Nhớ Ngày Sân khấu Việt Nam ở Bình Thuận

25/11/2021 13:44
945

THÁI PHỤ


Ngày 04 tháng 01 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 13/QĐ- TTg, lấy ngày 12 tháng 8 (âm lịch) hàng năm làm “Ngày Sân khấu Việt Nam”. Đây là niềm vui lớn, là ngày hội tôn vinh nền Sân khấu nước nhà. Với mục đích: “Động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chương trình nghệ thuật sân khấu truyền thống tỉnh Bình Thuận nhân ngày Sân khấu Việt Nam (12 tháng 8 ÂL)

   Sân khấu Bình Thuận trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Phân hội chuyên ngành sân khấu đã tổ chức các hoạt động giỗ Tổ với nhiều nội dung phong phú, nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân gặp gỡ thăm hỏi, trao đổi học hỏi lẫn nhau. Đồng thời cũng là dịp để họ bày tỏ lòng thành kính, biết ơn- “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo” đến với các bậc tiền bối, những người có công dìu dắt và đóng góp cho nghệ thuật sân khấu truyền thống của tỉnh nhà và cả nước.

   Cảm động và ấn tượng hơn cả là lần họp mặt giỗ Tổ đầu tiên vào năm 2012 tại thành phố Phan Thiết. Có cả trên 250 văn nghệ sĩ, nghệ nhân đại diện cho 06 đơn vị nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà: Đoàn văn công Sao vàng, Đoàn văn công Thống nhất, Đoàn văn công Quân khu 6, Đoàn Ca kịch Bài chòi Thuận Hải, Đoàn văn công khu 6, Đoàn Cải lương Nhạn trắng cùng về dự. Nhạc sĩ Huy Sô, cố đạo diễn, nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hải Liên, nghệ nhân ưu tú Trường Ngọc, nhạc sĩ Trúc Linh…đại diện các đơn vị đã xúc động chia sẻ niềm vinh dự và tự hào của mình với sân khấu truyền thống Bình Thuận. Họ không quên nhắc đến những tấm gương nghệ sĩ đã ngã xuống qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến và cả những người đã ra đi vì bệnh tật, tuổi cao sức yếu sau ngày đất nước được giải phóng.

   Chương trình văn nghệ cũng là một điểm nhấn đầy cảm xúc, kỷ niệm trong buổi lễ. Thông qua các làn điệu dân ca Bài chòi Liên khu 5, Cải lương, vọng cổ, trích đoạn…các nghệ sĩ, nghệ nhân đã thay nhau trình diễn những tiết mục hấp dẫn mà họ đã từng sáng tác, phục vụ đồng bào và chiến sĩ chiến trường khu 6- Cực nam Trung bộ qua nhiều giai đoạn của cuộc chiến tranh.

   Song song với việc tổ chức giỗ Tổ của phân hội sân khấu là các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử- Cải lương, hát Dân ca ở hầu khắp các địa phương huyện, thị trong tỉnh. Với sự hỗ trợ đắc lực của các Trung tâm văn hóa, mạnh thường quân, các thành viên Câu lạc bộ…Họ thường xuyên tổ chức với tất cả nhiệt tình và lòng đam mê nghệ thuật, mà không chỉ giới hạn ở người ca, người đờn mà còn cả người nghe nữa. Họ sẵn sàng “ké” một vài tiết mục dâng Tổ rồi sau đó mới chịu yên tâm đi làm công việc.

   Những năm gần đây và năm nay lễ giỗ Tổ Sân khấu ở Bình Thuận tuy vẫn duy trì tổ chức, nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ, tự phát ở phạm vi gia đình, Câu lạc bộ… Nhưng dù lớn hay nhỏ, đơn giản hay hoành tráng thì trong lòng người nghệ sĩ, nghệ nhân và những người đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống, những câu hò điệu lý, những bài bản Dân ca, Cải lương vọng cổ…vẫn thường xuyên cuộn chảy trong bầu nhiệt huyết của họ. Giỗ Tổ Sân khấu mãi là ngày hội thiêng liêng đối với người nghệ sĩ- Là nét đẹp văn hóa của dân tộc và giới Sân khấu truyền thống nước nhà./.