Phân tích sự khác biệt về lịch pháp Chăm hiện nay ở Ninh Thuận và Bình Thuận

22/08/2022 00:00
1192

LÂM TẤN BÌNH



Ông Nguyễn Văn Trí – Phó Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh Bình Thuận triển khai kế hoạch với
Hội đồng Chức sắc Bà la môn giáo tỉnh về xây dựng lịch Chăm sử dụng chung cho tín đồ hai đạo Bà la môn và Bàni   

 

Có thể nói rằng, mọi dân tộc trên hành tinh này dù là nhóm tộc người nhỏ bé hay các quốc gia hưng thịnh, người dân của họ cũng đã tạo thành nền văn hóa mang bản sắc riêng để phục vụ cho đời sống tinh thần và tín ngưỡng tâm linh cho chính họ, trong đó có Lịch pháp để sinh hoạt hàng ngày.

   Dẫn luận theo lịch sử, dân tộc Chăm là một trong những dân tộc đã đạt được một trình độ phát triển cao về tổ chức xã hội và sản sinh ra một nền văn hóa rực rỡ, phong phú và độc đáo được thế giới biết đến. Trải qua bao biến thiên của lịch sử xã hội nhưng nó vẫn còn giữ nguyên giá trị đặc trưng của riêng mình. Ngày xưa nền kinh tế của người Chăm chủ yếu là sản xuất nông nghiệp cùng với nghề tiểu thủ công nghiệp và một phần của nghề biển gồm đánh bắt hải sản và thương thuyền, nên họ đã hình thành lịch pháp riêng để phục vụ cho đời sống sản xuất thời vụ nông nghiệp, đồng thời phục vụ sinh hoạt xã hội và lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh được bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay.

 

   Riêng người Chăm ở Bình Thuận hiện nay theo hai nhóm tôn giáo chính: Chăm Ahier/ Bàlamôn có khoảng 20 làng với 3.161 hộ/18.162 khẩu (trong đó có 73 tu sĩ, chức  sắc và thầy cúng) và người Chăm Awal/ Bàni có 11 làng với 3.767 hộ/ 20.058 khẩu (trong đó có 325 tu sĩ, chức sắc và thầy cúng). Tuy ảnh hưởng từ hai tôn giáo khác nhau, sống theo từng làng riêng biệt, nhưng hai nhóm tôn giáo Chăm này vẫn mang một đặc trưng văn hóa chung có mối quan hệ mật thiết với nhau trong phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian và vận hành theo lịch pháp Chăm âm dương lưỡng hợp ( còn gọi là giống đực và giống cái ) từ thời Vua Po Ramé ở thế kỷ thứ XVII ( 1627-1651) cho đến nay.

 

   Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến cố hoàn cảnh lịch sử xã hội của dân tộc Chăm dẫn đến thực trạng hiện nay việc biên soạn lịch pháp Chăm hàng năm ở mỗi vùng vẫn còn có sự khác biệt chênh lệch nhau về ngày tháng đều do phương pháp tính lịch. Vùng nào cũng tự khẳng định là mình đúng và có căn cứ dựa theo thư tịch cổ về cách tính lịch pháp của cổ nhân để lại, ngoại trừ lịch thuần âm cố định của Bàni/Awal hay còn gọi là lịch Arap ( Hồi lịch).

 

   Đơn cử một vài sự khác biệt về lịch pháp Chăm hàng năm giữa Ninh Thuận và Bình Thuận, ở năm Nhâm Dần 2022 này (Chăm lịch gọi Rimaong jim) lại lệch nhau 01 ngày rất quan trọng, nhằm vào ngày lễ hội Katé, đầu tháng 7 Chăm lịch. Katé ở Ninh Thuận thì đi trước 01 ngày, mùng 01 tháng 7 Chăm lịch là thứ Hai nhằm ngày 24/10/2022 Dương lịch, ở Bình Thuận thì đi sau 1 ngày là thứ Ba nhằm ngày 25/10/2022 Dương lịch, Mùng 01/10 Âm lịch, cũng do phương pháp tính lịch, chẳng dám nói ai đúng ai sai, gây ảnh hưởng trở ngại cho việc thăm hỏi, chúc tết  của Ngành chức năng cấp trên, nhất là việc sắp xếp ngày dự lễ rước y trang lên tháp hành lễ. Tạo nên sự bất đồng về quan điểm đoàn kết tôn giáo trong cộng đồng người Chăm nói chung. Đó là chưa nói đến sự khác biệt về cách tính lịch các tháng chẵn giữa hai vùng.

 

   Đặc biệt, riêng ở Bình Thuận hiện nay giữa hai đạo giáo Bàlamôn/Ahier và Bàni/Awal cách tính lịch lại cách nhau đến 2 tháng về lịch Chăm tín ngưỡng dân gian mà trước năm 1988 tín đồ hai bên đều sử dụng chung lịch Chăm cùng ngày, tháng.  Riêng năm 2022 này lại còn cách nhau 1 tháng vì lý do năm 2021 là năm nhuận theo lịch pháp Chăm (Kabaw hak) nhưng bên Tu sỹ Bàni/Awal không tính năm nhuận, gây nên sự phức tạp trong phương pháp tính lịch đối với cộng đồng dân tộc Chăm, cản ngại đến việc hôn nhân hay thực hiện các nghi lễ thuộc tín ngưỡng đa thần giữa tín đồ hai đạo. Tạo nên sự bất đồng về quan điểm nhận thức trong nội bộ chức sắc, tu sỹ hai bên đạo giáo, làm suy giảm tính gắn kết bền chặt về mối quan hệ ràng buộc bởi lịch pháp theo quan niệm âm dương lưỡng hợp từ xa xưa để lại.

 

   Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về lịch pháp Chăm hiện nay như thực trạng nêu trên, đa phần đều do nguyên nhân khách quan về tình hình biến cố hoàn cảnh lịch sử xã hội của dân tộc Chăm bị ảnh hưởng từ giai đoạn xã hội phong kiến đến bây giờ, có lúc người Chăm phải bỏ hành lễ tập tục cả thời gian dài gần thế kỷ. Phong tục tập quán truyền thống của người Chăm cả 2 đạo Bàlamôn và Bàni được bảo tồn và phát huy trong hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng dân gian của tín đồ hiện nay phải nói rằng là nhờ công sức to lớn của các vị tu sỹ, chức sắc đã dày công gìn giữ trong hoàn cảnh đất nước bị biến cố rất khó khăn, trong đó có trách nhiệm đóng góp kiến thức, trí tuệ của các vị nhân sỹ trí thức phù hợp theo từng giai đoạn hoàn cảnh xã hội của cộng đồng người Chăm.

 

   Trước năm 1975, nhiều nhà nghiên cứu về lịch pháp là nhân sỹ trí thức Chăm có địa vị trong xã hội cùng với các vị chức sắc là cả sư của từng địa hạt thời bấy giờ đã nhiều lần tập hợp nhau tìm giải pháp để tháo gỡ sự khác biệt chênh lệch về lịch pháp Chăm thống nhất cho cả 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng vẫn bất thành vì quan điểm nhận thức không đặt mục tiêu lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc, bên nào cũng muốn thể hiện quan điểm chủ nghĩa cá nhân, ôm chặt tư tưởng bảo thủ cho riêng mình.

 

   Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, mãi đến năm 1988 lúc đó cùng chung một tỉnh Thuận Hải, với chủ trương quan tâm của Ban Dân tộc tỉnh ( lúc bây giờ Ông Văn Hiệp nguyên là cố Trưởng Ban) phối hợp cùng với các ngành chức năng đã nhiều lần họp bàn tìm giải pháp vận động các vị chức sắc và nhân sỹ trí thức người Chăm đã chuyển được nhận thức vì lợi ích của cộng đồng dân tộc nên đã đi đến thống nhất lịch pháp Chăm, từ chỗ cách nhau 2 tháng vùng Ninh Thuận đi trước Bình Thuận, lại tìm được mẫu số chung để gặp nhau cho đến bây giờ. Phát huy từ kết quả cách làm này, vào năm 2012 Hội đồng Chức sắc Bàlamôn giáo và Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh Ninh Thuận cũng đã thống nhất cùng nhau ký kết văn bản ban hành lịch pháp Chăm hàng năm sử dụng chung trong sinh hoạt lễ nghi tín ngưỡng dân gian cho tín đồ hai đạo.

 

   Như phân tích ở phần trên, sở dĩ lịch pháp Chăm hiện nay bị chênh lệch nhau về ngày, tháng theo từng vùng đó là do khách quan vì bị ảnh hưởng hoàn cảnh lịch sử xã hội, nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn nữa cũng có phần nguyên nhân chủ quan của con người mình do nhận thức bảo thủ cục bộ của mỗi vùng nên chưa tìm được mẫu số chung qua cách tính lịch pháp. Bởi vì, cái tôi trong mỗi chúng ta còn quá lớn, đó là thuộc tính tâm lý cá nhân, chưa chịu đặt mục tiêu vì lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc để hướng đến tương lai.

 

   Triết lý phật giáo cũng đã thuyết pháp khẳng định rằng: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” mọi sự việc trên đời này đều do con người mình đặt ra để giải quyết tư tưởng tinh thần cho chính mình, phù hợp theo từng giai đoạn xã hội cả về mặt pháp lý và luật tục. Do vậy, nếu suy cho cùng, việc hành lễ của các vị chức sắc cùng chung một màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng ở từng vùng theo lịch pháp bị chênh lệch nhau về ngày, tháng như trước đây cũng như thực trạng hiện nay thì cũng chẳng thấy Thần, Thánh nào quở phạt cả chức sắc và tín đồ, đời sống sinh hoạt về văn hóa tinh thần và kinh tế của tín đồ ở mỗi nơi nhìn chung đều được phát triển khá rõ. Như vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống mang nội hàm thuần phong mỹ tục thông qua việc hành lễ của chức sắc được khẳng định là để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần và giải quyết tư tưởng tâm linh cho tín đồ được ổn định tạo được niềm tin.

 

   Nếu lực lượng nhân sỹ trí thức Chăm am hiểu chuyên sâu về lịch pháp đồng lòng cùng nhau kiên trì phân tích tác động vào tâm đạo và tư tưởng nhận thức của các vị chức sắc, tu sỹ theo hướng đặt mục tiêu vì lợi ích chung của cộng đồng dân tộc và cùng màu sắc tôn giáo như cách làm ở năm 1988 của cố Văn Hiệp và năm 2012 của 2 Hội đồng đạo giáo Ahier và Awal tỉnh Ninh Thuận, thì chắc chắn sẽ góp phần tích cực cho việc triển khai thực hiện chủ trương kế hoạch của UBMT TQVN tỉnh Bình Thuận về xây dựng lịch pháp Chăm sử dụng chung cho tín đồ hai đạo Bàlamôn/Ahier và Bàni/ Awal ở Bình Thuận được thành công như mong muốn, đáp ứng theo yêu cầu tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người Chăm, thực hiện tốt chính sách Đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo của Đảng trên phạm vi tỉnh nhà. Bởi lẽ, trải qua mọi thời đại xã hội, các dân tộc đã khẳng định rằng chính chủ thể văn hóa là người quyết định sự tồn vong bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chứ không ai làm thay mình được. Đó là những việc bức xúc chính mà Hội đồng Tư vấn Dân tộc – Tôn giáo thuộc UBMT tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm tham mưu đề xuất Chủ trương kế hoạch hiện nay, đang triển khai thực hiện.         

 

   Đối với phương pháp xây dựng lịch Chăm hàng năm, hiện nay người Chăm đang sử dụng 2 loại lịch pháp đó là lịch thuần âm hay còn gọi là lịch Arap/Hồi lịch (Chăm gọi là sakawi Takai treh) dành riêng cho tu sỹ Bàni/Awal sử dụng để tính ngày đầu năm, tháng chay niệm Ramâwan và lễ Waha hết năm, lịch này cố định bất di bất dịch theo chu kỳ xoay vòng trong 8 thiên cang bằng 8 năm, và loại lịch Chăm âm dương lưỡng hợp (Chăm gọi là Sakawi lan cuen) dành cho tín đồ cả hai đạo Bàlamôn/Ahier và Bàni/ Awal sử dụng trong lễ nghi dân gian theo tín ngưỡng đa thần, hôn nhân, xây dựng nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt hàng ngày…

 

   Đối với lịch Chăm lưỡng hợp cũng tính theo chu kỳ 8 năm gắn với tên gọi của 8 thiên cang như lịch Arap của Bàni (Lieh là nhất điểm, Hak là ngũ điểm, jim giữa là tam điểm, Jây là thất điểm, Dal là tứ điểm, Bak là nhị điểm, Waw là lục điểm và Jim luic là tam điểm cuối).

 

   Trong chu kỳ 8 năm của hai loại lịch này đều nhuận 3 lần nhằm vào các năm ngũ điểm, tứ điểm và tam điểm cuối. Tuy nhiên, trong mỗi năm nhuận đối với lịch Arap chỉ tăng 1 ngày ở tháng 12 ( Bilan Mak) với tổng số của năm nhuận là 355 ngày so với các năm không nhuận là 354 ngày. Riêng năm nhuận của lịch Chăm lưỡng hợp thì tăng đến 30 ngày, trong đó tăng 1 ngày ở tháng 12 ( Bilan Mak) và tăng 29 ngày ở tháng 13 ( Bilan Bhang). Như vậy tổng số ngày theo chu kỳ 8 năm của Chăm lịch là 2922 ngày tương đương với chu kỳ 8 năm của Dương lịch, so với 8 năm của lịch Arap chỉ được 2835 ngày.

 

   Về phương pháp tính thì lịch Chăm lấy lịch Arap/Hồi lịch làm chuẩn cố định để lịch Chăm xoay trở định ngày đầu năm hoặc đầu tháng bất kỳ để tránh những điều kiêng kỵ cho nhau theo cổ thư để lại. Ví dụ: ngày mùng 1 đầu năm hoặc đầu tháng bất kỳ là ngày thứ Sáu của lịch Arap thì lịch Chăm phải đi trước nhằm ngày thứ Tư cách nhau 3 ngày là rất tốt (Chăm gọi là Klau bingun Cam mâk), hay là thứ Năm cách nhau 2 ngày cũng được coi là tốt  (Chăm gọi là Dua bingun Cam mâk), còn nếu nhằm vào ngày thứ Ba cách nhau đến 4 ngày là điều tối kỵ vì sẽ bị Chó phản chủ (Chăm gọi là Pak bingun Cam mâk - Asau juk mbaok). Nếu gặp trường hợp cách nhau 4 ngày hoặc trùng nhau ở ngày đầu tháng bất kỳ thì Chăm lịch sẽ dùng phương pháp kê lên hoặc kéo xuống 1 ngày cho dù gặp tháng thiếu để tránh ngay những điều kiêng kỵ này (lịch Chăm gọi là phương pháp Guen - Guec). Đó là những mấu chốt cơ bản trong công thức tính lịch Chăm mà cổ thư lưu truyền.

 

   Tuy nhiên, hiện nay xu hướng có một số ít trí thức Chăm ở mỗi vùng lại chọn phương pháp cặp đôi để tính lịch và cho rằng cũng dựa vào tư liệu cổ thư để lại, nhưng nếu nghiên cứu cho kỹ thì phương pháp cặp đôi này chỉ dành để tính lịch Arap/Hồi lịch bất di bất dịch. Đơn cử như trong một năm 12 tháng của Hồi lịch thì có 10 tháng trùng nhau vào ngày đầu tháng, cụ thể như tháng 1 trùng tháng 10; tháng 2 trùng tháng 7; tháng 3 trùng tháng 12; tháng 4 trùng tháng 9 và tháng 6 trùng tháng 11, còn tháng 5 và tháng 8 thì độc lập không trùng nhau. Ví dụ: Nếu đầu tháng 1 là thứ Bảy thì đầu tháng 10 cũng phải là ngày thứ Bảy, hoặc đầu tháng 2 là thứ Hai thì đầu tháng 7 cũng phải là ngày thứ Hai v.v… Chính những điều này đã dẫn đến sự khác biệt chênh lệch nhau về ngày tháng ở mỗi vùng hiện nay.

 

   Theo kế hoạch của UBMT TQVN tỉnh Bình Thuận sẽ thành lập Ban soạn thảo lịch pháp Chăm gồm các vị nhân sỹ trí thức hoặc là chức sắc, tu sỹ hai bên đạo giáo có kiến thức am hiểu về cách tính lịch. Trước khi giao nhiệm vụ cho Ban soạn thảo lịch, UBMT tỉnh Bình Thuận nên tổ chức hội thảo chuyên đề mời các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu về lịch pháp Chăm cùng tham gia bàn thảo để thống nhất chọn phương pháp soạn lịch theo căn cứ tư liệu cổ thư và công thức toán học của các nhà nghiên cứu lịch Chăm, có như vậy mới tạo được niềm tin về khách quan khoa học mang được tính thuyết phục cao đối với các vị chức sắc, tu sỹ giữa hai đạo. Đồng thời, sau khi soạn thảo xong lịch pháp sẽ thành lập Hội đồng phê duyệt và Thường trực Hội đồng đạo giáo hai bên cùng ký ban hành theo chu kỳ 8 năm/ lần để làm cơ sở pháp lý cho tín đồ hai đạo sử dụng chung trong sinh hoạt tín ngưỡng hàng ngày.

 

   Làm được như thế sẽ tạo tiền đề tiến dần đến việc khắc phục thực trạng về sự khác biệt chênh lệch của lịch Chăm, đi đến thống nhất cho cả 2 vùng Ninh Thuận và Bình Thuận theo tâm tư nguyện vọng của đồng bào Chăm nói chung bảo vệ được thành quả của những người đi trước, dưới Chủ trương Chính sách bình đẳng dân tộc của Đảng.