Đi về phía không phải nhà mình
Tập truyện ngắn hay về đề tài gia đình

14/01/2022 00:00
2266

HỒ XUÂN HẢI


Tập truyện ngắn “Đi về phía không phải nhà mình” của tác giả Đinh Đình Chiến, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (2018) lôi cuốn bạn đọc bởi nội dung và lối dẫn dắt câu chuyện. Từ những tình tiết trong truyện cho đến nghệ thuật diễn đạt, tác giả đều gây bất ngờ cho độc giả. Xuyên suốt tập truyện là những câu chuyện về cuộc sống gia đình, mà cụ thể là chuyện vợ chồng. Sự khác nhau về cách nghĩ, nếp sống, nghề nghiệp đã làm con người thay đổi. Đọc đoạn mở đầu của tác phẩm độc giả sẽ nhầm tưởng những nhận vật mà tác giả xây dựng sẽ sống rất vui vẻ và hạnh phúc, nhưng thực ra không phải như vậy. Chính sự bình yên nhẹ nhàng tưởng chừng như không có gì phải nói lại là nguyên nhân khởi đầu dẫn đến mâu thuẫn, xích mích, xung đột, để rồi vợ chồng phải ngậm ngùi xa nhau. Tập truyện là sự đắng đến ngọt ngào của tình yêu, sự thao thức khôn cùng của cuộc sống hiện tại và sự đau đáu một thời hậu chiến…

   Trong truyện “Ly hôn”, tác phẩm mở đầu tập sách tác giả miêu tả: “Con hẻm Hồ Xuân Hương thanh bình trong đêm thu. Tiếng hát khẽ êm níu theo tiếng đàn trầm chao phố nhỏ: Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây. Những bước chân mềm mại, đã đi vào đời chiều…”. Hình ảnh và thanh âm quen thuộc ấy hằng đêm Diệp Thảo nghe và cảm nhận được nơi ngôi nhà đối diện của chú Sáu Hồng và cô Kiều Loan suốt hơn hai mươi năm. Diệp Thảo, một cô gái mới ra trường đang trong tuổi yêu đương tìm hiểu bạn đời vẫn luôn nghĩ rằng, chú Sáu Hồng và cô Kiều Loan là cặp vợ chồng sống hạnh phúc, bởi chưa bao giờ cô nghe thấy vợ chồng cô chú có một lời to tiếng xích mích với nhau. Trong ý nghĩ của mình Diệp Thảo cũng nôm nao cảm nhận những hạnh phúc của riêng mình mà ưng tựa “cuộc sống vậy còn đẹp hơn mơ”. Nhưng, trong cuộc sống đâu phải đơn giản như thế, đâu phải không xích mích mà sống hạnh phúc. Chuyện vợ chồng chú Sáu Hồng và cô Kiều Loan kéo nhau ra tòa ly hôn đã khiến Diệp Thảo bàng hoàng. Cô đã do dự trong việc yêu Khánh, một phóng viên làm ở báo tỉnh. Lý do Diệp Thảo sợ là bởi gia đình cô “không có cảm tình với nghề có liên quan đến văn chương chữ nghĩa, mặc dù trong nhà ai cũng nghiền mê đọc sách”. Ông nội của Diệp Thảo cho rằng “người làm nghề văn chương sống lãng mạn, và cũng dựa vào đó làm cái cớ mà bỏ qua các chuẩn mực gia đình và sự chung thủy”. Điều này có sự tương đồng với chú Sáu Hồng, một nhà thơ, người đứng trước tòa luôn khặng định lý do cô Kiều Loan ly hôn là “do tôi… ngoại… tìnhTôi sống với cô ấy nhưng bao năm qua tôi lại luôn nghĩ đến một người con gái khác…”. Thực ra chú Sáu Hồng không phải ngoại tình mà chỉ là một người đam mê thơ. Nhưng sự khác nhau trong cách sống đã đẩy hai vợ chồng về phía hai cực khác nhau… Truyện Ly hôn là một bức tranh chân thực về một thời người ta yêu văn chương và yêu con người của văn chương, nhưng rồi cuộc sống hiện đại xô bồ, nhu cầu vật chất làm thay đổi quan niệm tình yêu và cái đích đến của hôn nhân gia đình. Người vợ đã chọn một người đàn ông ngoại quốc… Một câu chuyện hay về đề tài gia đình cùng với sự khéo léo trong cách diễn đạt ngôn từ, tác giả Đinh Đình Chiến đã thật sự làm cho độc giả cảm thấy hứng thú.

   “Đi về phía không phải nhà mình” cũng là truyện ngắn thuộc kiểu như vậy, có nhiều yếu tố bất ngờ. Câu chuyện kể về đôi vợ chồng sống ở một xã miền núi. Hai người khác nhau về hoàn cảnh, về nghề nghiệp. Thúy, một cô gái sống ở thành phố được phân công về dạy ở một xã miền núi và lấy Khánh, một người nông dân chuyên làm ruộng. Họ đã sống với nhau suốt gần ba mươi năm, đã có với nhau hai đứa con, đứa lớn đã đi làm và đứa nhỏ đang học cao đẳng kế toán. Suốt từng ấy thời gian, Thúy vẫn là người vợ đảm đang, thương chồng, yêu con, biết chăm lo cho gia đình. Cuộc sống có lẽ sẽ ấm êm với gia đình chị nếu như chị không đi dự đám cưới của một người bạn ở Ninh Hương và gặp Hoàng – giám đốc Sở tài nguyên môi trường, người mà say mê cô từ thời mới đi dạy. Gặp Hoàng, ký ức gần ba mươi năm trước lại ùa về, nhất là khi nghe Loan nói Hoàng rất yêu cô nhưng gia đình và bà cô quyết ép anh lấy vợ theo sự sắp đặt của họ và anh phải tuân theo. Thúy xúc động khi nghe Loan kể: “Lão ấy không quên được mi, lúc nào cũng dò thăm tin tức. Có lần công tác Sài Gòn lão có ghé lên đó tìm, đến ngõ nhưng không dám vào thăm…”.  Sau khi đi đám cưới và thăm bạn bè về Thúy vui vẻ hơn, đêm chị thức khuya và ít ngủ hơn. Khánh có cảm giác như Thúy đang thay đổi “ như đang bị cuốn vào cuộc vui mới mẻ trong các mối quan hệ bạn bè. Anh chợt hiểu có lẽ đó mới là cuộc sống thực của chị, người đàn bà gần năm mươi tuổi sống bên anh bấy nay có khi chỉ là vì bổn phận và trách nhiệm…”. Và rồi “ người đàn ông chân lấm tay bùn ấy lờ mờ hiểu và lờ mờ ghen. Anh muốn biết nếu gặp được người kia vợ anh sẽ thế nào? Chị có hạnh phúc hơn khi ở bên anh?”.  Anh đã lấy lý do vào rẫy canh điều vì sợ người ta ăn trộm để theo dõi chị. Đêm thứ nhất anh trở về và bắt gặp chị với người đàn ông kia ngồi với nhau tới tận khuya. Trước khi ra về “người đàn ông kia kéo chị về phía mình, nhưng chị đã chủ động ý tứ đẩy ra”… Còn đêm thứ hai “ Hai người ngồi khuya hơn và hơi sát. Đến lúc không thể ngồi lâu hơn, người đàn ông choàng tay ôm chầm lấy chị. Chị ngồi yên đón nhận những chiếc hôn với thái độ không vồ vập nhưng cũng không từ chối”… Đêm thứ ba anh trở về và thấy người đàn ông kia lại tới, nhưng khuya hơn “đèn trong nhà bật sáng nhưng cửa đóng lặng im… một người ở trong và một người ở ngoài cánh cửa, có tiếng thở dài  vỡ òa trong kìm nén và có cả sự thổn thức. Như thế rất lâu, người đàn ông kia cũng lặng lẽ ra về”. Nhưng “qua qua kẽ hở của liếp ván đóng vách rành rõ anh thấy vợ mình: chiếc áo ngủ chị mặc bật khuy từ lúc nào trật khỏi hai vai và đang tuột xuống. Không mặc gì trong lần áo ngủ ấy, chị như con nhộng tằm lột xác chui ra khỏi kén, phủ phục xuống, nghẹn ngất…”.  Chứng kiến sự việc đó, anh rất đau khổ và khóc. Rồi một hôm từ rẫy điều đi về, đó là “ đêm tháng hai se se lạnh, anh lầm lũi đi về phía không phải nhà mình”. 

   Truyện ngắn “Điều chưa biết đằng sau vụ án” với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn. Truyện cảm động, có lúc người đọc thương cho số phận, hoàn cảnh trớ trêu của nhân vật. Câu chuyện xoay quanh chị Hoa và anh Hai Lượng, đôi vợ chồng nghèo lấy nhau nhiều năm mà không có con. Đi nhiều bệnh viện bác sĩ đều kết luận chị Hoa không thể có con là do chồng – Hai Lượng. “Mười một năm trời khao khát hy vọng nhưng càng khát khao hy vọng  bao nhiêu họ lại càng tuyệt vọng bấy nhiêu”. Mong muốn có con đến tột độ, chị Hoa đã đánh liều hẹn một người hàng xóm đến nhà. Nhưng vừa lúc chị Hoa với người đàn ông hàng xóm kia đang bắt đầu thực hiện để có một đứa con thì Hai Lượng, chồng chị Hoa về. Hai Lượng nghe rõ lời Hoa nói: “Anh không được cho ai biết. Tôi hẹn anh đến đây chỉ để xin anh một đứa con”. Dù rất đau đớn nhưng Hai Lượng nghĩ: “ Trời bắt tội mình thế thì mình phải chịu. Cứ để cho Hoa làm theo ý của cô ấy”.  Hai Lượng đã bỏ qua và “lặng lẽ giật lùi chậm chạp đi qua chái bếp tối mò”. Nhưng khi tiếng của vợ trong buồng vọng ra “từ từ đã” thì tiếng của tên hàng xóm như tát vào mặt Hai Lượng: “Từ từ cái con khỉ, anh không phải như thằng cha Hai Lượng vô tích sự ấy đâu, anh mà sáp vô là xong ngay…”. Hai Lượng “tức đến nghẹt thở tay quờ quờ và đụng phải cây chĩa cá. Như con hổ bị trọng thương anh lao vào buồng bằng tất cả sức lực của sự nghẹn tức , giận dỗi, căm thù và mặc cảm. Trong bóng tối mờ ảo của ngọn đèn dầu vặn nhỏ anh đâm cây chĩa xuống”… Cú đâm ấy không trúng tên hàng xóm mà trúng vợ anh “Hoa nằm xanh chết lặng trong sự sợ hãi và đau đớn”.  Từ lúc chị Hoa bị nạn, Hai Lượng gần như ở hẳn để chăm sóc vợ, công việc ở trại vịt anh giao cho người phụ việc. Một chị đi nuôi bệnh ở cùng phòng còn khen anh “mấy hôm nay thấy anh nuôi vợ chị em tôi ai cũng phục. Đàn ông được mấy người chịu khó như anh”. Chính sự chăm sóc chu đáo của Hai Lượng với chị Hoa khiến cho vụ án trở nên phức tạp hơn. Khi trung úy Hạnh Nguyên tìm ra được hung thủ “trên cơ sở tang vật để lại và qua điều tra”. Nhưng anh lại băn khoăn “động cơ nào đẩy hung thủ phạm tội”. Cuối cùng Hai Lượng cũng đến cơ quan công an khai báo và kể lại toàn bộ sự việc. Trong căn nhà tạm giam, Hai Lượng đã quỳ xuống dưới chân trung úy Hạnh Nguyên van xin: “Tôi có tội tôi chịu. Còn Hoa! Tôi van chú, Hoa là người bất hạnh chú làm phúc, tôi ơn chú suốt đời, chú đừng cho ai biết  rằng cô ấy ngoại tình”. Hành động và lời nói của Hai Lượng khiến bạn đọc không khỏi xúc động rơi nước mắt. Trong truyện này Hai Lượng cũng là nhân vật đáng thương…

   Các truyện ngắn hay khác như: “Phố biển chiều mưa”, “ Lâu đài cát”, “Người đẹp trong tranh”, “Ngọt ngào bình yên”, “Góc khuất”… mang lại cho bạn đọc nhiều cảm xúc. Những câu chuyện bi hài với những sắc thái buồn vui lẫn lộn...

   Tập truyện ngắn “Đi về phía không phải nhà mình” gồm 17 tác phẩm, được gói gọn trong 180 trang giấy khổ 13x20.5cm, với nội dung bối cảnh diễn ra ở các xã miền núi huyện Đức Linh và tỉnh Bình Thuân, không gian và thời gian trong truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại tạo nên sự hấp dẫn khiến cho bạn đọc cuốn theo từng con chữ… Các tác phẩm trong tập truyện ngắn của tác giả Đinh Đình Chiến đã khắc họa đậm nét về cuộc sống gia đình muôn màu muôn vẻ của xã hội./.