Bao giờ rừng buông sống lại?!

21/04/2022 11:36
1128

NGÔ VĂN TUẤN


   Từ lời khẩn cầu của một nhà thơ  

   Viết về rừng lá, viết từ nỗi xót xa khi phải chứng kiến những cánh rừng lá buông ngày một lụi tàn, tôi chắc ít người viết hay, viết sâu lắng trong đau đáu ngậm ngùi như nhà thơ Lê Đình Cánh.

    Dù không là người Bình Thuận, Lê Đình Cánh sinh ra và lớn lên ở tít tận xứ Thanh, dải đất Bắc miền Trung xa ngái, nhưng với tình cảm gắn bó một địa danh đã đi vào Quốc sử qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Lê Đình Cánh trong một chuyến về huyện Tánh Linh Bình Thuận đã trải lòng mình bằng những tiếng kêu thương khắc khoải, ngậm ngùi:

   “Xin Tánh Linh đừng xóa tên Rừng Lá
   Nơi tán buông nghìn tuổi đã qua đời
   Voi xứ sở co vòi nơi đất lạ
   Vẫn vươn ngà thầm gọi rừng ơi!

   Xin Bình Thuận đừng xóa tên Rừng Lá
   Để còn nơi trên sách vở gọi công về
   Bằng lăng tím mùa ve chớm hạ
   Hoa mai vàng còn chỗ nhớ quê!

   Xin Khu Sáu đừng xóa tên Rừng Lá
   Nơi cưu mang hai cuộc trường kỳ
   Nơi thuở ấy bao tuổi đời hóa đá
   Biết không về. Rừng vẫn đợi người đi!

   Xin đất nước đừng xóa tên Rừng Lá
   Nơi đất thiêng như cõi ông bà
   Xin đừng xóa. Đừng xóa đi tất cả
   Kẻo mai rồi ta không thể là ta!”

   Lá buông nguồn nguyên liệu quý giá   

   Trong chiến tranh có một địa danh ở cuối miền đất cực Nam Trung bộ đã khiến cho quân thù hết sức lo sợ đó là “Rừng Lá”. Rừng Lá chính là rừng cây lá buông mọc ken dày từ Căn cứ 2 Xuân Lộc đến Căn cứ 10 Tân Nghĩa Hàm Tân và khu vực Suối Kiết Tánh Linh. Nơi đây, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Rừng Lá đã trở thành khu căn cứ địa của quân Giải Phóng với một địa bàn rộng lớn, trải dài theo tuyến đường huyết mạch quốc lộ IA kết nối từ Phan Thiết, Bình Tuy, vào Xuân Lộc, Long Khánh, Biên Hòa, Sài Gòn.

   Sau ngày đất nước thống nhất, Rừng Lá là nơi để bà con mưu sinh. Vào những năm  1970- 1980-1990 lá buông chính là nguồn lâm đặc sản nuôi sống người dân La Gi – Hàm Tân, Bình Thuận. Riêng ở Hàm Tân diện tích rừng buông lúc bấy giờ có trên 5.000 ha, những người lao động nghèo ở Tân Minh, Tân Nghĩa, Tân Hà, Tân Xuân (Hàm Tân), quanh năm bám rừng buông để khai thác bán nguyên liệu làm kế sinh nhai.  

   Cây buông khi trưởng thành cao trên 10 mét. Lá to, mép có răng cưa rất sắc bén, màu đen, những búp lá lớn có thể nặng vài chục ký, dài 3 đến 4 mét. Cây buông có tuổi thọ ngang tuổi người khoảng 60-70 năm. Buông chỉ trổ bông một lần, trổ xong là cây chết. Trái buông hình quả trứng dài 4-5 cm, rộng 3-4 cm rất độc.

   Cây buông được sử dụng gần như không bỏ phần nào. Lá già dùng để lợp nhà, búp lá non tách ra phơi khô chằm thành tấm làm vách, sau này sử dụng để gia công bao bì, nón mũ, chiếu, mành ... xuất khẩu qua các nước Đông Âu và Liên Xô cũ.  

   Thân những sóng buông già được người dân tộc vót làm tên bắn ná, trong kháng chiến sóng buông sử dụng làm chông để gài địch. Sóng buông còn được vót làm vạt giường nằm, cần câu cá, và thêm một sản phẩm rất ấn tượng trong mỗi gia đình là đũa ăn. Đũa ăn làm bằng sóng buông có màu đen xám với những đường vân rất đẹp. Ngay cả trái buông cũng được bà con người dân tộc dùng làm thuốc để bắt cá.

   Hàng ngàn lao động trong thời bao cấp có công ăn việc làm, có thu nhập khá chính nhờ vào gia công lá buông thông qua các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp như : hợp tác xã Đoàn Kết, 19 tháng 5, Trúc Mai, Ba Nhất... Những tên tuổi đầu đàn trong ngành xuất khẩu lá buông thời ấy có Đào Minh Thử, Võ Tấn Huệ, Mai Đức Chương... Có thể nói đây là giai đoạn hoàng kim của ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp bằng chất liệu lá buông. Từ gia đình đến cơ quan, bệnh viện, trường học... nơi nào cũng thấy hình ảnh từ trẻ em đến người già ngồi thắt con bọ lá buông gia công cho hợp tác xã. Hai bên đường quốc lộ I, đường 55 lá buông phơi trắng.

   Sau này Đông Âu tan rã, con đường xuất khẩu lá buông bị bế tắc, các hợp tác xã lần lượt giải thể. Thời kỳ hoàng kim của lá buông cũng khép lại từ đây.

   Và tan thương Rừng Lá!  

   Trong thực tế thời điểm mặt hàng lá buông không xuất khẩu được cũng chính là thời điểm nguồn nguyên liệu lá buông đã cạn kiệt. Nguyên nhân, vào lúc mặt hàng lá buông có giá, thị trường xuất khẩu mạnh, các tỉnh thành phố đều đổ xô vào mặt hàng này, dẫn đến nguyên liệu ngày càng khan hiếm, tình trạng tranh giành thu mua nguyên liệu diễn ra khắp nơi. Người thai thác được lợi nên thi nhau triệt hạ rừng buông. Rừng buông lại không được quy hoạch, không có hướng bồi dưỡng tái sinh nên dần bị lụi tàn.

   Thêm một nguyên nhân, do nhu cầu đất cho sản xuất như trồng mía, trồng cao su, trồng mỳ...người dân đã đốt phá, đào bứng cây lá buông  để mở rộng diện tích.  

   Cách đây khá lâu (2002) chính quyền cũng có chủ trương phục hồi rừng buông Suối Kiết với quy mô trên 800 ha, thời gian đầu việc thực hiện tương đối có hiệu quả, nhiều gia đình xã viên nhận khoán phục hồi 2, 3 ha. Nhưng rồi đất rừng buông Suối Kiết cũng không giữ nổi qua sự ồ ạt lấn chiếm của cư dân tứ xứ đổ về, sự hấp dẫn của giá đất chuyển nhượng, của các loại cây trồng cho thu nhập cao.

   Bây giờ muốn tìm một búp lá buông để làm dây buộc cũng hết sức khó. Rừng Lá đã thực sự không còn tồn tại. Không biết có ai suy nghĩ về một chủ trương khôi phục lại rừng buông, một loài lâm đặc sản quý và nhiều lợi ích này không?