Tình tre

05/01/2023 00:00
480

NGÔ VĂN TUẤN


 "

   … Tre xanh
   
Xanh tự bao giờ?
   Chuyện ngày xưa …đã có bờ tre xanh…”
                                (Thơ Nguyễn Duy)

   Tôi sinh ra dưới những rặng tre già bên bờ sông Vu Gia, làng Lam Phụng, Đại Lộc, Quảng Nam và lớn lên cũng dưới những vòm tre xanh cong nỗi nhớ, có điều nơi ấy ở tít tận cuối dãy Trường Sơn, đó là đất lành Huy Khiêm, Tánh Linh, Bình Thuận. 

   Có lẽ vậy nên cây tre đối với tôi chứa nhiều kỷ niệm.

   Trong các loài lâm đặc sản quý hiếm ở rừng Tánh Linh, cây tre chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Chưa có tài liệu nào chính thức công bố diện tích rừng tre ở huyện Tánh Linh, nhưng từ nhìn nhận thực tế, cây tre ở Tánh Linh trước đây chiếm một tỷ lệ diện tích khá cao.

   Cây tre Tánh Linh có mặt gần như khắp nơi trên địa bàn huyện. Vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, người ta biết đến Tánh Linh qua những địa danh như đồi Giang, đồi Lồ Ồ (ở Lạc Tánh ngày nay), hay như hố tre (Huy Khiêm) đây chính là những nơi mọc rất nhiều tre. Nằm phía bắc sông La Ngà, các xã La Ngâu, Đồng Kho, Huy Khiêm…cũng có nhiều rừng tre, láng tre trải dài dưới chân Núi Ông.

   Tre Tánh Linh rất đa chủng loại, giang, le, lồ ô mọc ở núi cao, tre gai, tre mở có nhiều dọc sông La Ngà, các hố tre dưới chân núi Ông, núi Bắc, núi Đa Mi…

   Ngay từ những ngày mới lập làng mở đất, cây tre chính là sản vật vô cùng quý giá đối với người dân. Tre làm cột kèo, phên dậu, tre làm xuồng ghe đi lại, đánh cá trên sông, rồi bàn ghế, giường nằm, nong nia, giần, sàng, cho đến cái cối xay lúa, cán cuốc, cán rựa, hom tranh, sợi lạc, đôi đũa, cái rế để nồi niêu…Tre còn cho măng để làm thực phẩm.

   Trong chiến tranh vệ quốc, cây tre đã trở thành loại vũ khí lợi hại. Tre xây thành, dựng lũy để ngăn chặn quân thù.

   Trong chống chọi thiên tai, những bờ tre, lũy tre chính là những bờ kè kiên cố chống xói lở hữu hiệu nhất. 

   Đối với bà con dân tộc, tre còn tạo nên những âm thanh kỳ diệu qua các nhạc cụ như sáo, đàn…

   Ở các làng mạc dân cư ngày ấy, cây tre được người dân trồng dọc hai bên đường làng để tạo bóng mát. Đi giữa những hàng tre xanh rì rào tiếng gió, ta có cảm giác như đang đi vào ca dao cổ tích. Ngoài ra, trong phần đất vườn của mỗi gia đình đều có trồng vài bụi tre, khi cần là có tre, có măng sử dụng ngay.

   Ngày nay, đời sống của người dân đã được nâng lên một tầm mới, nhà cửa được xây dựng bằng các loại vật liệu xi măng, sắt thép. Vật dụng dùng trong gia đình toàn bằng nhựa, i nốc…

   Cây tre còn ít giá trị thực dụng trong đời sống. Con người dần phai nhạt cái “tình tre” đã gắn bó suốt bao đời. Người ta đem chôn vào quên lãng những chõng tre, những giần, sàng, nong, nia, mủng, thúng… Con đường làng cũng không còn tre xanh rủ bóng.

   Và rồi những đồi tre, rừng tre cũng theo năm tháng lụi tàn để nhường đất cho sản xuất, cho dự án…. Tre rừng Tánh Linh từ đó bị thu hẹp dần. Những đồi tre, rừng tre, hố tre, chỉ còn trong hoài niệm về một thời xa lơ, xa lắc.

   Có điều lạ, trong lúc dân mình ngày càng quên tre, thì ở những nước tiên tiến họ lại quay về với những vật dụng được làm từ mây tre, họ đang tạo nếp sống thân thiện và hòa nhập cùng thiên nhiên.

   Bảo tồn rừng tre, quay về với những vật dụng bằng tre ấy cũng là cách bảo tồn văn hóa Việt. Và một hy vọng như nhà thơ Nguyễn Duy đã từng hy vọng:

   “Mai sau
   
Mai sau
   
Mai sau…
   
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.