Tứn Ruga

04/12/2022 22:16
397

Truyện ngắn của NGUYỄN HỒNG THẠNH


Xứ này ai cũng kêu tên “Tuấn” là “Tứn”. Tất nhiên, thằng Tứn Xì Ke cũng không ngoại lệ. Hỗn danh của Tứn có khi nhỏ xíu xiu. Hai tuổi mà xì ke, ma túy cái gì. Nó ròm tong teo, hồi đó không có thuật ngữ “suy dinh dưỡng” nên nó được hàng xóm đặt tên dựa theo thể hình của những người nghiện và chết tên đến giờ. Nhiều thằng Tứn quá, đặt vậy để phân biệt.

   Tứn đi biền biệt khỏi xóm 30 năm. Cho tới khi ông Giáo Hàng qua đời thì Tứn về. Hai ông anh không ngu dại gì mà giữ nhà tự, bàn với nhau là mình đã có đất đai, nhà cửa, nhường cho thằng em cơ ngơi to bự của ông già. Hợp lý, hợp tình và đẹp như lễ giáo được ông Giáo Hàng dạy: “Huynh đệ như thủ túc”.

 

   Hôm đám giỗ nhà ông Thợ Cưa, anh Khiết Ghẻ Ngứa nói huỵch toẹt cho Tứn biết sự vụ của cái thằng giữ nhà tự khổ và tốn kém ra sao. Đám giỗ, đám ma, sinh nhật, thôi nôi, tân gia gì cũng phải đi ráo. Kệ. Tứn có vốn liếng và tay nghề bán quán nhậu tích lũy 30 năm rồi. Ngán cái gì!  

 

   Để cho tụi con nít bây giờ quên hẳn Tứn Xì Ke, đúng hơn là Tứn đang mập thù lù thì tên đó không hợp với ông chủ quán. Vậy là tay Y sĩ bạn học bèn hiến kế đặt tên quán là “Tứn Ruga” cho nó Tây, cho hòa nhập quốc tế mà thiệt ra là viết tắt của hai chữ “rượu gạo”. Cả đám nhậu tán thành rụp rụp. Thằng Chín Đì-Dai còn giành phần thiết kế và thi công ngoại, nội thất cho quán.

 

***

 

   Mỗi tháng một lần, quán nhậu “Tứn Ruga” là nơi tập hợp của những gã tha hương mỗi khi quay về. Ở đó, những chuyện 40, 50 năm về trước được kể đi, kể lại một cách trân trọng và đầy tiếc nuối. Dễ hiểu, Tứn Xì Ke là một phần của lịch sử. Nhập vô một đám thì không biết ai là chủ quán, ai là khách nhậu. Khách là những tay chạy xế hộp, nhưng ký ức thì chỉ toàn quăng lon, đánh trổng, đá dế, bắn bi, bắn ống thụt, bắn giàn thun, chạy trốn năm mười, thả diều, kẹo kéo, xirô đá bào, bánh bò, bánh tráng mạch nha, cơm rượu,…chả gã nào nói chuyện tiền bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa, danh vị gì hết.

 

 

   Yêu sách của đám người “hồi đó” này là uống rượu gạo nước nhất do chính tay Tứn nấu. Thành phẩm được y khoa hóa thương hiệu là “Rugamycin 1.0”. Mồi thì xoay quanh bốn món cơ bản: Gà luộc chấm muối ớt lá chanh, cá khô trích trộn, cá tràu nướng trui và dông nướng. Giàn karaoke thứ dữ của Tứn hoàn toàn vô ích với những gã này. Sau khi mần ba hột, chỉ có guitar gỗ và hát miệng mới vừa lòng. Kèm theo là hòa tấu của muỗng, đũa, chén. Nhịp nhàng, hay ho và không bao giờ sai nhạc. 

 

   Một hôm, trong khi chờ đủ bộ, có gã buột miệng hỏi: “Hồi mới giải phóng, tiền Ngụy ăn bao nhiêu tiền Cách mạng?”. Cả đám ớ người ra, mặt đục gật. Lúc đó, thằng nào lớn nhất cũng mới 12 tuổi. Với lại, lâu quá mà có thằng nào làm ngân hàng đâu mà biết hả trời! Gã ra câu hỏi tự trả lời:

 

   - Nói cho chính xác theo ngôn ngữ bi giờ là “01 đồng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quy đổi bằng 500 đồng tiền Việt Nam Cộng hòa”.

 

   - Sao ông biết?

 

   - Dễ ẹc, tại mấy ông quên thôi. Thôn trưởng đầu tiên chỗ này là chú Mười Đồng. Anh Khiết Ghẻ Ngứa cho rằng “gọi ngài thôn trưởng bằng tên trực tiếp là phạm húy, phải gọi là ông Năm Ngàn!”. Vậy là suy ra thôi.

 

   Cả đám ồ lên thích thú và kinh ngạc. Ông đúng là giáo sư, nhớ chuyện thâm cung, chi tiết hay thiệt. Gã giáo sư đưa bị lá cho Tứn:

 

   - Bữa nay đổi món. Ông có cá ve kho không?

 

   - Có luôn. Mới kho hai ký hôm qua. Chi vậy?

 

   - Nướng bánh tráng dày, xúc cá, ăn với các loại lá này thì chỉ có mát trời ông địa!

 

   Tứn giở bị lá. Lá sộp, lá xoài non, lá mã đề, lá vạn thọ chua và rau càng cua. Hết sảy. Ông này kiếm hay thiệt. Đặc sản nhà hàng to bự đây rồi. Giáo sư cười hà hà đắc chí: “Để nhớ một thời ta đã ăn!”. “Giáo sư” là tên ké. Ông thầy dạy môn Vạn Vật của Trường Trung học đệ nhất cấp nơi đây tên Trần Trọng Khoa. Gã trùng tên. Không biết ai gán cho gã cái học vị đó và chết tên đến giờ.

 

***

 

   Cả tháng nay mưa hà rầm hà rì, mưa làm cây mai trước nhà Tứn đột ngột thay lá, trổ bông. Gốc cây mai bốn gang tay này to bự nhất xóm. Tứn lớn lên, cây mai đã cao hơn cái cán cuốc. Quanh đây, hầu như nhà nào cũng trồng mai. Tết hồi đó, ngoài khoe cây mai, gặp nhau, người ta hay hỏi: “Năm nay đóng bao nhiêu hộc cốm?”.   

 

   Chuyện nhà nào cũng trồng mai được thêu dệt tùm lum. Rừng sát bên, Tết chặt về chưng cho phẻ, mắc mớ gì trồng? Người thì cho rằng lúc đầu, đó là ám hiệu chỉ gia đình có người đi tập kết. Những ai “nhảy núi”, “trốn rừng” biết để mà liên lạc. Có kẻ nói, khi ông Quận phó hiểu chuyện nên giả vờ vận động tất cả trồng mai “cho hương vị tết tràn ngập mỗi nhà, tạo nét đẹp riêng biệt ở khu quân lỵ”. Thiệt ra, đó là để Vi-Xi không biết đâu mà lần. Những người chứng kiến cảnh ấy giờ không còn nữa. Muốn xác minh đúng, sai cũng khó. Kệ, đẹp là ngon à.

 

   Một gã lang thang đầu đường xó chợ như Tứn hiểu rất rõ chuyện cây mai không ra bông dịp Tết là làm ăn xui xẻo. Gã bần thần nhìn cây mai mà héo cả ruột. Với lại, cây mai nhà gã to nhất xóm mà Tết không có bông thì dị hợm, mất mặt bầu cua quá.

 

   - Ê Ku!

 

   Tứn giật mình. À, anh Hai. Tứn chưa bao giờ dám gọi anh Khiết Ghẻ Ngứa bằng tên. Gã học một lớp với thằng em út của anh.

 

   - Chờ vài bữa tụi nó về nhậu là cây mai có người lo.

 

   - Là sao, em không hiểu?

 

   - Trong đám đó, có một thằng thạc sĩ lâm nghiệp. Mày hỏi thì nó bày cho chớ sao. Tao còn biết có một bác sĩ chuyên khoa 2; một tiến sĩ luật và một ngài đại tá hải quân. Quán mày chứa toàn ông to bà lớn. Xôm dữ à.

 

   - Đâu có đứa nào nói, sao em biết được.

 

   - Giờ thì biết rồi. Tụi nó là vậy, vẫn như ngày nào trưa nắng nhảy cầu Khóm Một, vẫn cứ con nít con nôi miệng còn hôi sữa khi gặp tao. Đời đẹp chưa?

   Anh Khiết nháy mắt rồi lên xe chạy tuốt. Tứn thấy mình may mắn khi bạn bè vẫn hồn nhiên. Đi cho đã, giờ quay về vậy mà hay.

 

***

 

   Chiếc xe hơi mang biển số Hà Nội dừng lại trước quán. Thằng Bằng Lăng bước xuống trước tiên, lật đật chạy vô:

 

   - Chú Út. Con xin lỗi vì không báo trước. Bữa nay Nhà Đài quay “phinh”. Lát nữa mấy ổng nói rõ với chú.

   Không biết Tứn có đồng ý không, Bằng Lăng chạy ngược ra và dẫn nguyên đám máy móc, dây nhợ tràn vào quán. Một tay râu rậm nhưng đầu trọc, mặc áo khỉ nhiều túi đi đầu, đến gặp Tứn:

 

   - Xin lỗi anh vì đường đột. Tụi em cũng mới biết thông tin về anh. Anh giúp bọn em hoàn thành nhiệm vụ. Bọn em làm một phóng sự ngắn về anh.

 

   - Được thôi. Điều kiện đây: Cát-sê bao nhiêu?

 

   - Dạ, anh thông cảm, bọn em đường xa, chi phí cao, anh kỷ niệm cho bọn em ăn đường, anh nhé!

 

   - Quên chuyện đó đi. Nếu không có cát-sê, các bố biến ra khỏi quán ngay tức thì. Hội ý trong vòng 2 phút. Chấm hết!

 

   Cuối cùng thì nhóm quay “phinh” cũng “nôn ra” cho Tứn 2 triệu. Đã vậy, trang phục, đạo cụ cứ tự nhiên, không đạo diễn gì hết. “Nói cho mấy ông biết luôn, quay nhưng đừng làm phiền bàn cuối cùng của quán. Ở đó toàn thứ dữ. Mấy ổng la lối thì mấy ông ráng chịu!”.

 

 

   Thì ra Tứn là mạnh thường quân hai mươi năm nay. Tứn không mua vé số, không cho tiền ăn xin, chỉ lo cho đám học trò nghèo vào đầu năm học. Bán quán chỗ nào cũng vậy, dành một ít tiền lời, âm thầm trao gởi yêu thương.

 

   - Tui làm vì tui thấy cần, không mong mọi người biết, nên trốn báo chí miết. Giờ thì đành lên tivi. Nói cho mấy ông nghe luôn: Hai triệu cát-sê đã chuyển thành cặp, sách, áo mưa cho tụi nhỏ rồi.

 

   Tứn cụng ly và giải thích với các chiến hữu. Nốc 100% gọn ơ, Tứn giơ tay trái lên:

 

   - Tui sẽ tính bàn nhậu hôm nay giá gấp đôi. Gọi là lấy dao lam cứa cổ. Toàn bộ số tiền dùng giống như hai triệu cát-sê. Ai nhất trí thì biểu quyết?!

 

   Cả đám giơ tay đồng loạt. Ngài đại tá hải quân mạnh miệng:  

 

   - Tui đề nghị, mỗi lần về nhậu, anh em mình đóng thêm cho Tứn. Ông nhớ ghi sổ sách đàng hoàng. Cái này gọi là…

 

   - Để gió cuốn đi!

 

   Vị bác sĩ tiếp lời. Cả bàn cụng ly thay lời muốn nói. Gió nồm từ phía Ba Đăng thổi lên mát rượi. Những khuôn mặt cũ sì bỗng rạng rỡ như thuở ăn cắp ổi thành công nhà ông Bảy Nốt.