THANH DƯƠNG HỒNG
Ngày Cha hy sinh, mẹ tôi mới tròn 26 tuổi. Thuở chiến tranh, ở tuổi mẹ mà đã góa chồng không hiếm! Và, cũng không lạ nếu mẹ tôi “đi thêm bước nữa”? Nhưng, nếu ngày ấy, mẹ đi lấy chồng khác không biết ba anh em tôi chẳng biết ra sao? Tôi có được ăn học đến nơi đến chốn, có được vào Đại học để bây giờ trở thành một công chức sống ở một thành phố du lịch nổi tiếng? Em út tôi có được mẹ dành trọn tình thương yêu - một thứ tình yêu mà dường như mẹ muốn “đền bù” cho Út, vì ngày Út sinh ra không thấy mặt Cha…
Út Anh - em gái út của tôi được mẹ đặt cho cái tên rất ….con trai! Tính cách con trai của nó càng lớn càng thể hiện rất rõ: Nóng nảy, cộc tính, ngang bướng nhưng trung thực. Người ta bảo, vì trong khi mang thai Út, mẹ tôi chịu nhiều đau đớn (Cha mất), bản thân mẹ bị giặc bắt nhốt tù do Cha tôi làm cách mạng nên ảnh hưởng đến tính tình của nó. Chẳng biết đúng, sai? Mẹ chỉ biết thương yêu con, âm thầm tần tảo và dành cho Út nhiều tình cảm nhất. Mẹ tôi thường bảo, Út là “cục cưng”, bởi vậy hễ ai “đụng” đến nó là “khổ” thật đấy! Út Anh ngang bướng, cộc tính, nhưng hiếu thảo và thành thật. Tính thật thà, thơ ngây của trẻ con ngày xưa, giờ nhớ lại vẫn cứ thấy bùi ngùi!…
***
Sáng nào cũng vậy, mẹ đi làm từ khi trời còn mờ đất. Khi anh em tôi thức dậy nhà cửa vắng teo, bếp tro nguội lạnh. Ba anh em đói bụng nhưng chẳng có cái gì để ăn. Lúc đó, nhà tôi nghèo đói nhất nhì trong làng. Lục tìm khắp nhà cũng chẳng có thứ gì bỏ vào bụng, tôi “bàn” với hai đứa em gái và phân công: Em M. giữ nhà, út Anh trông trước cửa nhà ông Sáu - hàng xóm để tôi chui vào bếp nhà ông ăn trộm. Của trộm hôm đó tôi mang về là 4 củ khoai lang mập tròn. Ba anh em hè nhau ra nướng, chia nhau mỗi đứa một củ, để phần mẹ một củ.
Trưa về, phát hiện nhà bị cạy liếp cửa (dù chưa biết mất thứ gì), nhưng ông Sáu vẫn la toáng lên làm mẹ tôi chạnh lòng sinh nghi. Mẹ gọi ba anh em tôi ra hỏi từng đứa một. Tôi đương nhiên là chối phăng! Đến lượt M - em gái kế đã được tôi “quán triệt” kỹ nên cũng… lắc đầu. Mẹ kéo út Anh ra sau hiên nhà “dỗ ngọt”, và việc ăn trộm khoai của hàng xóm được tường thuật lại cặn kẽ, rành rọt rằng:
- Anh Hai lấy trộm khoai nhà ông Sáu, nướng cho con và chị M ăn, còn để dành cho mẹ một củ...
Nói rồi, nó chạy ra sau bếp lấy cái củ khoai nướng bếp, tro bụi còn dính lấm lem đưa cho mẹ. Mẹ bắt ba anh em tôi quỳ suốt buổi chiều hôm đó. Mẹ cầm củ khoai lạnh ngắt, nhăn nheo trong tay, đôi mắt đỏ hoe. Tối đến, trong bữa cơm, mẹ dạy anh em tôi rằng:
- Nhà mình nghèo thật nhưng không được ăn cắp, ăn trộm của người khác các con ạ! Ăn cắp là nhục lắm, xấu xa lắm… “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, các con phải nhớ lấy điều này…
***
Năm tháng cứ vô tình trôi qua. Ba anh em tôi lớn lên trong đói nghèo, khổ cực nhưng không dám lấy bất cứ của ai, thứ gì. Dù phải chạy ngược, chạy xuôi tần tảo làm thuê, cuốc mướn cho mọi người nhưng mẹ tôi vẫn quyết tâm cho ba anh em chúng tôi ăn học. Thiếu thốn đủ bề, cơm không đủ no, áo không đủ lành nhưng bù lại cả ba anh em tôi đều sáng dạ, học tập giỏi và trưởng thành…
Giờ đây, ba anh em tôi đều thành đạt. Tốt nghiệp Đại học, tôi tìm được việc làm ở Đà Lạt và có gia đình riêng. Em gái kế thành cô giáo và lấy chồng ở Quảng Ngãi. Còn út Anh cũng là cô giáo, lấy chồng và sinh sống ở Bình Định. Ba anh em tôi sống ở ba tỉnh và xa nhau gần năm trăm cây số, nhưng mỗi lần gặp lại, nhắc câu chuyện ăn trộm khoai ngày xưa đều cười rơi nước mắt !...
Dù chưa phải dư thừa về vật chất, nhưng bây giờ anh em tôi không còn đói lòng, khát nước như ngày xưa nữa; nhưng sao vẫn thấy thèm cái không khí ấm cúng, gần gũi, thân thương của những ngày thơ bé ấy! Người ta nói “Cơ hàn làm con người ta xít lại gần nhau hơn”. Còn anh em tôi giờ ở xa xôi quá! Dù vậy, luôn luôn lúc nào và mãi mãi bao giờ lời mẹ dạy ngày xưa vẫn nguyên vẹn như thuở đầu đời “nghèo cho sạch, rách cho thơm” !
Phải giữ gìn thanh danh của con người, đừng bao giờ đánh đổi vật chất tầm thường để rồi phải ăn năn, ray rứt…