HÀNH HƯƠNG VỀ VỚI LỄ HỘI PÔ DAM

15/10/2022 00:00
771

HUYỀN TRÂN


Lễ hội ở tháp Pô Dam được bà con Chăm xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tổ chức long trọng với nhiều nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Lễ hội cổ truyền của bà con Chăm nơi đây vô cùng nhộn nhịp và đông vui. Bản sắc văn hóa Chăm được thể hiện rõ nét qua những nghi lễ, những bộ trang phục truyền thống được bà con mặc khi tham gia lễ hội. Đặc biệt lễ hội năm nay có rất đông bà con Chăm ở các vùng lân cận cùng đến tham gia nên không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt.

 

 

   Theo thông lệ, cứ 3 năm lễ hội Pô Dam của người Chăm xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận sẽ được tổ chức 1 lần, nhưng do thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 nên bà con đã tạm ngưng và không tổ chức lễ vào các năm 2019, 2020, 2021. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã kiểm soát, nên lễ hội Pô Dam được chính quyền địa phương cho phép tổ chức, nhằm tưởng nhớ đến công đức của Ngài Pô Dam và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no, hạnh phúc.

   Sư cả Thường Xuân Hữu, thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong kể: Lễ hội Pô Dam này được ông bà, tổ tiên xưa truyền lại, để cho con cháu hôm nay biết mà tưởng nhớ đến những công đức của Pô Dam. Ngài đã có công dẫn thủy nhập điền, khai khẩn đất đai giúp bà con làm ăn. Cho nên cứ đến tháng 4 Chăm lịch thì bà con tổ chức lễ hội Pô Dam. Trước đây, lễ này 1 năm tổ chức 1 lần, sau này do kinh tế eo hẹp nên xin tổ chức 3 năm 1 lần. Vừa rồi do tình hình Covid-19 nên những năm 2019, 2020, 2021 không tổ chức, đến năm 2022 được cho phép tổ chức. Khi được phép tổ chức thì chúng tôi cũng xin sư cả, chính quyền Xã, Huyện thống nhất, hôm nay bà con Chăm Phú Lạc tổ chức lễ hội. Đây là nét văn hóa, là cội nguồn của đồng bào Chăm nên đồng bào Chăm phải gìn giữ để cho các con cháu thế hệ mai sau kế nghiệp mà làm.

   Trong không khí rộn ràng tràn ngập niềm vui, người Chăm thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Chăm nơi đây.

   Ông Chế Quốc Minh, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong chia sẻ: Lễ hội Pô Dam ngày xưa vì chiến tranh nên không tổ chức phần hội, mà chỉ tổ chức phần lễ. Lễ hội Pô Dam này rất lớn, bởi Pô Kathit là một vị vua có khuynh hướng làm kinh tế giúp quần thần, có một cuộc sống an cư lạc nghiệp. Nên Ngài có một hệ thống dẫn thủy nhập điền rất là phong phú. Về lễ hội thì hình thức tổ chức mỗi năm càng phong phú hơn. Bà con ở trong làng, bà con ở láng giềng gần, bà con phương xa đều đến đây để tưởng nhớ Ngài ngày càng đông.

   Phần mở đầu lễ hội Pô Dam rộn ràng và mang nhiều cảm xúc nhất, đó là phần rước y trang của Ngài lên tháp chính. Đội ngũ nhân sĩ trí thức, đội múa, đội nhạc cụ dân gian, và toàn thể bà con tham gia lễ hội cũng như các vị đại biểu tham dự đều cùng cung nghênh thần lên tháp. Đi đầu đoàn rước y trang là các cụ sư cả, Tapah của hệ phái Pasaih và các vị chức sắc của 3 hệ phái gồm: Pasaih, Kadhar, Maduon và Kaing. Đi theo sau là 3 thiếu nữ trong trang phục áo dài Chăm truyền thống đội Thôn hala và Chiết. Nối tiếp đoàn rước y trang là 2 nam thanh niên phụ trách cầm 2 chiếc lọng che đi 2 bên, 4 nam thanh niên khiêng kiệu y trang và 1 nam thanh niên phụ trách quẩy Bhoh ba-nrach trên vai. Nối tiếp là tốp nữ múa lễ, tay cầm quạt nhịp nhàng trong điệu múa truyền thống cùng giai điệu của tiếng trống Ginăng, trống Paranung, tiếng kèn Saranai, đàn Kanhi vang lên lúc trầm lúc bổng hòa vào dòng người đông đúc thướt tha trong trang phục truyền thống đủ sắc màu, tạo nên một không khí vui tươi, rộn ràng.

   Là một người con của đồng bào Chăm thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, khi được hỏi về việc tham gia vào đội nghinh kiểm của Pô Dam thì em Bích Khánh Hạnh Nguyên vui vẻ nói: Em rất tự hào vì em là một người con của dân tộc Chăm và được vinh dự tham gia vào đội khiêng kiệu sắc phong của Pô Dam. Là thế hệ trẻ em rất là háo hức khi lên tháp Pô Dam được dâng hương, được tụ họp cùng bạn bè, bà con.

   Còn em Thông cùng chia sẻ: Em rất là vinh dự và háo hức khi được chọn nằm trong đội múa của lễ hội Pô Dam năm nay. Hôm nay, em lên đây để múa đón lễ hội Pô Dam. Em thấy lễ hội này rất là thiêng liêng.

   Theo ông Qua Đình Lang, trưởng Ban tổ chức lễ hội Pô Dam, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cho hay: Để cho lễ hội Pô Dam diễn ra một cách thành công, ban tổ chức cũng đã thành lập ra nhiều tiểu ban để phân công nhau phụ trách từng công việc. Vì vậy, mà hôm nay lễ hội diễn ra một cách chu đáo.

   Trước đây, trang phục của Pô Dam là do người Raglay ở xã Phan Điền, huyện Bắc Bình cất giữ. Bởi từ xa xưa, người Chăm với người Raglay đã có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người Chăm có câu nói: Chăm sai-ai, Raglay a-dei tức là người Chăm là chị cả, người Raglay là em gái út, và y trang của các vua chúa Chăm được dâng lên ở các đền, tháp đều giao cho người Raglay cất giữ. Khi đến ngày làm lễ cúng thì người Raglay mang xuống để trao cho đồng bào Chăm theo nghi thức của lễ hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do bất tiện trong việc đi lại, nên hậu duệ của Pô Dam đã thống nhất giao lại y trang của Ngài cho người dân thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc bảo quản.

   Hôm nay diễn ra lễ hội Pô Dam, đại diện hậu duệ của Pô Dam cũng được mời đến tham dự lễ hội. Ông Mang Lầu, ở xã Phan Điền, huyện Bắc Bình cảm thấy rất vinh dự, vui mừng và xúc động khi được đến với lễ hội của Pô Dam để cùng nhau ôn lại văn hóa truyền thống của dân tộc. Để cho con cháu sau này nhớ lại công lao của tiền nhân theo đạo lý: uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Đồng thời, cùng nhau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng tốt hơn, đẹp hơn.

   Trong lễ hội Pô Dam, bà con và du khách còn có dịp thưởng thức các tiết mục biểu diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm. Tiếng trống, tiếng đàn Kanhi từ những nhạc cụ truyền thống chính là một phần quan trọng trong việc tạo nên sự tuyệt vời cho các điệu múa Chăm. Mỗi một nhạc cụ góp một giai điệu, tiết tấu khác nhau trong dàn hợp xướng lúc hào hứng mạnh mẽ, lúc réo rắc thiết tha, lúc dịu dàng tình cảm. Trong đó, trống Ginăng được xem là nhạc cụ chính bởi âm điệu hùng hồn trầm bổng, có tính chất gọi mời phù hợp trong không gian vui mừng lễ hội.

   Múa Chăm là một loại hình quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm, múa gắn liền với lễ hội, mà lễ hội của người Chăm thì vô cùng phong phú. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau, nhưng đều phản ánh ước vọng của người Chăm trước thần linh, thiên nhiên và cộng đồng, với ước vọng mong sao cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu con cháu ấm no, hạnh phúc. Đối với người Chăm, họ đặc biệt trân trọng sự gắn bó trong mỗi gia đình, làng xóm. Sự yêu thương và đùm bọc được coi là nền tảng để những giá trị truyền thống đơm hoa, kết trái. Các thế hệ người Chăm luôn ý thức trong việc gìn giữ, truyền dạy nhau phải luôn giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Điều này thể hiện thông qua điệu múa làng Chăm vui hội, múa dâng hoa tháp cổ của các chị phụ nữ và các thiếu nữ thôn Lạc Trị biểu diễn. Múa và nhạc luôn đồng điệu với nhau ăn sâu vào trong tâm hồn của mỗi người dân và góp phần tạo nên nét đặc sắc của múa truyền thống dân tộc Chăm. Những động tác múa quạt của những cô gái Chăm diễn tả những cánh chim công xòe ra, có khi là đôi cánh bay nhẹ nhàng và cũng có khi thể hiện sự xoay tròn của vũ trụ bao la. Chiếc quạt trên tay người thiếu nữ đôi khi còn tượng trưng cho sự cao sang, quý phái. Mỗi điệu múa là một ngôn ngữ, một sự thể hiện mang ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp của văn hóa và con người.

   Bên cạnh tiếng trống, kèn và điệu múa, các chàng trai cô gái mang đến những làn điệu dân ca Chăm mượt mà, sâu lắng cũng như vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo và hấp dẫn của những bộ trang phục truyền thống Chăm trong mùa hành hương, trẩy hội.

   Múa hát không chỉ bày tỏ sự dạt dào tình cảm, mà còn tưởng nhớ các vị thần linh và ca ngợi công lao của các bậc tiền nhân. Thông qua đó, cũng góp phần tác động vào nhận thức tình cảm và tư duy chủ động sáng tạo của thế hệ người Chăm, nhất là thế hệ trẻ về cách nhìn nhận sâu sắc hơn trong việc tham gia bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tạo nên tính phong phú đa dạng, tô đậm thêm sắc màu văn hóa đặc trưng trong ngày lễ hội Pô Dam của đồng bào Chăm.

   Lễ hội Pô Dam theo quan niệm của người Chăm là lễ cầu đảo, cầu an. Tức là cầu cho quốc thái dân an, nước nhà hưng thịnh, dân làng ấm no và hạnh phúc. Đồng thời, nhằm tưởng nhớ công ơn của Pô Dam trong việc hướng dẫn thần dân Chăm khai khẩn đất đai, khai mương đắp đập, dẫn thủy nhập điền, giúp bà con có cuộc sống ấm no, sung túc trong thời gian Ngài trị vì.

   Để tưởng nhớ đến Ngài, nên trong chuỗi lễ hội Pô Dam cũng diễn ra rất nhiều nghi lễ như: lễ thánh tẩy, lễ cúng thần chuột, lễ múa mừng ban ngày, múa mừng ban đêm, lễ cầu đảo- cầu an, nghi lễ tế thần tạ ơn. Trong đó, lễ múa mừng ban ngày là nghi lễ được bà con thực hiện nhằm để tấu trình với Pô Dam, tổ tiên, xin phép thực hiện một công việc, một sự kiện quan trọng để tưởng nhớ đến Pô Dam. Mở đầu lễ múa là thầy Maduon vỗ trống Paranung mời Pô Dam và các vị thần linh về dự lễ và hưởng lễ vật. Trong lúc thầy Maduon vỗ trống Paranung hát bài thánh ca thì thầy Kaing cầm roi, khay trầu nhảy múa theo nhịp trống, kèn. Đặc biệt khi ông Maduon hát thì thầy Kaing múa vòng quanh đống lửa đang rực cháy ở trước rạp lễ. Lúc này điệu hát múa, nhạc lễ dồn dập, thúc giục thầy Kaing múa nhảy vào dập tắt đống lửa trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. 

   Hành hương về với tháp Pô Dam ở Tuy Phong, bà con địa phương và du khách gần xa đến đây và mang theo những lễ vật như: chuối, trứng, trầu cau, gà để dâng lên cúng Ngài.

   Đến với lễ hội Pô Dam, bà con và du khách thập phương sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa mang nét đặc trưng riêng của dân tộc Chăm với nhiều nghi lễ, được thưởng thức giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc Chăm với những bài thánh ca, ariya, những làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống hòa trong tiếng trống Ginăng, Paranung, kèn Saranai và đàn Kanhi.

   Qua quá trình tham quan, tìm hiểu về lễ hội Pô Dam, Chị Phạm Thanh Bình, du khách đến từ Tp.Hồ Chí Minh cảm nhận được rằng: Lần đầu tiên tôi được bạn bè giới thiệu về lễ hội Pô Dam. Đến với lễ hội Pô Dam tôi thấy rất là bất ngờ, trước tiên không khí lễ hội rất là vui, mỗi khi tôi nói muốn đi xem chỗ này, muốn xem cái kia thì ban tổ chức cũng như bà con hướng dẫn cho tôi rất nhiệt tình. Và bà con kể cho tôi rất chi tiết những truyền thống, những cách thức tổ chức nghi lễ, từ đó tôi cũng am hiểu hơn về văn hóa của bà con Chăm. Tôi thấy lễ hội này rất là linh thiêng, mọi người thành khẩn. Tôi rất xúc động và thích lễ hội này. Cuối cùng cũng quy về một chỗ là cầu cho mọi người được ấm no, mùa màng tốt tươi.

   Lễ hội là dịp để con cháu Chăm, Raglay về thăm nguồn cội, tỏ lòng thành kính với thần linh, tổ tiên. Đồng thời, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Đây cũng là dịp để bạn bè, quan khách gần xa có cơ hội tìm hiểu thêm về một nền văn hóa Chăm đặc sắc trong lễ hội Pô Dam.