Sông Đông mùa xuân

06/01/2023 00:00
374

Truyện ngắn của NGÔ ĐÌNH MIÊN


Còn non tháng nữa là tới Tết rồi. Sao mà nhiều đám cưới, không thể nào đi hết để có dịp gặp gỡ cụng ly thân ái với bà con, bạn bè. Thiệp cưới bây giờ cũng đa dạng, đủ kiểu, đủ màu, có cả mùi thơm thấm vào trong giấy. Thiệp nào cũng có câu: “sự có mặt của anh, chị (chú, ông, bà ...) là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”. Khó mà từ chối, nhưng cũng lại phải tùy cơ ứng biến, kiểm tra bóp da xem tháng này còn nhiều tờ pôlyme xanh lá cây thì đi dự nhiều một chút để kết thêm tình nghĩa; nếu có sự cố khủng hoảng nền tài chính cá nhân thì chọn mặt gửi quà. Nhưng còn đám cưới này thì không thể không đi, mặc dầu lễ cưới được tổ chức ở ... trên núi.

   Hắn lấy vợ và sau đó đăng ký hộ khẩu định cư ở Sông Đông chừng hơn hai mươi năm nay. Tên Sông Đông là do chúng tôi thời ấy gọi cho có vẻ văn học, có hơi hướng “Sông Đông êm đềm” của M. Solokhov. Chúng tôi có lúc cũng phải ôm súng canh chừng giấc ngủ đêm của nhau, vì sợ phỉ Fulro về làng. "Sông Đông" của M.S. cũng đâu có êm đềm. Thực ra tên gọi chính thức của vùng đất ấy là Đông Giang, nằm bên bờ sông La Ngà. Sông Đông là huyền thoại thời trẻ trai của chúng tôi. 

 

   Hắn có cái tên rất lạ, khó đọc, khó viết trúng chính tả. Người yêu của hắn có lần nói: “Tên gì nghe kỳ thấy mồ! Ai lại đặt tên là Cuanh, lãng nhách”. Nói vậy nhưng cô ấy lại yêu mê mệt cái anh chàng có cái tên lãng nhách đó. Đang học Đại học Khoa học Sài Gòn thì giải phóng miền Nam, cô ấy được chuyển sang học Sư phạm, tốt nghiệp được phân bổ về Bình Thuận dạy học. Mái tóc nâu dài óng ả, đôi mắt sáng như có ngấn nước, miệng hơi móm một chút nhưng luôn hồng tươi, dáng cao hơi lẵn. Vậy mà lại đi yêu cái thằng ốm nhom, cao kều, chân “chấm phẩy”, “mặt té thùng đinh”, mới học xong tú tài, học sư phạm cấp tốc mươi lăm ngày, là hắn.

 

   Từ cơ quan giáo dục huyện lên Sông Đông xa chừng bốn mươi cây số; một nửa chặng là đường xe bò đi, một nửa phải leo qua chín dốc chơi vơi, rừng già che phủ cả đường đi, có đoạn phải chui qua râm tre gai bát ngát, lội qua vài mươi con suối, vượt qua cả con sông Cà Tót ào ào vào mùa nước lũ. Đường vắng, rừng lạnh, chỉ nghe toàn tiếng chim bồ chao rộ lên từng hồi như dàn đồng ca, nghe không quen cũng tạo nên nỗi sợ rừng. Thường phải đi mất cả ngày đường. Vậy mà hắn, ba lô sau lưng, chiếc guitar thùng đeo trước ngực, với tình yêu bổi hổi của cô giáo Sài Gòn trong tim, hắn vượt rừng, leo đèo bốn mươi cây số chỉ trong vòng sáu tiếng đồng hồ, bằng đôi chân chấm phẩy lêu đêu, dọc đường hắn còn cảm tác thơ nữa. Đó là khi lên núi, còn lúc từ núi về huyện lỵ, hấp lực của cô giáo Sài Gòn còn kéo hắn rút ngắn thời gian hơn nữa. 

 

   Tôi chọn hắn vào đội hình giáo viên Sông Đông trong dịp số giáo viên được đào tạo cấp tốc khóa đầu tiên của tỉnh phân cho huyện về trình diện tại phòng giáo dục. Tôi là hiệu trưởng duy nhất được ông trưởng phòng giáo dục cho phép tự chọn giáo viên cho mình. Nói chọn nghe đơn giản nhưng thật không dễ chút nào. Tôi phải nói trước gần trăm giáo viên sơ nét về tình hình giáo dục ở Sông Đông, giới thiệu đời sống đặc trưng của bà con K’ho ở đây, cuối cùng là kêu gọi các thầy cô tình nguyện đăng ký lên Sông Đông dạy học. Không biết sức thuyết phục của những điều tôi nói đến đâu mà khi người chủ trì yêu cầu đăng ký, thì cả phòng lặng ngắt. Nhiều đôi mắt dán xuống mặt bàn, những mái tóc đen dài rũ xuống che nửa khuôn trăng. Sau này, tôi có hỏi lại tại sao vậy; thì các thầy cô nói rằng, tâm trạng chung lúc đó là lo lắng, nửa muốn đi, nửa không; cũng có người muốn đứng lên đăng ký nhưng lại ngại người khác cho rằng mình muốn lấy le, làm nổi; cũng có người nói, nhìn mặt ông hiệu trưởng thấy một màu xanh sốt rét, ai mà dám xung phong. Tôi đành phải dò danh sách trích ngang để chọn ra năm giáo viên. Tiêu chuẩn chọn đầu tiên phải là nam, vì không nỡ để cho các cô giáo phải mất đi màu hồng trên đôi má; tiêu chuẩn thứ hai là chưa có vợ, vì không muốn các thầy giáo nhớ vợ bỏ chạy giữa chừng; tiêu chuẩn thứ ba là giò cẳng phải tốt để lội rừng leo núi. Tôi có ấn tượng với cái tên lạ kỳ Cuanh, nên gọi tên hắn trước tiên và đề nghị hắn bước lên phía trên. Hắn vừa đi được vài bước ở lối đi giữa phòng, một vài tiếng cười cố nén bật lên. Tôi xin lỗi và đề nghị hắn trở về chỗ ngồi. Hắn không làm theo lời tôi mà vẫn đi tiếp với bước đi khập khểnh. Hắn làm cho tôi và cả phòng bất ngờ hơn khi hắn bình tĩnh đứng đối diện với mọi người với dáng hơi nghiêng về một bên; hắn nói: “chân tôi không sao đâu, hơi dẹo một chút, nhưng tôi có thể chạy thi với các bạn được; tôi xin được tình nguyện lên Sông Đông. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi này. Vì vậy, tôi đã tự sáng tác một bài hát ca ngợi người giáo viên vùng cao, xin cho tôi được hát tại đây để tặng các bạn”. Rồi hắn hát “Trăng khuya chưa tan vượt rừng suối vượt đồi núi ta lên đường, mang theo trong tim niềm mơ ước đi dựng xây mái trường ...”. Giọng hắn ấm, trầm và có sức hút. Bài hát đó sau này trở thành hành khúc của những người giáo viên gùi chữ lên non cao. Trường Cao Đẳng Sư phạm của tỉnh đã dàn dựng và thường được biểu diễn trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm. Mặc dầu, tiêu chuẩn thứ ba có vẻ không đạt, nhưng tôi quyết định chọn hắn, vì sự tự tin và bài hát của hắn, cùng với bốn giáo viên mới khác.

 

 

 

   Kinh nghiệm dọc đường kháng chiến rất hữu ích được chúng tôi sử dụng. Trước khi lên núi, tôi dặn dò năm giáo viên mới chuẩn bị đồ dùng cá nhân như: ba lô, võng, bọc, ny lon đi mưa, hăng gô, bi đông nước, đèn pin ... và đặc biệt là phải mang dép cao su. Vượt qua bốn mươi cây số đường rừng đèo dốc, chỉ có mang dép cao su mới không làm phồng rộp hai bàn chân.

 

   Nhóm sáu người chúng tôi ngồi nghỉ bên bờ suối nước trong vắt chảy cắt ngang đường đi. Sau hai giờ đi bộ liên tục, mọi người đã rã rời, chỉ muốn nằm xuống mà ngủ một giấc dài cho đã. Hắn lại làm cho tôi ngạc nhiên một lần nữa. Hắn mở ba lô, lôi ra một cái gói to bằng giấy báo được cột bằng dây chuối. Hắn tháo dây, mở giấy báo, bên trong là một lớp lá chuối tươi xanh. Trời ạ, đó là một gói xôi vò vàng ươm màu đậu xanh. Bốc một nắm xôi còn cảm giác nóng ấm. Xôi này phải vừa được nấu ngay trước lúc chúng tôi lên đường. Ai nấu? Chiều qua, tất cả chúng tôi tập trung tại ngôi trường tiểu học huyện lỵ. Ăn cơm tối xong, chúng tôi mắc võng trước hiên trường vừa trò chuyện vừa dỗ giấc ngủ để lấy sức sớm mai lên núi. Hắn không ngủ mà lấy guitar ra vừa đàn vừa hát với “âm thanh vừa đủ nghe”. Có mấy cô giáo ở gian nhà tập thể trong trường đến ngồi quanh hắn. Hắn hát rồi các cô giáo hát. Trong các cô giáo, có một cô nói giọng Sài Gòn hát hay như ca sĩ. Tôi ngủ một giấc khá lâu, rồi chợt thức; trăng rằm treo lơ lửng trên đỉnh trời; đã nửa đêm rồi, chỉ còn hắn và cô giáo Sài Gòn vẫn còn ngồi hát, tuy đã dời chỗ ra xa để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của anh em. “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê ...”. Tiếng đàn của hắn và giọng hát của cô giáo nghe da diết, buồn quá, như là có một sự chia xa sắp bắt đầu ... Vậy là tôi hiểu ra ai đã nấu xôi vò gửi vào ba lô của hắn. 

 

   Hắn thuộc tuýp người hay nói, hơi ba hoa chích chòe, nhưng toàn là những điều vô hại, tiếu lâm. Sau những giờ lên lớp, hắn còn bày ra nhiều trò chơi cho đám học trò loắt choắt chỉ mặc có cái quần tà lỏn, để lưng trần đen thui, lúc thì chạy đuổi nhau trong buôn, lúc thì ào ra bến tắm như bày vịt trời chia phe tạt nước, cười vang như pháo. Bàn tay của hắn đã nhuyễn ngọt với cây đàn guitar thùng, lại còn biết làm những việc khác giỏi giang không kém. Hình như cái phần thiệt thòi ở chân được đền bù vào cả đôi tay của hắn. Nhớ ngày mới lên Sông Đông, công việc đầu tiên để khai mở giáo dục nơi đây là làm trường học. Hạ cây, chặt mây, tre, cắt tranh, cưa, đục đẽo, dựng nhà ... là phần việc của bà con buôn làng. Vì không biết làm bất kỳ công đoạn nào cả nên tôi được phân công làm người chỉ chỏ. Vậy mà hắn dám làm và làm ngon lành cái việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm với đôi bàn tay khéo léo. Đó là đánh những tấm tranh lợp nhà thật đẹp. Bà con buôn làng ngó chừng nể hắn lắm và có lẽ người nể hắn nhất ở Sông Đông là một thiếu phụ. Nói thiếu phụ nhưng còn trẻ măng, chừng hăm bốn hăm lăm tuổi. Không biết duyên cớ ra sao mà người con gái K’ho có khuôn ngực căng tròn không bao giờ mặc áo theo phong tục “tốt khoe xấu che” ấy lại có một đứa con trai. Nghe đồn là con của một đồng chí bộ đội miền Bắc trong một lần đóng trại ở buôn trên đường hành quân về phía biển, đã để lại cho cô. Anh bộ đội đó chắc đã hy sinh nên không bao giờ thấy quay trở lại thăm buôn cũ người xưa. Cậu bé lớn lên hồn nhiên, bầu bĩnh, dễ thương nên thường được hắn dẫn về nhà tập thể giáo viên chơi đùa, rồi đưa ra sông tắm táp kỳ cọ cho nó. Thấy vậy, cả buôn làng gọi hắn là “páp Lọ”. Tiếng K’ho “páp” là ba, “Lọ” là tên của đứa bé, có nghĩa gọi hắn là ba thằng Lọ. Hắn thì vô tư nhe răng cười; nhưng đối với má thằng Lọ thì hoàn toàn khác. Có một lần, trong lúc không dằn được vì thằng Lọ nói hỗn gì đó nên hắn bộp tay vào đít thằng Lọ một cái thật mạnh. Chắc đau lắm, nhưng thằng nhỏ gan lì không khóc mà chạy một mạch về nhà méc với mẹ nó. Một tay dắt thằng Lọ, một tay chùi nước mắt, má thằng Lọ nói với hắn bằng vẻ giận hờn: “Tui là má nó, đẻ ra nó, cho nó ăn lớn chừng này mà chưa dám đánh nhẹ nó một cái, sao thầy lại dám đánh nó?”. Bà con K’ho có một nét văn hóa truyền thống rất đẹp, đó là cha mẹ không bao giờ đánh con cái. Vậy mà coi cái mặt hắn tỉnh bơ và trả lời khơi khơi: “Tui đánh nó vì tui là páp Lọ!”. Trời ạ, nếu xét trên khía cạnh hiệu quả ứng xử tình huống sư phạm thì câu trả lời của hắn quả là tuyệt chiêu. Nhưng ở trong hoàn cảnh cụ thể quan hệ giữa hắn và thằng Lọ thì thật là gan cùng mình, nghe như tiếng sét đánh. Nét mặt má thằng Lọ từ từ giãn ra rồi cười tươi hơn hớn, không nói không rằng bỏ thằng Lọ đứng lại lớ ngớ một mình, quay lưng đi về một nước, đôi má thì nóng ran như ngồi gần bếp lửa, trong bụng chắc sướng vui lắm. Trong tiếng K' ho, "páp" có nghĩa là cha...

 

   Hai ngày trước khi tôi đi lên Sông Đông dự đám cưới con gái út của hắn, tôi nhận được điện thoại từ Sài Gòn gọi ra. Thật bất ngờ, người gọi điện cho tôi là Bích Ly – cô giáo Sài Gòn hát “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn trước hiên trường vào giữa đêm trăng gần ba mươi năm về trước. Cũng bắt đầu từ cái đêm định mệnh đó, Bích Ly yêu hắn. Mỗi lần từ núi về, hai người lại gặp nhau trong niềm hạnh phúc của những kẻ ích kỷ chỉ biết có người mình yêu là trên hết tất thảy. Những cái ôm xiết chặt và nụ hôn lén lút đằng sau những kệ sách của thư viện nhà trường mà hắn và cô ấy giả bộ như người say mê tìm kiếm kiến thức để bổ sung cho bài dạy trên lớp, nên ở rất lâu trong thư viện vào giờ vắng người đọc để nghiên cứu và thực hành ... yêu. Và cái Tết đầu tiên ở núi, hắn không về nhà mà ở lại Sông Đông, Bích Ly lên với hắn. Cái giá lạnh của núi rừng Sông Đông trong mùa Tết đó không nhằm nhò gì với hắn cả. Hắn đưa Bích Ly ra đảo đá nhỏ giữa dòng sông La Ngà để ngắm mai nở vàng cả đảo. Hắn gọi là Đảo Mai. Gần một năm sau cái Tết đáng nhớ đó, một lần về xuôi rồi trở lên núi, hắn lầm lì ít nói; tối đến, hắn đốt một đống lửa ngoài sân, rồi cứ ngồi uống rượu một mình cho đến say lướt khướt mới lò dò vào nhà leo lên võng ngủ. Lạ là, hắn không hề đụng đến cây đàn guitar treo ở vách, mà trước đó, hằng đêm hắn đều đem ra vừa đàn vừa hát. Hắn thất tình thật sự rồi! Sau đó, tôi mới biết, Bích Ly đã xin nghỉ dạy về Sài Gòn chuẩn bị cùng với gia đình sang định cư ở Canada. Tôi cũng không rõ hai người đã chia tay nhau thế nào. Có phải bài hát “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn là điềm báo cho số phận: “Ngày mai em đi ...”?.

 

   Tôi nói cho Bích Ly biết về đám cưới con gái út của hắn và hỏi Bích Ly có muốn trở lại Sông Đông không?. 

 

   Đông Giang – Sông Đông bây giờ đã đổi khác nhiều, đường nhựa chạy đến trung tâm xã, dân đã biết xài điện lưới quốc gia từ nhiều năm nay, nhà nào cũng nuôi bò sinh sản, được khoán bảo vệ rừng để tăng thu nhập. Giáo dục phát triển mạnh, đã có đủ trường mẫu giáo, trường tiểu học và trường trung học cơ sở hoàn chỉnh; hầu hết các em được đến trường. Công đầu khai mở sự nghiệp giáo dục ở Sông Đông thuộc về lứa giáo viên cấp tốc và thanh niên xung phong diệt dốt đầu tiên, trong đó có hắn. Hắn đã trụ lại Sông Đông gần ba mươi năm, với đôi chân chấm phẩy, trái tim thất tình rướm máu, tấm lòng gắn bó thiết tha với giáo dục vùng cao và má thằng Lọ, cô vợ người dân tộc K’ho hiền lành, chăm chỉ, đẻ cho hắn ba đứa con gái. Hắn thì xấu trai, cô vợ thì nước da nâu giòn, nhưng cả ba đứa con gái đều cao ráo, trắng trẻo và xinh xắn, nhất là đứa con gái út không hiểu sao lại có nét đẹp hao hao Bích Ly ngày ấy.

 

   Đám cưới được tổ chức tại nhà hắn. Rạp cưới tiền chế xanh đỏ tím vàng che kín cả khuôn sân trước nhà. Các tiết mục hát hò mừng đám cưới chủ yếu do các thầy cô giáo của các trường trong xã phụ trách. Nhìn thế hệ giáo viên hiện tại ở Sông Đông vừa trẻ trung vừa đẹp người, ăn mặc khá hợp mốt mới thấy mình đã già, cứ lẩm cẩm nhớ hoài về một thời trẻ trai cõng chữ lên ngàn thật cực nhọc, nhưng cũng thật lạc quan và hạnh phúc. Lụng thụng trong bộ complet hơi quá khổ người, hắn vào vai chủ hôn có vẻ thiếu tự tin, không giống phong thái như hồi tôi gặp hắn lần đầu, nhưng lại toát lên vẻ mãn nguyện. Có điều hắn không thể nào ngờ được rằng, người con gái của gần ba mươi năm trước mà hắn đã yêu và đau khổ cũng có mặt tại Sông Đông trong lúc này. Bích Ly cùng đi với tôi lên Sông Đông, nhưng không vào dự đám cưới mà chỉ nhờ tôi chuyển quà mừng cho cháu. Nàng muốn đi thăm cảnh cũ mà không gặp lại người xưa. Người mà nàng đã hết lòng năn nỉ để cùng về Sài Gòn cưới nhau rồi làm thủ tục xuất cảnh đi Canada. Tôi không can thiệp vào cách xử sự của Bích Ly, chỉ hẹn đến giờ phải có mặt ở quán café để cùng về. 

 

   Chiều cuối năm trên núi xuống rất nhanh. Tôi đến quán café nhưng không có Bích Ly ở đó. Cô chủ quán cho biết, Bích Ly nhắn lại là nàng đang ở bến tắm của làng. Tôi ra bến tắm. Hình như cả làng đều tập trung ở đây để tận hưởng thú vui mát mẻ hơn là làm vệ sinh thân thể. Tôi gọi lớn tên Bích Ly và nghe tiếng “ơi” ở giữa dòng La Ngà. Thì ra nàng đang ở Đảo Mai. Tôi vừa lội nước vừa nhảy chuyền qua các gộp đá để đến đảo. Đảo Mai giờ hình như không còn mai, chỉ còn một vài cây bụi lúp xúp. Ngồi trên tảng đá gần mép nước, mắt nhìn xa xăm về phía khu rừng già bên kia sông, Bích Ly khe khẽ hát “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê… Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ"... Không còn tiếng guitar thùng đệm theo “Biển nhớ” như ngày nào; chỉ còn tiếng gió nhẹ trong tán cây rừng và tiếng nước chảy qua khe đá. Thấy tôi, Bích Ly chào, miệng cười nhưng mắt thì đầy ngấn nước. Mùa này những năm xưa, đảo đá đã rực mai vàng nở sớm. Tôi và Bích Ly cố tìm cho được bụi mai nở hoa còn sót lại. Cuối cùng thì cũng tìm thấy một nhành mai nhỏ đơn độc mọc ra từ trong hốc đá và chỉ nở một bông vàng sáu cánh duy nhất. Tôi đưa tay định bẻ cành mai nhưng Bích Ly nói: “Đừng anh, phải giữ lại chút gì của Đảo Mai. Hoa không nở vô tình đâu anh!”. Tôi hiểu ý Bích Ly muốn nói gì.