Mùa bánh mứt… còn đâu?

07/01/2023 22:45
397

HUỲNH THỤC OANH



Làm mứt dừa. Ảnh: TL

 

Tuổi ngoài bảy mươi, ba thường trầm tư mặc tưởng. Những lúc không khách cắt tóc, ba thường đọc mấy tờ báo, rồi sau tờ báo là những lúc xa xăm tư lự. Người như ba tôi chắc đang nghĩ về những ngày đã qua, những “vàng son” của quá khứ, có khi là một bóng hình của ai đó đã mờ nhân ảnh cũng nên?

   Sáng nay, nghỉ dạy tôi ghé thăm ba, là lúc ông đang đọc bài “Vang bóng” của Tường Linh: Hồi đó ba thích nghe bài này lắm!

   “Ở đó có còn không anh?

   Tháng Giêng mưa bụi…tiếng trống chầu Hát Bộ lễ Kỳ Yên

   Ở đó có còn không anh?

   Đường bên sông phất phơ tà áo mới…”  

   Giọng ba buồn. “Chắc con chẳng mấy khi nhớ về tuổi thơ mình phải không? La Gi với ba mẹ nhiều kỷ niệm lắm. Nhất là những tháng gần Tết như bây giờ. Tháng này là mùa bánh mứt quê mình đó con…”. Ba lại “tua” cuốn phim cũ để may ra tôi nhớ điều gì.

   Và quả thật tôi nhớ.

   Con đường nhỏ dẫn vào nhà tôi, cuối đường, vào những năm xa lắc của tuổi thơ, gần đến Tết, có một vài nhà chuyên rang nổ làm cốm bằng chiếc chảo gang to bằng bánh xe tải. Mỗi lần kết thúc một mẻ rang, chủ lò thường trút toàn bộ số nổ ra chiếc sàng thưa, rồi sàng rồi sảy cho sạch vỏ trước khi đóng vào bao.

   Xa hơn chút nữa, xóm dừa bên hông chợ La Gi, chuyên làm mứt dừa, đổ bánh bông lan (người miền Trung gọi là bánh Thuẫn). Có những bà tuổi hơn tuổi mẹ tôi thức cả đêm, ngồi cắt cơm dừa thành từng lát mỏng để ngày sau ngồi rim bên chiếc chảo ngập nước đường, cho đến khi toàn bộ nước đường rút hết vào trong từng miếng cơm dừa, trở thành miếng mứt dừa cho trẻ ngày Tết.

   Xa hơn nữa, bên bờ sông Dinh, trên con đường dẫn vào ngôi chùa nhỏ, là xóm làm mứt me. Vẫn công thức rim như mứt dừa, nhưng nguyên liệu là me trái bóc vỏ. Để có được những trái me hình móc câu, không gãy, không dập, người làm mứt phải chọn me trái còn chua, ngâm trong nước phèn chua vài ngày để xả chất chua, chất chát trước khi dùng dao bén mỏng lưỡi, tách từng lớp vỏ ra khỏi trái. Sau khi rim, lại dành một hai ngày, bọc me rim đường vào giấy bóng, đem phơi trong nắng. Ngày trước, tháng này, con gái La Gi tuổi mười lăm, mười sáu đến trường, tà áo còn vấn vương mùi của nhiều loại bánh mứt gia đình làm bán Tết…

   Ba nói: “Bây giờ chẳng thấy chỗ nào ở La Gi làm mứt. Mọi thứ đều chở về từ đâu đâu. Tuổi thơ của con chẳng biết được vẻ đẹp của quê mình Bi à! (tên tôi ở nhà).

   Tôi im lặng. Không trách được bọn trẻ, nhưng quả thật, nếu sống ở một vùng quê mà mỗi bước chân ra, bạn bắt gặp những nét văn hóa riêng có, văn hóa truyền thống của vùng quê đó, chắc chắn tâm hồn mỗi con người ở đó sẽ trở nên giàu có, phong phú và đến lúc nào đó những nét văn hóa tích lũy được, sẽ làm giàu tâm hồn con người, nâng đỡ họ trên bước đường đời. “Quê hương là chùm khế ngọt” cũng là vậy.

   Bây giờ tôi càng hiểu vì sao, những năm tuổi thơ tôi, lúc nào ba cũng hướng tôi đọc sách, trong đó có mảng sách về đất nước, con người…