên cao thuộc Đông Giang, sau khi rụng hết lá, đã bắt đầu khoác lên mình tấm khăn voan mỏng màu xanh lá non.

 

   Nếu đi trên đường An Lâm - Đông Giang (ĐT 714), ta sẽ gặp suối Tị trước, đi thêm chừng 2 km nữa là tới suối Đá Mài. 2 suối này chảy thêm chừng 1km nữa thì hợp lưu hình thành nên sông Do.

 

   Ngày xưa, đoạn đường đèo từ Đông Tiến lên Đông Giang, bắt đầu từ suối Đá Mài vượt qua 9 dốc đèo, trong đó dốc số 1 là kinh khủng nhất. Người ta hay ví von leo dốc cao đầu gối chạm mặt, thì dốc số 1 vào những năm 70 đúng là như vậy. Có những lúc tôi mang ba lô vừa leo lên hết dốc số 1, định nằm lăn ra thở, thì thấy “ông ba mươi” cũng đang nằm gần phía trên, hết hồn, vội vàng tụt ngay xuống, ngồi chờ cho "ổng" ngủ đã giấc, thức dậy đi kiếm ăn, tôi mới dám leo dốc đi tiếp. Những ngày đó (1976 - 1979), anh em giáo viên và thanh niên xung phong diệt dốt là những người thường xuyên qua lại cung đường này. Có 2 câu thơ vui mà anh em thuộc nằm lòng:


   "Leo lên 9 dốc bơ phờ
   
Ôm mây cứ ngỡ bất ngờ ôm em..."

 

   II. Trò đùa ngày trẻ

 

   Lên xuống 9 con dốc không tên này đã rất nhiều lần, nhưng tôi thấy hình như thiêu thiếu cái gì đó. À, phải rồi, là tên của những con dốc. Dốc mới mở sau 1975 cho người đi bộ và xe be lấy gỗ, nên chưa ai chú ý đặt tên cho nó.

 

   Tôi nói ý tưởng đặt tên đèo cho anh em. Mọi người đồng tình ngay và thống nhất sẽ lấy tên của anh em giáo viên, thanh niên xung phong diệt dốt và các anh em nhân viên của phòng lương thực (từng bám trụ tại Đông Giang nhiều năm để thu mua lương thực của bà con K' Ho ăn không hết đem bán cho nhà nước lấy tiền mua các nhu yếu phẩm khác) để đặt cho các con dốc.

 

   Trong chúng tôi, thầy Cao Hoàng Hổ là người lớn tuổi nhất, nên được mọi người đồng lòng lấy tên đặt cho dốc số 1: dốc Ông Hổ. Kế tiếp, dốc số 2 đặt tên tôi, tức dốc Ông Miên, dốc số 3 là dốc Ông Xuân, số 4 là dốc Ông Tùng.v.v... Chúng tôi lấy bảng gỗ, viết sơn tên dốc lên, đem cắm ở đầu mỗi con dốc. Dân xe be luồn rừng lấy gỗ quen đường đã mặc nhiên chấp nhận và thuộc lòng cách gọi tên mới của các con dốc này.

 

   Trên đường đi vắng tanh, rừng âm u, chỉ có tiếng gió rít qua khe núi và tiếng vượn hú, thỉnh thoảng lẫn vào tiếng nai tác gọi bầy, người đi đường nhìn thấy bảng tên dốc sẽ cảm thấy sinh động hơn, không còn vắng vẻ đáng sợ nữa.

 

   Thực ra, chuyện tự đặt tên và cắm bảng trên 9 con dốc là một kiểu vui chơi của tuổi trẻ, là cách riêng động viên nhau cho thêm sức để vượt dốc, để tạo thêm niềm vui, gây cảm giác hứng thú (từ ngữ bây giờ gọi như vậy là tự sướng), tăng chút thoải mái tinh thần mà sống, nhằm vượt qua những gian khổ, bệnh tật, vượt lên sự heo hút, thiếu vắng đời sống bình thường đã quen ở đồng bằng.

 

   Nhưng rồi, khoảng 1 năm sau đó, ông H chủ tịch huyện, trong một lần lên núi công tác, phát hiện các bảng ghi tên dốc kia. Ông sai tài xế kiêm tà lọt nhổ hết rồi đem đốt. Khi lên tới Đông Giang, ông cho gọi tôi tới trình diện và xạc tôi một trận. Ông nói rằng, tôi mang tư tưởng tiểu tư sản, nên đã tự tâng bốc mình lên bằng cách lấy tên của mình và giáo viên để vinh danh đặt cho 9 con dốc... Ông phê bình tôi xong rồi cũng bỏ qua, không nhắc lại nữa, nhưng những cái tên đặt cho những con dốc kia đã nằm trong trí nhớ của không ít người.

 

   Thật ra, khoảng thời gian 1976 - 1979, những người từ đồng bằng phải trèo đèo, leo núi, lội suối lên trụ lại vùng cao Đông Giang để làm nhiệm vụ, cũng chỉ có anh em giáo viên và thanh niên xung phong diệt dốt, cùng với một số anh em thu mua lương thực, thỉnh thoảng mới thấy có mặt một hai cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, thủy lợi của huyện... Anh em đã "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con dân tộc K’Ho nơi đây nhiều năm. Tuy chưa nói tới công lao gì, nhưng ít ra cũng đã có không ít khổ lao.

 

   Vào đầu những năm 90 thế kỉ trước, những con dốc cao trong 9 dốc này đã bị bạt thấp xuống rất nhiều, đường được mở rộng thêm. Dốc số 1 (Ông Hổ) bị bỏ đi, con dốc mới được né về bên phải, hạ độ dốc xuống chỉ bằng nửa dốc cũ. Tổng chiều dài của 9 con dốc chừng 6 km. Đường ĐT 714 dài 41 km, là con đường huyết mạch nối QL28 và QL55, là đường ngắn thứ 2 nối liền Phan Thiết với Tây Nguyên (đường ngắn thứ nhất chính là QL28B, nối QL1A, tại Lương Sơn, qua Thủy điện Đại Ninh gặp QL20 tại Đức Trọng), được làm mới trong vài năm gần đây, đã trải nhựa bê tông át - phan, tạo mặt đường phẳng phiu uốn lượn trên những dốc đèo năm cũ, đẹp như một bức tranh. Bây giờ, chẳng ai, trừ chúng tôi, còn nhớ những cái tên tự đặt cho những con dốc gắn liền với một thời, một thế hệ hy sinh bản thân để giúp đời trong giai đoạn khốn khó nhất. Bây giờ, người lái ô tô phom phom trên đường, rất vô tình, chỉ chú ý phía trước, có thể thỉnh thoảng sẽ nhếch môi khen cung đường đẹp mà thôi... Ông chủ tịch huyện ngày xưa cũng đã qua đời từ lâu. Chúng tôi ngày ấy, bây giờ đã là những ông lão U70, có vài người đã từ giã cõi đời đi xa...

 

   Trở lại những cánh rừng, những con suối trên con đường có những con dốc đẹp, lòng không nguôi nhớ về quãng đời hơn 40 năm trước trên núi rừng Đông Giang cùng với anh em chân tình, tuy thiệt gian khó nhưng mà sống vui, trong sáng, đầy ý nghĩa vị nhân sinh, vô vụ lợi.


   ...
   "Ngày tôi đi
   Các em tiễn thầy bằng tiếng hú
   Đi hết ba cánh rừng tiếng hú còn vang
   Nghe âm âm chạm vào vách núi
   Tôi khắc nỗi nhớ vào tim..."

    (Ngày tôi đi. Thơ NĐM)