DÒNG SÔNG HOÀI NIỆM

04/12/2022 00:00
397

LÊ NGUYÊN NGỮ


Hằng năm vào độ cuối thu, khi nắng xế đổ vàng như rót mật và trên các nẻo đường trong thành phố, gió cấn bấc bắt đầu thổi liu riu là tôi thường thấy bâng khuâng, buồn buồn vì một điều gì không rõ rệt. Nhất là những lúc một mình ngang qua công viên hay sang sông Cà Ty. Làm sao mà bước đi không ngập ngừng khi gió đưa lá khô, lá vàng xào xạc quanh chân và làm sao chẳng xao xuyến ánh nhìn lúc nắng cuối thu về vàng lấp lánh lên những dợn sóng trên sông?! Lại sắp đến Tết rồi! Nghe mơ hồ như thời gian lên tiếng vậy qua đất trời, nắng gió quanh ta.

   Chợt nhớ đến bài học thuộc lòng từ hồi nhỏ nhít nói về bốn mùa: Mùa Xuân cây cỏ tốt tươi/ Mùa Hè nắng gắt tiết trời nóng ran/ Mùa Thu hoa quả chín vàng/ Mùa Đông gió rét cả làng quạnh hiu. Riêng ở miền Nam thì mùa Đông nơi đây không u ám thế bao giờ! Cụ thể là từ cuối Trung bộ trở vào. Đất trời mùa Đông, càng đi sâu vào tháng tận năm cùng thì càng đẹp. Cái đẹp tổng hợp từ thiên-địa-nhân hòa. Trời trong xanh thêm chút, khí lành lạnh để có lý do ăn mặc đẹp hơn, cây lá mởn xanh ra hoa đón tiết xuân, nhà cửa xây sửa phong quang nhằm đón chào năm mới và người… thì rộn ràng, tấp nập để lo cho cái Tết đủ đầy…

   Tổng hợp ngần ấy đổi thay mang tính chu kỳ đó dễ gây cho những người mẫn cảm một chút u hoài, tiếc nhớ về bao dấu ấn, kỷ niệm của đời mình. Những cảm giác ấy tuy thoáng qua nhưng lại vô cùng thân quen như đã gặp ở đoạn, mốc thời gian nào hoặc đâu từ lâu lắm rồi. Lần theo bồi hồi này, chợt lòng khẽ rung lên, nhận ra sông đã bắt cầu về ký ức tuổi thơ mình vào những tháng năm thời còn chăn trâu, cắt cỏ, khi ngang sông Cà Ty trong một chiều nắng xế.

   Thời tuổi nhỏ nhà tôi ở bên dòng sông Cái. Con sông tuy gọi là Cái (sông mẹ) nhưng không lớn lắm, chảy ngoằn ngoèo qua cánh đồng mấy làng với rất nhiều đá tảng, đá cuội. Khi tuổi nhỏ dòng sông nào cũng rộng, nên với nó cũng dư đủ cho tôi vùng vẫy tuổi thơ mình. Nào tắm sông, chia phe thủy chiến đến mò cá, cắm câu, cưỡi thi trâu qua sông những mùa nước lớn… Biết bao nhiêu trò chơi sông nước để đến mãi bây giờ chỉ cần thoảng nghe ngai ngái mùi nước sông là cả tuổi thơ thời ấy lại vọng về.

   Rồi chiến tranh lan tràn cùng với lúc phải giã từ miền quê, về học nơi thành phố. Nơi tôi đến là Phan Thiết với dòng Cà Ty uốn quanh, êm đềm. Ngày ấy châu thành Phan Thiết nhỏ và thơ mộng chứ không sầm uất, cả thành phố là một “cục xi măng” như giờ.

   Thành phố nào chẳng đẹp khi có dòng sông chảy qua. Pa-ri, Pé-tec-bua, Wa-shing-ton… và bao thành phố khác nữa sẽ chẳng nổi tiếng thế giới khi mà không có dòng sông chảy qua. Nó như một tưới tắm, mướt mát hóa cho cuộc sống xô bồ, chộn rộn người xe, bên tầng tầng xi măng và trùng trùng khói bụi. Dòng Cà Ty tuy nhỏ nhắn, dễ thương nhưng là một minh chứng hùng hồn cho điều này. Phan Thiết sẽ không còn là mình nếu Cà Ty vào thuở hoang sơ dòng nước tìm đường ra biển chơi bằng một ngả khác. Trong khoảng chiều dài gần tám km của sông, đâu chừng ba cây số trườn qua Phan Thiết. Chừng ấy đoạn sông chảy ngang cũng dư đủ để long lanh, dịu mềm cho cái thành phố,  nơi vốn nhiều nắng nhiều gió nhất ở đất phương Nam này.

   Sông Cà Ty hình như cái gì cũng nhỏ, mà nhỏ thì thường là… dễ thương! Cũng vừa phải với chiều dài khiêm tốn của mình, bề ngang Cà Ty chỗ rộng nhất chỉ khoảng hai trăm mét và nơi hẹp nhất lại chừng hơn trăm. Nhỏ nhắn thế nhưng về nơi phố hội, đất chật người đông, dòng sông trước đây lại bao dung gánh hai bên bờ hàng ngàn ngôi nhà chồ ăn lan ra mép nước. Và cũng tuy nhỏ nhắn thế, lại ở nơi ngư trường phong phú, nên có cơ man nào là tàu thuyền neo đậu hai bên bờ sông vào những lúc chiều về. Vì nằm sát cửa biển nên Cà Ty ảnh hưởng bởi thủy triều. Vào những kỳ đỉnh cao của triều cường, nước biển ăn sâu lên thượng nguồn sông có khi đến năm, sáu cây số. Đây cũng là nét đẹp riêng của Cà Ty. Chính vì ảnh hưởng thủy triều nên sông lúc nào nước cũng xanh màu xanh của ngọc bích.

   Và chính nhờ thủy triều mang tất cả chất thải hai bờ ra biển nên sông lúc nào cũng sạch, cũng trong. 

   Đời người có thể ví như một dòng sông. Sông Cà Ty ngày ấy là hiện thân tuổi hoa niên của tôi. Và dòng sông trong ký ức trở nên lung linh, huyền diệu bởi nó chảy qua quãng đời đẹp nhất của mình. Quãng đời học sinh, và mới chớm biết thế nào là buồn thương, sầu nhớ.

   Thời ấy trọ học nên tôi thường qua trưa ở vườn Bông ngay đầu cầu Quan. Làm sao quên được những trưa trên ghế đá học bài như đọc thi với hàng ngàn tiếng ve nơi các cây vông cổ thụ. Đó chưa kể đến tiếng kêu chao chát của bao nhiêu là đàn cưỡng giành ăn trên các tầng vông hoa đỏ rợp trời.

   Và dốc cầu Quan, những buổi tan trường trong gió chiều bấc thổi. Như trong lá thư khi đã có con cháu sau này, em viết “Giá như chiều ấy đừng có cơn gió bấc và đừng bắt gặp anh nhìn say mê em, thì mình có lẽ cũng nên duyên rồi, anh nhỉ?!”. Một lần chờ em tan trường. Lúc lên dốc cầu, cơn gió bất ngờ thốc áo dài lên để lộ ra phía dưới em những đường cong kiều diễm. Đúng khi ấy, em lại bắt gặp tôi đang ngơ ngẩn đứng nhìn. Thế là giận luôn! Cơn gió bấc quái ác chiều ấy đã làm tuổi chớm yêu của em sinh ra giận hờn, để rồi những ngã rẽ tình cờ cuộc đời thành xa nhau vĩnh viễn. Gió bấc là gió bấc ơi… !

   Dòng Cà Ty quả là đẹp. Không chỉ đẹp mà còn bao dung nhiều mảnh đời vào những năm đói nghèo, cơm áo. Nước nguồn xuống, thủy triều lên – nên cùng một đoạn sông nhiều lúc nước ngọt, lợ, mặn khác nhau. Điều này đã khiến nó lôi kéo về lòng mình vô cùng đa dạng, phong phú về hải, thủy sản. Thời kinh tế còn khó khăn, sông Cà Ty rập rềnh biết bao nhiêu là rớ, vó. Những mảng lưới to nhỏ, vàng nâu mờ trong sương sớm, ánh lên ráng chiều làm cho dòng sông đẹp một cách lung linh, huyền ảo. Đẹp mà thanh bần thay cho Cà Ty vào những năm tháng đó!

   Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Cũng bờ sông, dốc cầu ấy, vào những năm khốn khổ sau giải phóng miền Nam. Cứ Tết đến là hoa mai bày bán bạt ngàn. Ngay tại chỗ em hờn giận năm xưa, tôi đứng bán cây mai mà mất cả ngày trời leo núi trên quê, mới chặt được. Cây mai đẹp, hứa hẹn cái Tết cho cả nhà. Một quan chức bụng to đã trả phóng cây mai với giá rất hời và hẹn quay lại lấy. Tôi chờ vị ấy đến mỏn chợ và cuối cùng bán rẻ cũng chẳng ai mua. Trong tiếng loa vệ sinh dẹp chợ nghe rào rào, lúc ấy tôi đã lặng lẽ bỏ lại cây mai bên bờ sông ra về. Gió bấc đã làm khô cổ tôi khi trong túi không một đồng uống nước…

   Đấy là dòng sông trong hoài niệm! Và, sông có khúc người có lúc. Cà Ty bây giờ đẹp lên rất nhiều. Đẹp, thoáng đãng từ hai bên kè đá, đẹp từ con nước lên ròng và có lẽ đến những phận người qua lại trên cầu đẹp đi. Thành phố nhỏ, dòng sông hẹp nhưng có đến những ba chiếc cầu, đó chẳng phải là lòng người hai bờ luôn muốn gần lại với nhau hay sao? Nếu trên cao nhìn xuống, Cà Ty nom lượn lờ như một dòng nhạc mà ba vạch cầu là những trường canh. Trong chiều bấc muộn, qua sông, chợt nhớ về mấy câu trong một bài thơ làm cách đây đà lâu lắm:

   … Ba chiếc cầu vạch mấy trường canh / Chảy dòng nhạc Cà Ty bờ bến hát / Cho những câu thơ tôi viết về Phan Thiết ? Là nhịp cầu hò hẹn để em sang.

    Lòng giờ lại nhủ lòng. Liệu có còn ai… để mà sang không nhỉ ?!