PHẠM KHÁNH DUY
“Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc xuống một đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”
(Nguyễn Việt Chiến)
Biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Trải qua thời kỳ dài của lịch sử, cha ông ta đã ngày đêm bám biển, một lòng canh giữ biển khơi, bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của đất nước. Các thế hệ đã thay nhau viết tiếp bài ca giữ nước hào hùng, bất khuất, kiên trung của đất nước Việt Nam. Ở lãnh địa văn chương, một dòng văn học viết về đề tài biển đảo, tạc dựng hình tượng người lính hải quân đã ra đời, thu hút một lực lượng sáng tác dồi dào, có thể kể đến Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa, Vương Trọng, Nguyễn Hữu Quý, Lương Hữu Quang, Đình Kính, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Mạnh Hùng, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Đoàn Văn Mật, Lữ Mai, Bùi Tiểu Quyên… Lữ Mai, tên khai sinh là Lữ Thị Mai, sinh năm 1988, là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (2015), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2017). Trong quá trình sáng tác, Lữ Mai đặc biệt quan tâm đến đề tài biên giới, hải đảo, có nhiều tác phẩm viết về đề tài này như Nơi đầu sóng (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Ngang qua bình minh (Trường ca, NXB Văn học, 2020)… Trường ca Ngang qua bình minh là kết quả của chuyến đi công tác của Lữ Mai ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Tác phẩm tập trung khắc họa hình tượng người chiến sĩ hải quân trên tàu, thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Chiến sĩ hải quân - những phận người lênh đênh nơi đầu sóng
Trường ca Ngang qua bình minh của Lữ Mai là kết quả của chuyến đi công tác của nhà thơ cùng đồng nghiệp ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Chuyến đi đã cho Lữ Mai trải nghiệm thực tế, chị được chứng kiến sự hùng vĩ và thiêng liêng của biển cả Tổ quốc ta, hiểu rõ hơn về những gian lao mà người lính biển phải chịu đựng. Tất cả đã trở thành chất liệu cho sáng tác của Lữ Mai. Từ góc nhìn của nữ thi sĩ, những khuôn mặt khắc khổ, hốc hác, sạm nắng và công việc đầy khó khăn, thách thức của chiến sĩ Nhà giàn DK1 lần lượt hiện ra: “những đôi găng tay trắng/ món quà thủy thủ thường mang tặng lính nhà giàn/ đồng chí hãy đeo vào/ khi phải đu lên cao/ khi phải nhào xuống nước/ khi chỉ còn một sợi dây mong manh như cước”, “đồng chí hãy đeo vào/ lúc trời đen sóng bạc/ lúc chẳng thể gọi ai trong oanh tạc bão bùng/ màu trắng nổi nênh mặt biển/ có bề gì đồng đội dễ tìm nhau”. Trong gian lao thử thách, người lính biển càng toát lên được ý chí gan góc, niềm tin sắt đá, sự dũng cảm kiên cường, sự sẻ chia, nhường nhịn. Họ không ngại gian khổ, sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió. Lữ Mai đã tái hiện hình tượng uy nghiêm của những người lính hải quân trên con tàu lướt băng băng trên con sóng dữ, vững vàng trước quân thù: “thủy thủ đoàn hiên ngang lộng lẫy/ nói chuyện khí tài, làm chủ tương lai/ những tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ…/ lừng lững Biển Đông hình thế Tiên Rồng”. Trong cuộc giao chiến với giặc, người lính biển sáng ngời phẩm chất anh hùng được kế thừa, tiếp nối từ truyền thống anh hùng mà bao thế hệ đi trước đã đổ máu xương để gây dựng: “bi tráng nhiều khi không ở tiếng xung phong/ mà quyết liệt giăng mình vào giữ đảo/ trước kẻ thù hung tàn cuồng bạo/ hiên ngang kia đâu phải chỉ riêng mình/ lớp lớp hành quân từ rừng tới biển/ khép mắt rồi tay chấp chới cờ thiêng/ hóa vô hình vẫn như măng đội đất/ nối vào nhau mạch sống bổng trầm”. Có thể nói, trường ca Ngang qua bình minh của Lữ Mai là khúc tráng ca về những người lính biển kiên trung, hào hùng, dũng liệt.
Bên cạnh cuộc sống vất vả, gian khổ, Lữ Mai còn chú ý đến đời sống tâm hồn của người chiến sĩ hải quân - những chàng trai còn rất trẻ với tâm hồn lãng mạn hào hoa. Nhà thơ đã cụ thể hóa tâm hồn lãng mạn, đa cảm của người lính biển bằng muôn nghìn trạng thái khác nhau. Đó là nỗi nhớ quê hương, nơi người lính được sinh ra và lớn lên: “tôi suýt khóc lúc rời Nam Yết/ tán mù u thao thiết bên trời”, “người anh bịn rịn chuyện quê xa/ bão lũ xóm làng nhà nhà trôi nóc/ người bạn vùng đất phèn ngập mặn”; nỗi nhớ thương và lo lắng cho những người thân yêu trong gia đình: “lo mẹ già mùa giáp hạt không qua/ cậu em út ôm đàn rơm rớm hát”, “nhớ lưng còng và lời ru của nội/ vọng cổ âu sầu ủ dột mỗi mùa mưa/ đảo xôn xao xanh mát bóng dừa/ muống biển tím nhường nào cho vừa nỗi nhớ”. Ra đảo xa, người lính mang trong tim hình bóng của người con gái quê hương mà các anh yêu thương da diết: “cô gái nhỏ xinh của tôi/ sẽ trở về buổi chiều xưa giặt vải/ bên những nhành lau mê mải chuyện trò/ mỗi nhành lau một lời thề máu đỏ/ mỗi tuổi xuân buồn mẹ giấu ngải đem cho/ cô ấy khóc vào mơ/ và gặp tôi ở đó”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình yêu lứa đôi cũng chính là nguồn an ủi, động viên, sức mạnh tinh thần to lớn để người lính vượt qua muôn vàn thử thách. Người lính trong trường ca của Lữ Mai đã ngân nga khúc ca tình yêu bằng trái tim nhiệt thành của tuổi trẻ: “có một cánh thư chưa bao giờ đến nổi/ khi tuổi anh trôi trên sóng bạc đầu/ anh nơi này còn em ở nơi đâu/ biển sẽ mở lòng trước nỗi niềm chôn giấu”.
Khát vọng cao đẹp của tuổi trẻ thời đại mới
Sau chiến tranh, những tưởng cảm hứng sử thi hào hùng sẽ biến mất, nhường chỗ cho cảm hứng thế sự, đời tư, sự quan tâm sâu sắc đến thân phận con người trong cuộc sống đời thường của mỗi người nghệ sĩ. Thế nhưng, đọc trường ca Ngang qua bình minh của Lữ Mai cùng một số trường ca khác ra đời trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, độc giả lại đắm chìm trong không khí sử thi hào hùng một thời vút cao trên bầu trời văn học. Lữ Mai đã dựng lên hình tượng người lính biển với lẽ sống cao đẹp, tạm gác lại những cảm xúc cá nhân, những mối quan hệ riêng tư để nghĩ đến cộng đồng, dân tộc. Họ bước ra khỏi thế giới của cá nhân, nhận thức được cuộc sống ý nghĩa nhất là sống cho Tổ quốc: “tận cùng quyết tử là gì/ là thành thực trao đi một giấc mơ/ vui buồn chẳng rõ/ để tự hòa mình trong dải lụa lân tinh”. Không lặp lại vấn đề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - lý tưởng sống cao đẹp của mỗi công dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Lữ Mai đã làm mới khẩu hiệu ấy và thổi vào đó không khí của thời đại trong mối quan hệ sâu sắc với truyền thống hào hùng mà tiền nhân nỗ lực xây đắp: “cách cha ông ta từ chối sống cho mình/ không chỉ biển sâu/ đến trời cao còn khát/ đời đời lắng bồi mê man trầm tích/ nghìn năm triệu năm/ sóng bạc vẽ mắt người”. Có thể nói, Lữ Mai đã tận dụng tối đa ưu thế thể loại trường ca để thể hiện những suy ngẫm của mình về lẽ sống cao đẹp của người lính biển. Trong thời kỳ đất liền hòa bình nhưng biển Đông vẫn còn dậy sóng bởi sự lăm le xâm chiếm của các thế lực thù địch, Tổ quốc “là nhịp sinh tồn/ là thịt xương máu đỏ/ là gió dọc dài tuổi trẻ đời trai/ là hoang dại/ là kiệt cùng tận hiến/ là đá san hô cất tiếng trường chinh”. Từ cảm thức của Lữ Mai, “tận hiến” là tự nguyện ra đi, hiến dâng tuổi trẻ, thậm chí là thân xác cho quê hương, là “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” (Nguyễn Mỹ). Mượn lời người lính biển, Lữ Mai đã làm rõ giá trị của “tận hiến” bằng niềm tự hào sâu sắc: “ta quyết tử dẫu thân mình tan nát/ sóng sẽ cồn lên dựng vạn nếp nhà/ người nằm đó làng mọc lên từ đó/ ở đâu có linh hồn/ ở đó có quê hương”. Những người lính biển trong trường ca Lữ Mai đã kế thừa truyền thống tinh thần “tận hiến” từ trong lịch sử, là sự kết tinh lẽ sống anh hùng, sự quật cường, kiên trung từ những thời đại trước.
Khúc hùng ca về sự hy sinh bi tráng
Trường ca Ngang qua bình minh của Lữ Mai vang vọng âm hưởng bi tráng của biển cả, của khúc hùng ca chiến đấu và sự hy sinh trong công cuộc khẳng định chủ quyền biển đảo. Người lính biển trong Ngang qua bình minh hy sinh trong tư thế hiên ngang, hào hùng, được Lữ Mai thể hiện qua lời tự sự của một linh hồn: “kiếp dạt trôi trong nước bạc vô hình/ chúng ta không tiếc thân mình/ nhưng có nhiều nỗi đau nhìn thấy mà bất lực”, “gió ngược chiều đã thoảng vị máu/ từng lớp sáng chĩa lên trời đã ớn màu xương lạnh/ lưỡi dao cắt thịt da không để vết thương lành”. Lắng đọng trong những cảm xúc xót xa, nghẹn ngào nhất có lẽ là khi Lữ Mai dựng lại bức tranh toàn cảnh trận Gạc Ma năm 1988, hải quân Việt Nam đã đối đầu trực diện với kẻ thù Trung Quốc, quyết tâm đánh dấu chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Nhà thơ không nhắc đến thời gian, tên gọi địa danh, tên gọi kẻ thù (thay vào đó gọi là “bầy ác quỷ”), tên những người chiến sĩ tuổi đôi mươi làm nhiệm vụ trong trận chiến năm ấy, song với những “ký hiệu” (“bầy ác quỷ”, “một lá cờ”, “máu đổ”…) có sức gợi lớn lao. Trận Gạc Ma năm 1988 đã hiện ra rõ ràng trong tưởng tượng của người đọc: “lạnh tanh bầy ác quỷ/ chúng xả súng đâm lê/ mỗi chúng tôi là một lá cờ/ vây quanh đảo nhỏ/ lá cờ như vòng tay/ lá cờ như tuổi trẻ/ đôi mươi trào dâng cơn dâu bể/ biến ảo điêu linh trước đạn quân thù/ sau mỗi gương mặt kiên trung lặng im/ là trong ngực một lá cờ reo vẫy/ mỗi chúng tôi hóa một lá cờ/ bay vụt lên giữa biển”. Hình ảnh “một lá cờ” xuất hiện bảy lần trong trường đoạn 14, chương V (Giấc mơ trổ vào thân sóng), là hình ảnh được Lữ Mai rút ra từ sự thật lịch sử mà James Zumwalt - con trai Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt trong vai trò nhân chứng, kể lại: “Khoảng 6 giờ sáng, một số xuồng tấn công chở hải quân có vũ khí xuất phát từ tàu vận tải Trung Quốc và hướng đến Gạc Ma. Phía Việt Nam ngay lập tức hình thành một vành đai phòng thủ 360 độ với lá quốc kỳ của họ ở trung tâm. Có thể nói, họ tạo nên hình thể một ‘vòng tròn bất tử’ - biểu thị quyết tâm bảo vệ Gạc Ma bằng mọi giá” (trích trong Gạc Ma vòng tròn bất tử, Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên).
*
Bằng tình yêu biển đảo thiết tha, sự chân thành và tinh thần dân tộc của một nhà thơ trẻ, Lữ Mai đã gói vào trường ca Ngang qua bình minh âm hưởng của thời đại hào hùng, kiên trung, bất khuất. Nhà thơ đã dựng lên bức tượng đài bi tráng của người lính biển với sự hiên ngang, hùng dũng, sẵn sàng đối mặt với khó khăn và quân thù, tâm hồn đa cảm, lẽ sống cao quý cùng phẩm chất quả cảm, chấp nhận hy sinh để giữ gìn vùng biển trời bình yên cho Tổ quốc. Với những đóng góp từ trường ca Ngang qua bình minh, Lữ Mai đã tô điểm thêm những màu sắc rực rỡ cho mảng đề tài viết về biên giới, biển đảo quê hương trong văn học Việt Nam hiện đại.