BÌNH THUẬN
VỚI DẤU ẤN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

03/05/2023 00:00
310

PHAN CHÍNH



 

Một số đầu sách của Hội VHNT Bình Thuận xuất bản giai đoạn (2008-2023)

 

Bình Thuận là một vùng đất có quá trình hình thành trên 300 năm với nhiều đặc điểm về thiên nhiên, tiềm năng kinh tế, văn hóa và lịch sử truyền thống anh hùng… Đó là nguồn cảm hứng phong phú đối với văn nghệ sĩ luôn dâng trào trong sáng tạo nghệ thuật.

 

   Tiền đề cho một chặng đường

 

   Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước 1975, năm 1982 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thuận Hải (gồm Bình Thuận, Ninh Thuận) được thành lập. Đến năm 1991, tỉnh Thuận Hải  xác lập lại thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Đại hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ II (nhiệm kỳ 1993-1998) nhưng là Đại hội đầu tiên sau khi chia tách tỉnh, ổn định về tổ chức và đi vào hoạt động. Vẫn là lực lượng hội viên chủ yếu với số lượng 85 hội viên trong tổng số 100 hội viên trước đó. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII -1998) về chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ mới có ý nghĩa lớn đến thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa đất nước. Qua đó nhiều vấn đề đặt ra cho giới văn nghệ sĩ đó là phải nhận thức sâu sắc giá trị “tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, đại chúng…”, có tác động đến ý tưởng sáng tạo tác phẩm văn học và nghệ thuật. Đồng thời Tỉnh ủy Bình Thuận có Nghị quyết 03 và Chương trình hành động số 20 của Tỉnh ủy để đầu tư, định hướng cho mục tiêu về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” phù hợp với điều kiện, năng lực của địa phương. Tỉnh có một quyết định quan trọng, thành lập Giải thưởng văn nghệ Dục Thanh và trao giải theo từng nhiệm kỳ đại hội (5 năm) nhằm dành cho các văn nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc về quê hương Bình Thuận và đất nước. Cùng lúc tăng cường, mở rộng “diễn đàn” văn nghệ của Hội với việc cấp phép xuất bản tạp chí Văn nghệ Bình Thuận định kỳ…

 

   Phát huy hiệu quả từ các nghị quyết đó, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh trải qua 4 nhiệm kỳ đại hội đã có những bước đi vững vàng, ổn định về tổ chức, ngày càng chuyên nghiệp và chuyển biến hơn. Nhưng với sự ra đời của Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 16/6/2008 Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” mang lại một khí thế mới, có nhiều tác động tích cực cho hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ, toàn tâm toàn ý với xu thế chung cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, giải pháp mang tính chiến lược mà nghị quyết đề ra “ Củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội…”.  

 

   15 năm tiếp tục đổi mới hoạt động văn học, nghệ thuật

 

   Nhiệm kỳ đại hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận khóa V (2010- 2015), do xảy ra những vấn đề về nhân sự lãnh đạo nên phải kéo dài gần 3 năm, đến 2018 mới có đại hội lần thứ VI (2018- 2023). Trong 2 nhiệm kỳ này nằm trong thời điểm phát động thực hiện Nghị quyết 23/NQ-TW. Đội ngũ hội viên từ trước đây 15 năm có 207 người, nay đã tăng lên 239 người, Trong đó, hội viên Văn học chiếm 45% và Hội có 60 hội viên chuyên ngành thuộc các Hội trung ương. Quan điểm của Hội về phát triển hội viên, coi trọng chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn năng lực sáng tạo và tác phẩm.   

 

   Với nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ của  Ủy ban Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và của UBND tỉnh, Hội đã phân khai và thực hiện một số công trình, xuất bản ấn phẩm có giá trị nghệ thuật và mang dấu ấn lịch sử trong quá trình văn học, nghệ thuật của tỉnh do Hội chủ trì biên soạn, xuất bản: Tuyển tập 20 năm văn học Bình Thuận (2008), Tuyển tập văn-thơ Bình Thuận sau 1975 (2008), Tuyển tập Thơ Bình Thuận 2010-2015 (2016), Tuyển tập Văn Bình Thuận 2010-2015 (2016), Mỹ thuật Bình Thuận 2010-2015 (2016), Ảnh nghệ thuật Bình Thuận 2010-2015 (2016), CD Ca khúc Bình Thuận trong tôi (2017), Kịch ngắn Sân khấu Bình Thuận (2018), Tuyển thơ-văn nữ Đêm Quỳnh Hương, Văn học kháng chiến Bình Thuận-19 tác giả/ tác phẩm (2020).

 

   Với mảng nghiên cứu, biên khảo do tác giả, nhóm tác giả xuất bản có nội dung viết về vùng đất Bình Thuận: Bác Hồ với quê hương Bình Thuận (2010), Trường ca về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (2011), Đất xưa Bình Thuận (2014). La Gi diện hải bối lâm (2017), Bình Thuận- tìm lại dấu xưa (2019), Bình Thuận quê xưa gió biển hương đồng (nhóm tác giả-2021), Kỷ yếu 40 năm thành lập Hội VHNT Bình Thuận (2022)…

 

   Không những bài viết của các tác giả Văn học qua tác phẩm xuất bản, trên các báo đài hay qua tạp chí Văn nghệ của Hội mà còn nhiều tác giả đã định danh trên các tạp chí văn nghệ, chuyên ngành uy tín trong nước.

 

   Trong hoạt động Mỹ thuật, qua các cuộc triển lãm trong tỉnh, liên hoan giao lưu khu vực… cho thấy một đội ngũ chuyên nghiệp. Trong số hội viên Phân hội chuyên ngành 33 người, có 5 hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, đạt nhiều giải thưởng trong tỉnh, khu vực và Trung ương.

 

   Phân hội Âm nhạc thuộc Hội hiện nay có 18 hội viên, nhưng có tỷ lệ cao với 8 nhạc sĩ là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Với sự năng động, bắt kịp nhu cầu thụ cảm của xã hội và mang cung bậc cảm xúc giàu bản sắc văn hóa, cuộc sống con người, mảnh đất quê hương. Có nhiều tác phẩm âm nhạc hay, có giá trị nghệ thuật, qua các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật biểu diễn tạo nên hiệu ứng lan tỏa đến khí thế mới trong đời sống xã hội và tinh thần bảo vệ Tổ quốc.

 

   Nhiếp ảnh Bình Thuận có một thế mạnh và chuyên nghiệp. Với vùng đất được thiên nhiên ban tặng một không gian kỳ diệu của biển trời đã tạo nên cảm xúc cho sự đam mê qua góc máy nghệ thuật của nghệ sĩ. Mỗi một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật là một thông điệp, khắc họa nét đẹp sống động, hiền hòa của quê hương, con người không những trong nước mà được công nhận qua các giải thưởng, tước hiệu từ các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế, các nước ASEAN. Trong đó có 8 hội viên được phong tước hiệu nghệ sĩ quốc tế FIAP… Trong số 53 người là hội viên thuộc Phân hội, đã có 26 hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

 

Hoạt động Sân khấu- Múa vốn có một truyền thống, bề dày đặc trưng nghệ thuật dân ca miền Duyên hải Trung Nam bộ nhưng sự đầu tư, nuôi dưỡng chưa đáp ứng kịp xu thế thị hiếu của công chúng nên dù có sự nỗ lực duy trì, vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay Phân hội có 26 hội viên, trong đó có 15 nghệ sĩ thuộc Hội Trung ương. Với Hội vẫn coi đây là một loại hình nghệ thuật biểu diễn có bản sắc độc đáo, có lịch sử gắn liền với mảnh đất quê hương Bình Thuận.

 

   Những dấu ấn trong hoạt động sáng tạo

 

   Nhìn lại những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết  23TW, thực sự mở ra cho Văn nghệ sĩ một tầm nhìn đúng đắn về triển vọng đất nước và ý thức trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy phải chặt chẽ, hợp lý về sử dụng kinh phí, nhưng Hội đã thu xếp để hội viên tham gia các Trại sáng tác tập trung, các chuyến đi thực tế, tác nghiệp sáng tác hàng năm. Đặc biệt, dù không nhiều nhưng tranh thủ, giới thiệu hội viên tham gia các đoàn vượt sóng gió, lênh đênh ra quần đảo Trường Sa, thăm huyện đảo Phú Quý hay một số tỉnh biên giới phía Bắc… là cơ hội quý giá giúp cho Văn nghệ sĩ nguồn năng lượng cần thiết cho cảm xúc, trách nhiệm trong sáng tạo để làm nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao.

 

   Về chủ trương và các giải pháp đề cập trong Nghị quyết 23TW có ghi: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm…”. Với Tỉnh cũng cụ thể hơn: “Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hội đã vận dụng giải pháp xã hội hóa và cá nhân hội viên đồng thuận, hưởng ứng trong điều kiện nguồn kinh phí Nhà nước của Liên hiệp Hội Trung ương và Tỉnh có hạn, không thể đáp ứng hết cho nhu cầu chi phí in ấn tác phẩm văn học được chọn lựa nên Hội vận động hội viên chấp nhận phương thức chia sẻ, giải quyết một phần hỗ trợ, hoặc tác giả tự xuất bản để tác phẩm ra mắt. Cũng từ giải pháp “thực hiện xã hội hóa” này, các Chi hội VHNT huyện, thị- cấp cơ sở của Hội, từ lâu nay lúng túng về cơ chế, nguồn kinh phí chỉ dựa vào địa phương và Hội không mấy ổn định, nhưng biết vận dụng để xuất bản được các Tuyển tập văn nghệ, hoặc tổ chức những đêm thơ Nguyên tiêu đầu xuân… Đó cũng là tinh thần xã hội hóa, hội viên và Hội cùng làm, để “tạo cơ hội cho ra đời các tác phẩm tốt”, theo nghị quyết.

 

   Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ở góc độ cảm nhận chủ quan của hội viên, văn nghệ sĩ từng địa phương có thể mỗi nơi mỗi khác. Nhưng ở Bình Thuận, với những năm tháng từ sau khi có Nghị quyết 23TW như một động lực mới, cởi mở hơn và tránh được những yếu kém, khuyết điểm mà nghị quyết đã nêu: “Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước”. Đồng thời nhấn mạnh: “Xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa học, bảo đảm được định hướng chính trị; khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, cũng như xu hướng thả nổi, không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng”.

 

   Mặc dù được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm, đề ra chương trình hành động (Số 21/NQ-TU ngày 22/9/2008) với những giải pháp thúc đẩy, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới với định hướng phù hợp tình hình của địa phương. Ngoài việc “cải tiến nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thể hiện của Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận” còn nhấn mạnh “Tạo điều kiện khuyến khích văn nghệ sĩ tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu lý luận và phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và định hướng các hoạt động sáng tác theo kịp yêu cầu đổi mới của đất nước và của địa phương”. Nếu đánh giá thực tế quá trình hoạt động thì đây là khoảng trống của chuyên ngành Văn học của Hội. Đó là chưa có những công trình, tác phẩm nghiên cứu mang tính lịch sử của vùng đất Bình Thuận đa dạng, đặc sắc về văn hóa ở góc nhìn học thuật.

 

   Chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết 23TW đã ghi nhận được phần nào sự chuyển biến của hoạt động văn học, nghệ thuật trong hai Nhiệm kỳ (thực tế từ 2010- 2023) của Hội VHNT Bình Thuận. Từ dấu mốc này tiếp tục và đạt được những thành tựu đáng kể nhưng cũng gặp không ít khó khăn về sự đầu tư, nguồn kinh phí hoạt động từ Hội TW không kịp thời và hạn chế gây nên sự bị động cho việc triển khai các chương trình nâng cao trình độ sáng tạo và hỗ trợ tác phẩm (trại sáng tác, đi thực tế, sự kiện, xuất bản…). Hội VHNT luôn đặt ra mục tiêu đổi mới và phát triển đa dạng hóa các loại hình sáng tạo văn học, nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phản ánh sinh động về diện mạo mới quê hương và con người Bình Thuận.