Vĩnh biệt
NSND ĐẶNG HÙNG (*)
Nhà biên đạo múa tài hoa

18/06/2022 00:00
936

ĐỖ QUANG VINH


"N  iềm vui sướng của người biên đạo múa không phải ở số lượng tác phẩm mà là mình đã cống hiến được gì cho ngành múa, đã tìm được cái gì cho nghệ thuật, đó là sự sáng tạo. Sáng tạo là một vũ khí sắc bén để tiêu diệt cái dừng lại, cái chết. Sáng tạo là niềm vui của đời mình”.

 


Chân dung NSND ĐẶNG HÙNG 
- Ký họa: Họa sĩ HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG

   Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng đã sống và miệt mài lao động nghệ thuật trung thành với quan điểm trên đây của mình. Xuất thân từ một gia đình dân nghèo thành thị, người con của quê hương Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định) ấy phải thôi học khi chưa hoàn tất chương trình tiểu học để cùng gia đình lao động kiếm sống. Lúc thì theo mẹ bán gạo ở chợ Mộc Bài cách chỗ ở gần 20 cây số đường bộ, khi thì làm công nhân đẩy xe bò ở bến tàu Bồng Sơn. Cũng có khi đi kiếm củi ở Bình Chương đem về Qui Nhơn để bán. Từ một điểm xuất phát chẳng lấy gì làm suôn sẻ, thuận lợi, anh đã nỗ lực vượt bậc, vươn lên gắn bó với hoạt động nghệ thuậtgần 70 năm và số lượng tác phẩm đã vượt qua con số 200. Cùng với việc thường xuyên trau dồi chuyên môn, anh đã thông qua con đường tự học với các chương trình hàm thụ để nâng trình độ học vấn lên bậc đại học rồi tham gia thực tập sinh khoa học cao cấp ở nước ngoài. Người viết bài này không có ý định liệt kê toàn bộ thành tích mà NSND Đặng Hùng đã đạt được, nhưng quả thật những con số dưới đây đã gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ về một thành quả lao động nghệ thuật rất đáng trân trọng: Huân chương lao động hạng I, huy chương kháng chiến chống Pháp hạng II, huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng I, huân chương nghệ thuật của Chính phủ Campuchia, huy chương Hữu nghị của Chính phủ Lào, huy chương vàng quốc tế Helsenki (Phần Lan), huy chương vàng quốc tế Sôphia (Bungari), huy chương Chiến sĩ văn hóa…Đó là chưa kể 80 huy chương vàng, bạc mà anh đã nhận được qua các đợt hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và hàng trăm tiết mục múa minh họa cho sân khấu ca nhạc. Ngoài ra, anh còn tham gia biên đạo múa cho hơn 20 tác phẩm sân khấu cải lương, tuồng cổ, dân ca kịch, trong đó có nhiều vở đạt huy chương vàng.

   Từ một du kích xã ở địa phương, năm 1954 anh tập kết ra Bắc trong biên chế của Đoàn văn công Liên khu V. Sau đó, anh được cử đi học lớp phóng thanh do Bộ Văn hóa mở, và nếu không có gì thay đổi, có lẽ cuộc đời anh sẽ gắn bó mãi mãi với Đoàn văn công Quân khu V bằng công tác phóng thanh. Đến năm 1958, bộ phận múa trong đoàn được khôi phục, anh bắt đầu học múa do các chuyên gia Triều Tiên dạy. Khoảng năm 1960-1961, anh chính thức làm quen với công tác biên đạo dưới sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia nước ngoài.

   Sau khi tham gia biểu diễn ở nước bạn Campuchia, đầu năm 1964, cũng như các đồng nghiệp khác, nguyện vọng tha thiết của anh là xin được trở về phục vụ chiến trường miền Nam. Vì điều kiện sức khỏe không bảo đảm nên mong muốn đi B của anh không thực hiện được. Không lâu sau đó, Nhà nước tạo điều kiện cho anh đi nghiên cứu múa dân gian tại Trung Quốc (1964-1967).

   Quá trình tham gia biểu diễn và giao lưu nghệ thuật trong 2 năm (1968-1969) đã giúp anh rất nhiều trong việc tiếp xúc, trao đổi, học hỏi với đồng nghiệp các nước bạn như: Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Cu Ba, Hungari, Rumani. CHDC Đức, Bungari, Mông Cổ, Triều Tiên. Sự kiên trì khổ luyện và ý thức tích lũy nghề nghiệp giai đoạn này đã hỗ trợ đắc lực cho anh trong suốt thời gian làm chuyên gia nghệ thuật giúp cho Chính phủ Lào. Đây là thời điểm chiến trường nước bạn nóng bỏng, ác liệt, hàng ngày bom đạn giặc đổ xuống như trút. Mặc dù vậy, anh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm mối tình hữu nghị Việt - Lào.

   Năm 1975, đất nước thống nhất, anh được Bộ Văn hóa cử về tăng cường cho tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận và Ninh Thuận). Trước đó một năm, anh làm công tác chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn nghệ thuật tổng hợp phục vụ chiến trường Đông Hà - Quảng Trị. Như vậy, sau 21 năm hoạt động nghệ thuật trên đất Bắc, anh lại bám trụ suốt 17 năm liền tại Bình Thuận, Ninh Thuận để đi sâu tìm hiểu, sưu tầm, khai thác vốn múa dân gian các dân tộc tiêu biểu ở địa phương.

   Mảnh đất cực Nam Trung bộ không phải là nơi anh sinh ra và lớn lên nhưng hầu hết những tác phẩm thành công của anh sau 1975 đều được khai sinh ở nơi này. Anh đặc biệt quan tâm tới kho tàng múa dân gian truyền thống của các dân tộc Chăm, Cơ Ho, Raglai ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Nhớ lại trước đây, trong bối cảnh đất nước còn chia cắt, anh phải huy động tất cả những ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc về đồng bào Chăm trong ký ức tuổi thơ nơi chôn nhau cắt rốn để sáng tác các điệu múa Phiên chợ Chàm (1966), Những cô gái Tháp Chàm (1968).Và chính anh đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao, hoàn chỉnh tiết mục múa Chàprông (Chàm rông) để sau đó đem thi tài với 143 nước tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới tổ chức ở Phần Lan năm 1962, giành huy chương vàng về cho Việt Nam. Đây cũng chính là những tiết mục thường xuyên có mặt trong chương trình biểu diễn của Đoàn ca múa miền Nam lúc bấy giờ. Riêng tiết mục Phiên chợ Chàm còn được Đoàn ca múa Bông Sen trung ương tiếp tục sử dụng cho đến những năm 80, thế kỷ trước.

   Về những kỷ niệm khó quên trong đời hoạt động nghệ thuật của mình, anh không giấu giếm vẻ tự hào khi nhắc đến thành công của tiết mục múa đơn Con ngựa bất kham, múa đôi Tuần đuốc. Đây là hai thể nghiệm đầu tiên của anh về hệ thống múa cổ truyền Việt Nam trên cơ sở tuồng, đồng thời cũng là 2 tác phẩm đạt giải cao nhất tại Sôphia (Bungari). Tác phẩm Con ngựa bất kham do chính anh vừa biên đạo vừa biểu diễn, tác phẩm Tuần đuốc hiện nay được xếp vào loại múa di sản của quốc gia và nằm trong chương trình giảng dạy của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Việt Nam. Bản thân anh còn đích thân truyền lại cho nhiều lớp múa trong nước và cả chuyên gia nước ngoài hai tác phẩm đặc sắc nêu trên.

   Anh biết ơn mảnh đất Bình Thuận, Ninh Thuận, biết ơn các nghệ nhân, các nghệ sĩ dân gian đã rút ruột hướng dẫn, truyền dạy cho anh cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của nghệ thuật múa dân tộc - vốn được người Chăm gìn giữ cẩn trọng như báu vật. Đồng nghiệp của anh thường nói đùa, mỗi năm Đặng Hùng phải ăn đủ 4 cái Tết: Tết dương lịch, Tết nguyên đán, Tết Katê (Chăm Bàlamôn), Ramưwan (Chăm Bàni). Trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, NSND Đặng Hùng luôn gắn chặt và đề cao “tình yêu dân tộc”. Anh kiên trì thực hiện phương châm: nâng cao nhưng không làm mất gốc, cải biên nhưng không được rơi vào tình trạng pha tạp, lai căng. Minh chứng thuyết phục nhất cho quan điểm nêu trên là một loạt tác phẩm nổi tiếng như: Khát vọng, Đoa pụ (Đội nước). Múa trống Baranưng, Múa quạt (dân tộc Chăm), Vũ khúc Raglai (dân tộc Raglai), Khúc nhạc rừng, Vui lao động (dân tộc Cơ Ho), Mùa cá quê hương, Niềm vui thủy thủ, Lời chào của biển (dân tộc Kinh); các vũ kịch: Lửa tình yêu (dân tộc Chăm), Nàng Amara, Sự tích Chol Chnam Thmay (dân tộc Khơme Nam Bộ)…

   Từ năm 1992 đến năm 1996, với cương vị là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP. HCM, anh lại đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu múa dân gian Khơme vùng đồng bằng sông Cửu Long; múa dân tộc Châu Ro tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai; múa Chăm vùng Châu Đốc - An Giang. Lòng hăm hở, niềm say mê cộng với độ chín về nghề nghiệp đã giúp anh tiếp tục khơi dòng sáng tạo mạnh mẽ ở mảnh đất Nam Bộ.

   Trong Hội diễn CMN chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tạiTP.HCM tháng 12/1999, anh đã khiến cho đồng nghiệp phải kinh ngạc về cường độ lao động nghệ thuật ở tuổi “lục thập” của mình với 12/14 tác phẩm đạt giải thưởng, bao gồm: 01 huy chương vàng chương trình (Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh), 01 huy chương vàng cho Kịch múa Chol Chnam Thmay, 10 vở múa khác được huy chương bạc; đồng thời anh là một trong 7 cá nhân được Quỹ phát triển văn hóa Việt Nam-Thụy Điển trao phần thưởng ngay trong Hội diễn.

   Gặp nhau trong Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm toàn quốc do Bộ VHTT tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận, với tư cách là thành viên Ban giám khảo, anh tặng tôi công trình “Bước đầu tìm hiểu, phục hồi múa cung đình Chăm” do Trung tâm VHDT TP.HCM xuất bản. Anh  bộc bạch: Tác phẩm này xem như là sự đền đáp phần nào tình sâu nghĩa nặng đối với đồng bào Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận đã chắp thêm đôi cánh nghệ thuật cho anh trên bước đường sáng tạo.

   Anh không nói ra nhưng tôi biết, từ khi nghỉ công tác ở Viện VHNT vào năm 2006, anh dành toàn bộ thời gian cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác. Anh khao khát cùng các đồng nghiệp làm giàu thêm vốn múa cho mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long để lại được tắm mình trong ngọn nguồn của nghệ thuật sáng tạo, vì như anh đã từng tâm niệm: Trong sáng tạo, nếu dừng lại là dấu hiệu của cái chết.Hôm nay, được tin anh ra đi, bao nhiêu kỷ niệm về anh ở giai đoạn bộn bề khó khăn của tỉnh Thuận Hải bỗng ùa về trong tôi với niềm tiếc thương vô hạn. Bài viết này xin được xem như một nén tâm hương của một đứa em - một người học trò nhỏ trong rất nhiều học trò, kính tiễn anh về cõi vĩnh hằng.

 

(*)NSND Đặng Hùng (1936-2022) - nguyên Trưởng Đoàn CMN Thuận Hải, chuyên viên cao cấp Viện VHNT tại TP. HCM, chuyên viên cao cấp nghệ thuật Bộ VHTT, Chủ tịch HĐNT Hội Nghệ sĩ Múa TP. HCM, Ủy viên HĐNT Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.