Nhớ mùa Tết xưa con thành người lớn…

07/01/2023 22:36
388

PHAN TRÚC


Bấc về rào rạo mái tôn, quần nát đám lá chuối bên hiên nhà, trời giăng mắc sương đùng đục mỗi sáng và lũ én chấp chới bay lúc chiều tà…Bao dấu hiệu báo xuân đã về, lòng bồn chồn mong tới ngày được lên xe đò về quê sum họp gia đình.

   Con nhớ mẹ, nỗi nhớ lẫn thêm bao phần lo lắng. Giờ này ở quê mẹ chắc đang bắc cây thang mười mét trèo hái tiêu ngọn. Năm nào cũng vậy, tiêu chín lai rai từ đầu tháng chạp tới hết tháng hai, thành ra tết năm nào mẹ cũng đang dở tay hái tiêu. Nhà người ta bận rộn chuẩn bị tết còn mẹ cắm mặt vào vườn tiêu, nào hái, nào tuốt hạt, nào phơi, nào sàng tiêu lép… Tất tần tật công việc đều qua tay mẹ.

   Hái tiêu bao nỗi gian nan, cực nhọc ít ai biết. Trụ tiêu lâu năm cao hơn mười mét là thường. Muốn hái phải trải bạt dưới gốc thật rộng rồi bắc cây thang cao chừng ấy mét, trèo lên bứt từng chùm tiêu. Cả ngày đứng trên thang, tay thoăn thoắt hái vậy mà ai hái nhanh chừng được hai trụ, non mười lăm ký tiêu tươi, hái chậm thì được dăm bảy ký. Tiêu chín mà không kịp hái  rụng xuống đất phải bới lá nhặt rất lâu lại hao hụt nhiều, vậy nên thường phải thuê người hái. Ba mẹ trụ lại chòi rẫy coi nhân công, tiêu hái tới đâu dùng máy chà hạt tới đó, rồi đem phơi, sau đó dùng quạt sàng bỏ lép, còn lại những hạt tiêu chắc mẩy, đen bóng sẽ được vào bao, cất giữ đợi được giá thì bán.

   Con nhớ nhà bắt đầu làm tiêu từ năm con lên cấp ba. Hai chị đi làm xa, còn mình con là lớn nhất nên mẹ giao cho việc chợ búa, cơm nước, chăm lo hai em ở nhà để ba mẹ vào chòi rẫy thu hoạch tiêu. Một buổi đi học, một buổi đạp xe vào rẫy mang đồ ăn vào cho ba mẹ, rồi phụ nhặt tiêu chín rớt ở những trụ chưa hái kịp. Chòi rẫy không có điện, nước sinh hoạt kéo từng gầu từ giếng lên, thứ gì cũng thiếu thốn, đến muối mắm lỡ mà có hết cũng ngại đi mua vì quán tạp hóa gần nhất cũng cách năm bảy cây số. Thấy ba mẹ tất bật hái tiêu, tới bữa chỉ ăn vội đôi chén cơm rồi lại làm tiếp con xót lắm, thầm hứa phải phấn đấu học thành tài sau này báo hiếu cho ba mẹ.

   Rồi con vào thành phố trọ học, mỗi năm kết thúc thi học kỳ xong vội vã bắt xe về quê để phụ mẹ hái tiêu, chở tiêu khô từ chòi rẫy về nhà cất dành. Chòi rẫy vẫn như ngày nào, không điện, không ti vi, sặc mùi hăng nồng lên men của tiêu chưa khô ủ trong bạt qua đêm. Mọi thứ vẫn vẹn nguyên chỉ có ba mẹ là đổi khác, đen đúa và hằn thêm bao nếp nhăn trên trán. Con biết việc phải gánh thêm chi phí cho một đứa trọ học thành phố đã làm mái đầu ấy ngả màu muối tiêu. Nỗi xót xa lại chồng chất thêm trong lòng.

   Mẹ bảo năm nay tiêu được giá nên phải canh đến gần giao thừa mới về được, sáng mồng một vào sớm. Mẹ giao việc cúng kính, đơm bàn thờ cho con. Năm đầu tiên làm công việc chuẩn bị tết cho gia đình con lúng túng không biết mua gì. Con ra chợ hỏi thăm những bà lớn tuổi, đắn đo lựa chọn trái cây sao cho màu sắc hài hòa, chọn bình hoa nở lâu đặng rước lộc vào nhà. Tục quê nhà nào cũng đơm thơm, xoài, dừa, đu đủ, chuối, bưởi. Loay hoay cả buổi sáng ba mươi mới dọn dẹp, bày đơm bàn thờ xong xuôi. Chiều tới lại bắt gà làm thịt, tréo cánh luộc, nấu cơm cúng tổ tiên.

   Đêm ba mươi, theo tục lệ phải làm mâm cơm cúng giao thừa. Những năm trước có mẹ lo lắng tất cả, con ngủ khì đến khi thức dậy thì đã sáng mồng một không biết đến giao thừa là gì, năm nay mẹ giao nhiệm vụ làm cơm cúng giao thừa cho nên con không dám ngủ. Thức canh đồng hồ chờ mười giờ đêm mới đi làm gà nấu cơm cúng, vừa bày biện xong mâm cơm cúng thì ba mẹ về, mệt mỏi với bao tiêu nặng phía sau xe.

   Ba thắp nhang lên bàn thờ lầm rầm khấn vái tổ tiên xong cũng là lúc pháo hoa nổ đùng đùng phía ngoài thị trấn dội vào. Con trèo lên cây điều cạnh nhà ngắm từng chùm pháo đủ màu sáng rực góc trời đằng xa trong niềm hân hoan vô cùng. Vậy là năm đầu tiên con đón giao thừa, cũng là năm đầu tiên con thành người lớn trong mắt ba mẹ…

   Bao mùa tiêu chín đi qua, đôi vai mẹ oằn thêm, giá tiêu hạ từng năm, người nông dân lao đao bởi chi phí cao mà lợi nhuận không là bao. Mấy chị em lần lượt đi lấy chồng xa, chỉ còn hai ông bà già quanh quẩn ở nhà. Mẹ trụ với vườn tiêu không nổi phải đành bán đi, chị em con lấy chồng xa qua mồng mới về nhà được, năm nào hai vợ chồng già cũng lủi thủi đón giao thừa. Nơi quê chồng, cứ mỗi năm vào đêm ba mươi, con lại thức, phần vì giờ đã thành trụ cột gia đình, phần vì nhớ ba mẹ, nhớ mùi tiêu hăng nồng, nhớ chòi rẫy thiếu thốn cực khổ, nhớ những tháng năm nghèo khó mà thấm đượm tình cảm gia đình.

   Qua mùng hai Tết, con lại hối hả bắt chuyến xe đầu năm trở về quê mẹ, về mái nhà xưa cạnh gốc điều già, tíu tít cười nói cùng gia đình mình. Nay thấy bấc về xào xạc vườn chuối mà mong tết, mong trèo lên chuyến xe đầu năm để được về cạnh mẹ, được nói cười, được ăn mâm cơm đủ đầy thành viên, thấy nụ cười hạnh phúc của mẹ bên con cháu…