Nhìn lại chặng đường hoạt động của Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình

07/05/2023 20:24
513

LÂM TẤN BÌNH


 

Cách đây hơn 40 năm, trong ký ức của tôi luôn hiện về một dấu ấn kỷ niệm đặc biệt  khó quên trong đời. Đó là được làm diễn viên tham gia buổi biểu diễn chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa dân gian Chăm nguyên gốc từ phong trào văn nghệ quần chúng của huyện nhà Bắc Bình do chính bàn tay của cố đạo diễn Nguyễn Hải Liên, nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thuận Hải biên tập và dàn dựng. Chương trình nghệ thuật tập hợp đầy đủ các nghệ nhân, diễn viên và cả các vị chức sắc tiêu biểu như cố sư cả Kain Đàng Hoài, cố sư cả Kadhar Đinh Dụ, cố nghệ nhân Đào Bổ. Sư cả Maduen Cửu Lạc hiện là nhân chứng sống, được vinh dự biểu diễn phục vụ Hội nghị triển khai Chỉ thị 121 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 12/5/1982 Về công tác đối với “đồng bào Chăm” do Huyện ủy Bắc Bình tổ chức ngay tại trường Đảng ở Sông Mao, thuộc xã Hải Ninh trong một Hội trường làm bằng gỗ, được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng của đại biểu sau mỗi tiết mục biểu diễn.

   Chính điểm xuất phát đó là tiền đề để Đoàn nghệ thuật bán chuyên Chăm huyện Bắc Bình được UBND huyện ký Quyết định ra đời vào ngày 26/12/1989 trong niềm hân hoan phấn khởi và đầy lòng tin của đồng bào Chăm trong và ngoài huyện. Bản thân tôi lúc ấy là Trưởng ban Thư ký HĐND xã Phan Hiệp được UBND huyện ra Quyết định điều động lên làm Trưởng Đoàn vào tháng 2/1990 cùng với 20 anh chị em diễn viên và nghệ nhân gồm đủ thành phần (4 giáo viên, 2 cán bộ y tế, 3 nhân viên đội Thông tin lưu động huyện và 11 cộng tác viên là nghệ nhân và diễn viên từ phong trào văn nghệ quần chúng 3 xã Chăm trong huyện). Chính bắt nguồn từ nơi đây đã trở thành cầu nối lan tỏa cho việc tiếp tục ra đời của 2 Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dân tộc Chăm của 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận được tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

   Một điều đáng nói là, Đoàn nghệ thuật không chuyên ở cấp huyện trải qua nhiều thế hệ Trưởng đoàn, nghệ nhân và diễn viên không hề được hưởng lương, chỉ bằng một khoản thù lao ít ỏi do một phần nhân dân ủng hộ để động viên cho mỗi lần tham gia hoạt động nhưng Đoàn vẫn được duy trì đứng vững cho đến ngày hôm nay và hoạt động phát triển theo hướng nâng cao chất lượng nghệ thuật và cả nguồn lực diễn viên, nghệ nhân.  

   Điều đó được khẳng định khi Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình nhiều lần được tỉnh chọn làm nòng cốt để xây dựng Chương trình nghệ thuật tham gia Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Chăm toàn quốc, đó là vào các năm 2000 tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2004 tại Thủ đô Hà Nội, 2012 tại Ninh Thuận (lần 2) và tại tỉnh An Giang vào năm 2016. Tham gia 2 lần Liên hoan Tiếng Hát từ Làng Sen, Ngày hội sắc xuân văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô Hà Nội (2 lần), tham gia Ngày Hội Văn hóa các dân tộc toàn quốc vào tháng  9/1990, tham gia Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc toàn quốc tại Phú Yên năm 1995 và giao lưu văn hóa với các tỉnh bạn như Sóc Trăng, Đồng Nai, Tuyên Quang, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Ngoài ra, hàng năm Đoàn còn duy trì biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị cho đồng bào các xã miền núi, vùng sâu vùng xa vào các dịp Lễ, Tết và ngày hội truyền thống.

   Qua mỗi đợt tham gia ngày hội và liên hoan cấp khu vực, toàn quốc Đoàn đều đạt được nhiều huy chương vàng, bạc và bằng khen, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, trở thành nét đặc trưng về Văn hóa Nghệ thuật của Huyện và Tỉnh, đóng góp thành tích xứng đáng cho ngành Văn hóa Thông tin huyện nhà đạt được Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2004 và đón nhận cờ Thi đua cấp Bộ, nhiều năm liền được Bộ Văn hóa và UBND tỉnh tặng Bằng khen.

   Có thể nói, những kết quả hoạt động của Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình trong thời gian qua đã xây dựng được nền tảng, môi trường để nuôi dưỡng phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, sản sinh được nhiều hạt nhân diễn viên nòng cốt, đóng góp cho việc hình thành Đoàn nghệ thuật dân tộc Chăm mang tính chuyên nghiệp của tỉnh (Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh), nhưng Đoàn vẫn luôn duy trì hoạt động phong trào tại địa phương không hề tan rã, đó là điểm rất đáng khen ngợi. Điều đó được chứng minh thêm một mô hình câu lạc bộ văn nghệ thiếu nhi Chăm của huyện nhà đã ra đời vào ngày 20/7/2017 gồm 60 em thiếu niên có năng khiếu tham gia hoạt động biểu diễn mang đậm nét văn hóa đặc trưng Chăm gây nhiều ấn tượng xúc động. Đây cũng chính là nguồn để bổ sung thế hệ diễn viên cho Đoàn được đứng vững. Theo tôi đó là một sự nỗ lực quyết tâm rất lớn cả về mặt chủ trương quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, nhất là ngành chức năng chủ quản cùng với lòng nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm cao của những người trực tiếp tham gia hoạt động đã tạo nên một bề dày thành tích của Đoàn hiếm thấy so với cả nước.

   Những thành quả đáng kể ấy của Đoàn qua thời gian dài hoạt động, có sự đóng góp công sức và nghĩa tình sâu đậm của những người đi trước, đó là cố đạo diễn sân khấu Nguyễn Hải Liên, nguyên là Phó Giám đốc sở VHTT tỉnh Thuận Hải lúc bấy giờ, trong giai đoạn đầu hết sức khó khăn nhưng đã kiên trì tìm cách tác động thuyết phục với lãnh đạo huyện đi đến thống nhất quan điểm thành lập được Đoàn Chăm đó là chủ trương đúng đắn, rồi trực tiếp biên kịch, đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật, kịch mục có tầm cỡ chuyên nghiệp trong điều kiện kinh phí đầu tư rất khó khăn, phải thực hiện phương châm xã hội hóa để dìu dắt Đoàn hoạt động giới thiệu trong phạm vi cả nước suốt thời gian dài, bên cạnh có sự cộng lực nhiệt tình của cố NSND Biên đạo múa Đặng Hùng và NSƯT, NS. Amưnhân… là những người đã biết hy sinh tận tụy giúp cho Đoàn được trưởng thành về chuyên môn nghệ thuật. Trong đó, đặc biệt là sự quan tâm sâu sát của Huyện ủy và UBND huyện Bắc Bình trực tiếp là Anh Đinh Quang Toại nguyên Bí thư Huyện ủy và anh linh của anh Lâm Quang Hiền nguyên Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ và mãi cho đến khi về làm Giám đốc Sở VHTT&DL đều luôn có mặt cùng với Đoàn trên hàng ngìn cây số, thường xuyên thăm hỏi động viên khích lệ tinh thần và truyền cảm xúc cho từng diễn viên nên đã giúp cho Đoàn được đứng vững đến ngày hôm nay.

   Từ thực tế hoạt động của Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình trong thời gian 34 năm qua là một chặng đường rất dài về lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi, điều đó đã nói lên được tính xã hội hóa cao trong việc thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng tại địa phương. Sự quan tâm trực tiếp của lãnh đạo các cấp và sự đồng tình ủng hộ của đồng bào Chăm trong thời gian qua đối với đoàn là yếu tố tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý, tư tưởng tình cảm của các em diễn viên, cả gia đình và cộng đồng người Chăm, nâng cao một bước nhận thức và có trách nhiệm đóng góp để bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

   Đây là một mô hình nghệ thuật không chuyên hiếm thấy đối với cấp huyện so với cả nước, duy trì được một đoàn nghệ thuật dân gian không ăn lương với thời gian hoạt động 34 năm không phải địa phương nào cũng làm được. Do vậy mô hình này cần được Nhà nước và ngành chức năng quản lý chuyên môn các cấp, nhất là UBND huyện Bắc Bình và Sở VHTT&DL phải thực sự quan tâm, vận dụng các giải pháp thích hợp bằng các định mức nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư nuôi dưỡng phù hợp với yêu cầu hoạt động của Đoàn trong giai đoạn hiện nay: Như chế độ thù lao cho diễn viên, kinh phí xây dựng chương trình nghệ thuật đặc trưng và chính sách ưu đãi quan tâm đào tạo  trình độ chuyên môn cho số diễn viên nòng cốt có tâm huyết để có điều kiện cho Đoàn tiếp tục duy trì hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng nghệ thuật, tập trung khai thác vốn văn hóa nghệ thuật dân gian đặc trưng của dân tộc để phục vụ thu hút khách tham quan du lịch theo định hướng của huyện, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong giai đoạn xã hội phát triển, góp phần làm tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng đã đề ra “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.