Bây giờ cũng vừa độ heo may

03/12/2022 20:46
682

LƯƠNG NGỌC AN


Nguyễn Hiệp gọi tập sách này là Tạp bút, cái thể loại mà bản thân nó đã bao hàm rất nhiều thể loại, và cũng chính bởi thế mà nó chuyển tải được trong một dung lượng không quá lớn, khá nhiều thông điệp; từ nội dung phản ánh, đến hình thức, nghệ thuật thể hiện; từ tâm thế, trách nhiệm đến văn hóa, ứng xử của nhà văn... Nói cách khác, qua 22 bài viết của tập sách này, Nguyễn Hiệp đã phác thảo những nét chấm phá chính của bức chân dung tự họa. Người đọc có thể tìm thấy ở đây những phát hiện, những lập luận sắc sảo của một nhà báo, những quan sát tinh tế và những dự báo bất ngờ của một nhà văn, những rung động nguyên sơ da diết của một nhà thơ; hay những băn khoăn trăn trở đầy trách nhiệm của một công dân... Thế nhưng trên hết, đó là cảm nhận về một người giàu có vì biết sống kỹ lưỡng, biết trân trọng và nâng niu những vốn liếng chiu chắt được từ suốt mấy chục năm giữa cuộc đời...

   Lẽ ra Nguyễn Hiệp hoàn toàn có thể lấy những điều tâm tình sau đây để làm lời mở đầu cho cuốn sách, bởi nó vừa là lý do, lại vừa bao hàm tất cả những phẩm chất mà cuốn Tạp bút này vốn có. Mặc dù ký ức chỉ mới là một phần trong số những cảm xúc, những bài viết, những góc tiếp cận của tác giả, song đó lại là phần không thể thiếu để làm nên cái chất văn vừa bảng lảng chiêm nghiệm, lại vừa sắc sảo rạch ròi của Nguyễn Hiệp, nhưng anh đã không làm thế mà để nó vẹn nguyên trong hình hài của một bài “tạp bút”. Như vậy cũng không sao. Anh không làm thì người viết bài này xin được nhắc:

   Nguyễn Hiệp viết: “... Nhiều lần tôi cứ tự nhủ lòng viết lần này nữa rồi thôi, rồi quên, rồi buông, rồi không bao giờ nhớ tới nữa nhưng tốn như sự kiến tạo lạ lùng của thời gian, sóng ký ức, những con sóng buồn thương ấy lại cứ tự nhiên tràn về, những cơn mưa bong bóng phập phồng lại tí tách tràn lan mặt hồ, mặt sân, lại mồn một tròn đầy, vỡ bụi, lặng lờ, nó chiếm lấy tâm hồn mình, nó làm cho tâm hồn mình chùng xuống, trĩu xuống một bên ngực trái, trĩu xuống một góc đêm đen. Buồn chẳng ích gì nhưng sao cứ buồn. Một đoạn người qua rồi, xa xưa rồi, nhớ cũng chẳng ích gì, sao cứ nhớ... (Sóng ký ức)

   Vâng. Ký ức là những đợt sóng xa về từ quá vãng. Nó làm cho mỗi ngày đang qua trở nên có chiều sâu, có tâm hồn, có hơi thở. Với nhà văn, nhiều khi chỉ giản đơn là một giai điệu cũ, bên một người bạn, một nhân vật của ngày hôm nay, trong một buổi sáng hết sức bình thường bên ly cà phê dưới chân Tà Cú như vô số ngày đã chồng lớp lên nhau, cho đến khi bật lên một cái “tứ” của bài viết, như điếu thuốc bỏ quên âm ỉ cháy, cho đến khi đổ gục xuống chiếc gạt tàn... Vậy là có một Mắt núi với những liên tưởng táo bạo đến lạ kỳ: “...Con mắt núi hay mắt má tôi mà sao buồn đến vậy?...”; và cái buồn ấy cuối cùng cũng tự biện minh: “...Thời nào cũng vậy thôi! Vài phút sống chậm dưới chân núi cũng cần thiết cho đời sống tâm hồn con người chứ...” – Một cái kết triết lý đến nhẹ tênh.

   Là người có vốn sống và cuộc sống hiện tại không đơn điệu, nên bất kỳ một chuyển động nhỏ nào diễn ra bên cạnh cũng có thể gọi ùa về những hồi ức, những liên tưởng. Song ở Nguyễn Hiệp, những liên tưởng chỉ thức dậy khi gặp những tần số đồng điệu, chứ không phải là những cảm xúc thường trực đau đáu như thường gặp ở những bài tản văn khác đâu đó. Chính điều này khiến cho bức tranh của ngày hôm nay trở nên sâu hơn, gợi hơn, hàm ngôn hơn. Để rồi nhiều khi làm bật lên những tiếng “À!” sảng khoái với người đọc. Ấy là khi anh thấy đã “Hườm hườm tuổi xế”, với những băn khoăn hết sức đời thường về sức khỏe, về gia đình, về ước mơ...; là khi nhận ra mọi điều đang diễn ra trong cuộc đời này, nói cho cùng, thì cũng “Đơn giản như số phận” vậy. Thế nhưng mấy ai nghĩ được rằng chính cái số phận ấy, hiểu cho kỹ, lại chẳng giản đơn chút nào. Nguyễn Hiệp lý giải: “... Số phận không được hiểu như một điều có sẵn, con người thụ động hưởng lấy hay mang lấy, hạnh phúc hay đau khổ mà nó là hành trình sống theo đúng quy luật, quy luật của trời, đất, của con người trong tổng hòa các mối quan hệ...”. Hay sau tất cả những diễn giải, phân tích, ví dụ về cái lứa tuổi mà mình đang bận bịu, anh kết luận bằng một nhận diện: “... Cân bằng, hài hòa chính là ước mơ của người hườm hườm tuổi xế vậy...”. Vâng. Nhưng khi nhận ra điều đơn giản ấy thì dường như nó đã ở rất xa rồi... Tiếng “À!” như cái với tay vào vô vọng...

   Gọi là Tạp văn, nhưng những câu chuyện của Nguyễn Hiệp thường bám sát đời sống xã hội, với những con người thật, sự việc thật, rõ ràng và cụ thể giống như một chuyên mục thường nhật của báo chí. Điều ấy giúp người đọc cảm nhận được một sự chuyển động, một dòng chảy xuôi chiều, đồng hành với cuộc sống đang diễn ra, chứ không đơn thuần chỉ là những hồi ức trở về từ quá khứ. Thế nhưng không phải chỉ một Sóng ký ức nâng lên đặt xuống, thậm chí là còn vượt ra khỏi mong muốn kiểm soát của người viết, mà hầu hết các bài viết trong tập sách này đều thế, khi cảm xúc của nhà văn đã được đẩy lên “đến độ” của nó. Vậy nên đoạn văn sau (cũng trong Sóng ký ức) hoàn toàn có thể xem như một vĩ thanh cho rất nhiều bài viết ngả về phía cảm xúc của tác giả:

   “... Tôi không định viết đoạn văn này, tôi chỉ muốn đem lại sự nhẹ nhàng cho người đọc mình nhưng rồi sóng quặn, sóng dâng, loại sóng ký ức ấy trào lên chiếm lấy tất cả khi ngoài kia ông Trời chợt trút cơn mưa. Những cơn mưa Bàu Sáu. Những cơn mưa đã qua. Tất cả đang cùng lúc ào về, ập xuống và dâng lên ngập ngụa. Những phập phồng bong bóng nước. Những tê dại vì quá sợ hãi, quá tủi giận trong một góc chòi cô quạnh. Những rét mướt xuyên từ xương xuyên ra... Tôi còn viết được gì ngoài những con sóng ký ức ấy, những cơn sóng như đã vận vào một đời buồn bã của mình...”

   “Tôi còn viết được gì ngoài những con sóng ký ức ấy...”. Với tâm thế ấy, Nguyễn Hiệp viết tạp văn như người kể chuyện. Bài nào của anh cũng vậy, đều có những bối cảnh, những nhân vật rất cụ thể, rất rõ ràng để làm nền cho những cảm xúc bay bổng, phiêu diêu. Ấy thế nhưng bay bổng phiêu diêu đến đâu đi nữa thì bao giờ Hiệp cũng biết trở về đúng chỗ phải về, ấy là cái đích của bài viết. Cũng phải thôi. Hiệp là nhà văn, nên bao giờ cũng phải bắt đầu bằng một cái “tử” nào đấy, cho dù đó là tạp văn, một kiểu viết mang nhiều hơn dấu ấn của cảm xúc, thậm chí là những cảm xúc rất mơ hồ. Là hay hay dở cũng còn tùy. Có thể sẽ có người cho rằng quá câu nệ với cấu tứ như vậy sẽ làm cho văn khô cứng. Cũng phải. Lại có người bảo viết gì thì viết, phải có mục đích rõ ràng. Không sai. Vậy thì điều gì mới là quan trọng? Với văn chương nói chung, người ta vẫn bảo: Phải hay. Nhưng thế nào là hay? Tôi thì nghĩ, cái hay chưa hẳn chỉ bắt đầu từ bên trong mỗi con người, là tài năng, là cảm xúc mà đủ. Cái hay còn bắt đầu từ những thứ bên ngoài thấm vào nhà văn, hòa trộn với tài năng và cảm xúc ấy nữa. Đó là sự từng trải, là thái độ sống trân trọng, kỹ lưỡng, nâng niu.

   Đọc Nguyễn Hiệp, điều đầu tiên nhận thấy là sự trân trọng, kỹ lưỡng, nâng niu ấy... Ai cũng biết ký ức và cảm xúc là chất liệu, và cũng là động lực để làm nên thành công của các thể loại trong tạp văn. Tuy nhiên cảm xúc thì bất chợt, nhưng cái làm nên cảm xúc thì phải được nuôi dưỡng suốt một thời gian dài trong tâm hồn. Thiếu ngọn gió sau hè. Để có một tiếng thở dài da diết thốt lên như trong bài viết ấy, là cả một sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bối cảnh, của ý tứ, của câu chữ. Với người viết, đó là những đau đáu buột ra từ bao điều tốt đẹp dung dưỡng trong lòng.

   Tạp văn của Nguyễn Hiệp là cảm nhận của nhà văn trước hiện thực xã hội, được soi chiếu bằng tri thức, nhưng quan trọng hơn, và cũng chính điều này đã làm nên sự riêng biệt không lẫn của tác giả với những người kể chuyện khác, ấy chính là quan điểm, thái độ và trách nhiệm đối với những hiện thực đó. Đây là thế mạnh của người viết văn xuôi trong việc kết cấu tác phẩm. Trong Nắng lạnh, chỉ một câu nói thuần túy về khoa học của người bạn “... Đừng cố công tìm hiểu thế giới này từ đâu ra, mình là ai trong cõi đời mà hãy biết cách sống như một con người trong vũ trụ, một con người trong cái bao la tinh xảo tuyệt diệu của Tạo hóa, chứ không phải một con người trong chiếc hộp...”, tác giả dường như gặp được một sự đồng điệu nào đó giữa câu chuyện và những điều trăn trở, vậy nên ngay những dòng tiếp sau đó của Nắng lạnh là những liên tưởng vừa mơ hồ, vừa hiện hữu về một nhân vật khác, với những hình dung khác, và đằng sau đó là những chiêm nghiệm khác...

   Nhà thơ, nếu cô đúc đến tận cùng những câu thơ của mình, thì sẽ tạo nên cho người đọc cảm giác giống như đang đọc một danh ngôn. Còn nhà văn, với dung lượng của những thông điệp lớn hơn, với những cấu trúc tác phẩm chằng chịt hơn, khi cô đúc lại sẽ tạo ra cảm giác vỡ òa khi người đọc chạm đến lớp nghĩa cuối cùng... Nói tạp bút của Nguyễn Hiệp thường tạo ra những tiếng “À!” sảng khoái cho người đọc là bởi nó đã tạo nên được những hàm ngôn như thế.

   Khi chặt chẽ thì rõ là chặt chẽ, nhưng khi lỏng lẻo thì lại lỏng lẻo đến mơ hồ. Ấy là tôi nói đến những bài như Lá đỏ nghiêng trôi, Gói ghém heo may... Trong số ít ỏi những bài viết kiểu này, cũng vẫn là một cái “tứ” định hình, cũng vẫn là nhân vật cụ thể: Ông già chụp ảnh, bà Năm Út Đéc, ông nhạc sĩ lang thang... giữa rạch ròi rành rẽ một sắc đỏ của lá, một ngõ nhỏ gập ghềnh, một ấm trà nóng hổi đầy hàm ý, hay một ký ức ngồn ngộn heo may... Nhưng tất cả cứ chập chờn, bảng lảng trong cái trễ nải biếng lười của sợi dây mơ hồ nối giữa quá khứ và hiện tại, đằng sau những câu văn chỉn chu đến từng nét mực mà nhạt nhòa đến tận mây trời. Hình như đấy là lúc văn dẫn người đi thì phải...

   Nấn ná mãi ở Gói ghém heo may, chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ, 22 bài viết trong tập sách này của Nguyễn Hiệp là những trang nhật ký được gom góp lại thành văn. Mỗi bài viết là một câu chuyện, mỗi câu chuyện lại dẫn về một góc nhỏ trong vô vàn những góc nhỏ ký ức của Nguyễn Hiệp, mà chỉ cần đi hết một trong số những con đường đó, thật cẩn trọng và chăm chút, người ta cũng đủ trở nên giàu có. Tuy nhiên chọn cái tên Gói ghém heo may để làm tên cho cả tập, có lẽ là bởi Nguyễn Hiệp muốn mượn lời kết của bài tạp bút ấy để gửi gắm thêm một lời với bạn đọc chăng. Đoạn kết ấy thế này: “... Heo may không làm cho tôi phải sợ hãi nhưng heo may làm cho tôi sợ hãi chính mình, tôi sợ mình lại nhớ, lại ghét những bông cỏ gà và có khi lại tự làm chết mình bên khung cửa sổ với hai mắt đầy gió. Cũng như bao lần, tôi lại nói thầm một mình, câu nói có vẻ nhàm chán bởi nói hoài mà chưa bao giờ thực hiện được: Xin gói ghém heo may một lần này nữa thôi, tuổi năm mươi đã qua lâu rồi mà”. Nghe có gì vừa man mác, lại cũng vừa ám ảnh, như một tiếng chuông đã tắt mà vẫn ngân mãi trong chiều.

   Mà bây giờ cũng vừa độ heo may...