Tìm hiểu Bolero

17/10/2022 16:23
557

HUY SÔ


Thời gian gần đây, trong các buổi liên hoan ca nhạc, các hội diễn văn nghệ quần chúng… các ban tổ chức thường dùng từ Bolero, tình khúc Bolero…

Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu xuất xứ của danh từ mới “nhập khẩu” này:

   Theo từ điển Pháp – Việt của Đào Duy Anh (1936): Bolero là một lối khiêu vũ của Tây Ban Nha, là khúc nhạc về lối khiêu vũ ấy.

   Theo LePetit LaRousse (1937): Bolero là điệu khiêu vũ Tây Ban Nha rất linh – hoạt, là khúc nhạc phục vụ cho điệu ấy.

   Theo danh từ âm nhạc của Tống Ngọc Hạp (1954): Bolero là một điệu khiêu vũ Tây Ban Nha có castagnettes (dịch là Mõ) giữ nhịp, là bản nhạc viết theo tiết điệu ấy, theo điệu Bolero (2/4, 3/4).

   Theo LePetit LaRousse 1999, grand format, encouleurs: Bolero là điệu khiêu vũ Tây Ban Nha, khúc nhạc cho điệu khiêu vũ, có nguồn gốc là của dân xứ Andalousie, nhảy múa từng cặp theo điệu nhạc quen thuộc. Ra đời từ thế kỷ 18, Bolero được xem như tuyệt đỉnh của khiêu vũ trên sân khấu thực nghiệm ở thế kỷ 19.

   Trong Từ điển Bách khoa 1995 do Hội đồng quốc gia chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng gồm 45 vị và Ban biên tập gồm 48 vị: chưa có danh từ Bolero. Như vậy trong thế kỷ 20, danh từ Bolero chưa có trong ngôn ngữ Việt Nam.

   Do đặc điểm của mảnh đất đã nuôi dưỡng, đã trải nghiệm qua những biến đổi thăng trầm của cuộc sống…; mỗi dân tộc đều có một thế giới nội tâm riêng với những ý nghĩ, nhận thức, tình cảm… được thể hiện qua hành động và ứng xử giao tiếp.

   Các nhà dân tộc học phương Đông đã nghiên cứu khái quát, do lịch sử và phát triển, về văn học, mỗi dân tộc đều có những đặc tính khác nhau:

   Với dân tộc Ấn Độ: Duy linh (thiêng liêng)

   Với dân tộc Trung Hoa: Duy lý (nên có tri thức chính xác)

   Với dân tộc Nhật Bản: Duy mỹ (nên có xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật)

   Với dân tộc Việt Nam: Duy cảm.

   … Từ dáng đi, nét mặt, giọng nói, ánh mắt, nụ cười… được thể hiện qua nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, từ hát ru, hát giao duyên, hát dặm, hát đúm, hát ghẹo, hát chèo… đến sân khấu cải lương 3 Nam, 6 Bắc, 7 Hạ… đều mang đậm đà màu sắc trữ tình, biểu hiện những ý nghĩ, tình cảm, tâm hồn của người Việt chúng ta.

   Vậy những khúc ca được trình diễn trong các buổi liên hoan hay hội diễn văn nghệ, thể hiện tình cảm ý Đảng lòng dân, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm quân dân như cá với nước, tình thương giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng, anh em, bè bạn, láng giềng… đều hoàn toàn là những tình khúc mang đậm đà tâm hồn và cốt cách Việt Nam sao ta lại gọi là tình khúc Bolero của người dân Tây Ban Nha, xứ Andalousie cách ta nửa vòng trái đất?