Văn hóa Tết ở Phan Thiết – Bình Thuận

22/01/2021 08:49
2542

VÕ NGỌC VĂN.   

     Tết Nguyên Đán là dịp cúng lễ tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên đầu năm mà cũng là cho cả năm nên bàn thờ gia tiên mỗi nhà đều phải đẹp đẽ, tinh tươm. Đôi chân đèn, cổ đổng, lư hương bằng đồng được lau chùi sáng bóng, nhà nào không có đồ đồng thì có đồ sành sứ cũng được lau bụi sạch sẽ. Ngày nay, việc lau chùi đánh bóng đồ đồng đã có mấy ông thợ chuyên nghiệp, cứ 25 tháng Chạp trở lên xách bộ chân đèn ra sắp hàng chờ ông ta làm “rẹt rẹt” với miếng chùi quay tròn gắn với cái mô - tơ, xong trả tiền là có bộ chân đèn sáng bóng mang về. Nhanh và tiện đấy, song sao tôi cứ nhớ mãi hình ảnh của mình, một cậu học trò trung học, gần tới Tết là lui cui chà đi sát lại miếng khế chua vào bộ đồ thờ bằng đồng, chà đến mỏi tay mà sao nó vẫn chưa sáng bóng !...



  Lau chùi đánh bóng chân đèn lư nhang, bài trí xong là lo tới việc đơm bình bông, nãi quả. Ngày trước hoa nói là bông vì thời nhà Nguyễn kỵ chữ “hoa” nên bình hoa nói là bình bông. Còn nãi quả là nải chuối và trái cây.

  Ở Bình Thuận xưa bông để cúng ngày Tết phải là trường sanh và vạn thọ với lòng mong muốn cho cuộc sống được trường tồn và cao tuổi thọ. Trường sanh là loại bông đặc biệt chỉ nở vào dịp Tết, được gieo cấy từ Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Â.L), đến tháng Chạp thì cây cao lớn đơm bông, giáp Tết khoảng 27, 28 tháng Chạp thì người ta cắt thân cây (không nhổ cả bụi rễ) mang ra chợ Tết, vậy mà mua về còn phải cắt bớt cho hợp với chiều cao của lục bình lớn nhỏ, cây vẫn tươi tốt theo đúng nghĩa “trường sanh” và bông búp nở vàng trong Tết. Những năm gần đây có loại trường sanh lùn bông đỏ (có nơi còn gọi là cây “sống đời”), người ta cấy trồng vào từng chậu để chưng Tết, đó không phải là bông cúng. Thuở trước, trường sanh được trồng nhiều ở vùng Phú Hội, Đại Nẫm đủ cung cấp cho cư dân phố chợ và miền biển Phan Thiết, còn các vùng nông thôn ngoại thị thì nhà nào cũng có năm bảy bụi để đơm ba ngày Tết. Ngày nay, ít người biết đến ý nghĩa đơm bông trường sanh, người ta thay vào đó các loại hoa đẹp hơn, sắc màu rực rỡ. Vùng Phú Hội, Đại Nẫm là đất vàng đất bạc cho cây thanh long, nên cây trường sanh nay chuyển qua vùng trồng bông đất cát động Tiến Lợi để cung cấp cho một số nhà còn giữ theo nếp cha ông đơm trường sanh trên bàn thờ gia tiên ngày Tết.

  Nếu trường sanh ngày càng thu hẹp như vậy thì cây vạn thọ coi mòi lại có cơ phát triển, bởi thuở trước chỉ có giống vạn thọ trồng vào dịp Tết thì cho bông “xây” với 2 loại bông có màu đỏ vàng rực rỡ, còn trồng vào thời tiết khác thì bông bị “tè” và ít có bông, song ngày nay đã có bông vạn thọ trồng quanh năm, tuy thân lùn hơn song bông cũng ra to tròn đều đặn; Rằm, Mùng một tháng nào cũng có bông vạn thọ đơm lên thờ cúng. Thuở trước, cây bông vạn thọ là cây báo hiệu mùa Tết; vào khoảng rằm tháng 10 Â.L, ngọn gió bấc hiu hiu thổi về cũng là chấm dứt mùa mưa, các vùng “đất im” bắt đầu cho vụ rau màu Đông Xuân thu hoạch bán vào dịp Tết, trong đó ở vùng đất cát thì nhà vườn nào cũng xuống giống cấy ra vài lãnh bông vạn thọ để cung cấp cho vùng dân cư tại chỗ trong dịp Tết, như ở Phan Thiết có vùng đất động Tiến Lợi, vùng đất động Giá Phú Trinh, vùng đất động Cây Cám, xóm Khoai, xóm Đầm (Phú Thủy), ngày nay đã bị thu hẹp do phát triển đô thị. Đến tháng 11 thì vạn thọ đã cho bông búp đầu tiên, người ta ngắt ngọn bỏ đi để cho cây tẻ ra nhiều nhánh, đầu tháng Chạp thì cây đã sum xuê, mỗi nhánh đã cho bông búp mập tròn, hứa hẹn một mùa bông đẹp, một cái Tết vui tươi cho nhà vườn đã bỏ công chăm sóc. Thường trong một bình bông ngày Tết, người ta cắm cây bông trường sanh ở giữa với dáng ngọn cao và 2 bên là 2 cây bông vạn thọ đỏ vàng thấp hơn ôm lấy, tạo thành một bình bông đẹp ôm tròn từ thấp vươn lên cao như một dáng đứng vững chãi của “vạn thọ - trường sanh”.

  Đó là nói về bông cúng, còn bông (hoa) chơi Tết thì Bình Thuận chẳng hề kém cỏi ở hoa mai, bởi ngày Tết miền Bắc có hoa đào nở trong những ngày giá lạnh, còn phương Nam là vùng nắng nóng của hoa mai, nhất là vùng cực Nam Trung bộ đất đá cằn khô lại là vùng đất cho một loài cây có thân hình khẳng khiu mà cứng rắn để ngày Tết hoa nở bung ra mang Xuân đến mọi nhà. Ngày Tết, mai nở đúng vào lúc giao thừa, sau đó tiếp tục nở rộ trong ba ngày xuân là mang đến bao điều may mắn. Tương truyền thuở trước, vua Chế Mân đã lập vườn “Mai Uyển” ở Cà Ná, tại đây Vua cùng với Hoàng hậu Paramervan (Công chúa Huyền Trân) tới dạo chơi và thưởng ngoạn các loài mai quý. Tại đây hoa mai có nhiều loại, từ “Hồng Mai”, “Bạch Mai” hai tầng có cánh rất lạ, cho tới loại “Hoàng Mai” có cánh vàng, mỏng mà ta thường thấy trong dịp Tết ở vùng núi đá Cà Ná, Vĩnh Hảo, Sông Lũy cho tới tận núi Cố - Phú Hài. Thuở trước, chơi mai trước Tết phải băng rừng leo dốc tìm mai chặt nhánh mang về rồi chăm sóc để nở vào đúng Tết, còn ngày nay cứ bỏ tiền ra mua, người ta trồng sẵn trong chậu, càng cao giá thì càng chứng tỏ “đẳng cấp”, song làm mất đi cái thú chơi xưa đầy “trải nghiệm”.
Còn nãi quả, tính chung là 5 loại trái cây gọi là ngũ quả ứng với thuyết Ngũ hành “Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ” là 5 yếu tố tạo nên vạn vật, qua 5 loại quả tượng trưng cho sự đủ đầy. Tại Bình Thuận và nhiều nơi khác, ngũ quả đơm lên bàn thờ ông bà ngày Tết trước hết phải là từ trái cây thổ sản của vùng đất quê nhà, trong đó phải có nải chuối bởi chuối là cây trồng gần gũi thân thiết nảy nở quanh năm, hình ảnh quần tụ của “con đàn cháu đống”, bởi thế mà người ta không gọi là “ngũ quả” mà phải gọi là “nãi quả”. Thường một dĩa ngũ quả có các nải chuối bọc ngoài ôm ấp các loại trái cây khác vào trong lòng. Chuối mới đơm lên có màu xanh, trong ba ngày Tết chuyển sang màu vàng rực rỡ, màu của no ấm đủ đầy. Thứ đến là trái bưởi, cũng có màu vàng, lại có mùi thơm và cũng là loại cây trồng gần gũi của vườn quê. Rồi mới đến các loại trái khác như xoài, ô ma (trứng gà) chín vàng, đến lựu có sắc màu hồng đỏ…Thuở trước vùng Đại Nẫm, Phú Hội bưởi, xoài nhiều và thơm ngon có tiếng như câu ca truyền tụng “Đại Nẫm nhiều bưởi/Phú Hội nhiều xoài/Nếu có quan đòi/Bưởi xoài đi trước”; cùng với chuối ở vườn đất im Phú Long, Tùy Hòa…đủ cung cấp cho các nhà thị dân Phan Thiết đơm trong dịp Tết. Cùng cây lựu, mỗi sân nhà đều trồng như cây kiểng, đến Tết trái được đơm lên đỏ sắc màu hưng phấn…Ngày nay, vườn bưởi, vườn xoài phải nhường lại lãnh địa cho cây thanh long là loại cây đã khẳng định “xóa đói, giảm nghèo, hơn nữa là làm giàu” cho dân Bình Thuận, lại có hình dáng “rồng xanh sắc đỏ” nên có một vị thế đứng đầu trên bàn thờ tổ tiên ông bà trong ba ngày Tết. Còn bưởi xoài nay có đường sá thông thương nên được chuyển từ vùng khác tới. Bình bông và nãi quả trên bàn thờ mang ý nghĩa hết sức tôn nghiêm, là nỗi nhớ đau đáu của biết bao người xa xứ như những câu thơ hết sức mộc mạc mà đầy xúc cảm của nhà thơ Vương Đại Lợi (Hội Văn Nghệ Bình Thuận) trong bài “Em về thăm quê”:

  “Nay em về quên thời gian lưu lạc
  Dạo chợ xuân mua ngũ quả hoa tươi
  Đơm bàn thờ kính Ông Bà hương ngát
  Giờ giao thừa mẹ cúng vái trang nghiêm”.

  Song cũng đáng trách nhất là có một số người “cạn nghĩ” cho rằng chuối có âm tiết như là “chúi nhủi” nên nhất quyết không đơm chuối lên bàn thờ, còn lựu là “lựu đạn” vừa là “đồ hung của dữ” vừa là trái của con nhà nghèo, không sang, phải thay thế vào đó là “lê Tàu táo Mỹ” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của người xưa nói “có lê quên lựu/chơi trăng quên đèn”. Bây giờ dĩa ngũ quả đã bị biến nghĩa theo “tần số” khác, một số người đơm lên bàn thờ các loại trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài theo nghĩa là “cầu vừa đủ xài” hoặc cả trái thơm, chùm sung theo nghĩa “thơm tho, sung túc”…

  Một lễ vật nữa phải có trên bàn thờ gia tiên ngày Tết của người Bình Thuận đó là “cốm hộc”, tức là cốm đóng bằng hộc, gọi là “hộc cốm”. Cốm là loại bánh cổ truyền được làm từ gạo (tẻ) và nếp, làm bằng gạo được gọi là cốm gạo và bằng nếp thì gọi là cốm nếp, lúa gạo và lúa nếp là sản vật gắn với dân tộc Việt từ ngàn đời đã làm nên một “nền văn minh lúa nước”. Ngoài cơm gạo trong bữa ăn hàng ngày và xôi nếp trong cúng kiếng thì còn có món cốm có mặt khắp nơi từ Bắc chí Nam, song mỗi nơi đều có cách làm riêng tùy theo tập quán mỗi vùng quê, thôn xóm. Ở vùng Phan Thiết, Hàm Thuận xưa có nhiều nhà làm cốm, nhiều và ngon nhất là ở làng Xuân Phong, như câu ca còn truyền lại: “Xuân Phong cốm gạo/Phú Tài mạch nha”. Cốm gạo làm bằng gạo tẻ nấu thành cơm đem phơi khô rồi trộn đường, còn cốm nếp thì từ gạo nếp rang lên nở thành nổ rồi trộn với đường. Ngày thường các loại cốm này đóng thành miếng nhỏ gọi là cốm miếng, nhiều miếng xếp lại gói thành lố cốm đem ra chợ bán như bánh kẹo. Còn ngày Tết phải đóng cốm hộc để đơm lên bàn thờ cúng kiếng, cốm hộc cũng làm từ nổ song đóng thành hộc lớn, rang nổ phải có tay nghề “chuyên nghiệp” từ các lò rang, chảo rang, nghệ thuật “củi lửa” mới cho ra được những hạt nổ bung đều. Các lò rang có ở các làng quê Hàm Thuận, rang xong cho vào bao chuyển về chợ Phan Thiết. Mỗi nhà mua nổ về rồi con cháu xúm xít lại mà đóng cốm. Cốm ngon hay không là ở bí quyết “thắng đường”, đó là một hỗn hợp đường cát trắng với nước sền sệt, cùng các gia vị gừng, nho khô, me hay thơm chín ...trộn đều với nổ vo tròn chèn vào cái hộc bằng gỗ cứng rồi nêm đóng thật chặt để cho ra hộc cốm góc cạnh vuông vức và chặt cứng, cứng đến nỗi khi ăn phải dùng dao chắn rồi lấy chày đâm tiêu gõ xuống mới cho ra được miếng cốm, đó là “tác phẩm” của các tay đóng cốm điêu luyện. Cốm đóng xong thì chất ra nia phơi vài nắng cho khô rồi bọc lại bằng giấy màu “ngũ sắc”, hai đầu dán 2 cái bông màu xinh xắn. Cốm hộc là lễ vật cúng kiếng nên được bọc bằng giấy màu “ngũ sắc” gửi gắm lòng thành của con người trước trời đất theo thuyết “ngũ hành”: màu trắng (ánh bạc) tượng trưng cho KIM, màu xanh lá là MỘC, tím là THỦY, đỏ là HỎA và vàng là THỔ. Thuở trước người lớn công việc nông nhàn, còn trẻ nhỏ học trò bắt đầu nghỉ Tết, xúm xít lại mà đóng cốm dán bông với nhiều thích thú, kỷ niệm không quên, có nhiều trẻ nhỏ vừa vo tròn nổ đã trộn đường cho vào hộc vừa len lén bỏ vào miệng bị người lớn cốc trên đầu một cái, như tôi... Riêng cắt bông dán cốm thì học trò được “độc quyền” bởi bàn tay từng học thủ công chuyên nghiệp. Ngày nay, thời buổi “công nghiệp - dịch vụ”, giáp Tết tất bật không có thời giờ, lại không biết thắng đường, không có cái hộc thì lấy gì mà đóng cốm? Thôi thì chạy ra chợ người ta làm sẵn mua về chục hộc đơm lên bàn thờ mà giữ gìn tập tục của cha ông… Ra Tết, lại ít người ăn cốm bởi đầy rãy bánh kẹo thơm ngon, phải dặn đi dặn lại tụi nhỏ sinh viên về ăn Tết mang vô cho bà con người Phan Thiết đang làm ăn sinh sống trong Sài Gòn món quà quê vô cùng trân quý, lại có người mang cả cốm Phan Thiết qua Mỹ, qua Tây…

  Cùng với cốm để chưng cúng, bánh tét cũng không thể thiếu được trên bàn thờ ngày Tết của người Bình Thuận. Bánh được làm từ nếp và nhân đậu, thịt, gói bằng lá chuối thành những đòn tròn. Sở dĩ có tên “bánh tét” là khi lột đòn bánh ra dùng sợi sóng lá bén tét bánh ra từng khoanh nên gọi như thế. (Còn một giải thích nữa, đúng ra là phải gọi là bánh tết, vì khi cúng tất (hoàn mãn tết Nguyên Đán) người ta tét những đòn bánh đã chưng trên bàn thờ ra dĩa để cúng, rồi dùng nhựa bánh thoa lên miếng giấy hồng đơn vuông nhỏ (như hồ dán) dán lên cánh cửa gọi là “tết nhà”, trên chuồng trâu, bò, heo… gọi là “tết chuồng”, giếng nước gọi là “tết giếng”, cây trái gọi là “tết cây”, bếp lò gọi là “tết bếp”, “tết lò”…).

  Tết đến, mỗi chúng ta làm sao quên được những tối cuối năm thời tuổi nhỏ, gió bấc thổi về sương lạnh giăng giăng mà thật là ấm cúng cùng với gia đình quây quần trước nồi bánh tét đang sôi sùng sục trên bếp lửa hồng làm bằng ba cục đá ở một góc vườn, vừa châm thêm củi vừa đảo các đòn bánh trong nồi cho chín đều. Lại nhớ câu chuyện kể trong giờ học lịch sử, đó là vào năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung trong cuộc hành quân thần tốc, dân chúng đã cùng với quân sĩ gói bánh tét làm lương thực mang theo đường ra Thăng Long tiêu diệt hai chục vạn quân Thanh nơi gò Đống Đa lịch sử vào ngày mùng 5 Tết. Và mới đây nhất, hàng trăm ngọn lửa hồng các lò bánh tét được gửi ra sưởi ấm cho đồng bào miền Trung trong những ngày bị thiên tai lũ lụt…

  Một món ăn dân dã khác mà đã trở thành truyền thống không thể nào thiếu được trong ngày Tết của người Bình Thuận, đó là bánh tráng cuốn măng. Bánh tráng, người Bắc gọi là bánh đa, ở miền Trung và Nam bộ thì gọi là bánh tráng, là loại bánh làm từ bột gạo, cũng là sản phẩm của “nền văn minh lúa nước” nên hiện diện khắp nơi. Gạo làm bánh tráng đem ngâm nước cho mềm từ hôm trước và xay hai lần cho nhuyễn, sau đó trộn thêm bánh tráng nướng và cơm nguội cũng đã xay nhuyễn. Làm như vậy khi nướng bánh sẽ phồng lên và giữ được lâu mà bánh không bị mềm. Rồi phải biết cách pha muối, trộn mè hợp lý để không mặn quá hay thiếu muối thì bột bánh không dính, bánh sẽ bể khi phơi khô. Đây là bí quyết của nghề làm bánh tráng. Bánh tráng nhúng phớt qua nước cho mềm để cuốn thức ăn gọi là bánh tráng sống, tùy theo loại thức ăn mà có độ dày mỏng gọi là bánh tráng dày hoặc bánh tráng mỏng. Còn khi nướng lên thành bánh tráng nướng để xúc thức ăn, bánh tráng nướng cũng là lễ vật phải có trong cúng kiếng, nhiều chị làm dâu mà khi dọn đồ cúng lên cha chồng kiểm tra không thấy có bánh tráng nướng là bị nhắc nhở mắng mỏ ngay. Bởi đó là món bánh làm ra từ “hạt ngọc trời cho”. Ở Bình Thuận có hai nơi làm bánh tráng nổi tiếng là Phú Long và Chợ Lầu. Nhộn nhịp nhất là mùa Tết bởi đây là món ăn của ngày Tết, dùng để cuốn thịt kho măng nên nhà nào cũng phải có. Thịt được dùng để kho, phải là thứ thịt heo ba rọi có nạc lẫn mỡ. Còn măng là măng khô phải luộc đi luộc lại mấy lần cho mềm và không còn vị hăng rồi mới kho với thịt. Kho nồi thịt ngon, đòi hỏi phải có tay nghề củi lửa riu riu, để sao cho lúc chín, phần nạc thì đỏ au đẹp đẽ, còn lớp mỡ da căng nở ra mềm mại, nước thịt mỡ thấm vào măng càng hâm đi hâm lại càng ngon, cuốn với bánh tráng ăn liên tiếp trong suốt mấy ngày Tết vẫn không thấy ngán.

  Ngày Tết cúng lễ ông bà tổ tiên tại nhà, rồi đi chùa lạy Phật cũng là nếp văn hóa thắm đậm tâm hồn của dân tộc Việt. Ở Bình Thuận từ trước đã có 2 ngôi chùa vừa đi lễ Phật vừa ngoạn cảnh chơi xuân bởi là thắng cảnh có tiếng, đó là chùa Núi (Hàm Thuận Nam) và chùa Hang (Tuy Phong), nay có thêm chùa Bình Nhơn (Hòa Thắng, Bắc Bình) nằm trên động cát cao kế bên khu danh thắng Bàu Ông, Bàu Bà (Bàu Trắng) trong khu du lịch quốc gia Mũi Né. Còn tại Phan Thiết, ngoài các ngôi chùa thờ Phật, đặc biệt có thêm một ngôi chùa tục gọi chùa Ông, nơi thờ Quan Thánh Đế Quân, ngày Tết có rất đông người đến thắp nhang chiêm bái cầu tài cầu lộc. Cuối thế kỷ XVII, do biến động xã hội và nạn nhân mãn, người Hoa từ bỏ quê nhà di dân lập nghiệp khắp nơi trong đó có Việt Nam. Một bộ phận đã dừng chân tại Bình Thuận, ở cửa biển Phú Hài trải dài đến Phú Long và vào Phan Thiết, cùng với người Việt hình thành nơi đây một thị tứ bán buôn sầm uất. Đi đôi với sự làm ăn buôn bán là những phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian truyền thống bao đời của người Hoa được tạo lập giữ gìn trên vùng đất mới quê hương thứ hai của mình. Ngoài 4 hội quán của Tứ bang “Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam” người Hoa còn góp công sức đóng góp xây dựng thiết chế tín ngưỡng chung là “Quan đế miếu” tức chùa Ông. Miếu được xây dựng năm Mậu Tuất (1778), sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Đền Quan Thánh ở huyện Tuy Lý thờ đức Quan Công”. Quan Công tức Quan Vân Trường là bậc trung nghĩa khí tiết được người Hoa tôn vinh hiển Thánh. Ở các đình làng người Việt cũng đều có sắc phong của vua triều Nguyễn “Quan Thánh đế quân tôn Thần”, theo đó mà phụng thờ. Như vậy việc thờ cúng “Quan Thánh Đế Quân” từ lâu đời đã là tín ngưỡng của cả người Việt. Hơn 200 năm qua, chùa Ông được giữ gìn và tôn tạo, là một công trình kiến trúc và điêu khắc đậm nét phương Đông.

  Còn về vui chơi trong Tết, ngày hội đua thuyền truyền thống vào chiều mùng 2 Tết trên sông Cà Ty của cư dân Phan Thiết thì không thể nào thiếu được. Lần trang sách cũ, trong “Ô châu cận lục” của tiến sĩ Sùng Nham Hầu Dương Văn Tịnh viết năm 1548 – 1553 (thời Mạc Phúc Nguyên) có ghi: “Có một địa phương mùa xuân mở hội đua thuyền, lụa là tha thướt, mùa hè mở hội tàng cưu (trong chay ngoài bội) hát múa rùm beng…”. Sách “Ô châu cận lục” ra đời trước sự kiện Nguyễn Hoàng vào Nam khá lâu (1600), điều này có nghĩa lễ hội (chữ dùng ngày nay) đua thuyền đã có ở Đàng trong từ lâu mà chủ nhân không ai khác hơn là nền văn hóa Chămpa bản địa. Người Việt tiến vào miền Trung ở thế kỷ XVI và XVII và đã tiếp thu gần như toàn bộ kỹ thuật chèo thuyền đi biển điêu luyện của họ. Ghe bầu là một trong những chứng cứ tiêu biểu cho quá trình tiếp thu đó. Từ châu Ô, châu Lý (1306), rồi Hóa Châu đến Ngũ Quảng (1471) đoàn “lưu dân” lại vào Bình Thuận (1697), qua tiếp biến văn hóa, lễ hội đua thuyền (Đàng trong gọi là đua ghe) hình thức có nhiều biến đổi tùy theo đặc điềm địa lý (sông nước) của địa phương song có cái chung nhất là không thể thiếu đi trong đời sống văn hóa của cư dân ven biển. Đua thuyền trên sông Cà Ty Phan Thiết có một đặc điểm là bởi sông ngắn và không rộng nên không tổ chức đua đường dài được như các sông ở Bắc Trung bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam…) mà tổ chức đua nhiều vòng ngắn qua 2 đầu cọc tiêu. Muốn qua cọc tiêu nhanh gọn thì người cằm chèo dọc và các tay chèo phải hết sức khéo léo áp sát cọc tiêu và quay vòng nhanh. Còn nếu không khéo thì ôm vòng cua xa không tiến nhanh lên được, mà nếu tranh nhau đâm vào ghe bạn đi trước là phạm quy. Một vị lão ngư cho biết: “Ngày trước nghề biển đi khơi ở Phan Thiết chủ yếu là nghề mành chà, các tay chèo của nghề chà rất khéo léo khi áp sát cội chà để thả neo buông lưới, bắt gọn đàn cá đang tụ ở cội chà, nên các tay chèo và chèo dọc mành chà trong đua ghe qua cọc tiêu rất nhanh và khéo léo”. Đó cũng là đặc điểm hấp dẫn của đua thuyền Phan Thiết…

  Có thể nói, ngày Tết ở Phan Thiết mà không tổ chức đua thuyền coi như không có Tết. Không khí hội hè tạo niềm tin và phấn khởi ngay từ đầu năm mới, để sau cuộc đua cúng xuất hành chuyến biển đầu năm, các thuyền nghề tấp nập ra khơi hứa hẹn một vụ mùa bội thu phía trước…
Văn hóa Tết Phan Thiết - Bình Thuận từ lâu đã gắn bó, trở thành một phần hồn quê của người Bình Thuận, dù đang ở tại quê nhà hay biền biệt xa hương, xa xứ.

V.N.V