TÁC PHẨM DỰ THI "GIẢI CỜ ĐỎ" TỈNH BÌNH THUẬN 2023
CHUYỆN NGƯỜI GỠ BOM

04/05/2023 00:00
428

NGUYỄN DUY THỈNH


 

Có bom. Nhiều lắm, đủ các loại. Ngay trong thành phố Phan Thiết. Trung tá Phạm Biên Thùy, Chủ nhiệm Công binh, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận nói qua điện thoại. Tôi tức tốc lao ngay đến hiện trường. Ngoằn ngoèo trong khu dân cư phường Phú Tài, hỏi thăm một hồi, tôi mới tìm đến được nơi các “dũng sĩ” công binh đang chinh phục “thần chết”. Ba hố đã sâu hoắm. Có hố trên hai mét, nước lình sình. Do tính chất cực kỳ nguy hiểm nên mỗi hố chỉ một người thực hiện. Đại úy Lương Thái Vương, bùn đất ngập sâu quá gối đang đánh vật với nhiều quả đạn 105mm nằm chồng lên nhau. Hố bên, Thượng úy Hoàng Văn Ghên nhẹ nhàng chuyển từng quả đạn M79 vào trong thùng đựng cát. Trên bờ mỗi hố nào đạn cối 60, 80mm, đạn M79, đạn pháo 105mm, vài quả mìn đã được tháo ngòi nằm thin thít. Khu vườn của bà Phạm Thị Phước, ở khu phố 6, phường Phú Tài, giữa trưa im phăng phắc, chỉ có tiếng sột soạt của xẻng bộ binh, tiếng thở của các anh lính công binh đang lần gỡ những đạn cối, chinh phục những quả mìn, tháo ngòi nổ của đạn pháo.

 

   Nghỉ uống hớp nước, tôi tranh thủ hỏi Hoàng Văn Ghên. Quanh mình đầy bom, đạn có sợ không? Sợ chứ, nhiều lúc sợ ù cả tai đến mấy ngày. Nhưng càng sợ mình càng phải bình tĩnh. Xuống hầm là phải tập trung cao độ, phải nắm vững nguyên lý hoạt động của các loại bom, đạn, mìn và vật liệu nổ. Như đạn M79 vừa lấy lên kia, Mìn định hướng Cleimo, Mìn 16A2 đang nằm đó. Khi phát hiện, chúng còn nguyên chấu và các đạn pháo, cối ngòi, liều còn nguyên… Do vậy, trong tháo gỡ, thu gom, xử lý lại càng không cho phép một sơ suất nhỏ nào.

 

   Thở phào khi việc thu gom và tổ chức vận chuyển, hủy hoàn thành, Trung tá Phạm Biên Thùy, Chủ nhiệm Công binh Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận, người trực tiếp chỉ huy thực hiện nhiệm vụ thu gom và xử lý hầm đạn pháo, bom, mìn cho biết: các hầm đạn pháo nằm ngay trong khu dân cư, người qua lại đông đúc. Chúng tôi phối hợp với dân quân tổ chức cảnh giới. Vận động người dân trong vùng nguy hiểm tạm lánh đi nơi khác. Quá trình đi thu gom, chúng tôi chọn những đồng chí có kinh nghiệm, đã nhiều lần tham gia thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ bom, mìn. Đồng chí Vương và Ghên là hai sỹ quan trẻ. Họ được đào tạo chính quy ngành công binh, chuyên ngành bom, mìn để trực tiếp làm. Tôi phụ trách phần xử lý ngòi nổ, phân loại, tổ chức vận chuyển tiêu huỷ.

 

   Cứ đến Ngày truyền thống binh chủng Công binh 25/3 Thượng tá Vũ Đình Trường, Nguyên Chủ nhiệm Công binh Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức gặp mặt những người lính công binh tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ. Việc này được anh Trường duy trì thường xuyên ngay tại nhà riêng của mình. Không có diễn văn, cũng chẳng có băng rôn, khẩu hiệu, buổi gặp mặt cứ thế diễn ra trong sự đầm ấm tình đồng đội. Người già nghỉ hưu, lớp trẻ đang công tác cùng vợ, con quây quần, ôn lại kỷ niệm, xoay quanh chuyện làm hầm, gỡ bom, mở đường, rà phá, thu gom bom, đạn. Những lần đầy cam go, bao lần hú vía thoát chết, nhiều lần lao người vụt chạy vì bom phát cháy. Với những người lính Công binh, những lần được tập trung khá đông đủ, được ở bên vợ, con, gia đình là vô cùng quý giá. Do đặc thù môi trường, công việc, công trình của các anh làm hiểm nguy, độc hại, xa nhà, chủ yếu là rừng sâu, núi cao, hải đảo biền biệt, ít khi được về thăm nhà. Họ trân quý từng giây phút được sống bên gia đình, vợ con để chia sẻ, giúp đỡ, động viên.

 

   Hai năm qua do dịch bệnh COVID - 19, nên việc họp mặt bị gián đoạn. Ngày 25/3/2023 vừa qua, kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành Công binh rơi vào ngày thứ Bảy, cuộc gặp mặt có đông đủ hơn mọi năm. Chiến tranh đã kết thúc đã lâu, nhưng cán bộ chiến sĩ công binh thì vẫn còn đó sứ mệnh của những người “đi trước, về sau”. Nhiệm vụ của họ vẫn làm cầu, làm đường, xây dựng công sự, trận địa, công trình phòng thủ, bố trí, khắc phục vật cản, dò tìm khắc phục bom, mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại, tạo giả trong diễn tập, bảo vệ các sự kiện, mục tiêu trọng yếu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ .v.v. Trong tất cả các công trình dân sinh, quốc phòng dù núi cao, rừng sâu, đều có những bước chân thầm lặng của lính công binh.

 

   Gần 40 năm công tác trong ngành Công binh LLVT tỉnh Bình Thuận, Thượng tá Vũ Đình Trường đã nghỉ hưu vài năm. Mỗi khi nhắc lại anh vẫn còn nhớ chi tiết về những lần đi rà phá, thu gom bom, mìn, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh. Năm 1994, vừa hoàn thành xong công trình phòng thủ của tỉnh, lực lượng Công binh tiếp tục được Bộ CHQS tỉnh gọi lên giao nhiệm vụ đi rà phá, xử lý, thu gom bãi mìn tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Làm ngụm trà đã nguội từ lúc nào vì nãy giờ lo đón khách. Anh Trường nói: đã 29 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại tôi ngỡ như ngày hôm qua. Lúc ấy tôi chịu trách nhiệm về kỹ thuật, Anh Nhật làm Đại đội trưởng Đại đội Công binh 19. Nhận nhiệm vụ, tôi xin phép Bộ chỉ huy vài ngày đi khảo sát bãi mìn, tìm hiểu kỹ từng chuẩn loại, tổ chức huấn luyện bổ sung cho bộ đội, xây dựng kế hoạch chi tiết và làm công tác chuẩn bị. Hành quân ra đến nơi, vài hố mìn vừa mới nổ đất còn tươi nguyên do gia súc đi vào vướng phải. 25 anh em không ai nói ra nhưng đầy lo lắng và căng thẳng. Một vùng cây cối héo khô, lúp xúp, xác xơ. Đất cằn khô sỏi đá, không nước, không điện. Bắt tay vào dựng lều, tổ chức khảo sát, bàn phương án, rào khoanh vùng, chia từng khu vực. Đất đá sỏi cứng, cuốc chim bổ xuống nảy bật lên. Phương án được đưa ra, cắt một tổ chuyên đi gánh nước, cõng nước. Tổ rà tìm, đánh dấu. Tổ xử lý, khắc phục, tiêu hủy. Khi phát hiện mìn, phần lớn là Mìn 16A2 và Mìn M14. Chúng tôi dùng nước tưới cho mềm ở những nơi có mìn. Cuốc chim, xẻng bộ binh moi từng tí đất dưới cái nắng như thiêu đốt (Tuy Phong là vùng đất khô hạn nhất nước ta). Nan giải nhất là những quả mìn nằm lẫn trong những lùm cây, rễ đan chặt, khi khắc phục chỉ chút sơ suất là bung chốt. Biết vậy, cẩn thận lắm, nhưng anh em vẫn một phen hú vía, thoát chết. Vừa xắn đứt những rễ cây Cọ Dầu bám quanh mìn, viên đá trên hố lăn rớt ngay quả mìn, chốt bung ra, Trung sĩ Nguyễn Công Hậu, Tiểu đội trưởng phản xạ lăn nhào qua bên hố, nhưng rất may mìn không nổ. Để bảo đảm an toàn tôi dùng thuốc nổ, đánh hủy quả mìn ngay tại hố. Rủi ro của người lính Công binh lúc nào cũng luôn rình rập quanh mình.

 

   Ròng rã hơn gần ba tháng (từ tháng Hai đến tháng Tư, năm 1994) ăn, ở, ngủ nghỉ tại ngay bãi mìn. 25 cán bộ, chiến sĩ Công binh Bình Thuận đã làm sạch bãi mìn rộng 2,6 hecta, thu gom hơn 460 quả Mìn 16A2, còn gọi là Ba Râu Tôm và Mìn M14. Đây là khu vực Mỹ, Ngụy trước đây lập tuyến phòng thủ, bảo vệ đồn bốt của chúng. Mìn được bố trí dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều chủng loại 16A2, Mìn M14 không theo trình tự nào. Hàng trăm lần lực lượng công binh đi thu gom, xử lý, bom, đạn, mỗi lần mỗi khác, không có quy luật nào của bom, đạn. Vụ xử lý khắc phục ba quả thủy lôi, ngư lôi ở xã Phước Thể và thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong năm 2000. Mỗi trái nặng gần 1 tấn, trong đó có 1 quả thủy lôi không có trong danh mục, tài liệu của ta. Sau khi báo cáo cấp trên, anh em công binh phải đào hầm sâu, đổ muối, đổ bê tông chôn chúng. Những trái bom nằm sâu trong núi và nhiều quả bom Napan đang trong tư thế nhả khói (Đức Linh, Bắc Bình), 150 quả Bom bướm đã mở cánh bung ra khỏi bom mẹ (bên Hồ Suối đá huyện Hàm Thuận Bắc) và rất nhiều đầu đạn M79 đã được bắn ra khỏi nòng chưa đủ vòng quay để nổ. Còn năm 2010 xử lý hầm đạn pháo 105 ở Trường dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận. Trong khi đang đào móng xây ký túc xá, công nhân đã phát hiện nguyên một hầm đạn pháo (đây là căn cứ phòng thủ phía bắc Phan Thiết của quân địch trong kháng chiến chống Mỹ). Đạn pháo địch đã lắp ngòi nổ, tháo chốt để sẵn sàng bắn. Yếu tố nguy hiểm rất cao, triển khai cho các chiến sĩ ra bảo vệ vòng ngoài, tôi và Thùy trực tiếp xử lý.  Bùn, đất đá, nước trộn chung với đạn pháo, thuốc nổ, lựu đạn, mìn. Chúng tôi chia nhau, ai mệt lên nghỉ, lần dò gần cả tuần trong bùn, đất mới thu gom được hết (350 đạn pháo 105mm)… Bom mìn, vật liệu nổ tiềm ẩn nguy hiểm rất cao, ảnh hưởng không nhỏ cho nhân dân. Những lúc như thế ngoài sự chuẩn xác đến từng li, lòng dũng cảm, thần kinh luôn căng lên mỗi khi xuống hầm. Hòa bình, hy sinh này chỉ có lính công binh.

 

   Từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 8 năm 2018, chúng tôi đi “thu phục” hai hầm đạn pháo ở xã Phan Rí Thành cũng một phen hú vía. Công trình xây dựng trường Trung học cơ sở Bắc Bình 1 ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang tăng ca để kịp cho các học sinh vào năm học mới. Khi đào móng xây tường rào, các công nhân đã phát hiện rất nhiều bom, đạn, thuốc nổ trong một hố, lái xe múc lao khỏi xe tháo chạy, nhiều ngày sau vẫn không dám quay về. Nhận được tin báo, tổ thu gom được thành lập do Đại úy K’ Văn Cảnh (nay là Thiếu tá) làm chỉ huy cùng 3 chiến sỹ, đang làm công trình phòng thủ trên Đảo Phú Quý. Họ lên tàu vượt biển về ngay hầm đạn.

 

 

   Tiếp bước người cha K’ Văn Dên, một chiến sĩ cách mạng cũng là lính Công binh ở vùng đất Nam Sơn trung dũng, Thượng úy K’ Văn Cảnh từ nhỏ đã theo cha đi khắp núi rừng Đông Giang, La Dạ gỡ những quả mìn, đạn pháo giúp đồng bào an tâm khi lao động sản xuất. Lớn lên cùng núi rừng, đến khi vào lớp Thiếu sinh quân rồi anh quyết tâm thi đậu vào trường Sỹ quan Công binh để theo đuổi lý tưởng của mình, nối nghiệp người cha. Ra trường nhận nhiệm vụ tại Đại đội Công binh 19, K’ Văn Cảnh không ngại gian nan, hiểm nguy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá K’ Văn Cảnh luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ; đảm nhận các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo; thực hiện các phần việc khó khăn như rà phá bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh trên các địa bàn toàn tỉnh. Phần lớn các loại bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại đến nay đã nửa thế kỷ nằm trong lòng đất, nên độ nguy hiểm rất cao. Lần thu gom, tháo gỡ hầm đạn ở xã Phan Rí Thành. Có loại trái pháo vừa đào lên, gặp ánh sáng mặt trời và không khí đã phựt cháy, khói mù mịt. Tất cả vụt chạy khỏi hố bom. K’ Văn Cảnh đã bình tĩnh xử lý an toàn, đem lại sự bình yên cho mọi người.

 

   Đem câu hỏi hàng chục lần đi gỡ bom, đạn, Cảnh có kinh nghiệm gì không? Kinh nghiệm thì cũng có chứ! Cảnh khẳng định. Nhưng làm gì thì làm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, không được vội vàng hấp tấp, không chủ quan, không lơ là. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Mỗi lần đi thu gom, hay rà phá bom, đạn, mìn, vật liệu nổ là mỗi lần lính Công binh đi đánh trận. Chiến thắng của họ là xử lý an toàn những quả bom, đầu đạn, đem lại sự bình yên cho nhân dân, hồi sinh những vùng đất chết, cây trái xanh tươi, nhà cửa, công trình mọc lên tươi mới.

 

   Đến hầm đạn, tổ công binh nhanh chóng bắt tay vào làm nhiệm vụ. Người dọn các vật xung quanh cho thoáng, gọn, sạch; người cầm máy dò mìn để xác định xung quanh còn có bom, đạn và đã phát hiện ra thêm một hầm; người chuẩn bị dụng cụ, bảo hộ… Ai nấy đều rất khẩn trương nhưng cũng rất tỉ mỉ, cẩn thận, nhẹ nhàng. Cách tôi không xa, Hạ sĩ Huỳnh Ngọc Huy đang dùng tay rút quả đạn Pháo 105mm ra khỏi rễ của gốc cây Xà Cừ. Hai chân hạ tấn vững chắc, Huy dồn hết sức lực vào 2 cánh tay vừa giữ bảo vệ phần đầu quả đạn, vừa rút và nâng đỡ gọn gàng. Không gian như đặc quánh. Tôi nghe thấy cả nhịp tim mình đang đập và cảm nhận được từng mạch máu đang chuyển động trong cánh tay của Huy. Nước da đen vì nắng gió do đang làm công trình phòng thủ trên Đảo và những ngày huấn luyện trên thao trường. Khi quả đạn lạnh lùng được nằm ngay ngắn trên đất, Huy bảo chúng tôi tránh xa để mình anh dùng thiết bị tháo ngòi nổ, vì đây là khâu nguy hiểm nhất. Người lính công binh lúc nào cũng nhận phần khó khăn, nguy hiểm về mình, lo sự yên bình cho mọi người. Hơn nửa thế kỷ bị chôn vùi trong đất nhưng quả đạn vẫn còn nguyên vẹn, thân và ngòi nổ. Trong tôi suy nghĩ rờn rợn: bom, đạn, ngòi nổ còn nguyên thế kia lỡ đâu một sơ xuất nào… Tôi không muốn nghĩ tiếp nữa vì cái điều “lỡ đâu” kia đã được Hạ sĩ công binh Huỳnh Ngọc Huy xử lý bước đầu thành công. Sở dĩ bước đầu là còn khâu vận chuyển và tiêu hủy nữa. 5 ngày đêm, lúc nắng rát, lúc mưa sụt sùi, bốn người lính công binh đã chinh phục an toàn 211 quả đạn pháo 175, 155 ly;  451 quả đạn 105 ly và gần 500 quả đạn cối, đạn M79 và các loại mìn, đạn nhọn, thuốc nổ. Chúng tôi phải chở đến bốn xe tải mới hết số đạn pháo, tạo điều kiện xây dựng trường kịp năm học mới. Những phần việc thấm đẫm mồ hôi, hiểm nguy đến tính mạng, những công trình kinh tế, dân sinh, dân trí được xây dựng, nhân dân được yên bình. Người lính công binh lại chuẩn bị hành trang đi chinh phục Thần Chết.

 

   Ông Phạm Minh Thạch, Phó Ban quản lý dự án huyện Bắc Bình: không một ai dám đến gần, các anh bộ đội chia ca nhau ngày đêm âm thầm xử lý. Từng quả đạn được các anh vận chuyển ra xe, chèn cát phủ kín. Chứng kiến các anh ngồi dưới hầm, lần đào tìm từng quả đạn, nắng nóng, mưa lạnh, áo quần luôn đẫm mồ hôi, lấm lem bùn, đất, nồng nặc mùi thuốc nổ… Vất vả, gian khổ, hiểm nguy là vậy, nhưng những người lính trẻ Công binh như K’ Văn Cảnh, Hạ sĩ Huỳnh Ngọc Huy, chiến sĩ Thành, Vũ lúc nào cũng lạc quan. Thật khâm phục sự hi sinh và tinh thần thép của bộ đội công binh.

 

   Từ ngày giải phóng đến nay gần 50 năm, đơn vị nào ít, nhiều đều có doanh trại khang trang, nhưng với cán bộ, chiến sỹ công binh thì vẫn lều tôn, nhà tạm, thiếu nước, thiếu điện, khó khăn đủ bề, cuộc sống rày đây mai đó, công trình ở đâu, doanh trại ở đó... Lúc rừng sâu, khi đồng khô, biển đảo. Ở đâu cũng chỉ là những căn nhà tạm bợ, mái tôn, vách cót, ván tạp, nhưng trái lại cán bộ, chiến sỹ công binh luôn là những con người chính quy, chấp hành nghiêm túc quy tắc, tỉ mỉ, gọn gàng. Nghề nghiệp hiểm nguy đã làm nên tính cách họ. Dù khó khăn, vất vả Bộ đội Công binh luôn phát huy được truyền thống, bản lĩnh và tích cực học tập, rèn luyện tinh thần vượt khó theo gương Bác Hồ. Trong những năm qua lực lượng công binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là một trong những đơn vị đạt tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng của LLVT Bình Thuận, là đơn vị dẫn đầu trong chấp hành kỷ luật, dân vận tốt, cán binh đoàn kết, trên dưới đồng lòng.

 

   Đại úy Lương Thái Vương, năm 2013 tốt nghiệp Trường sĩ quan Công binh với kết quả giỏi, được phong Trung úy về nhận nhiệm vụ ở Bộ CHQS tỉnh. Vương luôn thống kê, ghi chép thật rõ ràng từ số lượng, từng loại đạn, pháo, bom, mìn. Mỗi lần đi thu gom, rà phá ở đâu, loại gì, vùng đất, địa hình Vương đều thể hiện rõ trong nhật ký. Nhờ tỉ mỉ việc này mà Vương có rất nhiều kinh nghiệm khi xử lý, thu gom. Rà phá bom, đạn. Kết quả thống kê từ mười năm qua, (2013 đến tháng 4/2023), Lương Thái Vương cùng lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh rà phá, thu gom, hủy thành công: Bốn quả thủy lôi, mỗi quả nặng gần một tấn; 25 quả bom (mỗi quả nặng từ 350 đến 440kg); 1.690 đạn pháo các loại; 808 quả đạn cối từ 60mm đến 120mm; 121 quả mìn, 289 đạn M79 và rất nhiều thuốc nổ, đạn nhọn, lựu đạn các loại.

 

   Quan sát quá trình rà phá bom, mìn, chúng tôi thấu hiểu hơn hiểm nguy trong từng động tác dò gỡ. Bởi bom, mìn, đầu đạn, vật liệu nổ nhiều chủng loại vùi lấp lâu năm trong đất, qua tác động của môi trường và vật chất xung quanh luôn trong trạng thái sẵn sàng nổ. Hơn nữa bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh nằm không theo quy luật nào, địa vật có nhiều thay đổi, cây cối mọc bao phủ, vì thế việc lần mò, dò gỡ từng quả mìn, đầu đạn là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Dẫu vậy, họ hiểu rằng, việc rà phá bom, mìn là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không những góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

   Theo một thống kê mới đây để xác lập lại bản đồ ô nhiễm bom, mìn vật liệu nổ của nước ta. Ước tính số bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh còn khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu héc-ta, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước. Bom, mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại tất cả các tỉnh, thành phố. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người thiệt mạng, trên 60 nghìn người bị thương. Bình Thuận trong chiến tranh là chiến trường ác liệt, sau chiến tranh Bình Thuận mang nhiều thương tích, đó là những trái bom, mìn, đầu đạn, chất độc hóa học còn lẩn khuất sâu trong lòng đất, tận hang cùng ngõ hẹp, con phố, khe suối, rừng cây, đâu đâu cũng còn tiềm ẩn và số lượng nhiều.

 

   Bước vào nhiệm vụ rà phá bom, mìn là bước vào trận chiến, chỉ “sai một li” cũng có thể đánh đổi bằng cả tính mạng, không có cơ hội rút kinh nghiệm. Vì thế, khi huấn luyện bộ đội, những cán bộ như Thiếu tá K’ Văn Cảnh, Đại úy Lương Thái Vương, Thượng úy Hoàng Văn Ghên tập trung huấn luyện, rèn luyện kỹ năng cho bộ đội thật sát thực tế, thực hành thật chắc chắn và khi thực hiện nhiệm vụ luôn kiểm tra thật kỹ lưỡng. Để tinh thông như lính công binh cán bộ, chiến sĩ phải “đội nắng thắng mưa” tỉ mỉ, bền bỉ, nhẫn nại trên bãi tập, tích cực truyền thụ kinh nghiệm của người đi trước với người đi sau, tăng cường kèm cặp giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới và bảo đảm thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 

   Nhiệm vụ của bộ đội công binh vốn vất vả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nên với chuyên môn vững vàng, nhiều kinh nghiệm, lại giàu bản lĩnh, đội ngũ cán bộ của đơn vị Công binh Bình Thuận luôn nhận về mình những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, không bao giờ thoái thác cho chiến sĩ. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng là sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ với chiến sĩ. Những sỹ quan Công binh Bình Thuận mà tôi gặp khi mới ra trường thì trắng trẻo, tóc bóng mượt. Chỉ qua vài tháng, vài năm bám trụ công trình, lăn lộn với bom, đạn, tóc ai cũng như rễ tre, vàng hoe, da nhuốm đầy màu nắng, quần áo lấm đầy bụi đất hay xi măng, chỉ có cái miệng hay cười và đôi mắt sáng long lanh. Mồ hôi của họ rơi âm thầm trong lòng đất, khiến bom, đạn cũng mềm ra, cát, đá, xi măng, sắt thép vốn khô cứng, lạnh lẽo cũng hòa quyện vào nhau để làm ra điểm tựa, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc khi có chiến tranh.

 

   Lặng thầm với công việc, những người lính Công binh đã và đang làm hồi sinh sự sống trên những dải đất một thời xơ xác bởi chiến tranh, bom, đạn. Mồ hôi, nước mắt và xương máu của các anh đã góp phần để nhân dân bình yên, dựng xây cuộc sống ấm no, những công trình tươi mới. Bám đất, bám rừng, bám biển đảo, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng những công sự trận địa vững chắc, những công trình phòng thủ liên hoàn, làng quê yên bình, lòng dân tin yêu, đùm bọc.