Vài thú chơi tao nhã ngày xuân

06/01/2023 09:32
825

HÀ NGÂN


Tết đến, xuân về, người ta rảnh rỗi, đầu óc thảnh thơi sau một năm làm việc cực nhọc, thường nghĩ đến hưởng thụ, vui chơi. Bên cạnh lo bánh chưng, dưa hành, củ kiệu, măng kho…thì mọi người chú ý đến món ăn tinh thần. Bỏ qua những thú chơi cờ bạc, cá cược thâu đêm, suốt sáng, thì có vài thú chơi tao nhã rất được nhiều người hưởng ứng như: chơi câu đối, hoa tết hay treo tranh tết.

   Chơi câu đối

   Câu đối từ lâu đã trở thành một trong sáu thứ quan trọng mà người xưa thường hay muốn có mỗi khi tết đến, xuân về. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đó là nét phong tục mà nhà thơ Vũ Đình Liên phải viết nên rằng: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Ông đồ già trong thơ của Vũ Đình Liên bày mực tàu, giấy đỏ bên phố đông người để viết câu đối, mang điều chúc phúc đến mọi nhà trong dịp đầu năm mới. Không những ngày tết người ta mới chơi câu đối, mà trong những dịp vui, mừng khác vẫn thường thấy xuất hiện thú chơi tao nhã này.

   Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc câu đối xuất xứ từ Trung Quốc. Năm 964, Mạnh Sưởng, vua nước Hậu Thục, nhân dịp năm mới sang, cảm hứng viết hai câu: “Tân niên nạp dư khánh – Giai tiết hiệu trường xuân” (Năm mới hưởng niềm vui – Tiết lành báo xuân đến). Ý tứ, nhịp điệu vờn nhau, nên người ta đặt cho là đối ngẫu. Hai câu đối này được cho là cổ nhất còn lưu truyền đến nay. Tuy nhiên, sử sách vẫn không thể hiện rõ thời gian nào thì tục chơi câu đối được lưu truyền sang nước ta và được nho sĩ phương Nam biến thể thành vốn liếng riêng, mang đậm dấu ấn của mình. Trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu của cụ Dương Quảng Hàm, chép rằng, vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), mỗi khi tết đến, nhà vua thường vi hành trong thành Thăng Long để xem câu đối của dân chúng. Như vậy, có thể thấy rằng tục lệ treo câu đối đã thịnh hành vào thời Lê, trở thành nét đẹp mỗi khi tết đến, xuân về. Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi dấu ấn nhiều câu đối nổi danh của các bậc tiền nhân như: Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mùng một, rượu say lúy túy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà (Nguyễn Công Trứ). Hoặc là Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ đói/ Sáng mồng một nới lỏng then tạo hóa, mở toác ra cho thiếu nữ rước xuân vào (Hồ Xuân Hương)

   Theo cụ Dương Quảng Hàm, câu đối Việt Nam được chia ra thành nhiều loại, tùy theo nội dung, mục đích của người viết, người xin, ví dụ như: câu đối mừng (tặng người trong dịp mừng thọ, mừng thi đỗ), câu đối Tết (làm vào dịp tết đến, xuân về chúc mừng, vui vẻ), câu đối thờ (ca ngợi công đức tiền nhân, dùng dán lên chỗ thờ tự), câu đối tức cảnh sinh tình (trước một cảnh đẹp ứng xuất làm thành câu đối), câu đối trào phúng (thường làm để chế giễu, chọc ngoáy người nào đó sai trái)…Việc niêm luật “bằng – trắc” chặt chẽ, đối từ trong một câu; đối ý giữa câu một với câu hai đã làm cho câu đối trở thành một hình thức sáng tác, sáng tạo đòi hỏi sự công phu, đầu tư chất xám của người viết. Chỉ vỏn vẹn trong dăm ba chữ, nhiều nhất khoảng vài chục từ đổ lại, nhưng chứa đựng một sức nặng, chứa đựng tâm tư, tình cảm, ý tưởng của người viết muốn gửi đến người đọc.

   Sau một thời gian dần phai theo thời cuộc,“…mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết nay đâu, giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu…” (Vũ Đình Liên), thì câu đối dần được hồi phục. Nhưng đó cũng gói gọn trong thú vui tao nhã của hàn sĩ thâm nho, của người tâm giao, đối đãi trọng thị nhau. Câu đối thời @ đã biến đổi cho phù hợp với nhịp sống thời đại. Những người có hoa tay, viết chữ bay bướm, biết viết chữ Hán càng tốt, có chút am hiểu thì đều có thể bày “mực tàu, giấy đỏ” trở thành ông đồ hè phố, vẽ chữ theo ý người xin, vài câu như: Đào đỏ khoe sắc, đỏ lộc tài với Tết về trước ngõ/ Quất vàng tỏa hương, vàng may mắn cùng Xuân đến hiên nhà…

   Thú chơi tranh Tết

   Khoảng những năm 86 thập niên 90 của thế kỷ XX, vào dịp Tết vẫn thường thấy loại tranh in giấy bày bán ở cửa hàng mua bán hoặc vỉa hè trước chợ. Tranh được chuẩn bị từ trước, đợi đến những ngày cuối năm mới đưa ra thị trường. Người dân đi chợ mua vài tấm về treo, trang trí nhà cửa, trở thành một nét đẹp không thể thiếu mỗi khi tết đến, xuân về. Tranh Tết lúc ấy thể hiện nhiều đề tài phong phú và đa dạng, nhưng mộc mạc, gần gũi với người dân. Nội dung cũng như cách đặt tên tranh cho thấy điều đó. Tranh vẽ gì thì người ta gọi tên tranh như thế: Em bé ôm gà, Lợn khoáy, Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen, Bà Trưng, Bà Triệu, Thạch Sanh –Lý Thông… Căn cứ vào nội dung, ý nghĩa của tranh, có thể chia thành nhiều loại. Ví dụ như: tranh chúc tụng cầu ước, in hình con gà mái hoa (tượng trưng điềm lành), lợn mẹ và đàn con (thể hiện sự no đủ, hạnh phúc), chùm quả đào, quả lựu (trường thọ, con cháu đầy đàn)…; tranh lịch sử Việt Nam thể hiện các nhân vật Yết Kiêu đâm thủng thuyền giặc, Trần Hưng Đạo chỉ huy trận thủy chiến Bạch Đằng Giang, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong lòng bàn tay, Lê Lợi trả gươm rùa vàng…; chùm gồm nhiều tranh liên hoàn vẽ các câu chuyện cổ tích Việt Nam như Sọ Dừa, Sự tích quả dưa hấu, Bánh chưng - Bánh giầy; tranh phong cảnh quê hương hoặc tứ bình: tùng – cúc – trúc – mai, mai – lan – hồng – cúc…Nhiều bức tranh có giá trị không những về mặt nghệ thuật và ý nghĩa gửi gắm của người thợ khắc gỗ như tranh Ngũ hổ, vẽ năm con hổ ở các tư thế khác nhau, được xem là đỉnh cao nghệ thuật tranh khắc cổ truyền Việt Nam.

   Theo một số tư liệu, những tranh này được in hai lần bằng bản gỗ. Đầu tiên, người nghệ nhân dùng bản gỗ in nét dập lên giấy, tiếp theo dùng bản gỗ in màu, quét “sơn ta” và dập lên giấy đã có nét sẵn. “Sơn ta” - để phân biệt với sơn hóa chất, là loại sơn do người nghệ nhân sử dụng các nguyên liệu động, thực vật làm nên như màu đỏ son (hoa màu gà), hồng tươi (cánh hoa sen), vàng thẫm (củ nghệ), phấn trắng (vỏ sò, vỏ hến), màu đen (mực tàu)...

   Theo tài liệu nghiên cứu còn lưu được đến nay, nguồn gốc tranh tết xuất xứ từ Trung Quốc. Đến thế kỷ XV thời Lê, thám hoa Lương Nhữ Hộc (1420 - 1501), quê làng Hồng Liễu, tỉnh Hải Dương, hai lần đi sứ sang Trung Quốc, học được kỹ thuật in khắc bản gỗ mang về truyền cho dân làng quê ông. Từ đó, người làng Hồng Liễu phát triển nghề khắc ván in chữ và sau đó là khắc ván in tranh nổi tiếng khắp nơi. Chính nơi đây làm bản khắc gỗ và in bộ sử nổi tiếng “Đại Việt sử ký toàn thư” lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu (1697), niên hiệu Chính Hòa thứ 18 đời vua Lê Hy Tông. Để biết ơn tiền nhân mang lại nghề sinh sống cho dân, người làng Hồng Liễu lập đền thờ, tôn thám hoa Lương Nhữ Hộc làm Thành Hoàng, làm ông tổ nghề in khắc gỗ (ngày nay, vẫn còn đình thờ ở Hải Dương). Người làng Hồng Liễu đi khắp nơi, mang theo nghề tổ truyền để lập nghiệp trên vùng đất mới, làm rạng danh thêm những làng tranh nổi tiếng khác như Đông Hồ, Hàng Trống. Cứ mỗi dịp tết đến, nghệ nhân làng tranh dân gian lại sửa soạn bản gỗ khắc tranh, làm sơn ta, in tranh ra giấy bán khắp chợ quê để mọi người mua về treo tết.

   Đầu thế kỷ XX, nghệ nhân làng Hồng Liễu tham gia khắc bộ tranh dân gian hơn 4.500 tranh có nhan đề Kỹ thuật của người An Nam, do Henri Oger là một quản lý viên trong cơ quan hành chính dân sự của chính quyền Đông Dương (1907 - 1909) tổ chức thực hiện. Bộ tranh khắc gỗ đồ sộ này phải dùng đến hơn 700 bản khắc gỗ và chỉ phát hành 60 bản trên giấy dó khổ lớn. Bộ tranh có nhiều giá trị lịch sử, là một thư tịch quý, sinh động về đời sống người dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Điều đáng nói hơn, qua bộ tranh cho thấy kỹ thuật làm tranh khắc gỗ của những nghệ nhân Việt Nam đạt được trình độ cao.

   Trải qua thời gian đến hôm nay, nghề làm tranh khắc gỗ vẫn còn tồn tại, tuy không phát triển thịnh vượng như xưa. Việc làm tranh bằng kỹ thuật in bản gỗ, màu sơn ta, để bán Tết cũng mai một dần, chưa được khôi phục vị trí xứng đáng như ngày trước. Tết đến, thỉnh thoảng mới được nhìn thấy người ta bày bán những tranh gà, lợn, hoa lá…nhưng được in bằng kỹ thuật in hiện đại, trên giấy láng, bay mùi mực in chưa khô.

   Thú chơi hoa tết

   Năm hết tết đến, người dân quét dọn, trang trí nhà cửa để đón một mùa xuân mới. Dù có tất bật, bận bịu với công việc bao nhiêu, vẫn dành chút ít thời gian dạo chợ hoa, sắm vài loại hoa nào đó mang về nhà đặt vào chỗ trang trọng nhất. Màu hoa được mọi người ưa chuộng nhất là vàng và đỏ, hai màu sắc tượng trưng cho may mắn, lộc tài trong năm mới.

   Khi nói đến sắc hoa đỏ, người ta thường nghĩ ngay đến đào phương Bắc e ấp trong mưa phùn đầu xuân. Khi nhắc đến sắc hoa vàng, người ta nghĩ ngay đến mai – loài hoa phương Nam đầy nắng gió, rực rỡ mỗi khi xuân về. Khoảng đầu tháng Chạp, thanh niên trong xóm, làng rủ nhau lên rừng tìm mai – “tầm mai”. Đó là công việc vất vả nhưng vô cùng hứng thú. Những cánh rừng, hoặc những ngọn núi cô đơn có rất nhiều mai rừng. Mọi người ra đi từ sáng sớm, lúc trời còn sương mù, mang theo cơm ăn, nước uống cả ngày. Chạy xe đến chân núi, hoặc lối vào rừng thì bỏ xe lại đó, lội bộ. Đi đến khi nào gặp được cây mai nào ưng ý thì chặt mang về. Người đi tìm mai cũng kiêng cữ nhiều chuyện để mong gặp may, tránh sự xui xẻo. Nếu may mắn thì nửa buổi đã gặp được cội mai ưng ý, có dáng, thế đẹp, chặt mang về. Nếu vô duyên, cả ngày cũng không gặp, thậm chí hai ba ngày, hoặc cả tuần, mất công sức, thời gian, mới tìm được, mà nhiều khi cũng không ưng ý, đành chặt vác về chơi tạm cho qua tết. Có cành mai rồi, mang về lặt hết lá, thui sơ gốc bằng rơm, cắm vào ché đựng đầy nước. Cứ thế sáng sớm, chiều muộn phun nước, chăm sóc mai như chăm con mọn để đến cận tết, ngắm những mầm xanh nhú lên trên cành, rồi từng nụ hoa nhỏ xíu, dần dần lớn lên, cảm giác thích thú vô cùng, sướng tê cả người. Sáng ba mươi tết, khiêng ché mai rừng vào chỗ trang trọng, đẹp nhất nhà, rồi treo đèn, gắn thiệp lên tăng thêm lộng lẫy. Chẳng may, kỹ thuật chăm sóc chưa đạt yêu cầu, hoặc gặp năm thời tiết lạnh quá “mai điếc”, hay nóng quá mai bung sớm trước tết, lại phải lo lắng, chạy tới chạy lui, hỏi han mọi người bày cho cách cứu mai. Được một cành mai rừng nở đúng đêm ba mươi là một điều hạnh phúc, một niềm tự hào khi đó lại là sản phẩm do chính tay mình tìm thấy. Mai rừng có dáng vẻ tự nhiên, hoa thơm và lâu tàn, và nhất là ít tốn kém tiền bạc nhưng mang lại nhiều niềm vui.

   Đó là chuyện của hai, ba chục năm trước mà người ta ngồi kể với nhau nghe lúc trà dư, tửu hậu, cận tết, giáp niên. Hiện nay, đi cả ngày trời, quần nát hết cánh rừng, tìm mỏi cả mắt may ra mới được vài cành mai rừng như cành cây khô, không muốn mang về, người ta chuyển qua chơi mai trồng, mai chậu. Người nào trong năm làm ăn khá giả thì chọn mua ngay một chậu mai ưng ý, hoặc một cành mai chặt từ nhà vườn nụ từng chùm, lá non mơn mởn. Người làm ăn thất bát, chờ đến sáng ba mươi cũng cố gắng sắm cành mai chưng ba ngày tết cho vui cửa, vui nhà.

   Ngoài thú chơi mai đã ăn sâu vào tiềm thức, còn có một số loại hoa mang sắc vàng như cúc, trường sanh (hay trường sinh, sống đời), vạn thọ. Cúc là thứ hoa sang trọng được các nhà vườn nâng niu, chìu chuộng, cho giá trị kinh tế cao. Nếu cúc được xem là “công chúa”, thì hai loại hoa còn lại ví như “gái quê”, được trồng nhiều ở nông thôn. Hoa trường sanh là loại cây mình nước, thân mềm, hoa vàng nhỏ li ti, tươi lâu, cùng với vạn thọ, hai tên gọi như điều chúc sức khỏe tốt lành trong năm mới được nhiều gia đình nông thôn chưng trên bàn thờ ba ngày tết.

   Cũng phải kể đến một loại hoa quý phái, kiêu sa đó là lan. Thú chơi lan đã trở thành phong trào, có thành lập hiệp hội, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau. Một giò lan nở vào dịp tết có giá bán khá cao so với những loại hoa khác do công chăm sóc, độ quý hiếm của chủng loại lan, cũng như hương thơm quyến rũ. Những nhà vườn có lan treo bán trong dịp tết rất thu lợi. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để mang về nhà từ hai đến ba giò lan treo chơi tết.

*

   Với tâm lý “một năm có ba ngày tết”, ai cũng muốn tận hưởng, hưởng thụ sau những tháng ngày trong năm làm lụng mệt nhọc. Tuy vậy, chọn thú vui chơi trong “ba ngày tết, bốn ngày xuân” mà ít hao tổn tiền bạc, mà lại mang đến niềm vui cho người chơi, đó mới là điều đáng bàn. Điểm qua ba thú chơi câu đối, tranh tết và hoa còn lưu truyền đến nay có thể thấy món ăn tinh thần trong ba ngày tết của người dân rất đặc sắc.