Nghinh Xuân…Ngọc Điểm

07/01/2023 22:26
317

MINH KHANG


 

Ngọc Điểm là tên một loại hoa.  Nếu sau này tôi có một cô con gái, tôi nhất định đặt tên cho công chúa của mình là Ngọc Điểm và ước mơ trọn vẹn thì Trời ban cho một con trai sẽ đặt tên là Nghinh Xuân.

   Phong lan có nhiều loại đẹp và thơm xa thơm gần. Có loài hương thơm hệt như kẹo ngọt. Có loài thơm như một thiếu nữ tóc ướp hương bưởi vừa ngang qua với gió…Nhưng thơm nồng nàn, càng về đêm sâu càng thơm đượm, hương bay càng xa, mà lại nở đúng vào dịp tết Nguyên Đán thì chỉ riêng loài Ngọc Điểm chiếm quán quân, vì thế loài hoa này còn có tên là Nghinh Xuân, nghĩa là đón xuân về.

   Chuỗi hoa Ngọc Điểm khá dài,  những cây hoa tươi tốt mỗi cây mang năm sáu đài hoa. Mẹ tôi gọi những chùm hoa dài cả gang tay và bung tròn thõng xuống như một chiếc cầu thang xoắn ốc bé nhỏ lơ lửng giữa những chiếc lá xanh là đài hoa. Mỗi người một cách gọi, nó giống như dấu ấn để nhớ về ai đó. Thím Chín của tôi vừa đứng ngắm vừa lẩm bẩm, hoa gì mà đẹp chết đi được. Tay nửa sờ, nửa nâng chùm hoa, mặt ghé sát, mũi nhấp nhô, miệng tấm tắc liên tục. Thím Chín khiến tôi nghĩ đến một sự mơ ước khắc cốt ghi tâm, hơn là những lời khen thưởng.

   Nhưng người mơ giấc mơ hoa Ngọc Điểm nhiều năm liền, mơ kiên trì, mơ ngẩn ngơ, mơ chung thủy là mẹ của tôi.

   Mẹ tôi thích hoa, nhưng loài hoa luôn chiếm vị thế đặc biệt trong tâm tư của mẹ là phong lan, bởi loài này vừa tao nhã lại vừa mạnh mẽ. Mẹ nói, phong lan sống bằng hơi nước và những nguồn năng lượng mang theo trong gió bao gồm cả những chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Mẹ là giáo viên, nên những điều mẹ giải thích với tôi là sách giáo khoa thiết thực nhất. Trong những loài phong lan, với mẹ, Ngọc Điểm tượng trưng cho tất thảy mọi sự cao quí và nồng nàn và niềm vui đầm ấm mỗi lúc xuân về.

   Tuy nhiên, mẹ tôi chưa bao giờ có một cây Ngọc Điểm thật sự nào cho mình.

   Thời thơ ấu, ông bà ngoại sống nhà trọ chật vật với nợ áo cơm. Kiếm đủ bữa và tiền học, tiền trọ, đã bạc mái đầu, ông bà lấy đâu ra món quà xa xỉ cho con gái.

   Mẹ tôi cũng chẳng khác gì mấy hoàn cảnh ông bà ngoại ngày xưa. Ba tôi mất vì tai nạn. Mẹ gồng gánh gia đình một mình. Sau giờ đứng lớp, mẹ chăm mảnh vườn nhỏ nhưng chỉ là những đám rau để khỏi mua hàng ngày.

   Mẹ tôi có một chiếc ống tre nhỏ, đó là món quà do ba tôi làm. Ống tre được vẽ bằng bút lửa khắc họa đôi chim liền cành đậu trên một nhành hoa đào. Cuối ống tre có một khe rộng để…nhét những tờ tiền tiết kiệm. Ống tre có then cài, rút những chiếc then cài chiếc hộp tròn sẽ bật mở. Mẹ tôi bỏ những đồng tiền nho nhỏ vào đó những lúc chi tiêu còn lại. Mẹ nói, tết mẹ sẽ mua một giò Ngọc Điểm.

   Tháng Chạp vào năm tôi mười bốn tuổi, mẹ mở ống tre và cho tôi đi chợ xem hoa tết. Chợ đủ màu sắc, hoa bày kín con đường hai chiều trước một trường học. Hoa đủ loại, đủ cỡ, đủ giá tiền. Từ hoa chậu sành cao to sang trọng đến hoa đơn giản nhổ cả gốc bó thành bó bán cả bụi đều có.

   Hai mẹ con lượn một vòng. Mẹ dừng ngắm rất lâu ở gian hàng bán hoa Ngọc Điểm, nhưng hỏi cây nào xong mẹ cũng im lặng sau những lời khen hoa đẹp và cảm ơn thì chẳng trả giá gì cả.

   Về nhà, mẹ nói, để cận tết mua một hai chậu vạn thọ bày ở hiên nhà là đủ.

   Tôi biết, mẹ không đủ tiền để mua một cây Ngọc Điểm lộng lẫy mà mắt mẹ dán vào gần như chẳng thể dứt ra.

   Những cái tết như vậy hầu như lập đi, lập lại với chúng tôi. Mẹ không nỡ dùng số tiền ky cóp quanh năm vào một niềm vui thích, mẹ nói, chúng ta ngắm như thế là đủ, tiền sẽ dùng vào những việc khác cần hơn như mua sách, mua thêm chút thức ăn cho bữa cơm Mồng Một.

   Tôi biết ơn mẹ. Mẹ đáng ra phải được tưởng thưởng bằng sở thích, thì ngược lại mẹ tặng tất cả cho tôi. Tủ sách về tin học của tôi ngày càng nhiều, trong đó có cả những số báo in ra hằng ngày mẹ đặt qua bưu điện cho tôi…Nhờ đó, sau này tôi trở thành người có thể sửa chữa chiếc máy vi tính đầu tiên trong trường trung học phổ thông cùng với thầy hiệu phó của mình. Những điều đó đã tiếp sức để tôi trở thành kỹ sư tin học sau này.

   Tôi có một người bạn học tên Hòa. Ba của Hòa khéo tay có thể dùng những khúc củi ngắn, những mảnh ván bìa, những thanh gỗ nhỏ đóng thành những vật dụng hữu ích đẹp bất ngờ.

   Khi có thời gian, tôi lân la ở nhà Hòa và giúp ba Hòa lấy cưa, lấy đục. Một ngày nọ, tôi cũng gom được đủ những thứ cần thiết để đóng thành hai chiếc “ghế” cho những chậu hoa vạn thọ mà tôi biết chiều hai chín, hay ba mươi mẹ sẽ đem về nhà.

   Năm đó, khi mẹ bưng hai chậu hoa vạn thọ cùng những  bước chân bâng khuâng, nhiều âu lo trở về đầu ngõ sau một buổi chợ ngược. Chợ ngược là tên tôi đặt cho những buổi chợ ít tiền nhưng nhiều lo toan của mẹ. Mẹ sẽ đi chợ vào những ngày cả vùng gói bánh tét, tuy nhiên mẹ mua những vật không liên quan đến nếp, đến thịt, đến đậu xanh, bởi những thứ khác có thể dùng cho ngày tết ở những buổi chợ ngược thường giá sẽ không ngất ngưởng. Hôm nay, ngày cuối cùng của Chạp rồi, tôi chắc mẹ sẽ mua hoa, dù chỉ là vài chậu vạn thọ bé nhỏ. Tôi ùa ra đón mẹ. Tôi bưng hai chậu hoa vàng tươi thơm nồng  vào bày lên hai chiếc giá gỗ: hai chậu vạn thọ trở nên kiêu sa đôi chút, xinh xắn hẳn lên trong niềm vui của chúng tôi. Một cái tết nữa với nhiều thanh đạm nhưng êm đềm trôi qua trong gian nhà nhỏ bé  chứa nhiều trầm tư hơn là tiếng cười vui của mẹ.

   Tôi vào đại học cũng là ngày mẹ nghỉ hưu vì chứng đau lưng khiến mẹ không thể đứng lớp nhiều như trước. Hành trang học hành của tôi mang theo có cả những ao ước của mẹ. Tôi cố gắng ngay từ năm đầu tiên đó là kiếm thêm tiền. Tôi làm thêm ở bưu điện, bưng bê theo giờ ở các quán cà phê, quán phở, quán cơm…

   Một ngày nọ, chủ một quán cơm nói rằng cháu không cần phục vụ quán ngày mai, mà sẽ tưới vườn cho chú cả ngày, cháu có làm được không. Tôi nhận lời và sung sướng vô cùng khi vườn của chủ quán là một vườn phong lan rộng hàng nghìn mét.

   Từ đó, tôi cố gắng làm tốt nhất có thể ở quán cơm và dành mọi thời gian tiếp theo xin làm vườn cho chủ quán.

   Tết năm tôi hai mươi tuổi, tôi mang về cho mẹ một giò phong lan Ngọc Điểm có hai thân và 3 ngồng hoa bắt đầu nở những bông đầu tiên vào ngày hai tám tháng Chạp.

   Tôi treo giò Ngọc Điểm dưới bức ảnh treo tường của hai mẹ con, ở đó có một cái móc treo làm bằng gỗ Xá Xị do ba của Hòa tặng nhân ngày sinh nhật tôi năm tôi vào đại học. Gian nhà nhỏ bé của mẹ tôi lần đầu tiên ngan ngát hương Ngọc Điểm lan tỏa vào tận giấc ngủ.

   Sáng mai, mẹ tươm tất chuẩn bị đi chợ, mẹ nói, đã có cây Ngọc Điểm trong nhà rồi, mẹ cũng cần phải thay đổi, mẹ không đi chợ ngược nữa, bữa nay cả làng gói bánh tét, mẹ đi mua vài thứ chiều gói, đêm nay sẽ thức nấu nồi bánh nha con.

   Tôi dạ thật to và nói như hét, con đi kiếm lá chuối đây…

   Giờ, tôi đã là một kỹ sư tin học có việc làm ổn định. Những năm chăm vườn thời sinh viên giúp tôi kiến thức để tặng mẹ một giàn phong lan nho nhỏ trước hiên nhà, và tự hứa sẽ không bao giờ để mẹ phải đi chợ ngược lần nào nữa.

   Mỗi lần về, tôi hét váng lên: “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”…