Năm 1933, Vua Bảo Đại đến Bình Thuận

01/01/2022 00:00
1439

TẠ VĂN SỸ


Ngày 13 tháng Giêng Quý Dậu (năm Bảo Đại thứ 8), tức ngày 07-02-1933, Ngự tiền văn phòng triều đình Huế ra một thượng dụ (lược trích): “Tuần hạnh là không phải đi chơi, chính là đi xem xét. Trẫm lên nối ngôi cao (…). Nay nhân tiết xuân, khí trời ấm áp, định đến hạ tuần tháng này đi vào các tỉnh đạo Gia Lai, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai Thượng. Hành trình nhật ký sẽ do Cơ mật thương đồng quý tòa lục ra cho biết”.

   Bài “hành trình nhật ký” nói trong thượng dụ chính là bài “Ngự giá nam tuần hành trình ký” (tạm dịch “Ký sự chuyến tuần du phương Nam của Hoàng đế Bảo Đại”); tác giả bài viết do các quan trong “Cơ mật thương đồng quý tòa” phụng bút và ký tên là Song Cử. Bài in trên Nam phong tạp chí các số 182 và 183, phát hành các tháng 3 và 4 năm 1933. Đúng một tuần sau, tức ngày 20 tháng Giêng Quý Dậu (tức 14-02-1933), lễ xuất phát tại kinh thành Huế: “Sáng 8 giờ 15, Ngài ngự ra ngồi tại điện Cần chánh, quan Hộ giá đại thần và quan Lưu kinh đại thần làm lễ bái mạng, vái ba vái, rồi ông Hoàng thân và các quan đại thần Cơ mật, Tôn nhân với văn võ đình thần đều mặc triều phục vào chầu thỉnh an và tống giá. 8 giờ rưỡi quan Khâm sứ qua chầu. Ngài ngự ra cửa Đại Cung Môn lên xe khải loan. Trên kỳ đài bắn bảy phát lịnh. Các quan tùng giá theo thứ tự đã sắp đặt đều lên xe đi theo. Buổi mai ấy tạnh ráo, không nắng không mưa, khí trời ấm áp, dễ chịu”.

   Nhà vua đi lướt qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (vì nhà vua đã có chuyến kinh lý trước đấy tới tỉnh Phú Yên thì quay về lại Huế), đến đêm hôm ấy thì đoàn xa giá nghỉ lại tỉnh tòa Bình Định. Sáng hôm sau, theo đường 19, đoàn ngược lên Tây Nguyên để xem xét dân tình các “đạo” miền thượng du. (Triều đình Huế gọi các tỉnh miền thượng du là “đạo” vì có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ duy nhất tỉnh Ninh Thuận thuộc miền duyên hải cũng gọi là “đạo” vì có nhiều đồng bào Chăm). Lần lượt, nhà vua tuần du qua đủ các tỉnh đạo như trong dụ liệt kê, và đến Bình Thuận vào trưa ngày 26 tháng Giêng Quý Dậu (20-02-1933).                            

   Bài tường thuật viết rất chi tiết chuyến đi. Thiết nghĩ đây là một sử liệu hay, chúng tôi xin lược trích một số đoạn khi nhà vua đến tỉnh Bình Thuận.

   Sau khi “tuần hạnh” đạo Ninh Thuận, trên đường xuôi tiếp về Nam, nhà vua ghé ngự lãm sở muối Cà Ná, rồi đến Bình Thuận. Khi đoàn xa giá (gồm 15 người, 10 xe) “đến địa đầu Phan Thiết, có quan sứ (tức công sứ – quan đầu tỉnh, do chính quyền Pháp bổ nhiệm – NV) Pháp) Auger và quan tuần (tức tuần vũ – quan đầu tỉnh, do triều đình Huế bổ nhiệm – NV) Ngô Đình Diệm chực nghinh giá”.

   15 giờ chiều hôm ấy nhà vua ngự đến Long Hương thuộc huyện Tuy Phong dự lễ khánh thành một nhà thương (bệnh viện) mới làm. 17 giờ 30 đến Phan Thiết. Dọc đường, thân hào nhân sĩ đứng chờ cung nghinh rất đông. Khi nhà vua đến hành cung thì đã sẵn có một phường nhạc người Nam Kỳ tấu nhã nhạc bài Đăng đàn và bài Quốc ca chào mừng.

   18 giờ thiết triều bái khánh. “Khi đó trời đã gần tối, đèn điện sáng choang, trên nóc hành cung và mấy quyết đều đặt đèn điện long lanh rực rỡ như Ngọc vũ, Diêu phòng, như Kim đài, Tử quán ở cung tiên vậy”.

   Trong lễ bái khánh, quan tuần vũ Ngô Đình Diệm đọc biểu tấu, quan công sứ Auger đọc chúc từ, đại ý nói: “Tỉnh Bình Thuận kể về tài chính có phần khuếch trương đặc biệt, vì là nghề sinh nhai của dân chuyên về ngư nghệ; lại thêm còn có một phần nhân dân Chàm còn giữ phong tục xưa, địa thế thời cách xa đế đô và gần miền Nam Kỳ. Vậy cho nên tình thế khác hẳn với các tỉnh khác (…). Ngày nay được cung chiêm Thánh giá ngự đến tỉnh này họ lại càng vui mừng hơn nữa, vì từ triều Gia Long đến giờ không hề có khi ngự giá đến đây. Họ mừng là mừng Hoàng thượng lo cho thần dân. Cho đến dân Thượng, dân Chàm cũng tỏ lòng cảm phục cái chánh sách khoan hòa của Hoàng đế rộng dung cho họ cứ giữ lấy tục xưa. Lại còn Hoa kiều ở đây cũng nhiều, họ nghe tin ngự giá Nam tuần cũng nô nức lòng thành xin dự vào cuộc nghinh giá…”.

   20 giờ, sau khi ăn tối tại tòa công sứ, nhà vua ngự xem biểu diễn rước đèn. Học trò ta và học trò Tàu cầm đủ các kiểu đèn được thắp sáng lung linh dạo quanh theo tiếng nhạc. Có đèn hình rồng với ý “long hiện vu điền”, có đèn hình phụng với ý “phụng hoàng lai nghi”, có đèn hình sư tử với ý “sư tử hí cầu”, có đèn hình lân với ý “kỳ lân giao tử”, v.v… Sau đó nhà vua dạo bộ ngự xem những chiếc đò kết băng thắp đèn sáng lung linh một đoạn sông nước.

   Sáng hôm sau, ngày 27 tháng Giêng Quý Dậu (21-02-1933), 8 giờ 50, nhà vua đi ra từ hành cung. Hai dãy phố phường nhà nào cũng có bày bàn bái hạ, kết cổng chào bằng toàn ốc biển gắn lại thành hình bông, hình chim, hình thú, rất công phu. Các lư hương trên bàn bái hạ khói lên nghi ngút, trầm thơm ngạt ngào.

   Đến 9 giờ sáng nhà vua đến dự lễ khánh thành bia kỷ niệm của Hội du học. Khi nhà vua an tọa, có một hội viên bước tới thềm khấu đầu đọc lời chúc:

   “Muôn tâu Hoàng đế bệ hạ,

   Dân tình Bình Thuận chúng tôi ở về phía nam, gần miền Lục tỉnh, cày non cuốc biển, ngay thật giữ long (…) đã hơn 100 năm nay công đức bình thành, ai ai cũng đội. Nay nhân dịp gặp hội văn minh, mở mang tri thức, Nhà nước mới lập ra Hội du học, trên có Hoàng thượng làm chủ (…) để vun trồng tài mới (…). Hoàng thượng vượt trùng dương, 10 năm ở quí quốc (ý chỉ nước Pháp – NV), muốn tỏ sự du học là có ích cho nhân quần xã hội, nhân đó mà khuyên bảo con dân trong nước, khiến cho Hội du học càng ngày càng lớn, người du học càng ngày càng đông, nên Hoàng thượng chuẩn cho lập bia làm ký. Nay, Hoàng thượng ngự đến chỗ dựng bia này trước hết. Mặt trời soi đến rạng vẻ hào quang (…) thật là rực rỡ muôn phần, xưa nay tỉnh này chưa có. Dân chúng tôi như cỏ may gặp gió mùa xuân (…). Chúng tôi là Phan Quang Hướng, xin thay mặt cho các hội viên Hội du học tỉnh này và những người được dự thưởng, đồng chúc: Đại Nam Hoàng đế vạn tuế! Nước Đại Nam thái bình thịnh vượng muôn năm!”. Trước cổng tấm bia ấy có đôi câu đối: “Bia ấy tôi con ghi tác nhớ - Hội này đất nước mở mày coi”.

   Từ chỗ dựng bia Hội du học, nhà vua thẳng đến cơ sở Hội đồng nghiệp nước mắm. Hội này lập ra từ năm 1926, tập hợp các nhà làm nước mắm, cả người Việt và người Pháp. Tại đây, nhà vua được hướng dẫn xem cách làm nước mắm và cách tổ chức hệ thống buôn bán, phân phối với các đại lý xa gần.

   Xong ở Hội đồng nghiệp nước mắm, nhà vua đến thăm trường học (không rõ có phải là trường Dục Thanh không? – NV). Vì muốn thấy cảnh học trò đang học tự nhiên nên đã có sắc cho thầy trò cứ ở trong lớp, chỉ có một học sinh bước ra tâu đọc tờ chúc: “Muôn tâu Hoàng đế! Hôm nay mông an Thánh giá giáng lâm, thiệt là một điều hạnh phúc rất lớn cho trường Phan Thiết và cho con dân thiếu niên chúng tôi. Trong lịch sử, cái trường nhỏ nhen này sẽ có thêm được là một trường rực rỡ từ xưa đến nay chưa từng có. Vậy, chúng tôi xin đại diện cả thiếu niên tỉnh Bình Thuận để kính chúc Hoàng thượng “thọ tỷ Nam sơn, phước như Đông hải”, và xin nguyện rằng đương lúc thanh xuân này sẽ cố công rèn tập để ngày sau trưởng thành trở nên người dân trung thành với Thánh chúa. Muôn chúc Bảo Đại Hoàng đế vạn tuế! Nước Đại Nam thịnh trị muôn năm”.

   Rời trường học Phan Thiết, nhà vua ngự đến Nghĩa từ của các tứ bang Hoa kiều. Các bang trưởng mặc áo lễ phục dài ra cung nghinh. Một nhóm học sinh Tàu cả nam lẫn nữ đồng ca bài chúc tụng có nhạc đánh theo:

   “Đại tai, hưu tai!

   Nam triều đương kim Bảo Đại hoàng

   Ân trạch phổ cập ủ Nam bang

   Đức bị Nghiêu - Thuấn, Võ Thang - Văn Võ chi thánh đạo

   Chánh giáo trọng luân lý cương thường

   Bảo Đại hoàng, Bảo Đại hoàng!

   Cự chấn hưng vĩ đại chi tâm trường

   Trị dân dĩ nhân nghĩa phóng hào quang

   Cung chúc Thánh thọ chi vô cương”.

   Cũng tại đây, các bang trưởng là đại biểu ở Nam Kỳ cũng lần lượt sắp hàng một trước mặt nhà vua, mỗi đợt 4 người, làm lễ tam khấu (3 lạy). Lớp này đi ra thì lớp khác vô lạy tạ. Sau đấy, nhà vua tạt qua xem thăm trường học của học trò Tàu.

   10 giờ 15 nhà vua đến thăm nhà thương, có bác sĩ Terrisse nghinh giá. Đúng 11 giờ nhà vua “ngự thiện” (ăn trưa) tại dinh tuần vũ, có quan tuần Ngô Đình Diệm chầu hầu. Đến 13 giờ 40 thì khởi hành đi lên Đồng Nai Thượng.

   Như vậy, giữa đầu xuân, suốt từ buổi chiều ngày 26 và trọn buổi sáng ngày 27 tháng Giêng Quý Dậu (tức buổi chiều ngày 20 sang buổi sáng ngày 21-02-1933), lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất vị vua cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam đã đến với đất Bình Thuận.

   Sau mùa xuân Quý Dậu ấy đúng một giáp (12 năm), vào năm Ất Dậu 1945, vị hoàng đế cuối cùng này đã trở thành “cựu hoàng” trong cuộc thoái vị lịch sử để chuyển giao quyền lãnh đạo quốc gia về cho chính quyền dân chủ nhân dân.