TÁC PHẨM DỰ THI "GIẢI CỜ ĐỎ" TỈNH BÌNH THUẬN 2023

Đức Linh:
CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN NỖ LỰC CHĂM LO ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

21/08/2023 08:21
831

VU TRẦM


Điểm trường Tiểu học Chu Văn An được xây dựng khang trang ngay tại thôn 9 xã MêPu

 

Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, Đảng ta luôn xác định đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết dân tộc. Chính đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Vì vậy công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

   Tỉnh Bình Thuận có 35 dân tộc cùng sinh sống. Và để bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển thì những năm qua tỉnh Bình Thuận đã thực hiện tốt các chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Riêng ở huyện Đức Linh, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đã huy động mọi nguồn lực từ các cấp, các ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể từ thôn, xã đến huyện để cùng tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Nhất là ở xã MêPu và Trà Tân đã thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững khối đại đoàn kết, đảm bảo mục tiêu ổn định quốc phòng, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

   Trà Tân chăm lo phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

   Trà Tân là xã trung du miền núi với đa dạng về thành phần dân tộc thiểu số như Tày, Mường, Hoa, Khmer và Châu Ro…trong đó đồng bào Châu ro sống tập trung tại thôn 4 với 337 hộ/1828 nhân khẩu (chiếm 15,09% dân số toàn xã). Trước đây, phần lớn đồng bào thiểu số thường có tính ỷ lại, trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã nhà, sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy Đức Linh. Và sự tận dụng tối đa lợi thế địa phương là diện tích đất nông nghiệp, đất rừng phì nhiêu, màu mỡ, sông La Ngà cung cấp nước quanh năm đảm bảo tưới tiêu. Xã gần với các khu, cụm, nhà máy công nghiệp ở Đồng Nai, thuận lợi cho tạo công ăn việc làm, lao động cho địa phương. Cùng với việc phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện vay vốn tăng gia sản xuất, học tập…đã tạo nên những bước chuyển biến đáng ghi nhận ở thôn 4.

 

Nhà văn hóa thôn 4 xã Trà Tân

 

   Anh Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết: Những năm qua, Trà Tân đã triển khai nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ vốn Chương trình 135, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, vay vốn, các mô hình phát triển kinh tế, các chính sách trợ cấp xã hội… từ đó đời sống kinh tế của bà con đồng bào thôn 4 được cải thiện. Công tác giáo dục được quan tâm đúng mức, đảm bảo nhu cầu học tập của con em người dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu luôn được coi trọng, thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt khám và cấp thuốc miễn phí, tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin đến người dân. Ngoài ra chính quyền còn phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho bà con vay vốn phát triển sản xuất, đã giải ngân cho 231 hộ với số tiền 11,072 tỉ đồng.

   Bên cạnh các chính sách trên, chính quyền địa phương còn quan tâm, liên hệ, giới thiệu thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số vào làm trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể và ổn định cho đồng bào thôn 4. Toàn thôn đến nay chỉ còn 5 hộ nghèo.

   MêPu chú trọng công tác dân vận, tạo niềm tin yêu với đồng bào thiểu số

   Xã MêPu, huyện Đức Linh có một thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số với 110 hộ/412 nhân khẩu (chiếm 3,3% dân số toàn xã). Trong thời gian qua, bên cạnh việc các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước thì một trong những vấn đề được chính quyền xã MêPu đặc biệt chú trọng là làm tốt công tác dân vận.

   Anh Lê Vũ Bảo - Phó chủ tịch UBND xã MêPu cho biết: để thực hiện công tác dân vận tốt thì cần nêu cao vai trò của người có uy tín, có tiếng nói trong thôn để vận động người dân nghe theo, tin theo Đảng, chính quyền. Hơn 90% đồng bào Cơ Ho ở thôn 9, xã MêPu đều theo đạo Tin Lành nên tiếng nói của mục sư Huỳnh Văn Tùng rất có uy tín. Vì vậy, chính quyền địa phương đã phối hợp linh hoạt với mục sư Tùng để cùng vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng đề ra, sống tốt đời, đẹp đạo.

   Ông K’ Dỉ, một người sống lâu năm cùng với đồng bào chia sẻ: cán bộ địa phương hiện nay đã được trẻ hóa, nhưng được đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ nên năng lực làm việc rất tốt. Người dân chúng tôi rất phấn khởi vì các chủ trương, chính sách, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc và kịp thời đến người dân. Và một trong những cách làm hay của chính quyền địa phương làm cho đồng bào rất đồng thuận là áp dụng phương pháp phân phối đồng đều. Bất cứ vấn đề gì hỗ trợ cho đồng bào đều được chính quyền phân chia 100% trên đầu hộ.

   Từ khi triển khai xây dựng Nông thôn mới, thì bộ mặt ở thôn 9 đã thay đổi rõ rệt. Nổi bật như việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường tiểu học Chu Văn An với kinh phí 3,8 tỉ đồng. Nhà văn hóa thôn 2,7 tỉ đồng. Hiện nay ở thôn 9, hệ thống đường nhựa, bê tông phủ kín các đường làng. 100% hộ dân có điện, nước sạch sinh hoạt.

   Bằng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay tình hình kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, bản sắc văn hóa luôn được duy trì và phát huy. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm thực hiện.

   Bộ mặt nông thôn mới ở các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số ngày một khang trang, no ấm hơn

   Về với các thôn đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Linh hôm nay, lòng chúng tôi không khỏi tự hào, xúc động trước sự quan tâm sâu sắc, mọi mặt của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã, đến thôn. Những con đường trải nhựa, bê tông vào làng thẳng tắp, những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang thay thế cho các nhà tạm, những điểm trường học với đầy đủ tiện nghi được dựng lên ngay trong lòng các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số đã cho thấy sức sống mới đang dần thay da, đổi thịt từng ngày. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Lợi, Bí thư Chi bộ thôn 4 xã Trà Tân phấn khởi: Đồng bào Châu Ro chúng tôi nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung vô cùng biết ơn Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm, chăm lo chu đáo. Chúng tôi không còn thụ động trông chờ vào các chính sách của nhà nước nữa mà đã biết chủ động vươn lên làm ăn kinh tế, cải tạo đời sống ngày một ấm no hơn. Chúng tôi luôn tuyệt đối tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đã ưu ái dành cho chúng tôi…

   Giờ đây, khi các xã nhà đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 1 hay giai đoạn nâng cao thì tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống, đồng nghĩa với các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng dần cắt giảm nhưng bà con đồng bào không than phiền mà trái lại, họ thầm biết ơn Đảng và nhà nước đã giúp họ nhiều thứ, trong đó đặc biệt là ý thức tự vươn lên xây dựng đời sống kinh tế của mình để khoảng cách thu nhập bình quân đầu người, khoảng cách trình độ dân trí, văn hóa của người Kinh và đồng bào thiểu số ngày càng được rút ngắn hơn, xích lại gần nhau hơn.

   Gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người đồng bào ở Đức Linh để hỏi về cuộc sống và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào thiểu số hiện nay thì gương mặt ai cũng hết sức phấn khởi, họ nói nhờ ơn Đảng và chính quyền địa phương đã quan tâm tận tình nên cuộc sống của bà con nhân dân mới no ấm như ngày hôm nay.