Nhà thơ
NGUYỄN BẮC SƠN

20/08/2022 02:35
2289

VÕ NGUYÊN


Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944, tại Phan Thiết, Bình Thuận, mất năm 2015. Ông bước vào làng thơ từ những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Thơ ông viết không nhiều, cuộc đời thơ của ông số lượng tác phẩm đã in ấn phát hành đến nay chưa quá 80 bài trong ba đầu sách đã được công bố(1). Có lẽ thành ngữ “quý hồ tinh bất quý hồ đa” đúng với cuộc đời sáng tác của Nguyễn Bắc Sơn. Ngay từ khi ông trình làng tập thơ đầu tay Chiến tranh Việt Nam và tôi, (nhà xuất bản Đồng Dao ấn hành năm 1972), tập thơ chỉ có 27 bài, nhưng vừa ra đời đã gây hiệu ứng xúc cảm chấn động mạnh mẽ trong lòng người đọc, với giọng thơ riêng biệt của chính mình về chiến tranh, đã khẳng định Nguyễn Bắc Sơn tư cách một nhà thơ đúng nghĩa trên văn đàn miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

   Riêng nhan đề tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi đã là lời tuyên bố về cách nhìn, cách nghĩ, cách sống với chiến tranh – một cuộc chiến không chỉ riêng với toàn dân Việt Nam, mà còn là cuộc chiến tranh dữ dội chấn động mạnh mẽ đến con người nhân loại toàn cầu. Nguyễn Bắc Sơn là người lính phục vụ trong chính thể Việt Nam cộng hòa ở miền Nam, trực tiếp đối mặt với cuộc chiến đến hồi khốc liệt nhất, giữa lúc cả thế giới không còn hờ hững với chiến tranh Việt Nam, lại xuất hiện tiếng thơ Nguyễn Bắc Sơn lạ lẫm, ngang tàng, “Xem cuộc chiến như tai trời ách nước”. Một thanh niên cầm súng ở chiến trường không có lý tưởng, nhả đạn khi giáp trận cũng không phải vì lòng căm thù, “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước/ Vì căn phần ngươi xui khiến đấy thôi”, chẳng biết chiến đấu để làm gì, “Lũ chúng ta sống một đời vô vị/ Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau/ Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu/ Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc/ Mang bom đạn làm trò chơi pháo tết/ Và máu xương làm phân bón rừng hoang” (Chiến tranh Việt Nam và tôi). Cách nhìn, cách nói của ông hoàn toàn ngược lại với quan điểm chính trị của hai bờ chiến tuyến.

   Nhà thơ phản chiến 

   Những người sống cùng thời thân thiết với ông hồi chiến tranh nói rằng Nguyễn Bắc Sơn là một thư sinh hiền lành. Thôi học phổ thông thời gian, với vốn tiếng Anh khá thông thạo, lúc đầu ông đi làm thông dịch cho quân đội Mỹ một thời gian ngắn ở khu vực Sông Mao, Khu Lê, Ma Lâm… rồi có người thân giúp đỡ, đưa ông về làm “lính cậu” ở thị xã Phan Thiết. Chính bản thân ông cũng tự nhận: “Ta vốn hiền khô ta là lính cậu”. “Lính cậu” là thuật ngữ gần với cụm từ người ta thường nói “cậu ấm cô chiêu”, là những quý tử luôn được nuông chiều. “Lính cậu” còn gọi “lính kiểng”, là những người khi trốn quân dịch không được, bị bắt đi lính, nên lo lót để không bị điều đi tác chiến, về làm lính văn phòng, gắn cái mác lính làm cảnh thế thôi. Khi về sống ở Phan Thiết, Nguyễn Bắc Sơn thuộc loại “lính kiểng” ấy. Những lần giáp trận ông biểu đạt một số địa danh trong thơ có chăng là những ngày ông làm thông dịch cho quân đội Mỹ.

   Trong tâm thức, Nguyễn Bắc Sơn là người phản kháng cuộc chiến tranh mà ông bị động tham gia. Ông tuyên bố về quan niệm của mình: “Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính/ Bắt lê la mang một chiếc mu rùa/ Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy/ Và nỗi buồn như nước những đêm mưa/ Trong thành phố này ta là người phản chiến/ Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu” (Cười lên đi, tiếng khóc bi hùng), nên ông có cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm như những nghệ sĩ phản chiến cùng thời: “Khuya thức mãi trầm tư cây đèn lạp/ Chảy trong lòng men nhạc Trịnh Công Sơn/ Đêm không ngủ trong những ngày bão táp/ Ôi những ngày máu ứa xác quê hương” (Nhắc đến Ma Lâm). Có lẽ thế, nên trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn đề cập đến hình ảnh, hiện tượng: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe/ Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình” (Đại bác ru đêm), cái âm thanh rờn rợn thời chiến quen thuộc ấy ở miền Nam nó thấm vào từng nhịp sống đời thường của thời kỳ lịch sử không bình thường, lại bắt gặp âm thanh, hình ảnh ấy, tuy ở góc độ khác, với xúc cảm ê chề ngán ngẩm trong thơ Nguyễn Bắc Sơn: “Đêm ngủ đổ ngâm thơ cùng đại bác/ Hồn lao đao trong chuyến trực thăng bay” (Nhắc đến Ma Lâm). Tâm trạng phản chiến của Nguyễn Bắc Sơn cũng là cái chung của nhiều thanh niên miền Nam bị bắt đi làm lính thời ấy, muốn tìm mọi cách để chống đối, cả việc hủy hoại thân hình: “Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái/ Để được làm người theo ý riêng ta/ Ngày hôm nay ta muốn thọc mù con mắt phải/ Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa” (Cười lên đi, tiếng khóc bi hùng). Khi nhìn “Các bạn cũ những thằng nào bạc phước/ Mồ đang xanh vì cuộc chiến hôm qua” để nói với những người còn sống cũng như tự nhủ với chính mình: “Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt/ Xin giã từ đời vũ khí huy chương/ Xin trở về như một kẻ hoàn lương/ Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết” (Tiệc tẩy trần của người sống sót). Từ ý tưởng, nhận thức như thế khi đối mặt với chiến tranh, ông có cách nhìn rất khác với những người cầm súng vào trận: “Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn/ Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt/ Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất/ Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi/ Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời/ Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic/ Kẻ thù ta ơi các ngài du kích/ Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo/ Hãy tránh xa ra ta xin xí điều/ Lúc này đây ta không thèm đánh giặc/ Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc/ Thèm ngọt ngào giọng hót em chim xanh” (Chiến tranh Việt Nam và tôi). Giọng thơ Nguyễn Bắc Sơn là thế, trong cuộc đối đầu đẫm máu ấy, ông không chút căm hờn thù hận về đối phương, mà là người có tâm hồn từ bi với những câu thơ mang đầy chất nhân văn của một chàng lãng tử cầm súng đi làm lính. Nhưng cũng là chàng lãng tử đầy âu lo với thân phận con người, với chính thân phận của mình trong thời chinh chiến: “Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát/ Nghe súng rừng xa nổ cắc cù/ Chợt thấy trong lòng mình bát ngát/ Nỗi buồn sương khói của mùa thu” (Mật khu Lê Hồng Phong). Đó là những câu thơ trong bài thơ không chỉ động lòng người cùng chiến tuyến, mà đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến những người đối lập chiến tuyến với ông. Trong hồi ức của nhà thơ Anh Ngọc – một nhà thơ trong quân đội từ miền Bắc vào Nam, đã viết: “Năm 1974, trong lúc làm biên tập viên phần văn hóa văn nghệ của tờ Quân đội nhân dân tôi có tổ chức một trang chuyên đề về văn học trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Nhà nghiên cứu Thạch Phương mà tôi nhờ viết bài, đã mở đầu bài viết của mình bằng những dòng: Có một thời những người lính Sài Gòn chuyền nhau mấy câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui…”. Cái tên Nguyễn Bắc Sơn đã đến với tôi từ những dòng ấy. Mấy câu thơ của anh gợi cho tôi bao nhiêu điều tò mò. Với một người lớn lên ở miền Bắc, được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa như tôi, thì cái thế giới trong thơ Nguyễn Bắc Sơn quá là xa lạ. (Cuộc hội ngộ lạ lùng quá sức tưởng tượng – Anh Ngọc). Tác động của những câu thơ ấy trong bài Mật khu Lê Hồng Phong, nhà phê bình văn học Đặng Tiến khi ở Orléans viết:

   “Đọc lại thơ miền Nam, ba mươi năm sau ngày chiến tranh kết liễu (trích dẫn 4 câu thơ trên). Đây là một đoạn thơ Nguyễn Bắc Sơn đã từng làm xao xuyến dư luận khi xuất hiện trên báo giới Sài Gòn khoảng 1970, như trên tuần báo Khởi Hành của Hội Văn nghệ sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Nhiều người đọc, nhất là giới thanh niên, ngạc nhiên và sảng khoái trước những lời thơ ngang tàng, bi tráng, ý thơ u uất, kiêu bạc, bất cần đời. Câu thơ phơi trải tâm trạng một lớp thanh niên miền Nam vào thời điểm quyết định của chiến tranh - và từ đó - làm chứng từ cho một khía cạnh của cuộc chiến kéo dài non hai mươi năm.

   Tâm trạng kia và chứng từ nọ đã được ghi lại trong tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi xuất bản năm 1972 thời đó đã ít người được đọc trực tiếp nguyên tác.

   Nhiều người nhớ đoạn thơ nói trên vì tâm tư một thời đại, nhưng nó tồn tại lâu dài trong tâm thức người đọc là nhờ giá trị nghệ thuật – bên cạnh giá trị lịch sử mà không ai chối cãi.

   Điển hình cho thi pháp Nguyễn Bắc Sơn là từ vựng: Câu đầu trên 7 chữ đã có 5 từ diễn tả niềm hoang mang trước cuộc sống mỏng manh, bao quanh một chủ từ “ta” phù du hiu hắt, “mai” là cuộc sống đếm từng ngày; động từ “đụng” vừa chủ động, có đi mới đụng, vừa thụ động vì có tính cách tình cờ, tai hại ngoài ý muốn: “Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay”. Người lính đụng trận như người thường đụng xe, đụng mưa, bình thường, chính xác hơn, người khác sẽ nói: Đụng giặc, đụng địch. Nhưng trong thơ Nguyễn Bắc Sơn không thấy có đối phương. Trong câu sau Sông Mao là một thị trấn nổi danh vì chiến tranh: Từ 1955 Sư đoàn 5, người Nùng đóng ở đó, với khu gia binh di cư vào, và đời sống mang sắc thái riêng, về sau là các căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Do đó địa danh Sông Mao tự nó đã có âm hưởng chiến tranh và quả thật nơi đấy “có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính” như lời thơ Nguyễn Bắc Sơn.

   Nói phá phách chơi là phách lối chơi, nói cho hả, nói cho đã, chứ Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì Địa phương quân “hiền khô, lính cậu” thì sức vóc bao nhiêu mà phá phách, nhưng giọng thơ ngang tàng ở đây pha lẫn một ít Lương sơn bạc, Tiếu ngạo giang hồ với tính cách Lê dương mà tác giả, sinh năm 1944, còn ghi trong ký ức, “đốt tiền” cũng là lối nói ngông, như Nguyễn Bính “tiêu hoang cho đến hết”, nhưng chữ “đốt” ngông cuồng, nóng nảy hơn, phục vụ đắc lực cho ý đồ “mua vội một ngày vui” với những âm môi m , v mấp máy và luyến láy, như hấp ta hấp tấp.(2)

   Rượu thơ

   Chuyện thơ và rượu có từ ngàn xưa. Rượu khơi nguồn cho thơ. Nhiều lúc thi nhân mượn rượu giải bày tâm sự nỗi niềm: “Sầu đong nghìn mối đau lòng/ Ba trăm chén rượu thơm nồng uống chơi/ Sầu nhiều rượu ít than ơi/ Rượu mà cạn chén sầu thời khuất xa” (Nguyệt hạ độc chước kỳ tứ - Lý Bạch – theo Trương Tiến Tửu). Lý Bạch là thi tiên nổi tiếng thiên cổ rượu thơ mang theo tâm tình cô độc dưới trăng với “nghìn mối đau” cùng “ba trăm chén rượu” để cho sầu khuất xa. Thi sĩ Tản Đà đa tình ở ta những năm đầu thế kỷ XX cũng từng nói: “Trời đất sinh ra rượu với thơ/ Không thơ không rượu sống như thừa” (Ngày Xuân thơ rượu). Giữa đời cứ thế mà chếnh choáng, nghênh ngang: “Rượu say thơ lại khơi nguồn,/ Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình.” (Thơ rượu). Chuyện thơ rượu của các cụ ngày xưa gắn bó là thế. Đến với Nguyễn Bắc Sơn, rượu thơ bước qua một biên thùy khác, rượu đi vào thơ ông là chất men giải bày cuộc sống những tháng ngày làm lính: “Khi tao đi lấy khẩu phần/ Mầy đi mua rượu đế Nùng cho tao/ Chúng mình nhậu để trừ hao/ Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng/ Mùa này gió núi mưa bưng/ Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan” (Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân). Cái thế giới rượu thơ của Nguyễn Bắc Sơn không trang trọng như hình ảnh “Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,/ Vui ca vang rồi đi tiến binh ngoài ngàn” (Hòn Vọng Phu – Lê Thương). Đời lính của ông là sự đọa đày, “bắt một kẻ làm thơ đi làm lính”, có gì đâu mà “vui ca vang” khi bản thân “muốn chặt đi bàn tay trái”, “muốn thọc mù con mắt phải” để không cầm súng. Cách nhìn, cách nghĩ, hoàn cảnh và giọng điệu của Nguyễn Bắc Sơn trần trụi, ngang tàng trong cách xưng hô “tao – mầy”, rất thực, rất đời thường. Rượu cũng chỉ là “rượu đế Nùng” – như rượu gạo bình thường, nhưng của người Nùng ở Sông Mao sản xuất, chứ không quý phái, sang trọng như “bồ đào mỹ tửu(3) trong Lương Châu từ của Vương Hàn. Ở đây uống rượu trong hoàn cảnh thời tiết “gió núi mưa bưng”, “gió bụi mưa ngàn”, uống để bớt sợ “khi lên đường hành quân”, để bớt “hoang mang nhớ nhà”. Nhìn bạn bè cùng lứa với mình đi vào cuộc chiến, ngẫm nghĩ mà thương, xót đau vì bất hạnh: “Mày gởi một chân ngoài trận mạc/ Mang về cho mẹ một bàn chân/ Mẹ già khóc đến mù hai mắt/ Đời tàn trong lứa tuổi thanh xuân”, nhận ra cuộc sống vô nghĩa lý, không ý nghĩa, thấy tháng ngày trống vắng, “nhìn nơi nào cũng thấy hư vô”, gần như không chốn dung thân, lại mượn rượu đánh đổi thời gian: “Ta may mắn tay chân lành lặn/ Nhưng tâm hồn trống rỗng, bơ vơ/ Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu/ Tối nằm đánh vật với cơn mơ” (Căn bệnh thời chiến). Trong thơ ông, nhiều khi rượu là lẽ tử sinh, đời làm lính không nghĩ đến chết trận mà nghĩ chết vì rượu, để linh hồn “thành đom đóm, thành mây bay”: “Ngày vui đời lính vô cùng ngắn/ Mặt trời thoáng đã ở phương Tây/ Nếu ta lỡ chết vì say rượu/ Linh hồn chắc sẽ thành mây bay” (Mật khu Lê Hồng Phong).   

   Thế thái nhân tình

   Qua tập Chiến tranh Việt Nam và tôi, người đọc thường quan niệm ông là nhà thơ phản chiến, nhưng qua đời thơ của ông, ta bắt gặp ở đó một cây bút trữ tình thắm đẫm thế thái nhân sinh. Trong cảm xúc thơ Nguyễn Bắc Sơn luôn ấm nóng tình người cao đẹp: “Con đường phố người anh em tấp nập/ Một người này yêu một chút người kia/ Tay ấm trong tay chân ấm vỉa hè/ Trái tim ấm lửa tình người ấm áp” (Tiệc tẩy trần của người sống sót). Và nhận ra trong cuộc sống “Có tình bạn nồng nàn như rượu chôn nhiều năm dưới đất/ Có câu chuyện tình thi vị mang mang” (Mai sau dù có bao giờ). Cách gọi bạn bè “tao – mày” thường lặp lại trong thơ ông, nhưng ở đó là sự thân tình thương mến của kẻ giang hồ lãng tử: “Tiếc mày không gặp tao từ trước/ Ta cho mày say quất cần câu” (Tha lỗi cho ta). Và có lẽ chỉ có Nguyễn Bắc Sơn mới đưa tình bạn vào thơ với ngôn ngữ “bụi đời” mấy ai có thể nói như thế: “Dăm đồng rượu trắng vội bày ra/ Nhậu để khói sầu lên ngút ngút/ Đó là phương thuốc trị ngùi ngùi/ Đốt lòng uất hận cao ngùn ngụt/ Ngửi mày một tí xem làm sao/ Thân thể mày bay mùi binh đao/ Ngày trước mày hiền như cục đất/ Giờ mở miệng ra là chửi tục/ Hà hà ra thế con nhà binh/ Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt” (Bài hát khổ nhục). Thậm chí nói với người bạn đời mà ông yêu dấu có khi cũng vẫn cái giọng điệu ngôn từ đó: “Trước khi đến nhà phải trèo lên dốc/ Mối tình mình cay đắng biết bao/ Và tình yêu phải chăng có thật/ Hay chỉ là ảo vọng đâu đâu/ Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt/ Nhưng vì sao ta lại yêu em?/ Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột/ Ta quàng xiên nên đã sa chân” (Trên đường tới nhà Xuân Hồng). Khi thì suy ngẫm với những vô thường trong tình cảm lứa đôi: “Vì đàn bà người nào cũng như người nấy/ Nên ta bảo mình thôi hãy quên em/ Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy/ Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên” (Tình bạn và tình yêu).

   Tuy có lúc nói thế, nhưng trong thơ tình của Nguyễn Bắc Sơn vẫn luôn có những thăng hoa ngọt ngào, đằm thắm, tinh khôi thoát tục trong ngần khi cảm nhận từ “em”: “Cảm ơn em đã viết cho anh những bức thơ tình/ Tình thảo nguyên hoa quỳ vàng đắm đuối/ Em không nói tiếng người, em nói tiếng chim, em nói bằng tiếng suối/ Tiếng nói em thơm ngát suốt hồn anh/ Cảm ơn em đã đi cùng anh trong vườn xanh/ Vườn trĩu trái, trái hồng như trái ngực” (Thơ tình tháng Chạp). Đôi khi triết lý thăng hoa tính kỳ diệu không lý giải nổi cái chất si tình sét đánh: “Ta đọc ba nghìn quyển sách/ Xong rồi chẳng nhớ điều chi/ Ta chỉ nhìn em một cái/ Sao mà nhớ đến mê si” (Giai nhân và sách vở). Đọc thơ tình của ông, những câu thơ tình viết về “chị ấy” là những cảm xúc trân trọng, lắng đọng thiết tha: “Ai xuôi ngôi nhà em cất bên kia sông/ Khiến đời anh cứ mãi qua cầu cứ trèo lên dốc/ Bầu trời quá cao phải chăng lòng mình quá thấp/ Chiều mù sương vì tình yêu mù sương”. Để rồi tất cả cứ âm thầm lặng lẽ trôi qua hết sức nỗi niềm và mơ hồ từ cõi siêu nhiên, đẩy lên đến nhất nguyên thế giới, “Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế giới”, nhưng không mang yếu tố duy tâm, khi hiện thực vọng về với “Những chuyến xe đò đêm đêm băng ngang/ Rơi tiếng động khơi nỗi sầu viễn xứ/ Bầy chim én đã bắt đầu tư lự/ Ngủ âm thầm trên những đường dây cao” (Mùa thu đi ngang qua cây phong du). Tình cảm dành cho người tình trong không gian hết sức bình yên, vương vấn miên man, nghe sâu lắng lắm: “Cầm tay em chầm chậm bước qua sông/ Tà áo em buồm trắng đã căng phồng/ Những tình ý một đời chưa nói hết” (Nhị Hồng). Nguyễn Bắc Sơn xưa kia thuộc thành phần tài tử phong lưu, nhưng khi ông viết Nhị Hồng làm người đọc sau này gặp nhiều bỡ ngỡ: “Ta về với nhau vợ chồng không đám cưới/ Khi em thành sương phụ áo màu đen/ Anh bán đi chồng sách quý nuôi em/ Cuộc tình hai ta sao cũng buồn quá đỗi”, nhưng đó cũng chính là thiên tình sử lung linh đến từ những cảm xúc hiện thực trong tháng ngày đặc biệt riêng tư của chàng thi sĩ lãng mạn đa tình, với trái tim nồng nàn thật sự yêu đương. Ở đây cái chất ngang tàng “du đãng” trong ngôn từ không còn nữa, năm tháng đi qua, đến một ngày tất cả cũng đổi thay, đã chứng ngộ từ bi, những nỗi buồn kia không còn là định mệnh, tự mình giải thoát, đi về an nhiên: “Trong khu vườn nhà ta sáng hôm nay có nhiều lá mới/ Những lá già đã rã mục từ hôm qua” (Nhị Hồng).

   Yếu tố triết học, tôn giáo

   Nguyễn Bắc Sơn là nhà thơ đọc và suy ngẫm rất nhiều về triết học Đông phương, nhất là Kinh dịch và triết học Phật giáo. Con đường tìm hiểu tôn giáo không đứng bên ngoài nhìn vào đánh giá, mà thâm nhập thực hành chiêm nghiệm để chứng ngộ, có hành mới ngộ, với “Những tháng ngày ăn gạo lức muối mè chữa bệnh/ Tắm mình trong dòng triết lý cực Đông”. Phải “Mất bảy năm trời ta hiểu được Thích Ca/ Ôi nụ cười đã từng đêm ta mất ngủ” (Chân dung tự họa). Bảy năm để hiểu được Thích Ca đó là một cách nói, thực tế không đơn giản như vậy, nhưng ấy cũng là lúc ngộ ra nụ cười đức Phật – Đức Bổn Sư, nụ cười của bậc đại giác ngộ đi vào kinh điển thiên thu. Nụ cười đức Thế Tôn vượt lên trên những nụ cười mỗi lúc vui trong cuộc đời thường ở chốn dân gian để đến với an lạc, tự tại, lấp lánh ánh sáng ngũ sắc xóa sạch những vướng mắc khổ đau, tối tăm, bất tịnh. Cũng có thể gặp ở đó nụ cười của khất sĩ Ma Ha Ca Diếp, gạt bỏ những vướng bận để hướng về vẻ đẹp của hoa. Từng đêm mất ngủ để hiểu về nụ cười đức Phật, để cảm thấy “Hạnh phúc về như nước lấp con sông”, trong “Những ngày xem zen là lẽ sống” (zen tiếng Nhật gọi là thiền, phiên âm từ “ch’an” tiếng Trung Quốc). Yếu tố thiền đi vào thơ Nguyễn Bắc Sơn khá tự nhiên, bởi có những ngày ông “xem thiền là lẽ sống”. Nhưng ông có cách biểu đạt ngôn từ riêng không như những bậc cao nhân hiền triết khác. Đó cũng là phong cách, là đặc điểm – đôi khi thất thường riêng biệt của Nguyễn Bắc Sơn, tự cho “Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du/ Trôi qua tháng, trôi qua ngày, trôi trên cuộc đời huyễn mộng/ Trôi từ chiếc nôi ru đến nấm mồ/ Trên trái đất có rừng già, núi non cùng sông biển/ Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ/ Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/ Hoặc làm tu theo khí hậu từng mùa” (Chân dung tự họa). Ông nói thế để bộc lộ với mình không lầm tưởng là kẻ siêu phàm mà cũng là con người của đời thường có chút bụi đời thế tục. Khi ông đề cập đến bậc chân tu mà ông tôn kính cũng với ngôn ngữ đời thường: “Một sớm phiêu bồng qua bến sông/ Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng/ Phật cũng khổ như người khốn khổ/ Cúi đầu quay lại bên này sông” (Qua sông). “Qua sông” mang tính biểu tượng, là thao tác giã từ chốn cũ tìm về duyên phận mới, cuộc sống mới – như ca dao đã từng ẩn dụ qua hình ảnh “con sáo sang sông”, nhưng ở đây khác, nhà thơ bềnh bồng “qua sông” tìm về thế giới an lạc, trong diệu pháp từ bi rộng lớn nhà Phật, khi ấy lại ngộ ra Phật ở ngay trong cõi ta bà, cũng khổ đau trước bể khổ của nhân quần trong thế giới này, không thể trốn chạy, nên trở về với thực tại, “Cúi đầu quay lại bên này sông”.

   Ông thường triết lý về sự đời, đối chiếu, ẩn dụ tinh tế sâu sắc về những hiện tượng đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống chung quanh, “một chàng dế nhủi” sống “trong góc nhà” còn biết lắng nghe tiếng sáo, “một con cá tràu già” trong đáy giếng còn biết thao thức “chơi đùa cùng ánh trăng”, trong khi đó con người tự vinh danh lại kém xa những sinh vật kia: “Bên cạnh nhà tôi/ Sống một kẻ láng giềng/ Y thường phóng uế trước nhà/ Khi con gà của Y đi lạc/ Y nhìn vào nhà tôi/ Và chủi thề như máy”. Rồi ông thẳng thừng đặt vấn đề với thành phần háo danh trơ trẽn nhởn nhơ thô bỉ huyênh hoang: “Nếu chúng ta tự đáy lòng/ Không mảy may yêu người hàng xóm/ Vậy hi sinh vì cách mệnh còn nghĩa gì?” (Viết tặng những nhà cách mệnh giả hình trong thời đại tôi). Với cách nhìn ấy, ta bắt gặp ở ông tấm lòng từ bi độ lượng, trân trọng thành kính trước mọi hiện tượng, mọi sự vật đem lại ý nghĩa cho đời, để rồi cảm xúc tan biến vào ba nghìn thế giới: “Một ngày kia Y chiêm bái đồng lúa chín vàng/ Và nhìn thấy lòng hảo tâm của trời đất (…) Y chiêm bái ngọn bấc đèn/ Và tìm thấy sự ấm áp vô cùng của lửa/ Y chiêm bái hạt muối trắng tinh/ Y chiêm bái hạt mè đen bóng/ Có lần Y chiêm bái hạt mưa/ Trong hạt mưa có khuôn mặt trẻ con/ Cùng đôi mắt chim người nữ/ Y bỗng rùng mình biến thành vũ trụ” (Ở đời như một nhà thơ Đông phương).

   Tác giả, tác phẩm và dư luận – Thay lời kết

   Như trên đã nói, ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn, Nguyễn Bắc Sơn đã được bạn đọc nói chung và giới sáng tác, phê bình văn học ở miền Nam nói riêng đánh giá, khẳng định ông tư cách một nhà thơ.

   Nguyễn Mạnh Trinh cho rằng: “Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn – một chân dung thi ca đặc biệt của văn học Việt Nam. Một đời văn chương. Một thời văn học. Nguyễn Bắc Sơn có thể được coi như một trong những nhà thơ của 20 năm văn học miền Nam tiêu biểu nhất. Thơ cũng phiêu hốt như cuộc đời thi sĩ phiêu bồng […] Tôi đọc bài thơ “Mật khu Lê Hồng Phong” lần đầu trên tạp chí Khởi Hành vào khoảng năm 1969 khi đang ở quân trường Nha Trang. Những câu thơ làm tôi nhảy dựng khỏi giường trong cái cảm khái bừng bừng của một phút giây liên tưởng mà bây giờ tôi vẫn còn mường tượng được. Thơ như không phải ai khác mà như từ cõi thiên thu lồng lộng vọng về.” (Chiến tranh Việt Nam và tôi, một đời, một thuở… - Nguyễn Mạnh Trinh)(4).

   Nguyễn Văn Hiếu cảm nhận: “Những bài thơ xa như tiền chiến, xưa như Đường thi, nhưng kỳ lạ thay, mới tinh và gần gũi như sáng hôm nay. Thật vậy, sự xuất hiện kỳ lạ của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã làm không biết bao nhiêu thi sĩ kết tình, những nhà văn, những nhà phê bình văn học yêu thích chỉ vì Nguyễn Bắc Sơn đã tinh luyện tâm tình mình vào trong những xót đau tưởng nhớ về tình sông nghĩa núi, cũng tìm đến nhau bằng cả tấm lòng. Tấm lòng chân thật của con người có tình thương, có tình đồng loại.” (Thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn từ Khu rừng Lau đến Khu rừng Phong Du – Nguyễn Văn Hiếu)(5)

   Nguyễn Lê Uyên trong Nguyễn Bắc Sơn và tiếng thơ bi hài (tháng 6/2005) viết: “Khoảng cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giữa những người làm thơ tự do “làm dáng”, những người làm thơ tranh đấu theo kiểu “hiện thực nửa mùa, khẩu hiệu”, bỗng xuất hiện lẻ loi một khuôn mặt mới toanh, có phong cách thơ ngang tàng, khẩu khí, khinh khoái đúng với chất hiện thực phơi bày nhan nhản trong cuộc sống khốn đốn thời bấy giờ, rất không giống ai. Đó là trường hợp Nguyễn Bắc Sơn. […] Nói về Nguyễn Bắc Sơn và thơ Nguyễn Bắc Sơn thì còn muôn trùng điều để nói, để chọc xẻ và ngắm nhìn, để phanh thây và quàng vai. Công việc đó xin mượn lời của các cụ nhà văn đã từng nói, viết về anh:

   “Phong thái ngang tàng mà khinh khoái, chết thì thôi, còn sống thì còn vui. Chẳng những trước khi đụng trận một ngày, mà trước khi hành quân một giờ, Nguyễn Bắc Sơn cũng thản nhiên “khơi khơi chấp hết” (…) Chiến tranh đối với họ đã trở thành chuyện cơm bữa, không còn lý do gì để đại ngôn, lớn lối nữa” (Võ Phiến, Bách Khoa số xuân Canh Tuất).  

   “… Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn tôi có liên tưởng đến tiếng thơ Quang Dũng trong bài “Tây Tiến”, chỉ khác thơ Quang Dũng là kết tinh của một hoàn cảnh bi hùng, còn thơ Nguyễn Bắc Sơn là kết tinh của một hoàn cảnh bi hài”. (Doãn Quốc Sỹ, Văn số 185 ngày 1.9.1971).  

   “… Có cái ngang tàng đượm màu sắc Lão Trang, đánh giặc không cần lý tưởng mà vẫn đánh, coi cuộc chiến như trò chơi, thương xót kẻ thù như ruột thịt”. (Chu Tử, tuần báo Đời số 9 tháng 11.1969).  

   “Mấy bài thơ viết về chiến tranh có cái hào sảng, bi đát của Quang Dũng. Bài “chân dung Nguyễn Bắc Sơn” thật hay. Đọc được bài thơ hay thấy sung sướng cả ngày”. (Viên Linh, thư riêng ngày 27.11.1969)(6)

   Đỗ Hồng Ngọc trong “Thy đạo” của Bắc Sơn (2009): “Hồi đó anh gửi tôi tập bản thảo lạ: Thy đạo. Thy viết hoa với chữ y dài và ghi chú thêm: Essays on the Tao of poetry. Anh nói: Đây là vài chương sơ thảo. Đã có Kinh thi, lẽ nào không có Thy đạo? Tôi lật thử trang đầu:

   “Sao gọi là Thy đạo? Đạo là con đường đưa ta đến cõi miền Chân Thiện Mỹ, với miền thân tâm thường an lạc. Cõi bờ chân hạnh phúc. Có nhiều con đường đi lên đỉnh núi, hãy chọn con đường phù hợp với riêng anh, nhưng cũng có một con đường chung nhất, là con đường tươi mát lá cây xanh. Con đường thi ca, con đường của âm thanh du dương, dìu dặt, của thanh âm hài hòa hảo hợp. Con đường của diệu âm, ẩn ngữ, mật ngữ:

   Thế gian ngôn ngữ nguyên phi chân
   Nguyện ngộ Như lai chân thật ngữ”.(7)

   Vị trí nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn không dừng lại ở một địa phương, mà sự nghiệp sáng tác của ông nằm trong dòng chảy của văn học dân tộc, không chỉ tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi, đánh dấu một thời kỳ lịch sử đầy biến động, biểu đạt bằng giọng thơ vô cùng độc đáo, mà những bài thơ sau này, với những cung tầng triết lý, sâu lắng một phong cách nhà thơ Đông Phương. Thơ Nguyễn Bắc Sơn tuy số lượng không nhiều, nhưng cần có những nghiên cứu chuyên sâu và giải mã về khối đề tài tương đối phong phú với những ý niệm, tư tưởng khá phức tạp.

                                                                   Mùa thu 2022

                                                                      

____________  

   (1) 3 đầu sách của ông: Chiến tranh Việt Nam và tôi (tập thơ), NXB Đồng Dao ấn hành năm 1972, giấy phép kiểm duyệt phát hành số 12/UBKD/V4CT ngày 06 tháng 4 năm 1971; Ở đời như một nhà thơ Đông phương (tập thơ) với 24 bài, nhiều bài lấy lại trong Chiến tranh Việt Nam và tôi, NXB Đồng Nai, 1995, sau NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tái bản (quý I, 2022) và tập Nguyễn Bắc Sơn – tác phẩm và dư luận, NXB Hội Nhà văn, 2019, gồm những bài thơ trong tập Chiến tranh Việt Nam và tôi và 44 bài thơ rời viết từ sau 1972 đến khi ông qua đời, với 11 bài viết về Nguyễn Bắc Sơn của: Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Hồng Lam, Mai Sơn, Võ Phiến, Nguyễn Đông Nhật, Đặng Tiến, Đỗ Hồng Ngọc, Anh Ngọc. Những đầu sách xuất bản sau 1975 đều do bạn bè yêu quý tập hợp và xuất bản cho ông.

   (2) Nguyễn Bắc Sơn – Đặng Tiến – Orléans, ngày 11/9/2005 – Nguyễn Bắc Sơn, tác phẩm và dư luận – Sđd;

   (3) Trích Lương Châu từ của Vương Hàn: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi./ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.” – Vương Hàn (687–726) tự Tử Vũ người Tấn Dương, Tinh Châu, Sơn Tây. Năm 710 ông đậu tiến sĩ và ra làm quan. Bài từ này Vương Hàn làm năm 713. Bồ đào tửu là rượu nho, còn gọi rượu vang, có nguồn gốc từ khoảng 9.000 năm trước vùng Cận Đông (cuối thời kỳ Đồ đá mới), về sau phổ biến dần đến Hy Lạp và Ai Cập cổ đại, rồi truyền sang Trung Quốc. Đến đời nhà Đường (618 - 907), bồ đào tửu vẫn còn là vật quý, chỉ dành cho vua chúa; đến tận triều đại nhà Tống (960 - 1279) mới được các tầng lớp quý tộc sử dụng phổ biến. (theo vuongtrunghieu@gmail.com - thanhnien.vn/bo-dao-tuu-da-quang-boi…);

   (4), (5), (6), (7): Nguồn trích từ Nguyễn Bắc Sơn – tác phẩm và dư luận, NXB Hội Nhà văn, quý 3.2019.