Mãi một tình yêu thanh nhạc

04/01/2023 00:00
877

MINH TRÍ


Đối với mỗi người, niềm đam mê một lĩnh vực, một công việc dễ dẫn đến thành công. Bởi khi đam mê, người ta sẽ để toàn bộ tâm trí, sức lực, thời gian vào công việc ấy và kiên trì thực hiện. Với Thi Phương, niềm đam mê ấy, chị dành cho âm nhạc.

   Yêu thích ca hát từ nhỏ

   Cô bé Nguyễn Thi Phương thích ca hát ngay từ những ngày học tiểu học. Phương thường xuyên tham gia những chương trình văn nghệ của Trường suốt những năm học phổ thông. Học xong phổ thông, Phương có 3 năm làm việc ở Sở Văn hóa- Thông tin Thuận Hải. Yêu thích ca hát, Phương đã thi vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành Âm nhạc, khi Trường tổ chức lớp tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1985.

   Thi Phương sớm có duyên với các giải thưởng âm nhạc. Năm 1982, chị đạt Giải Nhất Cuộc thi Giọng hát vàng Thị xã Phan Thiết. Năm 1986, chị nhận Huy Chương Vàng tại Cuộc thi “Tiếng hát Sinh viên” Thành phố Hồ Chí Minh.

   Việc ca hát và ngâm thơ

   Có một điều đáng nhớ trong nghề nghiệp của chị, đó là, ngay trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, chị đã được Đoàn Văn công Quân khu 7 tuyển vào làm ca sĩ, từ năm 1988. Buổi sáng, chị học tại Trường Đại học; chiều, chị tập với Đoàn Văn công; tối, có nhiều đêm đi diễn cùng Đoàn. Nghệ danh Thi Phương gắn với chị từ đây. Ngoài việc đi hát phục vụ bộ đội ở các đơn vị trong Quân khu, chị còn được tham gia diễn phục vụ bộ đội ở Campuchia và biên giới (Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh).

   Chị khó quên kỷ niệm 20 ngày đi biểu diễn cùng Đoàn Văn công Quân khu 7 trên đất nước Campuchia vào năm 1988. Đã có sĩ quan người Campuchia sau khi nghe chị hát bài Em là người ca sĩ bằng tiếng Campuchia đã rất xúc động, đã lên khen và tặng hoa cho chị. Năm 1989, chị cùng Đoàn diễn phục vụ bà con ở Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Những chuyến đi diễn ở thời điểm ấy đã để lại những cảm xúc đằm sâu, khó quên trong ký ức Thi Phương.

   Về lại quê hương từ năm 1990, chị liên tục làm việc trong ngành văn hóa. Từ đây, chị có điều kiện đem lời ca, tiếng hát của mình phục vụ bà con trong Tỉnh. Thi Phương được khán thính giả trong Tỉnh Bình Thuận biết đến với giọng hát trong trẻo, đầy nội lực, rất truyền cảm. Nếu ở độ tuổi 18, chị đã rất thành công khi thể hiện ca khúc Xa Khơi của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Bài hát đã giúp chị nhận được Giải Nhất Cuộc thi Giọng hát Vàng Phan Thiết năm 1982; ở độ tuổi 22, chị đã xuất sắc nhận Huy chương Vàng Tiếng hát Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh với ca khúc Đất nước lời ru của nhạc sĩ Văn Thành Nho; thì sau này, khi về quê hương, chị đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua những ca khúc Lòng Mẹ Bình Thuận đất ấm tình người của Nhạc sĩ Thắng Liêm. Ca khúc Bình Thuận đất ấm tình người đã được nhạc sĩ Thắng Liêm sáng tác dựa trên chất liệu dân ca Trung Bộ. Ca sĩ Thi Phương, bằng kỹ thuật thanh nhạc cùng tình cảm của mình đối với quê hương, đã có sự thể hiện trọn vẹn, ngọt ngào theo những giai điệu, ý tình mà nhạc sĩ đã viết. Nhiều khán thính giả Bình Thuận đã rất xúc động khi nghe ca sĩ Thi Phương hát Bình Thuận đất ấm tình người Lòng mẹ. Cũng chính với sự thể hiện hai ca khúc này, chị đã nhận được hai Huy chương Vàng Liên hoan Tiếng hát Miền Đông Nam bộ trong hai năm 1991, 1992.

   Chị bộc bạch: “Người ca sĩ khi thể hiện bài hát phải đặt mình vào nhân vật với tâm trạng, hoàn cảnh trong bài hát. Để hết tình cảm, tâm hồn của mình vào bài hát, người hát mới có thể tạo sự rung cảm trong lòng người nghe. Khi Phương hát, Phương như kể một câu chuyện với khán giả đang đối diện với mình, nghe mình tâm sự, cảm xúc ấy rất chân thật”.      

   Không chỉ thế, Thi Phương cũng đã thể hiện rất thành công những ca khúc Tiếng Người, tiếng núi sông (Nguyễn Hải), Thương anh chín đợi mười chờ (Minh Đức), Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa), Về quê (Phó Đức Phương), Ca dao em và tôi (An Thuyên), Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh), cùng rất nhiều những ca khúc khác.

   Ngoài vai trò là một ca sĩ, Thi Phương còn được khán thính giả biết đến là một nghệ sĩ ngâm thơ rất ngọt ngào. Rất nhiều đêm thơ nhạc trong Tỉnh đã có sự tham gia biểu diễn của chị: Những đêm thơ Nguyên tiêu, những đêm thơ Hàn Mặc Tử ở Tháp Pô Sah Inư, những đêm thơ giới thiệu những tập thơ mới của các nhà thơ trong tỉnh, những đêm thơ- nhạc biểu diễn những tác phẩm của những nhạc sĩ – nhà thơ trong Tỉnh…Với vốn kiến thức âm nhạc dân tộc, chị vận dụng, đưa những làn điệu hát ru ba miền, những điệu hò vào khi ngâm những bài thơ. Những điệu ngâm của chị từ đó phong phú hơn, uyển chuyển, mượt mà, truyền cảm hơn, lời thơ dễ đi vào lòng người. Từ đây, chị lại có những trải nghiệm thực tế để truyền đạt lại cho người có nhu cầu học hỏi loại hình biểu diễn khá chuyên biệt này.

   Là cán bộ quản lý văn hóa

   Là người được đào tạo căn bản về âm nhạc, chị sớm được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý văn hóa. Sau một năm làm Cán bộ Phòng Văn nghệ Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Thuận Hải, chị đã đảm nhiệm Phó Phòng rồi Trưởng phòng Nghiệp vụ Nhà Văn hóa triển lãm tỉnh Bình Thuận; Trưởng phòng Nghiệp vụ - Đào tạo Trung tâm Văn hóa- Thông tin Tỉnh; rồi Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tỉnh trong rất nhiều năm (1997 - 2016), Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Tỉnh từ 7/2016 đến khi nghỉ hưu, 11/2017.

 

   Chị đã dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật rất nhiều Chương trình nghệ thuật tham dự Liên hoan, Hội thi, Hội diễn Văn nghệ quần chúng Khu vực, Toàn quốc từ 1996 đến 2017, đạt nhiều thành tích cao. Chị cũng đã rất nhiều lần đưa Đoàn Nghệ thuật quần chúng của Tỉnh ta tham dự Liên hoan Tiếng hát Làng Sen tại Nghệ An. Trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn (1959 – 2009), chị cũng đã đưa Đoàn nghệ thuật quần chúng của Tỉnh ta tham gia chương trình nghệ thuật này chung với các đoàn bạn.

   Với kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình, ca sĩ Thi Phương đã được mời tham gia làm Giám khảo rất nhiều Hội thi, Hội diễn nghệ thuật quần chúng của các ngành, các Trường học trong Tỉnh liên tục trong nhiều năm qua.

   Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Bình Thuận, năm 2005, Sở Văn hóa -Thông tin Bình Thuận tuyển chọn, thực hiện 5 CD những bài hát về Bình Thuận, với 60 ca khúc. Nhạc sĩ Thắng Liêm, ca sĩ Thi Phương cùng nhà thơ- nhạc sĩ  Đỗ Quang Vinh là những người biên tập các CD này. Trong đó, Thi Phương đã hát 6 ca khúc.

   Với những đóng góp sôi nổi, bền bỉ, hiệu quả cho hoạt động văn hóa- nghệ thuật tỉnh nhà, chị đã nhận được những khen thưởng bậc cao: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015; 2 Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào các năm 2010, 2015; cùng rất nhiều Bằng khen khác của cấp Bộ, Ngành, Tỉnh.

   Dạy thanh nhạc, niềm đam mê lớn

   Ca sĩ Thi Phương trải lòng: Chị hợp với vai trò là một cô giáo dạy thanh nhạc. Bởi khi lên lớp trước các em học sinh, trước những người lớn tuổi có nhu cầu học hát, chị thấy lòng mình vui nhất. Với chị, niềm vui ấy thật khó tả. Chị thích nghề dạy, vì chị thấy ở vai trò này, chị có thể góp một phần công sức của mình khi tạo thêm niềm vui cho các em, cho cả người lớn, qua âm nhạc.

   Chị, người ca sĩ lớp trước, vui khi thấy nhiều học sinh được mình dìu dắt, đã trưởng thành. Có không ít em gặt hái thành công trong chuyên môn, trong nghề nghiệp, trong việc đào tạo thế hệ tiếp theo. Thầy giáo – Ca sĩ Minh Đức (Phan Thiết) thuộc lớp học viên thanh nhạc chị hướng dẫn những ngày chị mới về địa phương công tác. Em Hạnh Tiên (trước ở Hàm Thuận Nam), đang học Cao học thanh nhạc ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang mở hai Trung tâm dạy thanh nhạc ở Thành phố; ca sĩ Bích Thủy (trước ở Tánh Linh), tham gia Đoàn Nghệ thuật Biên phòng ở Hà Nội; Ca sĩ Quỳnh Hương, học Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, làm ca sĩ tự do… đã từng học thanh nhạc với sự hướng dẫn của chị.

   Âm nhạc vẫn luôn tạo những niềm vui, sự chia sẻ, đồng cảm, có sức hút lớn đối với đông đảo mọi người thuộc nhiều thế hệ. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu học thanh nhạc tìm đến với chị rất nhiều. Chị vẫn dành thời gian để hướng dẫn cho những anh chị em có nhu cầu học thanh nhạc, cả khi chị còn đang đảm nhiệm vai trò quản lý, cho đến nay, khi chị đã nghỉ hưu. Chị cũng dạy nhạc cho học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Lợi, Thành phố Phan Thiết thời gian qua. Con chị, có cháu học đại học theo chuyên ngành của mẹ, có cháu cũng đã đi theo nghề của mẹ, làm việc ở lĩnh vực nghệ thuật.

   Những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, được trò chuyện cùng ca sĩ Thi Phương, được nghe chị trải lòng, người viết cũng thấy vui theo những điều chị thổ lộ.

   Ca sĩ Thi Phương vẫn mãi ấm nồng tình yêu với âm nhạc. Lời ca, điệu hát đã gắn bó với chị từ thuở ấu thơ mãi đến tận bây giờ. Hiện, chị vẫn đang ngày ngày tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê âm nhạc cho những lớp đàn em, những người cần đến chị. Chị thật sự hạnh phúc khi được hướng dẫn các em những điều chị đã học được từ những người thầy, người cô của mình lúc chị ở độ tuổi đôi mươi và cả những điều mới mẻ về nghề, chị được tiếp nhận sau này. Vui với những thành công của lớp đàn em, người có nhu cầu tìm hiểu về thanh nhạc, chị vẫn trông cho các em tiến bộ mỗi ngày. Bởi, người ca sĩ ấy vẫn luôn lạc quan nhìn về những điều tốt đẹp đến với những thế hệ tương lai.