Rung cảm từ bài thơ “Làng của Ba”

20/04/2022 08:57
1297

MINH TRÍ


"Làng của Ba” là tên một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, số 225, Xuân Nhâm Dần 2022. Bài thơ có 8 khổ, được tác giả sáng tác theo thể thơ tự do.

 Bài thơ đầy ắp những tình cảm hết sức sâu nặng của một người con về làng quê của ba mình- Làng Phú Bình- và cùng với đó, là về Ba của mình. Chính cảm xúc đầy da diết của tác giả qua sự chuyển tải bằng những ngôn từ nghệ thuật sinh động, bài thơ dễ tạo sự rung cảm trong lòng bạn đọc.

   Toàn bài thơ là sự thể hiện cụ thể hai hình tượng chính kết đọng nỗi nhớ của nhà thơ: Làng Phú BìnhBa của tác giả. Hai hình tượng ấy song hành, gắn bó, hòa quyện với nhau trong toàn bài. Riêng đối với từng hình tượng, thì Làng Phú Bình hiện diện ở các khổ thơ thứ 1,4,6,7,8; còn Ba của tác giả nổi bật ở các khổ thơ thứ 2,3,4,5,7,8.  Và một hình tượng thứ, Mẹ của tác giả, xuất hiện ở khổ thơ thứ 8 của bài. Những hình tượng ấy đã góp phần cùng những yếu tố khác tạo nên diện mạo của thi phẩm.

   Kết cấu của bài thơ đi theo mạch diễn biến tâm trạng, cảm xúc càng lúc càng dâng cao của tác giả, từ sự hồi tưởng về những năm tháng đã qua của Ba với quê hương, đến khi Mẹ cùng Ba đi vào cõi vĩnh hằng. Nhà thơ nhớ nhiều những ngày xưa, nhớ làng của ba, nhớ cha mẹ, nhớ những gì đơn sơ, giản dị mà lại không kém phần thơ mộng của quê nghèo: Nhớ “đất nứt nẻ khô cằn, Bàu Cây Bông dùng dằng nằm giữa làng, nước trong xanh”, với những công việc của những người nông dân như ba chị đã từng: “đan thúng, vót tre, làm giần, sàng, cối giã, cày bừa trong những ngày mưa”; nhớ “tiếng gió, tiếng tre, tiếng nước vỗ về, hương lúa trổ ngọt lành “… Nhớ: “ Má theo Ba nương nhang khói về thăm nhà, …”.

   Ngôn từ của bài thơ đa dạng, gần gũi với người Bình Thuận, đậm tính nghệ thuật. Nhà thơ đã sử dụng rất nhiều từ láy trong thi phẩm: “dùng dằng, gieo neo, nương náu, tất tả, tầm tã, vất vả, vỗ về, dào dạt,…”. Những từ láy ấy đã góp cùng những từ ngữ sinh động khác khắc họa đậm nét những hình ảnh, dáng vẻ, hoạt động, tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài cùng tình cảm đằm sâu của tác giả bài thơ. Độc giả rất dễ để nhận ra những hình ảnh rất sống động trong thơ chị: “Ba lớn lên với những gieo neo/ Chạm vào đất, nghe đất rùng rùng thở/ Chạm vào nước, Bàu rung lên nỗi nhớ/ Chạm vào thời gian, một thuở chiến tranh…”.Và đây: “Con nhớ lắm ngày xưa/ Những đêm trăng/ nằm trước sân nhà mình, nghe Bàu Cây Bông hát/ Tiếng gió, tiếng tre, tiếng nước vỗ về thơm mát/ Chạm vào đâu cũng dào dạt ân tình”.

   Cảm xúc dâng trào trong lòng tác giả với tình yêu làng quê của Ba, làng quê với nhiều kỷ niệm; cùng nỗi nhớ không thể mờ phai về những ngày xưa của gia đình, với bao chan chứa yêu thương : “Con thương nhớ, lòng buồn như muối xát/ Biết bao giờ/ Biết bao giờ, con gặp lại ngày xưa!”

   Rất nhiều điệp ngữ đã được nhà thơ sử dụng trong “Làng của Ba”:  “Chạm vào đất/ Chạm vào nước/ Chạm vào thời gian/ Chạm vào đâu cũng dạt dào ân tình// Đi là để trở về// Làng của Ba// Nhớ, con nhớ lắm, con thương nhớ…// Biết bao giờ…”. Sau những điệp ngữ, tác giả diễn đạt những ý tưởng mới, cảm xúc dào dạt hơn.  

   Vần trong toàn bài thơ rất chuẩn. Vần chân được tác giả sử dụng, cả cuối các câu trong một khổ thơ, lẫn cuối các khổ thơ liền kề. Chính một phần từ sự chỉn chu trong hiệp vần như trên, người đọc rất dễ cảm, dễ nhớ bài thơ.

   “Làng của Ba” giàu nhạc tính. Dẫu là một bài thơ được viết với thể thơ tự do, bạn đọc vẫn cảm nhận được độ ngân nga, sự mượt mà, nhẹ nhàng của những giai điệu qua những ngôn từ. Người đọc khi đọc thầm, hay ngâm nga nho nhỏ, sẽ thấy nhịp thơ của bài linh hoạt. Như, ở khổ thơ thứ 2, nhịp điệu sẽ là : 3/4//3/5//3/5//4/4; khổ thơ thứ 6: nhịp điệu sẽ là: 3/5//3/5/5//2/2/6//3/5.

   Từ bài thơ “Làng của Ba”, độc giả lại nhớ đến những bài thơ trước đây của tác giả khi chị đã từng viết về ba của mình: “Chiều chở đầy nỗi nhớ”“Bóng xế cây xiêu”. Tình cảm về Ba mình trong lòng nhà thơ vẫn luôn đong đầy, chưa hề vơi cạn :“Chiều nặng oằn nỗi nhớ. Dọc bờ bàu Ba hay ngồi vớt cá lòng tong… Giờ ba đã đi xa. Nhưng mỗi miếng cá lòng tong con ăn vẫn chở theo cơn đau trắng dã. Của bàu nước mênh mông, của lưới giăng bắt cá đồng trắng xóa…Con lang thang lẫn vào cơn gió nồm mùa hạ. Bắt gặp nỗi nhớ Ba trong từng cọng cỏ mềm”. (Trích bài thơ văn xuôi “Chiều chở đầy nỗi nhớ”). Còn đây nữa, nhà thơ của chúng ta vẫn luôn nhớ về người cha thân yêu, nhớ về những tháng ngày đầm ấm có Ba đã qua: “Nặng lòng thương nhớ cha yêu/ Cội già bóng xế cây xiêu/ Mãi mãi đi vào “đằng đẵng”.// Tiếng Ba nghe chừng văng vẳng/ Đâu đây quanh bếp, quanh nhà/ Giật mình, cơn đau mắt đắng/ Làm sao níu tháng, ngày qua?”( Bóng xế cây xiêu ).

   Đọc bài thơ “Làng của Ba” của tác giả Nguyễn Thị Liên Tâm, độc giả dễ có những rung cảm thương nhớ quê hương và những người thân yêu trong gia đình cùng chị. Bởi, ai cũng có những người cha, người mẹ kính yêu, cùng bản quán, xứ sở của mình. Tuổi đời chồng chất, mọi người rồi cũng già đi theo thời gian. Song, dẫu cha mẹ không còn ở cùng chúng ta nữa, thì hình bóng mẹ cha vẫn luôn ở trong tâm khảm của những người con. Và với không ít người, không khí gia đình những ngày sum vầy, đầm ấm ở quê hương vẫn chiếm một phần không nhỏ trong ngăn kéo ký ức, khó nhạt phai.