Người tài và nghịch cảnh

07/05/2023 00:00
454

NGUYỄN HIỆP


Thông thường khi con người đối mặt với nghịch cảnh thì hoặc chạy trốn, cố quên đi hoặc nhìn thẳng vào khó khăn và chống chọi. Tôi rất thích câu nói của Mike Leavitt, Bộ trưởng Bộ Y tế của Mỹ: “Một khó khăn rồi cũng có lúc đủ lớn để có thể nhìn rõ nó và cũng đủ nhỏ để có thể giải quyết nó”. Nếu nghĩ tích cực như vậy thì rõ ràng khó khăn cũng là cơ hội cho những người biết kiên nhẫn, biết đột phá ngay trong chính nghịch cảnh của mình để tạo ra những giá trị sống, giá trị sáng tạo lớn lao. Ta gọi đó là những người tài.

   Xin có vài điều ngẫm ngợi về hai chữ “người tài” nhân một sự kiện văn học gần đây là việc trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 cho nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) và nhà văn Nguyễn Bích Lan (Hà Nội), cả hai đều đã nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, cống hiến cho đời những trang viết giá trị, có sức lan tỏa.

   Hòa bị sốt bại liệt năm 2 tuổi. Di chứng nặng nề liệt tay phải và nửa tay trái, di chứng tiến triển thành bệnh cột sống, ảnh hưởng đến vận động. Chỉ viết bằng ba ngón tay còn lại trong tư thế nằm nghiêng nhưng Hòa đã in 14 quyển sách, trong đó có 7 quyển cho thiếu nhi, 7 quyển truyện ngắn và tản văn. Giải nhất cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ quân đội (2013- 2014), giải nhất cuộc Vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2013 – 2015), giải tư cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 ( 2015 – 2018)... , đó là những giải thưởng danh giá nhiều người mơ ước.

   Bích Lan mắc chứng bệnh loạn dưỡng cơ vào năm 14 tuổi. Đời sống bình thường thôi đã khó nhọc nhưng Lan là dịch giả của nhiều đầu sách nổi tiếng như: “Cây cam ngọt của tôi”, “Được học”, “Triệu phú khu ổ chuột”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” và khoảng 40 đầu sách dịch khác. Năm 2010, Lan nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Triệu phú ổ chuột” và trở thành hội viên Hội Nhà văn. Năm 2020, cuốn sách “Được học” - tự truyện của Tara Westover, do Lan dịch đoạt giải C sách Quốc gia.

   Khách quan mà nói, sự thể hiện tài năng ở đây là tác phẩm, là sản phẩm lao động đạt chất lượng cao. Thừa nhận được điều đó trong suy xét, đánh giá bình thường, bởi những người đủ uy tín về chuyên môn, chúng ta mới trả được sự công bằng cho họ.  Nhưng vấn đề tôi ngẫm ngợi nhiều hơn là những khó khăn cùng cực đã thúc đẩy sự tập trung cao độ, thúc đẩy sáng tạo của họ. Khi trò chuyện, phỏng vấn hai nhà văn tài năng này, tôi đã nhận ra một điều chung ở họ đó là thái độ thức tỉnh và tiến về phía trước bằng chính sự khác biệt của mình. Chính động lực lớn lao trong các yếu tố đời sống khác biệt đã tạo nên nhà văn Kim Hòa, Bích Lan và vô vàn người tài khác.

   Ở miền Nam, trước năm 1975, dường như ai cũng biết đến hiện tượng Nguyễn Hiến Lê- Lộc Đình. Ông đã viết và xuất bản hơn 90 quyển sách trong nhiều lĩnh vực như văn học, ngôn ngữ học, triết học, sử học, gương danh nhân, giáo dục, tự luyện trí đức, cảo luận, du ký, ông cũng đã có hàng chục công trình dịch thuật đáng giá, trong đó có tác phẩm đồ sộ và nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình”…  Có riêng đủ một tủ sách Nguyễn Hiến Lê, từ người ít học cho đến dân trí thức miền Nam đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những quyển sách ông viết ra. 

   Sự nghiệp đồ sộ là vậy, tài năng xuất chúng ở nhiều lĩnh vực là vậy nhưng ít ai biết được ông là người tự học cả đời, cái bằng tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh là nền móng cơ bản để ông dấn sâu vào con đường tự học gian nan của mình. Ông đã “viết để học và học để viết”, học đến thông thạo Hán ngữ, Anh ngữ, uyên thâm nhiều lĩnh vực, vừa đi làm kiếm sống vừa học với những khó khăn vô vàn từ dọc đường mưu sinh.

   Chính cuộc đời phấn đấu vươn lên, cống hiến không biết mệt mỏi của những con người tài năng ấy đã nêu gương, đã gửi đến chúng ta bài học sâu sắc: Nếu nghịch cảnh trở nên tệ hại thì đừng tệ hại theo chúng, đó là cách biến thái độ thành nhân tố tạo nên sự khác biệt.