Lẩu thả trong ráng chiều Phan Thiết

28/12/2021 00:00
1236

ĐINH THÀNH TRUNG


 Lẩu thả Phan Thiết. Ảnh: TL

 

Mùi hương thơm nồng ấy đánh thức khứu giác của du khách phương xa, cho tôi trải nghiệm thú vị trong cuộc đời. Được ăn miếng lẩu thả giữa ráng chiều Phan Thiết thì còn gì tuyệt vời hơn thế?

Tôi đã thấm trong cảm giác đó ngay cả sau khi ra về với cái bụng no căng. Một chiều Bình Thuận làm tươi lòng du khách. Vẫn món ăn quen thuộc đã thưởng thức nhiều lần mà sao sống động đến không ngờ.

 

   Không ngạc nhiên sao được khi ngũ hành âm dương được thể hiện ngay trên một món ăn miền duyên hải như vậy? Lúc ấy, tôi là người có hứng thú đọc qua vài tài liệu về ngũ hành và hiểu ra rằng điều đơn giản lại tạo nên cảm giác thăng hoa.

 

   Bình Thuận chào đón du khách bằng sự bình dị. Trong mùa du lịch yên ắng, tất cả những gì chúng tôi có thể cảm nhận được là tấm chân tình. Chân thành từ cách mời gọi, cách dọn đồ lên bàn cho thực khách. Bỗng nhiên các món ăn trên bàn chiếm trọn tâm trí từ lúc nào.

 

   Câu chuyện về món lẩu thả càng lúc càng hút hồn chúng tôi. Từ lâu lắm rồi, từ một món ăn không mấy ai biết, đặc sản lẩu thả Phan Thiết bỗng lan tỏa rộng rãi. Nhưng như anh bạn dân địa phương nói, chúng tôi vẫn ăn đấy thôi, vẫn tự mình yêu quý những giá trị văn hóa của quê hương mình. Ai đến thì mời chia vui, để chia sẻ cảm xúc của xứ nắng gió. Vậy là đủ để hòa chung cảm giác của dân miền biển, từ những sản vật đậm chất địa phương.

 

   Gió biển Mũi Né thổi lên mát rượi, quanh tôi mùi cá biển mặn mòi còn vương lại nơi hốc mũi, bàn tay. Ôi Bình Thuận, dẫu thay đổi thế nào thì mỗi món ăn vẫn đậm vị thơm hương, để cho người du khách phương xa háo hức muốn dừng chân. Món ngon Bình Thuận có nhiều lắm, nhưng giờ đây tôi chỉ mong được kéo dài khoảnh khắc này thêm một lúc nữa, để có thêm một chút cảm nhận.

 

   “Làm bậy miếng cuốn đi chú em!”, những câu mời rôm rả thốt lên. Còn món nào đặc biệt hơn thế? Cá mai tươi rói, rõ là vừa đánh bắt từ biển lên. Giờ nó đã nằm đây để trở thành đặc sản nức tiếng này. Rồi rau, rồi gia vị, rồi trứng… Trộn đều và thêm nước sốt gia truyền.  

 

   “Chú không thích ăn khô thì ăn nước”. Món lẩu thả này có hai cách ăn. Dân du lịch vào Phan Thiết, ai cũng được giải thích cặn kẽ về hai cách ăn lẩu thả. Cho bún cùng các nguyên liệu vào bát, rồi cho nước sốt vào trộn đều, cách nữa là chan nước dùng lẩu đang được đun nóng vào bát. Chỉ đơn giản thế thôi, đâu có cầu kỳ, phức tạp gì, vậy mà đó mới chính là điểm làm nên sự độc đáo của lẩu thả.

 

   Anh bạn “thổ địa” khi đó nói, chúng tôi luôn cẩn thận và kỹ lưỡng, như vậy mới bảo đảm một mẻ cá tôm chất lượng. Đúng thật, cách suy nghĩ đó vô cùng chu đáo. Người đầu bếp lúc chế biến món lẩu thả cũng luôn nghĩ cách làm thế nào để thực khách hài lòng nhất. Nước sốt và nước lẩu mới chính là thứ tạo nên sự độc đáo và nổi tiếng của món ăn này.

 

   Về nguyên lý cơ bản của triết lý âm dương ngũ hành thì nhiều người biết, nhưng để vận dụng nó vào trong cuộc sống để mang lại sức khỏe và năng lượng cần thiết cho con người thì muôn hình muôn vẻ. Ăn lẩu thả ở Phan Thiết, thấy cả chân tình, chu đáo, ân cần và đắng cay ngọt bùi trong đó. Dân Phan Thiết vẫn mời khách phương xa món lẩu thả như thế. “Kiểu gì đến đây cũng phải ăn lẩu thả một lần đó”, câu gọi mời ấy vẫn mãi trong tâm trí của một du khách mê đến Bình Thuận như tôi.